VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960


 
TÌNH HÌNH THI HÀNH HIỆP ĐỊNH GIƠNEVƠ TRONG 8 THÁNG VỪA QUA
(Báo cáo của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ trình bày trước Quốc hội khóa I
trong kỳ họp lần thứ 4, phiên họp thứ 2, ngày 20-3-1955)

 

I. HIỆP ĐỊNH GIƠNEVƠ LÀ MỘT THẮNG LỢI TO LỚN CỦA CHÚNG TA

Hiệp định Giơnevơ, ký kết ngày 20 tháng 7 năm 1954, đã lập lại hòa bình trên đất nước Việt Nam và ở Cao Miên1 và Lào, sau bao nhiêu năm kháng chiến anh dũng và gian khổ của nhân dân ba nước. Đó là một thắng lợi to lớn của chúng ta.

Dân tộc Việt Nam chúng ta vốn là một dân tộc yêu chuộng tự do và hòa bình. Ngay từ khi mới thành lập, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tuyên bố với quốc dân và thế giới những nguyện vọng độc lập và hòa bình tha thiết của toàn dân ta.

Chính vì chúng ta yêu chuộng độc lập và hòa bình, cho nên sau khi thực dân Pháp gây ra chiến tranh ở Nam bộ, Chính phủ ta vẫn tìm mọi cách để đi đến một giải pháp hòa bình. Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946, Tạm ước 14-9-1946 giữa Chính phủ ta và Chính phủ Pháp, và bao nhiêu lần Hồ Chủ tịch đã lên tiếng kêu gọi giải quyết hòa bình trước khi chiến tranh lan rộng, là những chứng cớ rõ rệt.

"Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng, chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới". Vì vậy mà ngày 19-12-1946, toàn dân ta đã đứng dậy kháng chiến khắp toàn quốc. Chúng ta kháng chiến để bảo vệ độc lập và hòa bình của đất nước.

Từ đó, trải qua 8 năm dưới ngọn cờ độc lập và hòa bình, quân đội và nhân dân ta đã chiến đấu trong những điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ. Trong cuộc thử thách lớn lao đó, vì chúng ta chiến đấu cho chính nghĩa, nên lực lượng non yếu của chúng ta lúc đầu càng ngày càng lớn mạnh thêm. Chúng ta đã đi từ thắng lợi nhỏ đến thắng lợi lớn. Chúng ta đã phát động chiến tranh du kích, giữ vững và xây dựng căn cứ địa nông thôn của cuộc kháng chiến. Chúng ta đã tiến đến giải phóng nhiều địa phương rộng lớn. Sang đầu năm 1954, chúng ta đã thu được thắng lợi vĩ đại trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Những thắng lợi liên tiếp về mọi mặt của nhân dân và quân đội ta, đi đôi với sự đồng tình ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc, của các nước anh em khác, của các lực lượng dân chủ, hòa bình thế giới, đặc biệt là của nhân dân Pháp, đó là những nguyên nhân chủ yếu đã đưa Hội nghị Giơnevơ đến chỗ thành công rực rỡ.

Cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc đã được chấm dứt trên đất nước ta và ở Cao Miên và Lào.

Hòa bình ở Đông Dương đã được lập lại trên cơ sở :

- Các nước tham dự hội nghị tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và lãnh thổ toàn vẹn của ba nước Việt Nam, Cao Miên và Lào;

- Sau một thời gian nhất định, nước Việt Nam sẽ được thống nhất bằng tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc; ở Cao Miên và Lào cũng có những cuộc tổng tuyển cử tự do;

- Các nước ngoài không được đặt căn cứ quân sự ở Đông Dương, các nước ở Đông Dương không được gia nhập những khối liên minh quân sự và không được cho các nước khác dùng lãnh thổ của mình để gây lại chiến tranh hoặc để phục vụ cho mục đích xâm lược;

- Quân đội liên hiệp Pháp rút khỏi Đông Dương trong một thời hạn sẽ quy định;

- Nước Việt Nam và nước Pháp sẽ đặt quan hệ với nhau về kinh tế và văn hóa trên nguyên tắc bình đẳng và hai bên đều có lợi.

Hiệp định Giơnevơ quy định rõ ràng những điều khoản cần thiết để chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình, như những điều khoản về ngừng bắn, tập kết, chuyển quân, trao trả tù binh, đảm bảo không phân biệt đối xử và không được trả thù đối với những cá nhân hoặc tổ chức đã cộng tác với đối phương trong thời gian chiến tranh,v.v..

Hiệp định Giơnevơ lại quy định những điều khoản cần thiết để củng cố hòa bình, ngăn ngừa chiến tranh trở lại, ngăn ngừa một cuộc chuẩn bị chiến tranh mới, như những điều khoản cấm chỉ việc tăng thêm vũ khí và nhân viên quân sự vào Đông Dương, cấm chỉ không được tham gia vào một liên minh quân sự, v.v..

