Văn kiện Quốc hội toàn tập - Tập VIII

25/07/2012

LỜI GIỚI THIỆU

Quốc hội khoá IX (1992-1997) được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp năm 1992. Theo bản Hiến pháp này, thì trong hệ thống chính trị của Nhà nước ta không có Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng như Hiến pháp năm 1980, thay vào đó là các cơ quan: Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ. Quốc hội khoá IX có nhiệm vụ tiếp tục thể chế hoá Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (6-1991) thông qua.

Quốc hội khoá IX hoạt động trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Đại hội VIII của Đảng (6-1996) khẳng định: nước ta đã ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội; nhiệm vụ do Đại hội Đảng VII đề ra cho 5 năm (1991-1995) được hoàn thành về cơ bản. Chúng ta đã vượt qua được một giai đoạn thử thách gay go và đạt những thắng lợi nổi bật trên nhiều mặt, tạo ra nhiều tiền đề cần thiết cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước giai đoạn tiếp theo. Trong 5 năm (1991-1995), nhịp độ bình quân hàng năm về tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8,2% (kế hoạch là 5,5% - 6,5%). Cơ cấu kinh tế có bước chuyển đổi: tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP từ 22,6% năm 1990 lên 29,1% năm 1995; dịch vụ từ 38,6% lên 41,9%. Lạm phát từ mức 67,1% năm 1991 giảm xuống còn 12,7% năm 1995. Quan hệ sản xuất được điều chỉnh phù hợp hơn với yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất, tạo ra được một số chuyển biến tích cực về mặt xã hội. Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh; thực hiện có kết quả một số đổi mới trong hệ thống chính trị. Phát triển mạnh quan hệ đối ngoại, tham gia tích cực vào đời sống cộng đồng quốc tế…

Tuy vậy, chúng ta còn có những mặt yếu kém và những vấn đề mới nảy sinh như: nền kinh tế vẫn mang tính chất nông nghiệp lạc hậu, công nghiệp còn nhỏ bé, kết cấu hạ tầng kém phát triển, cơ sở vật chất - kỹ thuật chưa xây dựng được nhiều; văn hoá, xã hội tuy đạt được thành tựu đáng kể, nhưng vẫn là lĩnh vực còn nhiều bức xúc, chưa được giải quyết; ổn định chính trị được giữ vững, song vẫn còn nhiều nhân tố phức tạp.

Trong bối cảnh nói trên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội khoá IX đã có nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động, góp phần đắc lực vào sự nghiệp đổi mới chung của đất nước.

Về hoạt động lập pháp: Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà Quốc hội khoá IX phải đảm nhiệm, nhằm thể chế đường lối đổi mới đất nước trên cơ sở Nghị quyết các Đại hội VI, VII, VIII của Đảng và Hiến pháp năm 1992. 41 luật, bộ luật và 43 pháp lệnh đã ban hành, thể hiện sự cố gắng lớn của Quốc hội, góp phần khẳng định vai trò của Quốc hội trong công tác lập pháp. Đáng chú ý là các văn bản pháp luật về mấy vấn đề sau:

Về lĩnh vực kinh tế: Quốc hội đã ban hành các đạo luật cần thiết, nhằm thiết lập hệ thống pháp luật nhất quán, tạo môi trường, ổn định và thuận lợi cho sự phát triển các thành phần kinh tế, góp phần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, trong đó có việc đổi mới chính sách tài chính, tiền tệ, giá cả, thúc đẩy sản xuất phát triển; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tăng tích luỹ để tạo vốn cho đầu tư phát triển… Đó là các luật, pháp lệnh: Luật đất đai, Luật thương mại, Luật doanh nghiệp nhà nước, Luật hợp tác xã, Luật phá sản doanh nghiệp, Luật công ty (sửa đổi), Luật doanh nghiệp tư nhân (sửa đổi), Luật khuyến khích đầu tư trong nước, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi), Luật ngân sách nhà nước…; Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, Pháp lệnh về hành nghề y, dược tư nhân, Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (sửa đổi), Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thuế, nhà đất…

Về đổi mới hệ thống chính trị: Quốc hội đã ban hành các luật, pháp lệnh nhằm góp phần thực hiện tốt dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân… Đó là các luật: Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Toà án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Toà án nhân dân về Toà kinh tế, Toà hành chính và Toà lao động, v.v..

