70 năm Quốc hội Việt Nam- những trang lịch sử bằng hình ảnh

13/01/2016

Cuốn sách được mở đầu bằng hình ảnh bản đồ Việt Nam, Quốc huy và ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, Chính phủ tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II. Những hình ảnh này đã nêu bật và khái quát vị trí, vai trò của Quốc hội Việt Nam theo đúng tinh thần được nêu trong tuyên ngôn tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I ngày 2/3/1946: “Chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thuộc về toàn thể nhân dân Việt Nam, Vận mệnh quốc gia Việt Nam ở trong tay Quốc hội Việt Nam… Các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam đều có quyền hạn và nhiệm vụ ngang nhau”.

Những dấu mốc lịch sử

Những bức ảnh về Quốc dân Đại hội Tân Trào, Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã làm sống lại không khí trong những ngày đầu tiên của Cách mạng Việt Nam, sôi sục khí thế của quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Đây là lần đầu tiên, hơn cả những giấc mơ, người dân Việt Nam từ thân phận một nước thuộc địa, đã được cầm lá phiếu bầu các đại biểu đại diện cho mình vào Quốc hội- cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Giai đoạn này, có thể nói lịch sử cách mạng Việt Nam mang đậm dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với những bức ảnh tư liệu quý do Thông tấn xã Việt Nam lưu trữ và phát đi như: bức ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên biển người trước Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên lễ đài đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đại biểu được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trong ngày ra mắt cử tri Hà Nội. Đặc biệt, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được in trên trang nhất báo Quốc hội ra ngày 6/1/1946 và câu nói của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị: “Làm việc nước bây giờ là là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghi đến lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất quyết không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ ấy”.

Quốc hội khóa I- bước nhảy vọt về thể chế dân chủ cộng hòa

Ra đời sau khi nước vừa giành được độc lập, Quốc hội Việt Nam ngay lập tức gánh vác những trách nhiệm lớn lao, đại biểu Quốc hội đại diện cho toàn thể quốc dân đồng bào đã lập nên Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đối phó với thù trong giặc ngoài để bảo vệ nền độc lập mong manh vừa mới giành được. Những bức ảnh quý còn được lưu trữ đến nay đã được trình bày để làm nổi bật vai trò của Quốc hội Việt Nam trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước: quyết định toàn quốc kháng chiến, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ký kết hiệp định Geneve và đấu tranh đòi thi hành hiệp định, quyết định về Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa I.

Thực hiện quyền lập hiến và lập pháp, Quốc hội khóa I đã thông qua hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 là Hiến pháp năm 1959 và nhiều đạo luật quan trọng khác nhằm động viên sức dân cho cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi cuối cùng với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và việc ký kết hiệp định Geneve, buộc Pháp rút khỏi Đông Dương.

Quốc hội với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cuộc đấu tranh ở miền Nam, thống nhất đất nước.

Hơn 60 trang sách trong phần này tập hơn hơn 100 bức ảnh là những tư liệu quý về Quốc hội khóa II, khóa III, khóa IV và khóa V phản ánh một thời chiến tranh đầy hy sinh gian khổ của nhân dân cả nước, trong khi miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam đấu tranh chống Mỹ - Ngụy. Dấu ấn của những bức ảnh cùng các bài viết, chú giải cho thấy một giai đoạn mà Quốc hội Việt Nam đã hoạt động hiệu quả tập trung cao nhất vào việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đan xen hình ảnh về hoạt động của Quốc hội là những bức ảnh phản ánh không khí lao động sôi nổi, hăng say của người dân miền Bắc thực hiện các kế hoạch kinh tế thời chiến, là những chiến công của đồng bào miền Nam, từng bước làm thất bại những chiến dịch chiến tranh quy mô lớn của Mỹ- Ngụy ở cả hai miền Nam Bắc, đưa cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến thắng lợi cuối cùng với chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975.

Quốc hội Việt Nam thống nhất với công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.