Hiệp định Giơnevơ còn quy định những điều khoản cần thiết để giải quyết các vấn đề chính trị căn bản, như vấn đề thực hiện độc lập và thống nhất của ba nước Việt Nam, Cao Miên và Lào. Những vấn đề chính trị căn bản đó có được giải quyết thì hòa bình mới được thực sự củng cố. Riêng đối với nước Việt Nam chúng ta thì Hiệp định quy định rõ ràng rằng cuộc tổng tuyển cử tự do để thống nhất nước nhà sẽ tổ chức vào tháng 7 năm 1956. Hiệp định Giơnevơ quả thật là một thắng lợi vĩ đại của nhân dân và quân đội ta, đúng như Hồ Chủ tịch đã nhiều lần chỉ rõ. Thắng lợi đó là kết quả cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa đế quốc trong gần một thế kỷ nay của nhân dân Đông Dương, đặc biệt là kết quả của cuộc đấu tranh vũ trang anh dũng của nhân dân Việt Nam trong 8, 9 năm nay.

Thắng lợi đó đã đập tan âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ và thực dân hiếu chiến Pháp, khiến cho nhân dân ta tránh khỏi tai họa chiến tranh to lớn hơn và làm cho tình hình thế giới bớt căng thẳng.

Thắng lợi đó đã kết thúc ách thống trị của thực dân Pháp ở miền Bắc, làm cho nhân dân miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tạo nên những điều kiện thuận lợi cho công cuộc kiến thiết hòa bình nước Việt Nam sau này. Đồng thời đặt một cơ sở để tiến lên một bước thực hiện thống nhất, độc lập và dân chủ trong toàn quốc.

Thắng lợi Giơnevơ là một thắng lợi to lớn của nhân dân yêu chuộng hòa bình toàn thế giới. Thắng lợi đó đã làm cho tình hình thế giới bớt căng thẳng và mở những triển vọng mới cho công cuộc giải quyết các vấn đề trên thế giới bằng phương thức thương lượng.

Đó là nội dung chủ yếu và ý nghĩa to lớn của Hiệp định Giơnevơ.

II. CHÚNG TA ĐÃ TRIỆT ĐỂ THI HÀNH HIỆP ĐỊNH

Chính sách của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là hết sức tôn trọng và triệt để thi hành hiệp định.

Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ vừa được ký kết, Hồ Chủ tịch đã kêu gọi toàn thể nhân dân và quân đội:

"Từ nay chúng ta phải ra sức đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc".

"Chúng ta quyết làm đúng những điều đã ký kết với Chính phủ Pháp, đồng thời chúng ta đòi Chính phủ Pháp phải làm đúng những điều họ đã ký kết với ta".

1- Lệnh ngừng bắn đã được triệt để thi hành, việc tập kết và chuyển quân đã thực hiện đúng thời hạn.

Chúng ta đã thực hiện việc ngừng bắn, tập kết và chuyển quân trong những điều kiện như thế nào?

Chiến trường của ta là một chiến trường của chiến tranh du kích, không có chiến tuyến rõ rệt và cố định, lực lượng ta và lực lượng địch xen kẽ và cài răng lược với nhau trên một quy mô rộng lớn. Các đơn vị bộ đội ta đang chiến đấu trên khắp các mặt trận, từ mặt trận chính diện cho đến các mặt trận sau lưng địch, từ miền Bắc cho đến miền Nam, từ các chiến trường đồng bằng, cho đến các chiến trường rừng núi, từ vùng nông thôn cho đến nơi đô thị bị địch kiểm soát, từ các mặt trận của chiến trường Việt Nam cho đến những địa phương rất xa và rất sâu ở Cao Miên và Lào.

Khi hiệp định đình chiến được ký kết thì cuộc kháng chiến của quân đội và nhân dân ta bước vào năm thứ 9; trải qua bao năm chiến đấu tàn khốc, lòng căm thù của nhân dân và quân đội đã lên cao đến cực độ. Đông - Xuân bấy giờ lại là một Đông - Xuân đại thắng lợi: quân ta vừa đại thắng ở Điện Biên Phủ, sau đó tiếp tục chiến thắng ở khắp các mặt trận, giải phóng Nam Định, Ninh Bình, giải phóng An Khê, mở rộng các vùng tự do ở Nam bộ.

Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân đã ra lệnh ngừng bắn trong những điều kiện phức tạp như trên đã nói. Tôi rất lấy làm vinh dự báo cáo với Quốc hội rằng lệnh đó đã được quân ta chấp hành triệt để trên khắp các chiến trường; tất cả các binh đoàn chủ lực, tất cả các đơn vị bộ đội địa phương và dân quân du kích đều đã nhất luận ngừng bắn theo ngày giờ quy định.

Ngay sau khi ngừng bắn, các đơn vị bộ đội ta phải gỡ thế cài răng lược trong một thời gian 5 ngày, phải thu quân về vùng đóng quân tạm thời trong một thời gian 15 ngày; rồi sau đó, các lực lượng của ta ở miền Nam bắt đầu thực hiện việc chuyển quân ra miền Bắc. Với một sự cố gắng rất lớn của quân đội, với sự ủng hộ tích cực và thắm thiết của nhân dân, với sự giúp đỡ anh em của các nước bạn Liên Xô, Ba Lan trong việc vận chuyển, chúng ta đã thực hiện các việc nói trên đúng thời hạn hoặc sớm hơn thời hạn đã định. Và hiện nay trừ một bộ phận lực lượng của ta còn tạm đóng trong vùng Bình Định, Quảng Ngãi, trên 7 vạn quân ta và một số anh em cán bộ và đồng bào ta ở miền Nam đã an toàn chuyển ra miền Bắc.

