NHIỀU VẤN ĐỀ MỚI PHÁT SINH ẢNH HƯỞNG TRỰC TIẾP TỚI CÔNG TÁC BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

28/07/2022

Chiều ngày 28/7, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường có cuộc làm việc với Bộ Tài chính đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Đình Thi chủ trì cuộc làm việc.

Đề xuất các giải pháp, phương thức giải quyết tranh chấp hữu hiệu giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa

Hà Nội: Đa số người tiêu dùng chưa ý thức được trách nhiệm tự bảo vệ quyền lợi của bản thân

Tham dự cuộc làm việc còn có Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải cùng các thành viên của Ủy ban; Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai; Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Nguyễn Mạnh Hùng cùng cán bộ lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội; các đơn vị của Bộ Tài chính.


Toàn cảnh cuộc làm việc 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Trong gần 12 năm thực thi vừa qua (2011-2022), các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ; đồng thời kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam. Có thể nói, việc ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là kết quả cụ thể, quan trọng và nổi bật của việc bám sát thể chế hóa những mục tiêu, định hướng đã được xác định trong các văn kiện của Đảng.

Về cơ bản, việc ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã góp phần tạo dựng một số kết quả nổi bật như: Bước đầu đã hình thành được một hệ thống cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương và hệ thống tổ chức xã hội trên cả nước. Luật đã ghi nhận những nguyên tắc cơ bản về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; ghi nhận các quyền cơ bản của người tiêu dùng cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; ghi nhận vai trò và quy định cơ chế hỗ trợ hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; ghi nhận vai trò và quy định cơ chế hỗ trợ hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Luật cũng đã quy định khá tổng quát và đẩy đủ trách nhiệm, hệ thống tổ chức các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo tiền đề để công nhận ngày 15/3 hàng năm là ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam; tạo cơ sở để ban hành Chương trình phát triển hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025.


Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu tại cuộc làm việc.

Trên cơ sở nền tảng như vậy, việc thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã góp phần nâng cao nhận thức xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; góp phần cải thiện, hạn chế và ngăn chặn một số hành vi, lĩnh vực có nguy cơ xâm hại quyền lợi người tiêu dùng; kêu gọi và huy động sự tham gia của nhiều chủ thể, bao gồm cả trong và ngoài nước, từ đó, góp phần đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.

Theo quy định tại Điều 47 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Trong giai đoạn 2011-2022 vừa qua, thực hiện nhiệm vụ là cơ quan cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Tài chính - ngân sách; hải quan; giá; chứng khoán; bảo hiểm…, Bộ Tài chính đã đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị chủ động triển khai các nội dung có liên quan đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các cơ quan, tổ chức liên quan để triển khai mạnh mẽ, hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Lo ngại từ kinh doanh, mua bán, thanh toán thông qua giao dịch điện tử

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, đó là trong những năm gần đây, nhiều vấn đề mới phát sinh có ảnh hưởng trực tiếp tới công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng hiện đang chưa được điều chỉnh phù hợp, gây lúng túng cho cơ quan chức năng trong việc xác định chế tài quản lý. Theo đó, cùng với sự xuất hiện của internet, mô hình kinh doanh theo dạng nền tảng đã công nghệ như Uber, Grap, shoppe,… Đối với việc thực hiện mô hình kinh doanh theo nền tảng công nghệ, có nhiều những mối lo ngại về sự công khai, minh bạch, của nền tảng, cơ chế hoạt động của nền tảng, bảo mật thông tin người dùng, phương thức tính giá của nền tảng, trách nhiệm pháp lý của nền tảng…

Thực tiễn cho thấy, hiện có nhiều chủ thể mới xuất hiện trong các mô hình giao dịch trên môi trường mạng, môi trường kỹ thuật số. Cùng với đó, nhiều hành vi biến tướng, lợi dụng môi trường kinh doanh gián tiếp thông qua các công cụ số có xu hướng ngày càng gia tăng, như: đánh cắp giữ liệu cá nhân của người dùng; mua bán, trao đổi dữ liệu cá nhân khi chưa có sự cho phép của người tiêu dùng; bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản phẩm cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh… Những nội dung này hiện đã và đang gây khó khăn cho các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện quản lý và giám sát.


Các đại biểu tham dự cuộc làm việc.

Xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển của mô hình giao dịch trực tuyến, các giao dịch trực tuyến có yếu tố tham gia của nước ngoài xuất hiện ngày càng nhiều. Kèm theo đó là các vấn đề liên quan đến xác định cơ quan giải quyết, luật áp dụng giải quyết và quy trình giải quyết khi có tranh chấp phát sinh. Để giải quyết yêu cầu này, cần có sự phối hợp của Chính phủ giữa các nước có liên quan, cần có các quy định pháp luật nhằm tạo cơ sở để thực hiện các cơ chế, chính sách phối hợp trong việc giải quyết các tranh chấp xuyên biên giới.

