Lịch sử Quốc hội Việt Nam - Tập 3

29/03/2013

Ngày 30-4-1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Yêu cầu cấp bách sau ngày toàn thắng là nhanh chóng thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Vì vậy, tháng 11-1975, đoàn đại biểu hai miền Nam - Bắc đã họp Hội nghị hiệp thương chính trị tại thành phố Hồ Chí Minh quyết nghị “cần hoàn thành thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là sự thống nhất trọn vẹn nhất”. Trong toàn bộ quá trình hoàn thành thống nhất Tổ quốc, khâu chính là thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Vì vậy, Hội nghị hiệp thương chính trị quyết định tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên cả nước Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung thống nhất. Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất được tổ chức ngày 25-4-1976. Đây là lần thứ hai cuộc Tổng tuyển cử được tổ chức trong cả nước sau lần đầu tổ chức ngày 6-1-1946.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất đã thông qua Nghị quyết Quốc hội được bầu trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 25-4-1976 là Quốc hội khoá VI nhằm thể hiện tính liên tục của Nhà nước qua các giai đoạn đấu tranh cách mạng. Quốc hội quyết định lấy tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm khẳng định Việt Nam là một nước độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.

Trải qua 16 năm (1976-1992), Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ khóa VI đến khóa VIII hoạt động trong thời kỳ cả nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội với những thuận lợi đan xen những khó khăn, thử thách. Với những dấu ấn quan trọng trong ba khoá làm việc như: Quyết định về tên nước, quy định Quốc kỳ, Quốc huy, Thủ đô và Quốc ca của nước Việt Nam thống nhất; xây dựng và thông qua Hiến pháp 1980 (khoá VI); thông qua Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Bộ luật Hình sự (1985); sửa đổi, bổ sung và thông qua Hiến pháp 1992 (khoá VIII); bầu các cơ quan cấp cao và các chức vụ lãnh đạo cấp cao của Nhà nước; quyết định phân vạch địa giới hành chính các tỉnh, thành phố; phê chuẩn, giám sát việc thực hiện các chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước, kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm, v.v., Quốc hội Việt Nam đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ lịch sử trọng đại, từng bước đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thử thách trên hành trình tìm tòi con đường đổi mới.

 

Xem chi tiết

Nguồn: (Nguồn: Văn phòng Quốc hội)