Trình bày Tờ trình Dự án Pháp lệnh giống cây trồng (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, trồng trọt là nền tảng của sản xuất nông nghiệp, cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân, nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến, là cơ sở để phát triển chăn nuôi và còn là nguồn xuất khẩu có giá trị. Pháp lệnh giống cây trồng 2004 và các văn bản có liên quan đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy sự phát triển và tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực giống cây trồng. Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 12 năm triển khai thi hành, Pháp lệnh giống cây trồng 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế.
Để khắc phục được các bất cập, đồng thời, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, việc xây dựng và ban hành Pháp lệnh giống cây trồng (sửa đổi) là thực sự cần thiết.
Dự thảo Pháp lệnh giống cây trồng (sửa đổi) gồm có 09 Chương, 43 Điều quy định về Quản lý, bảo tồn nguồn gen cây trồng; Nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng mới và bình tuyển cây mẹ, cây đầu dòng; Khảo nghiệm và Công nhận giống cây trồng mới; Sản xuất giống cây trồng; Kinh doanh, xuất khẩu và nhập khẩu giống cây trồng; Quản lý chất lượng giống cây trồng; Thanh tra và xử lý vi phạm về giống cây trồng...
Thẩm tra dự án Pháp lệnh giống cây trồng (sửa đổi), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí về sự cần thiết ban hành pháp lệnh như Tờ trình của Chính phủ đã nêu. Sau 12 năm thực thi pháp lệnh, công tác giống đã góp phần quan trọng vào nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng cây trồng; đã chọn tạo đưa vào sản xuất 1.000 giống các loại; đưa tổng kim ngạch xuất khẩu ngành trồng trọt chiếm 44,8% trong nông nghiệp.
Tuy nhiên, trước yêu cầu hội nhập quốc tế, đặc biệt từ sau khi Việt Nam tham gia tổ chức thương mại thế giới WTO, hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP)... thì việc ban hành pháp lệnh sửa đổi còn nhằm thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu, đưa nhanh giống mới vào sản xuất; tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp giống nước ta. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy Pháp lệnh giống cây trồng đã cơ bản thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, phù hợp với chiến lược phát triển ngành trồng trọt, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Về cơ bản, các quy định trong dự thảo Pháp lệnh phù hợp với Hiến pháp, hệ thống pháp luật hiện hành và tính tương thích với các điều ước, pháp luật quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định trong dự thảo Pháp lệnh chưa thực sự phù hợp với pháp luật hiện hành như quy định điều kiện đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ khảo nghiệm giống cây trồng mới (Điều 17) chưa phù hợp với quy định tại khoản 3, điều 7 và điều 8 của Luật đầu tư… Ban soạn thảo cần phải rà soát kỹ hơn để tránh chồng chéo với các quy định pháp luật hiện hành.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tập trung cho ý kiến về sự cần thiết của việc ban hành Pháp lệnh Giống cây trồng sửa đổi, việc có nên nâng lên thành Luật trồng trọt hay vẫn giữ Pháp lệnh cây trồng; Nguyên tắc hoạt động giống cây trồng; Chính sách của Nhà nước về giống cây trồng; Khảo nghiệm và công nhận giống cây trồng mới; sản xuất, mua bán giống cây trồng…
Các đại biểu đánh giá dự án Pháp lệnh Giống cây trồng sửa đổi được chuẩn bị tương đối công phu. Ban soạn thảo đã đánh giá, tổng kết 10 năm thi hành pháp lệnh giống cây trồng, tham khảo kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và trên thế giới và pháp lệnh quốc tế về giống cây trồng; đánh giá tác động của việc ban hành dự thảo Pháp lệnh giống cây trồng (sửa đổi). Nội dung dự thảo Pháp lệnh có nhiều quy định đổi mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Về nguyên tắc hoạt động giống cây trồng, có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nghiên cứu, chọn tạo và quản lý nhà nước về giống cây trồng; Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu, quyền tác giả giống cây trồng mới, phát huy quyền tự chủ, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động về giống cây trồng; Bảo đảm thuận lợi hoạt động thương mại giống cây trồng…
Nhiều đại biểu cho rằng, Pháp lệnh giống cây trồng có thực tiễn thực thi hơn 12 năm, nội dung sửa đổi pháp lệnh khá căn bản. Nếu đặt vấn đề sửa đổi ở tầm Pháp lệnh thì hiệu lực quản lý không cao, không tương thích với pháp luật trong nước và quốc tế về vấn đề này; đề nghị cho phép điều chỉnh, nâng cấp dự án Pháp lệnh giống cây trồng (sửa đổi) thành Luật trồng trọt.