LỜI NÓI ĐẦU

 

Quá trình hình thành và phát triển của Văn phòng Quốc hội gắn liền với tiến trình lịch sử của Quốc hội. Từ một số cán bộ đầu tiên phục vụ Ban Thường trực Quốc hội, đến nay Văn phòng Quốc hội trở thành một tập thể vững mạnh, đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong việc tham mưu, giúp việc cho Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Để phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cán bộ, công chức Văn phòng Quốc hội, ngày 24-2-2005,Văn phòng Quốc hội đã có Tờ trình số 342/TTr-VPQH trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc lấy ngày 2-3-1946, ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I (năm 1946) làm Ngày truyền thống của Văn phòng Quốc hội, vì ngày đó Quốc hội đã bầu ra Ban Thường trực Quốc hội gồm 15 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết do ông Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban, có trụ sở làm việc tại số nhà 71 phố Hàng Trống, Hà Nội. Từ đấy, Ban Thường trực Quốc hội đã được Chính phủ bố trí một số ít cán bộ, nhân viên phục vụ Ban Thường trực Quốc hội, trước hết là phục vụ Trưởng ban trong mọi hoạt động liên lạc với Chính phủ. Ngày 2-3-1946 có ý nghĩa mở đầu cho sự ra đời và từng bước liên tục phát triển của Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội, nay là Văn phòng Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Căn cứ vào các nguồn tư liệu lịch sử và kết quả các cuộc hội thảo về xác định Ngày Truyền thống của Văn phòng Quốc hội, ngày 2-3-2005, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 751/2005/NQ-UBTVQH11 lấy ngày 2-3 hàng năm là Ngày Truyền thống của Văn phòng Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Truyền thống của Văn phòng Quốc hội (2-3-1946 - 2-3-2006), lãnh đạo Văn phòng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Văn phòng Quốc hội. Mục đích của việc biên soạn nhằm giới thiệu một cách có hệ thống quá trình hình thành và phát triển của Văn phòng Quốc hội qua các thời kỳ; cung cấp những thông tin cơ bản về tổ chức và hoạt động của Văn phòng; hỗ trợ công tác nghiên cứu lịch sử và phục vụ công tác giáo dục truyền thống cho cán bộ, công chức của Văn phòng Quốc hội.

Trên cơ sở kế thừa kết quả sưu tầm, hệ thống hóa tư liệu được tiến hành trong nhiều năm, việc biên soạn Lịch sử Văn phòng Quốc hội được triển khai một cách khẩn trương, chu đáo qua việc bổ sung, cập nhật thông tin, giám định tư liệu với một khối lượng lớn văn bản, hồi ký, kết quả khảo sát thực tế, gặp gỡ nhân chứng và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi thông qua các cuộc hội thảo, tọa đàm. Trong quá trình nghiên cứu, Ban Biên soạn đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu, tâm huyết và sự giúp đỡ tích cực của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ đã có nhiều năm gắn bó, công tác tại Văn phòng Quốc hội, các nhà khoa học lịch sử, các cộng tác viên, nhất là của Phó Giáo sư Sử học, Nhà giáo nhân dân Lê Mậu Hãn. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình đó.

Tuy nhiên, việc biên soạn Lịch sử 60 năm Văn phòng Quốc hội đã gặp không ít khó khăn và khó tránh khỏi những thiếu sót, rất mong bạn đọc thông cảm và góp ý để lần xuất bản sau được tốt hơn.


Ban ChỈ đẠo biên soẠn 

TS. BÙI NGỌC THANH

Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội,

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Trưởng ban

LÊ QUANG VŨ

Bí thư Đảng uỷ,

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Phó Trưởng ban

TS. NGUYỄN SĨ DŨNG

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội,

 Thành viên

 

  


Ban Biên soẠn

TS. NGÔ ĐỨC MẠNH

Giám đốc Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học

Chủ biên

PHAN THỊ TOÀN

Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học

Thành viên

VŨ VĂN PHÒNG

Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ,

 Thành viên

 

PGS, NGND. LÊ MẬU HÃN

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Cố vấn nội dung