Trong hàng ngũ bộ đội Nam bộ đã ra tập kết, có đủ mặt các đơn vị đã chiến đấu trong suốt 8, 9 năm nay ở miền Đông và Tây, ở Đồng Tháp Mười hoặc dọc sông Cửu Long, có các chiến sĩ du kích đã từng lăn lộn sau lưng địch trong vùng ngoại ô Sài Gòn - Chợ Lớn hay ở ngay trong các đô thị. Trong hàng ngũ bộ đội Liên khu 5 đã ra tập kết, có mặt các đơn vị đã từng chiến thắng ở Công Tum, An Khê, những đơn vị đã từng giữ vững các vùng độc lập của miền cực Nam trong suốt 8, 9 năm, những đơn vị thuộc trên mười dân tộc ở Tây Nguyên. Các đơn vị tình nguyện đã từng chiến thắng trên chiến trường Lào và Cao Miên cũng đã về đến nơi. Toàn thể các cán bộ và chiến sĩ đều hăng hái và phấn khởi, họ đã kiên quyết chấp hành lệnh ngừng bắn, tập kết và chuyển quân, đã kiên quyết tạm xa miền Nam yêu quý, để tỏ rõ tinh thần kỷ luật và ý chí yêu chuộng hòa bình của quân và dân ta. Tinh thần tôn trọng kỷ luật chấp hành mệnh lệnh đó thật đáng được tuyên dương.

2. Chúng ta đã tiếp quản 12 thị xã và thành phố và đã bàn giao chu đáo một số khu vực của ta ở miền Nam cho đối phương.

Theo Hiệp định Giơnevơ, quân đội liên hiệp Pháp phải lần lượt rút lui khỏi các địa phương do họ chiếm đóng ở phía Bắc vĩ tuyến 17, hạn đến ngày 19-5-1955 thì phải rút toàn bộ khỏi khu Hải Phòng là khu trú quân tạm thời cuối cùng của họ ở miền Bắc.

Mười lăm ngày sau khi ngừng bắn, quân ta đã tiếp thu các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Sơn Tây, Hưng Yên, Hải Ninh. Ngày 6-10-1954, quân ta bắt đầu tiếp thu khu chu vi Hà Nội trong đó có tỉnh lị Hà Đông, cho đến ngày 10-10-1954 thì bộ đội lớn của ta tiến vào khu nội thành: Hà Nội, thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được hoàn toàn giải phóng. Hai mươi ngày sau quân ta tiếp quản thành phố Hải Dương2.

Các địa phương, thị xã và thành phố nói trên đã từng sống trong một thời gian khá dài dưới sự kiểm soát của địch. Kể từ ngày đình chiến thì sự tuyên truyền lừa gạt lại càng tăng thêm, an ninh, trật tự không được duy trì. Chính phủ ta đã đề ra tám chính sách tiếp quản vùng mới giải phóng và mười điều kỷ luật mà bộ đội và cán bộ đều phải tuân theo. Do đó mà quân đội và cán bộ của Chính phủ tiến đến đâu thì đều được đồng bào đón chờ và hoan nghênh nhiệt liệt, an ninh, trật tự lập tức trở lại, đời sống của nhân dân và mọi mặt hoạt động được tiếp tục như thường, không khí phấn khởi lan tràn khắp vùng mới giải phóng.

Đặc biệt việc tiếp quản Thủ đô Hà Nội là một thành công rất lớn, nó chứng tỏ rằng chính quyền nhân dân không những biết quản lý thôn quê mà biết quản lý cả thành thị lớn. Kỷ luật nghiêm chỉnh của bộ đội và cán bộ không hề đụng chạm đến cái kim sợi chỉ của dân, tôn trọng và bảo vệ tính mệnh, tài sản của đồng bào và của ngoại kiều, kế hoạch duy trì hoạt động về mọi mặt trong thành phố đã làm cho toàn dân tin tưởng và phấn khởi, làm cho dư luận thế giới khâm phục.

Ở miền Nam, trong những điều kiện khó khăn phức tạp, chúng ta đã bàn giao chu đáo cho đối phương nhiều khu vực của ta trước đây, như Hàm Tân, Xuyên Mộc, Đồng Tháp Mười, vùng Cà Mâu3 và một phần tỉnh Quảng Ngãi. Đối phương đã nhiều lần thừa nhận rằng việc bàn giao đã tiến hành đầy đủ và trong trật tự. Khi nhận bàn giao, phái đoàn quân đội liên hiệp Pháp đã xác nhận "tình hình sinh hoạt khả quan ở vùng Cao Lãnh thuộc Đồng Tháp Mười" và "sự no ấm, yên vui của nhân dân" ở Cà Mâu.

3- Chúng ta đã trao trả cho đối phương tất cả tù binh và thường dân bị giam giữ.

Từ khi bắt đầu kháng chiến cho đến khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, quân đội và nhân dân ta luôn luôn thi hành đúng đắn chính sách nhân đạo và khoan hồng của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với tù binh. Đối với tù binh quốc tịch Việt Nam, chúng ta đã thể theo nguyện vọng của họ và đã cho họ trở về với gia đình mỗi năm đến hàng vạn người. Đối với tù binh Âu - Phi, theo thống kê chưa đầy đủ thì từ 1950 đến khi ký kết đình chiến, ta đã phóng thích và cho hồi hương trên 4.000 người; ta đã nhiều lần cho phép bên quân đội liên hiệp Pháp đến lấy thương binh của họ ở Thất Khê (1950), Thái Nguyên (1951), Điện Biên Phủ (1954).

