Quốc hội thông qua Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

25/06/2015

Sáng 25/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo với 91,50% đại biểu Quốc hội tán thành.

Ảnh: Nam Nguyễn

Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trình Quốc hội xem xét thông qua.

Theo báo cáo, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung theo góp ý của các đại biểu Quốc hội như bổ sung chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; bổ sung nguyên tắc quản lý tổng hợp phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái và nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận biển của cộng đồng và nguyên tắc bảo đảm ưu tiên cho lợi ích lâu dài và lợi ích của cộng đồng trong phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ...

Về kiến nghị bổ sung quy định về phòng ngừa sự cố tràn dầu trên biển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc phòng ngừa, khắc phục, xử lý sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan. Do đó Luật này chỉ quy định cụ thể một số vấn đề đặc thù trong ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển.

Liên quan đến quy định về trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành trong quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên biển và hải đảo đối với các loại tài nguyên cụ thể đã được quy định và thực hiện theo pháp luật chuyên ngành như về thủy sản, khoáng sản, dầu khí, du lịch...; trách nhiệm bảo vệ môi trường biển cũng được quy định trong Luật bảo vệ môi trường.

Do đó, Luật này chỉ tập trung quy định về các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng; giao Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, Bộ Tài Nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trình Quốc hội thông qua gồm 10 chương 81 điều.

Luật quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam. Hoạt động bảo vệ môi trường, quản lý, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển và hải đảo thực hiện theo quy định của các luật có liên quan và bảo đảm phù hợp với các quy định tại Luật này.

Luật xác định kể từ thời điểm Luật này được công bố, giữ nguyên hiện trạng, không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển xác định theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho đến khi hành lang bảo vệ bờ biển được thiết lập theo quy định của Luật này, trừ một số trường hợp xây dựng công trình mới phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, sạt lở bờ biển, ứng phó biến đổi khí hậu; dự án phục vụ lợi ích quốc gia, cộng đồng hoặc dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư hay cấp giấy phép đầu tư trước thời điểm luật được công bố.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển có trách nhiệm thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển thuộc phạm vi quản lý.

Các quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên của ngành, địa phương, quy hoạch phát triển ngành, địa phương được tiếp tục thực hiện cho đến khi được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được phê duyệt.

Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

Bảo Yến