Thời gian từ 1975 đến 2011, trải qua 6 khóa Quốc hội, mặc dù đất nước đã thống nhất, chiến tranh đã kết thúc nhưng Quốc hội Việt Nam vẫn phải vượt qua nhiều thử thách. Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, Quốc hội đã nỗ lực tự đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Dấu ấn của thời kỳ này là những thay đổi ngoạn mục của đất nước từ khi Đổi mới trên các mặt của đời sống kinh tế, xã hội và mở rộng hoạt động đối ngoại. Đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế- xã hội. Hoạt động của Quốc hội cũng từng bước được tổ chức chuyên nghiệp hơn, quy mô hơn

Quốc hội khóa XIII và dấu ấn kỷ niệm 70 năm Quốc hội Việt Nam

Khoảng 150 bức ảnh về Quốc hội khóa XIII đã được tập hợp trình bày theo các chủ đề với các điểm nhấn là việc thông qua Hiến pháp 2013, tổ chức thành công Đại hội đồng IPU- 132 tại Hà Nội và sự kiện đưa tòa nhà Quốc hội mới vào hoạt động trong năm 2014.

Được bầu ra trong bối cảnh Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội vừa được bổ sung, phát triển tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (1/2011), Quốc hội khóa XIII được giao nhiệm vụ to lớn là tạo ra những nền tảng để tiếp tục thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế của đất nước đi tới thành công. Những nỗ lực trong việc thực hiện những trọng trách đó đã tạo ra những dấu ấn đậm nét của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII để kỷ niệm 70 năm hình thành và hoạt động của Quốc hội Việt Nam.

Nguồn tư liệu ảnh phong phú

Theo ông Hoàng Minh Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thông tin- Văn phòng Quốc hội, thành viên nhóm biên soạn, cuốn sách đã được thực hiện trong suốt cả năm 2015, với rất nhiều nỗ lực tìm kiếm nguồn tư liệu ảnh từ kho lưu trữ của Thông tấn xã Việt Nam, Văn phòng Quốc hội, một số bảo tàng và rất nhiều các nguồn tư liệu cá nhân khác.

Nhóm biên soạn đã thu thập hàng ngàn bức ảnh, chú giải chi tiết, cẩn thận, sau đó lựa chọn, sắp xếp các bức ảnh theo thời gian, theo chủ đề. Giai đoạn từ 1975 trở về trước, nguồn tư liệu ảnh rất khan hiểm, việc tìm kiếm, chú giải những bức ảnh cũ tốn rất nhiều thời gian, công sức. Giai đoạn gần đây, nguồn ảnh rất nhiều, nhưng để lựa chọn những bức ảnh có ý nghĩa nhất cũng không kém phần “gian nan”.

Còn bà Lê Thị Thu Hương, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thông tấn cho rằng, “Mỗi loại hình thông tin đều có vai trò riêng. Nếu như truyền hình, báo in, báo điện tử cung cấp cho độc giả, khán giả những thông tin thời sự hàng ngày thì chúng tôi với cuốn sách ảnh này, muốn cô đọng, tổng kết về lịch sử Quốc hội Việt Nam, gắn với những bước ngoặt quan trọng của đất nước để từ đó làm nổi bật vai trò, những đóng góp của Quốc hội Việt Nam trong tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, đổi mới đất nước.

Sách ảnh 70 năm Quốc hội Việt Nam không chỉ giúp độc giả hiểu rõ hơn về lịch sử của Quốc hội, mà còn là nguồn tư liệu ảnh quý giá, phong phú, sinh động để độc giả có cái nhìn tổng thể, thấy rõ các bước tiến của Quốc hội Việt Nam sau 70 năm ra đời và hoạt động”.

Một số thông tin về sách ảnh “70 năm Quốc hội Việt Nam”

Sách dày: 360 trang

Số lượng ảnh: Hơn 500 ảnh

Song ngữ Việt - Anh

Do Nhà xuất bản Thông tấn xã Việt Nam và Vụ Thông tin Văn phòng Quốc hội phối hợp thực hiện.

Nguồn: (Vụ Thông tin Văn phòng Quốc hội)

Tác giả: (Do Nhà xuất bản Thông tấn xã Việt Nam và Vụ Thông tin Văn phòng Quốc hội phối hợp thực hiện.)