Sau Hội nghị Giơnevơ thi hành nghiêm chỉnh những điều đã ký kết ta đã trao trả cho bên quân đội liên hiệp Pháp 1 vạn 3.414 người, trong đó có 9.247 Âu - Phi có 54 sĩ quan, từ thiếu tá đến thiếu tướng, 530 sĩ quan từ thiếu úy đến đại úy, 3.523 hạ sĩ quan.

Trong các cuộc trao trả tù binh, các tù binh nói chung không hề có khiếu nại gì về sự đối xử của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trái lại, các tù binh đã gửi lên Hồ Chủ tịch, và Chính phủ ta hàng nghìn bức thư tập thể hoặc cá nhân để tỏ lòng biết ơn. Các cuộc kiểm tra của Uỷ ban quốc tế ở Việt Trì và Sầm Sơn cũng đã thấy rõ chính sách nhân đạo của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với tù binh.

Về phần đối phương, họ đã trao trả cho ta 8.872 tù binh và
5 vạn 9.382 thường dân bị giam giữ nhưng cho đến nay họ vẫn còn giam giữ tù binh và tù chính trị mà chưa trao trả hết. Đoàn đại biểu Quân đội nhân dân Việt Nam ở Ủy ban Liên hợp Trung ương đã trao cho bên quân đội liên hiệp Pháp danh sách 1 vạn 1.932 người chưa được trao trả trong đó có nhiều người đã có tên trong những bản danh sách tù binh mà bên quân đội liên hiệp Pháp đã trao cho ta trước đây. Cuộc điều tra ở nhà ngục Côn Đảo của Ủy ban Quốc tế đã chứng tỏ rằng hiện nay chính quyền Ngô Đình Diệm còn giam giữ tù binh và tù chính trị của ta; chế độ đối xử thì vẫn theo những đạo luật 1862 của Pháp, nghĩa là vẫn rất tàn tệ, những điều ký kết ở Giơnevơ và Trung Giã về việc cải thiện đời sống tù binh không được thi hành.

Sự thật rõ ràng như vậy. Nhưng một số nhân vật và cơ quan có thẩm quyền và có trách nhiệm bên quân đội liên hiệp Pháp lại dùng những lời tuyên bố không căn cứ, đưa ra những con số trước sau không thống nhất để nói rằng chúng ta hiện chưa trao trả hết tù binh và tù chính trị. Những cử chỉ như vậy không ngoài mục đích đánh lừa dư luận Pháp và dư luận thế giới, hòng che lấp chính sách khoan hồng và nhân đạo của Hồ Chủ tịch và Chính phủ ta, che lấp chính sách tôn trọng hiệp định của ta, đồng thời che giấu những hành động vi phạm hiệp định của họ dung túng cho bọn Ngô Đình Diệm tiếp tục giam giữ tù binh và tù chính trị của ta.

Đối với các binh sĩ đối phương chết ở nước ta, chúng ta đã cho bên quân đội liên hiệp Pháp mọi sự dễ dàng và đang giúp đỡ họ trong việc tìm kiếm, tập trung và hồi hương hài cốt.

4. Chúng ta đã thi hành đúng đắn điều khoản thuộc vấn đề không phân biệt đối xử, không trả thù và đảm bảo tự do dân chủ cho những cá nhân hay tổ chức đã cộng tác với đối phương trong thời gian chiến tranh, việc tự do lựa chọn chỗ ở cũng được đảm bảo.

Chấp hành chính sách khoan hồng từ trước tới nay của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thi hành nghiêm chỉnh Điều 14c của Hiệp định Giơnevơ, trong những địa phương rộng rãi và những đô thị mới giải phóng, chúng ta không hề có một hành động phân biệt đối xử hoặc trả thù nào đối với những người đã cộng tác với đối phương trong thời kỳ chiến tranh. Những công chức trước làm việc trong cơ quan của chính quyền Bảo Đại nay vì chính nghĩa ở lại với Chính phủ ta đều được lưu dụng theo chức cũ, lương cũ. Chỉ riêng ở Hà Nội số đó đã tới trên 7.000 nghĩa là gần 72% tổng số công chức của chính quyền Bảo Đại trước đây. Binh lính của quân đội Bảo Đại đã bỏ hàng ngũ ở lại trong vùng mới giải phóng đều được tự do và yên ổn làm ăn, ở thôn quê thì được hưởng những quyền lợi ruộng đất như người công dân khác, ở thành thị thì một số đã được thu xếp công ăn việc làm; riêng ở Hà Nội số binh sĩ của đối phương đã bỏ hàng ngũ và ở lại miền Bắc đã có trên 1 vạn người.

Ngay sau khi Thủ đô giải phóng, Chính phủ đã ban bố quyền tự do ngôn luận và bãi bỏ chế độ kiểm duyệt của chính quyền Bảo Đại. Quyền tự do tổ chức của nhân dân cũng được bảo đảm. Các đoàn thể và tổ chức trước đây ở vùng tạm bị chiếm đều được tồn tại và hoạt động miễn là không trái với pháp luật của Chính phủ.

Quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng. Chính quyền ta đã giúp đỡ sửa sang lại một số nhà thờ và đình chùa.

Sự đi lại ở miền Bắc cũng như sự đi lại và lựa chọn chỗ ở giữa miền Bắc và miền Nam giới tuyến quân sự tạm thời đều được tự do. Thông tư của Bộ Công an ngày 20 tháng 12 năm 1954 và Thông tư của Bộ Nội vụ ngày 1 tháng 2 năm 1955 đã nhắc lại rõ ràng các thể thức về tự do đi lại của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thông tư của Bộ Nội vụ nói rõ:

"Dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, theo chính sách của Chính phủ, quyền tự do đi lại của nhân dân được đảm bảo".

Gần đây, Thông cáo ngày 17 tháng 2 năm 1955 của Bộ Công an lại đặc biệt nói rõ những thể thức dễ dàng về việc đi lại giữa hai vùng Bắc – Nam giới tuyến quân sự tạm thời. 

*     

*         *

Trong 8 tháng vừa qua chúng ta đã nghiêm chỉnh và triệt để thi hành mọi điều khoản của Hiệp định Giơnevơ; trong lúc đó đối phương cũng đã thi hành một số điều khoản của hiệp định. Chúng ta đã nêu cao ý chí yêu chuộng hòa bình của quân đội và nhân dân ta.

Hiện nay phần lớn các địa phương miền Bắc, trừ khu chu vi Hải Phòng, đã được giải phóng, công cuộc khôi phục sản xuất, khôi phục kinh tế đã thu được những kết quả đầu tiên. Cuộc cải cách ruộng đất đang được đẩy mạnh. Các chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ về mọi mặt đã được thi hành, những chính sách không những đem lại tin tưởng và phấn khởi cho nhân dân miền Bắc mà lại làm cho nhân dân miền Nam càng thêm tin tưởng và phấn khởi.

Địa vị quốc tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được nâng cao.

Những thắng lợi nói trên càng chứng tỏ ý nghĩa trọng đại của Hiệp định Giơnevơ. 8 tháng cố gắng và đấu tranh để thi hành hiệp định càng chứng tỏ sự đoàn kết nhất trí của toàn quân và toàn dân ta từ Nam chí Bắc chung quanh Hồ Chủ tịch, Đảng và Chính phủ, càng chứng tỏ lòng tin tưởng không bờ bến của toàn quân và toàn dân vào đường lối và chính sách của Hồ Chủ tịch, Đảng và Chính phủ. Sự đoàn kết và lòng tin tưởng đó đã được biểu lộ trong ngày lễ mùng 1 tháng Giêng tưng bừng và vĩ đại, mừng Hồ Chủ tịch và Chính phủ về Thủ đô.

Tuy nhiên những thắng lợi đã thu được chỉ mới là bước đầu. Hòa bình hiện nay chưa được củng cố, đế quốc Mỹ, phái thực dân Pháp phản hiệp định và bọn Ngô Đình Diệm hiện đang ra sức phá hoại hiệp định, phá hoại hòa bình.

III. ĐẾ QUỐC MỸ, PHÁI THỰC DÂN PHÁP PHẢN HIỆP ĐỊNH VÀ BỌN NGÔ ĐÌNH DIỆM HIỆN ĐANG RA SỨC PHÁ HOẠI HIỆP ĐỊNH ĐÌNH CHIẾN, PHÁ HOẠI HÒA BÌNH

Hiệp định Giơnevơ là một thắng lợi quan trọng của nhân dân Việt Nam và Cao Miên, Lào, là một thắng lợi của phong trào hòa bình dân chủ toàn thế giới. Nhưng đối với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng thì Hiệp định Giơnevơ là một thất bại rất nặng, một thất bại trong âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh ở Đông Dương, phá hoại hòa bình ở Đông Nam Á.

Cho nên, trong khi Chính phủ ta triệt để thi hành hiệp định, thì bọn đế quốc Mỹ, phái thực dân Pháp phản hiệp định và bọn Ngô Đình Diệm ra sức phá hoại nhiều điều khoản quan trọng của hiệp định, phá hoại những kết quả lớn lao của Hội nghị Giơnevơ.

1. Đế quốc Mỹ hiện đang lôi kéo miền Nam Việt Nam vào khối xâm lược Đông Nam Á, can thiệp trắng trợn vào miền Nam, mưu biến miền Nam thành một căn cứ quân sự của Mỹ.

Như trên đã nói, Hiệp định Giơnevơ, ngoài những điều khoản quy định việc chấm dứt chiến tranh trước mắt, lại có những điều khoản rất quan trọng nhằm ngăn ngừa việc chuẩn bị một cuộc chiến tranh mới và nhằm giải quyết các vấn đề chính trị căn bản như vấn đề thống nhất, độc lập.