Quốc hội còn xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến việc lập lại trật tự, kỷ cương, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, đó là Bộ luật lao động, Bộ luật dân sự…

Về hoạt động giám sát: Quốc hội đã nghiêm túc thực hiện quyền giám sát tối cao đối với việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật và việc triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo Nghị quyết hàng năm của Quốc hội, cụ thể là: tình hình thi hành pháp luật đất đai; về vấn đề cải cách hành chính… Trước những vấn đề bức xúc như thiếu việc làm, đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn; chất lượng giáo dục và đào tạo, y tế ở nhiều nơi còn thấp; trật tự xã hội còn nhiều phức tạp; môi trường sinh thái chưa tốt…, Quốc hội đã dành nhiều thời gian để giám sát và góp sức cùng với Chính phủ, các ngành tìm giải pháp để khắc phục…

Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã đẩy mạnh hoạt động giám sát để xây dựng các bản thuyết trình, đề xuất kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan hữu quan tại các kỳ họp Quốc hội.

Về việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước: Quốc hội đã thảo luận, thông qua kế hoạch 5 năm 1996-2000, quyết định về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, từ năm 1993 đến năm 1997; phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước từ năm 1991 đến năm 1995. Ngoài ra, Quốc hội còn quyết định việc điều chỉnh một bước về tổ chức bộ máy của Chính phủ; miễn nhiệm, bầu và phê chuẩn việc bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ; quyết định việc chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

Tập 8, Văn kiện Quốc hội toàn tập bao gồm các văn kiện của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và một số báo cáo chính của Chính phủ tại 11 kỳ họp của Quốc hội khoá IX. Do khối lượng văn kiện khá nhiều nên Tập 8 được in thành 4 quyển:

- Quyển 1 bao gồm Lời giới thiệu, các văn kiện của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội từ kỳ họp thứ nhất đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá IX, các năm 1992, 1993.

- Quyển 2 bao gồm các văn kiện của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội từ kỳ họp thứ 5 đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá IX, các năm 1994, 1995.

- Quyển 3 bao gồm các văn kiện của Quốc hội, từ kỳ họp thứ 8 đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX, các năm 1995, 1996; các văn kiện của Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 1995.

- Quyển 4 bao gồm các văn kiện của Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 11 năm 1997, các văn kiện của Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 1996, 1997.

Cách bố cục, trình tự sắp xếp nội dung của Tập 8 cũng giống như các tập văn kiện đã ấn hành. Phần Phụ lục đăng một số tài liệu quan trọng khác của Quốc hội, Bản Chú thích, Bản chỉ dẫn tên người được in ở cuối quyển 4.

Trong quá trình sưu tầm tài liệu và chuẩn bị xuất bản Tập 8, Văn kiện Quốc hội toàn tập, dưới sự chỉ đạo của Hội đồng xuất bản Văn kiện Quốc hội toàn tập và Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ban xây dựng bản thảo, Văn phòng Quốc hội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Viện Sử học Việt Nam và một số cơ quan hữu quan, một số chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp, cộng tác chặt chẽ để hoàn thành các công việc cụ thể. Tuy nhiên trong quá trình sưu tầm, thẩm định, biên tập và xuất bản, tập sách khó tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế. Chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý của các cán bộ nghiên cứu và bạn đọc.

Xin chân thành cảm ơn và trân trọng giới thiệu tập sách cùng bạn đọc.

Tháng 10 năm 2011

NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA - SỰ THẬT

 

Nguồn: (Văn phòng Quốc hội)