ĐOÀN GIÁM SÁT UỶ BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC TẠI ĐỒNG NAI

11/07/2022

Ngày 11/7, Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Tuấn Anh làm trưởng đoàn đã khảo sát và làm việc với tỉnh Đồng Nai về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH).

 

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, nhiều năm qua, các chỉ tiêu về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải các loại đều hoàn thành theo mục tiêu được đề ra tại Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Trong đó, chỉ tiêu về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt đạt 100%, tỷ lệ chôn lấp CTRSH sau xử lý dưới 15%. Đã có 310.530 hộ dân thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn (đạt 35% số hộ dân toàn tỉnh), với khối lượng là 594 tấn/ngày (đạt 32% tổng khối lượng phát sinh toàn tỉnh). Tham gia thu gom có 167 đơn vị gồm: Trung tâm công ích cấp huyện, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác… Trong đó, có 145 xe chuyên dụng, xe ép rác; 63 trạm trung chuyển/điểm san tiếp rác.


Quang cảnh cuộc làm việc - Ảnh: Lan Chi

Tuy nhiên, việc thu gom vẫn đang sử dụng 209 phương tiện thô sơ, lạc hậu, dẫn đến tình trạng rơi vãi rác, nước rỉ rác. Hiện nay mới có 14/63 Trạm trung chuyển cơ bản đáp ứng QCVN 01:2020/BXD; còn 49 trạm trung chuyển /điểm san tiếp rác tạm thời, không đảm bảo quy định về xây dựng. Đây là vấn đề tồn tại lớn, không bảo đảm các quy định về xây dựng, bảo vệ môi trường. Về vấn đề này, các đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh và chính quyền các địa phương quan tâm sớm giải quyết triệt để đầu tư các trạm trung chuyển đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Về quy hoạch và thực hiện quy hoạch các trạm trung chuyển, khu xử lý tập trung, Đồng Nai đã phê duyệt quy hoạch 9 Khu xử lý chất thải rắn; tổng diện tích đất khoảng 459,5 ha. Trong đó đã giao và ký hợp đồng thuê đất với doanh nghiệp khoảng 296,35 ha; với tổng cộng 17 dự án (trong đó 3 dự án đã ngưng tiếp nhận chất thải; 3 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng; 11 dự án đang hoạt động). Nhưng đến nay Đồng Nai vẫn chưa cụ thể các nội dung liên quan về cơ sở hạ tầng điểm trung chuyển phù hợp, phạm vi phục vụ theo quy hoạch của các khu xử lý hiện nay không thể thực hiện được theo quy hoạch. Trong quá trình triển khai dự án, chủ dự án tập trung nhiều cho các công nghệ xử lý chất thải nguy hại và công nghiệp thông thường, chưa quan tâm đúng mức cho việc đầu tư các hạng mục công trình xử lý, tái chế CTRSH.

Tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn UBND tỉnh thực hiện đấu thầu xử lý chất thải rắn sinh hoạt với thời hạn tối thiểu 5 năm lần; Bộ Tài chính ban hành định mức xây dựng giá trần xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo các phương pháp xử lý để tạo thuận lợi và thống nhất về giá xử lý chất thải trên cả nước. Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể về tỷ lệ tối đa mà ngân sách địa phương được phép bù đắp theo quy định làm cơ sở địa phương triển khai.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Tuấn Anh ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, doanh nghiệp. Đối với những khó khăn, vướng mắc, Đoàn sẽ tổng hợp, chuẩn bị báo cáo để phục vụ cho Phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý CTRSH sắp tới của Ủy ban.


Đoàn công tác khảo sát Khu xử lý chất thải Quang Trung, Xã Quang Trung, huyện Thống Nhất - Ảnh: Lan Chi

Trước đó, Đoàn công tác đã khảo sát Khu xử lý chất thải Quang Trung, Xã Quang Trung, huyện Thống Nhất; Dự án điện rác tại Khu xử lý Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu và Trạm trung chuyển CTRSH tại xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)

Các bài viết khác