Những điều khoản quan trọng đó cấm chỉ hai bên "không được gia nhập một liên minh quân sự nào", và "không để vùng thuộc về họ bị sử dụng để gây lại chiến tranh hoặc phục vụ cho một chính sách xâm lược"; cấm chỉ hai bên "không được để lập một căn cứ quân sự ngoại quốc nào trong vùng tập hợp của mình", cấm chỉ "không được tăng viện mọi bộ đội và nhân viên quân sự mới… mọi thứ vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh mới". Những điều khoản đó quy định rõ ràng giới tuyến giữa hai miền chỉ là "một giới tuyến quân sự tạm thời, và quy định thời hạn phải đi đến thống nhất nước Việt Nam bằng tổng tuyển cử". Những điều khoản đó cố nhiên không làm vừa lòng bọn đế quốc Mỹ gây chiến.

Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ mới được ký kết, ngoại trưởng Mỹ là Đalét đã tuyên bố rằng: "Hiệp định Giơnevơ không ngăn cấm việc thành lập một đường phòng thủ bao gồm các nước liên kết ở Đông Dương". Và chỉ một tháng rưỡi sau thì không đếm xỉa gì đến những điều khoản của Hiệp định Giơnevơ, đế quốc Mỹ đã triệu tập Hội nghị Manila có 8 nước tham dự, để thành lập một khối quân sự gọi là "khối phòng thủ Đông Nam Á".

Chính phủ Pháp là kẻ đã cùng với Chính phủ ta ký kết đình chiến tại Hội nghị Giơnevơ cũng tham dự hội nghị đó.

Mặc dù những danh từ lừa bịp, nào là "phòng thủ chung", nào là "bảo vệ an ninh chung", nào là "chống lại sự xâm lược của cộng sản", nhân dân các nước Đông Nam Á đều nhận rõ rằng "khối phòng thủ Đông Nam Á" thật ra là một khối liên minh quân sự xâm lược. Trong số 8 nước tham dự, chỉ có ba nước Thái Lan, Đại Hồi4 và Phi Luật Tân5 là ở Đông Nam Á mà lại là những nước nhỏ bị đế quốc Mỹ chi phối, còn các nước đề xướng hoặc đóng vai trò trọng yếu thì lại là ba nước đế quốc Mỹ, Anh và Pháp. Hiệp ước Đông Nam Á ngang nhiên đặt miền Nam Việt Nam, Cao Miên và Lào vào "khu vực bảo hộ" của hiệp định. Thật không có một chứng cứ nào rõ rệt hơn của chính sách xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, tự mình quyết định "bảo hộ", - nghĩa là xâm lược - nước người, không kể gì đến độc lập và chủ quyền của các nước khác.

Đúng như lời tuyên bố của Bộ Ngoại giao Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hiệp ước Manila "là một sự vi phạm trắng trợn vào Hiệp định Giơnevơ, một sự xâm phạm vào độc lập và chủ quyền của Việt Nam, Lào và Cao Miên, một sự đe dọa cho an ninh và hòa bình Đông Nam Á". Hiệp ước đó không những không mang lại lợi ích gì cho nhân dân Đông Nam Á, mà chỉ theo đuổi một mục đích xâm lược các nước ở vùng này, buộc các nước đó tham gia vào một liên minh quân sự xâm lược đặt dưới quyền chỉ huy của Mỹ. Hiệp ước đó là một lợi khí cho đế quốc đàn áp phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân Đông Nam Á, để thực hiện âm mưu dùng người châu Á đánh người châu Á, chuẩn bị những điều kiện để tấn công nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hiệp ước đó là một bộ phận trong kế hoạch chuẩn bị chiến tranh thế giới của đế quốc Mỹ.

Thế mà người đại diện của Chính phủ Pháp tại Hội nghị Giơnevơ là GuylaSăm, Bộ trưởng bộ các "quốc gia liên kết" lại dám tuyên bố rằng chính sách Manila chẳng qua là một sự kế tục của chính sách Giơnevơ. Thật là một sự kế tục kỳ lạ, một sự kế tục theo một con đường trái ngược!

Liền sau khi Hiệp định Manila được ký kết, Chính phủ Pháp bắt đầu mở cuộc thương thuyết với Hoa Thịnh Đốn về vấn đề viện trợ quân sự cho quân đội viễn chinh Pháp và cho ba "nước liên kết" ở Đông Dương. Chính tướng Êly, tổng chỉ huy các lực lượng liên hiệp Pháp ở Đông Dương, là người thay mặt Chính phủ Pháp để thi hành hiệp định đình chiến ở Đông Dương đã đi sang dự các cuộc thương thuyết phản hiệp định đó.

Tiếp theo đó, thì Măngđét Phơrăngxơ, Thủ tướng Pháp, lại sang Mỹ để thảo luận vấn đề tăng cường các lực lượng quân sự ở miền Nam Việt Nam và Cao Miên, Lào. Dưới áp lực của Mỹ, Chính phủ Pháp đã phải công nhận cho Mỹ quyền trực tiếp viện trợ cho các "quốc gia liên kết" và quyền trực tiếp huấn luyện quân đội của Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam, những điều mà trong mấy năm chiến tranh Mỹ luôn luôn yêu sách và Pháp không chịu nhượng bộ. Chính phủ Pháp lại bị ép buộc phải ủng hộ Ngô Đình Diệm, chống lại Nguyễn Văn Hinh.

