Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra dự án Pháp lệnh giống vật nuôi (sửa đổi)

07/09/2016

Sáng 7/9, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp toàn thể lần thứ 2, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra dự án Pháp lệnh giống vật nuôi sửa đổi. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám chủ trì phiên họp.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra dự án Pháp lệnh giống vật nuôi (sửa đổi)

Trình bày Tờ trình Dự án Pháp lệnh giống vật nuôi (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám nêu rõ, Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2004 và các văn bản có liên quan đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy sự phát triển và tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực giống vật nuôi. Bên cạnh những kết quả đạt được, sau hơn 10 năm triển khai thi hành, Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2004 đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế.

Để khắc phục được các bất cập nêu trên; đồng thời, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, việc xây dựng, ban hành Pháp lệnh giống vật nuôi (sửa đổi) là thực sự cần thiết.

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến giống vật nuôi, Pháp lệnh giống vật nuôi sửa đổi gồm 7 Chương và 42 Điều quy định về: Khảo nghiệm, công nhận giống vật nuôi mới, danh mục giống vật nuôi; Bảo tồn nguồn gen, nghiên cứu, chọn, tạo giống vật nuôi mới; Sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi; Quản lý chất lượng giống vật nuôi; Xuất, nhập khẩu giống vật nuôi… Pháp lệnh sửa đổi có nhiều điểm mới về các chính sách của Nhà nước (Điều 5 dự thảo Pháp lệnh); Quy định cụ thể điều kiện kinh doanh giống vật nuôi (Chương IV); Quy định chặt chẽ về quản lý chất lượng con giống (Chương V); Quy định về xuất, nhập khẩu (Chương VI)…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí về sự cần thiết ban hành pháp lệnh Giống vật nuôi như Tờ trình của Chính phủ đã nêu. Dự thảo pháp lệnh Giống vật nuôi sửa đổi được xây dựng trên cơ sở tổng kết và kế thừa thực tiễn hơn 12 năm thi hành Pháp lệnh giống vật nuôi; nội dung dự thảo đã bổ sung thêm nhiều nội dung mới phù hợp với thực tiễn quản lý và yêu cầu hội nhập quốc tế nên về cơ bản bảo đảm tính khả thi.

Tuy nhiên, vẫn cần làm rõ thêm tính hợp lý của việc quy định yêu cầu khảo nghiệm giống vật nuôi mới; Quy định cho phép tổ chức, cá nhân tự khảo nghiệm và chịu trách nhiệm về kết quả khảo nghiệm; Thẩm quyền ban hành Danh mục giống vật nuôi cấm sản xuất, kinh doanh, Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu và Danh mục bảo tồn giống vật nuôi; Tính khả thi của quy định về trình độ kỹ thuật đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh đàn giống thương phẩm.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần điều chỉnh đối với động vật dùng làm cảnh, vật nuôi hoang dã như chim yến, giun, chồn, dúi… hoặc làm rõ Pháp lệnh có điều chỉnh đối với động vật nuôi thuộc loài nguy cấp, quý hiếm.

Về nguyên tắc hoạt động trong lĩnh vực giống vật nuôi, một số đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc Công tác quản lý giống vật nuôi là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân bảo đảm phù hợp với tiến bộ khoa học kỹ thuật trên thế giới.

Để đáp ứng yêu cầu chăn nuôi theo hướng hiện đại, kiểm soát tốt nguồn giống trên thị trường, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung và làm rõ hơn các chính sách như: Đầu tư cho nghiên cứu chọn tạo dòng, giống vật nuôi có tính kháng bệnh cao, giống công nghệ cao; Tăng cường đầu tư nâng cao năng lực cho các cơ sở nghiên cứu chọn tạo giống, đặc biệt là nghiên cứu công nghệ cao và công nghệ sinh học; Đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu giống quốc gia, lưu trữ, bảo tồn giống gốc.

Các đại biểu cho rằng, Ngành chăn nuôi là lĩnh vực quan trọng, luôn chiếm tỷ trọng cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp (gần 30%). Nhiều pháp lệnh trong lĩnh vực nông nghiệp sau một thời gian thực thi khi sửa đổi đều được nâng cấp lên thành Luật như: Luật Phòng, chống thiên tai; Luật thú y; Luật Thủy sản; Luật bảo vệ và phát triển rừng; Luật Đa dạng sinh học… Do vậy, Pháp lệnh giống vật nuôi cũng cần nâng cấp ở tầm luật để đảm bảo tính tương thích, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Tin và ảnh: Đặng Mai