Trước những khó khăn, bất cập trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền. Đối với Quốc hội, Bộ Tài chính yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng chính quyền và đoàn thể các cấp tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; phát huy vai trò tiên phong, giám sát của chi bộ, đảng viên trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy chuyên trách, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đẩy mạng công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhận sản xuất, kinh doanh hoàng hóa, dịch vụ và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, Quốc hội cần chỉ đạo việc xây dựng và thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng, giải quyết được các tồn tại, hạn chế của thực tế, tiếp tục nâng cao hiệu quả

Đối với Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thự hiện Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó là sớm trình Quốc hội dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và ban hành các Nghị đinh hướng dẫn để triển khai sau khi Luật Bảo về quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được thông qua.

Đối với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong việc hoàn thiện và triển khai các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) về việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Đối với các Bộ, ngành, địa phương, cần tăng cường triển khai thực hiện Nghị quyết số Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thự hiện Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, phân công đơn vị đầu mối và cơ chế phối hợp trong triển khai hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong phạm vi quản lý. Tăng cường vai trò của lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chủ động đưa ra các giải pháp về huy động các nguồn lực xã hội hóa, ngoài ngân sách trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tại cuộc làm việc, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào đánh giá một cách khách quan, khoa học về việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong thời gian qua cũng như những khó khăn, bất cập ở các địa phương. Kinh phí dành cho việc bảo vệ người tiêu dùng còn hạn chế nên cần tăng cường công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư để thực hiện tốt vấn đề này.

Một số đại biểu khác đề nghị nâng cao vai trò trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp để vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp sản xuất hàng hóa với người tiêu dùng. Trách nhiệm quản lý của Bộ về lĩnh vực giá, bảo hiểm, hải quan, giao dịch trên nền tảng số; bảo vệ người tiêu dùng khi giao dịch mua bán hàng hóa, thanh toán trên các nền tảng công nghệ...

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hải Nam đánh giá cao Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời khẳng định, hiện nay người dân mua bán hàng hóa thông qua giao dịch điện tử rất nhiều, thông qua nhiều nền tảng công nghệ khác nhau. Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Bộ Tài chính cần phối hợp với các Bộ ngành khác chú trọng nhiều hơn đến vấn đề bảo mật thông tin của người mua bán sản phẩm, hàng hóa; thông tin rõ ràng về chất lượng sản phẩm trong giao dịch điện tử.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu Kết luận cuộc làm việc.

Phát biểu Kết luận tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi đánh giá cao Báo cáo của Bộ Tài chính về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được yêu cầu đề ra. Báo cáo đã cho thấy, Bộ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng từ công tác xây dựng, ban hành văn bản pháp luật cho đến kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện các chính sách pháp luật cũng như quản lý việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bộ Tài chính có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đối với việc quản lý bảo hiểm nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi đề nghị Bộ Tài chính cần có báo cáo thêm về giao dịch bảo hiểm để tổ chức nghiêm túc trên thực tế. Về lĩnh vực thuế, hải quan là các lĩnh vực rất quan trọng đến giao dịch của người tiêu dùng nên Bộ cũng cần có báo cáo rõ hơn về số liệu, thống kê. Ngoài ra, Bộ cũng cần làm rõ hơn về việc bố trí nguồn lực thông qua các hình thức huy động, xã hội hóa để thực hiện tốt hơn cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cũng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Đoàn giám sát cũng như các đại biểu tại cuộc làm việc để hoàn thiện Báo cáo gửi Ủy ban xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp vào giữa tháng 8 tới./.

Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:


Đoàn đại biểu của Bộ Tài chính tham dự cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.


Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải yêu cầu Bộ Tài chính đề cập rõ hơn về nguồn lực thực hiện việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và có sự đánh giá xem việc sử dụng nguồn lực hiệu quả như thế nào. 

Phó Trưởng ban Dân nguyện Lê Thị Nguyệt đề xuất sử dụng nguồn tiền xử phạt vi phạm vào nguồn kinh phí bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Bộ Tài chính có sự đánh giá tác động khi giá xăng dầu tăng kéo theo các mặt hàng khác cũng tăng theo nhằm bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho người tiêu dùng.

Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) Trần Thị Quỳnh Nga đề cập nguồn lực dành cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 Phó Cục trưởng Cục Quản lý bảo hiểm Nguyễn Quang Huyền đề cập về chính sách, giải pháp bảo vệ người tiêu dùng khi mua bảo hiểm.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Đặng Công Khôi nêu quan điểm: Cần niêm yết giá để công khai minh bạch cho người tiêu dùng để họ lựa chọn có nên mua sản phẩm hàng hóa hay không, mua ở nơi này hay nơi khác.

 Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh bày tỏ ý kiến là các nhà mạng cần phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công thương và các đơn vị liên quan trong việc quản lý giao dịch và thanh toán. 


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Đình Thi phát biểu tại cuộc làm việc, yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Đoàn giám sát cũng như các đại biểu tại cuộc làm việc để hoàn thiện Báo cáo gửi Ủy ban xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp vào giữa tháng 8 tới.

Bích Lan - Nghĩa Đức

Các bài viết khác