Nhưng, Chính phủ Mỹ không cần chờ đợi sự thoả thuận của Pháp. Mỹ đã cử phái đoàn Côlin sang trước ở Sài Gòn vào đầu tháng 11 năm 1954 với nhiệm vụ đặc biệt là "mang lại cho chính phủ Ngô Đình Diệm sự ủng hộ vô điều kiện của Mỹ", "mang lại cho chính phủ đó tất cả những sự giúp đỡ có thể làm được của chính phủ Mỹ". Sự "giúp đỡ" đó chủ yếu là trực tiếp nắm lấy việc huấn luyện các lực lượng của quân đội Bảo Đại mà gần 90% trang bị sẽ là của Mỹ". Chương trình của Mỹ là chấn chỉnh lại quân đội chính quy hiện nay của Bảo Đại, bề ngoài mượn tiếng là giảm quân số để loại những phần tử thân Pháp ra ngoài, đồng thời tiến hành việc huấn luyện theo những phương pháp đã áp dụng ở Hy Lạp, và ở Triều Tiên. Chúng lại dự định tổ chức riêng các đơn vị "bảo an" của Ngô Đình Diệm, lúc đầu gồm những "đại đội cơ động cao độ", những đội bảo an phát xít, có nhiệm vụ đàn áp tàn khốc phong trào đòi hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ của nhân dân miền Nam. Tất cả công việc tổ chức và huấn luyện quân đội của Ngô Đình Diệm nói trên đều ở trong tay phái đoàn cố vấn quân sự Mỹ do tướng Ô Đanien đứng đầu và hiện gồm có 371 huấn luyện viên, chưa kể những nhân viên chuyên môn do Mỹ đưa từ Phi Luật Tân sang. Sự viện trợ tài chính của Mỹ cho chính phủ Ngô Đình Diệm trong năm 1955 lên đến 300 triệu đô la, trong đó có 200 triệu dùng vào việc xây dựng quân đội.

Trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức và huấn luyện quân đội, tăng cường nhân viên và vũ khí từ ngoài vào, công khai tiến hành việc viện trợ quân sự, đó là những chứng cớ không thể chối cãi của một liên minh quân sự. Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng đã vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Giơnevơ.

Tháng 2 năm 1955, trong khi tình hình châu Âu trở nên khẩn trương với Hiệp định Pari, tình hình Á Đông cũng trở nên căng thẳng do Mỹ can thiệp ở Đài Loan, đế quốc Mỹ lại tiến thêm một bước trong âm mưu phá hoại hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á. Khối xâm lược Đông Nam Á họp hội nghị ở Băng Cốc, có phái đoàn của Chính phủ Pháp tham dự. Hội nghị đó đã bàn định nhiều biện pháp chính trị, kinh tế, quân sự để tăng cường việc chuẩn bị chiến tranh và đặc biệt chú trọng đến kế hoạch chống những hoạt động mà chúng gọi là "hoạt động phiến loạn", nghĩa là kế hoạch đàn áp các phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á. Hội nghị đó đã quyết định thành lập cơ quan thường trực của khối xâm lược Đông Nam Á, lập cơ quan cố vấn quân sự có đại biểu quân sự của 8 nước. Hội nghị đó đặt kế hoạch tăng cường binh bị cho Thái Lan, Phi Luật Tân và một số nước khác, dự định thành lập những lực lượng cơ động và đẩy mạnh việc hoạt động gián điệp dưới danh nghĩa "ngành bảo an và thông tin chống những hoạt động phiến loạn bên trong và bên ngoài". Chúng công nhiên tiến hành việc chuẩn bị chiến tranh. Sau hội nghị này, Đalét đã vội vã đi sang Lào, Cao Miên và miền Nam Việt Nam để đôn đốc thực hiện kế hoạch của hội nghị Băng Cốc, xúc tiến việc lôi kéo các nước này vào khối xâm lược Đông Nam Á. Hội nghị Băng Cốc đã làm cho tình hình Đông Nam Á càng thêm căng thẳng.

Gần đây, Chính phủ ba nước Mỹ, Pháp, Anh đang dự định mở một cuộc hội nghị “Các đại biểu tối cao” để bàn về vấn đề Đông Dương. Mục đích của hội nghị tay ba này không ngoài việc bàn bạc kế hoạch xúc tiến âm mưu xâm lược, tạo nên cục diện căng thẳng, phá hoại cuộc tổng tuyển cử tự do sắp tới, phá hoại hiệp định đình chiến ở Việt Nam và Cao Miên, Lào, mở đường cho đế quốc Mỹ can thiệp trắng trợn hơn nữa vào nội trị của ba nước đó. Hội nghị đó, nếu tiến hành thì sẽ là một hành động vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Giơnevơ, vì bản tuyên ngôn cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ đã nói rõ rằng: “Trong quan hệ với Cao Miên, Lào và Việt Nam, các nước tham gia Hội nghị Giơnevơ cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và lãnh thổ toàn vẹn của các nước đó, và không can thiệp vào nội trị của các nước đó”.

2. Theo chỉ thị của đế quốc Mỹ, với sự dung túng của phái thực dân Pháp phản Hiệp định, bọn Ngô Đình Diệm hiện đang tăng cường chính sách khủng bố nhân dân miền Nam.

Song song với sự can thiệp ngày càng trắng trợn của đế quốc Mỹ vào miền Nam, bọn Ngô Đình Diệm, tay sai của chúng, được phái thực dân Pháp phản hiệp định đồng tình và dung túng, hiện đang thi hành một chính sách khủng bố tàn khốc, phân biệt đối xử và trả thù đối với những người trước đây đã tham gia kháng chiến.

Điều 14c của Hiệp định Giơnevơ quy định: “Mỗi bên cam kết không dùng cách trả thù hay phân biệt đối xử nào đối với những cá nhân hoặc tổ chức, vì lý do hoạt động của họ trong thời kỳ chiến tranh và cam kết đảm bảo những quyền tự do dân chủ của họ”.

Điều 15d nói:

“Hai bên không dung thứ bất cứ hành động nào… xâm phạm đến tính mệnh và tài sản của thường dân”.

Điều 9 trong bản tuyên ngôn cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ nói:

“Những người đương cục có thẩm quyền ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam cũng như ở Lào, Cao Miên không được để có những hành động báo thù cá nhân hay tập thể với những người hoặc gia đình người đã hợp tác bất kỳ dưới hình thức nào với một trong hai bên trong thời kỳ chiến tranh”.

Nhưng, ở miền Nam, tất cả những điều khoản đó đã không được đối phương tôn trọng. Những vụ khủng bố và bắt bớ liên tiếp xảy ra trong vùng đóng quân tạm thời của quân đội liên hiệp Pháp. Chúng ta không khỏi đau lòng khi nhắc lại vụ thảm sát Kim Đôi (Thừa Thiên) xảy ra ngày 2-8-1954, một ngày sau khi tiếng súng ngừng nổ trên chiến trường Trung bộ, làm cho 84 người trong đó có nhiều cụ già và em thiếu nhi đang hoan hô hòa bình bị bắn chết và bị thương. Nhân dân ta không bao giờ quên được những vụ thảm sát ở Cam Lộ (Quảng Trị), Chợ Được (Quảng Nam), Ngân Sơn, Chí Thạnh (Phú Yên), Mỏ Cày (Bến Tre), Vĩnh Xuân (Cần Thơ), Bình Thành (Long Xuyên) làm cho hàng trăm đồng bào ta bị bắn giết, hàng nghìn người bị bắt bớ và giam giữ.

Đồng thời với những vụ khủng bố lớn nói trên, rất nhiều vụ bắt bớ những người trước đây đã tham gia kháng chiến đã xảy ra liên tiếp và khắp nơi, hầu hết những người bị bắt đều bị tra tấn dã man.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ sau ngày ngừng bắn cho đến ngày 31 tháng 1 năm 1955, đối phương đã gây ra 2.321 vụ khủng bố và tàn sát, làm cho 822 người bị giết chết, 3.742 người bị thương và trên 1 vạn 3.000 bị bắt.

Uỷ ban Quốc tế đã mở cuộc điều tra về một số vụ đã xảy ra như những vụ Ngân Sơn, Chí Thạnh, Vĩnh Xuân, Mỏ Cày, Bình Thành… trong những vụ đó Uỷ ban đã kết luận rằng các lực lượng liên hiệp Pháp đã vi phạm Điều 14c và 15d hoặc đã dùng binh lính bắn vào đám đông người không có vũ khí, hoặc đã dùng vũ lực một cách quá đáng làm thiệt hại đến tính mệnh của nhân dân.

Những quyền tự do cá nhân tối thiểu của con người cũng không được đảm bảo, còn nói gì đến các quyền tự do dân chủ khác. Quyền tự do ngôn luận hoàn toàn không có, chế độ kiểm duyệt hết sức nghiêm ngặt, từ ngày đình chiến đến nay ở Sài Gòn đã có đến 12 tờ báo vì có xu hướng độc lập, hoặc tán thành ít nhiều hòa bình, thống nhất đều lần lượt bị đóng cửa.

Ngày 7 tháng 11 năm 1954, bọn Ngô Đình Diệm hạ lệnh bắt 7 nhân sĩ trong Phong trào hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn, sau đó lại bắt thêm gần 30 chiến sĩ hòa bình. Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ của nhân dân thuộc tất cả các giới và các tầng lớp trong nước, bọn Ngô Đình Diệm không dám đem những người bị bắt ra xét xử trước toà án, và đã đưa một số ra “quản chế ” một cách trái phép ở Hải Phòng.

3. Theo chỉ thị của đế quốc Mỹ với sự dung túng và giúp đỡ của phái thực dân Pháp phản Hiệp định, bọn Ngô Đình Diệm ra sức dụ dỗ và cưỡng ép hàng chục vạn đồng bào ta di cư vào Nam.

Trong mấy tháng vừa qua, một âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ, phái thực dân Pháp phản hiệp định và bọn Ngô Đình Diệm là lợi dụng những điều khoản của Hiệp định Giơnevơ về tự do lựa chọn chỗ ở giữa hai vùng để tổ chức những cuộc ép buộc và dụ dỗ đồng bào ta di cư vào Nam.

Mục đích của chúng là tìm đủ mọi cách lôi kéo một số đồng bào ta, nhất là đồng bào công giáo vào Nam để tăng thêm thế lực cho Ngô Đình Diệm, để tiện việc bắt lính cho các đơn vị bộ đội mới thành lập, bắt phu cho các đồn điền cao su. Chúng mong quấy rối hậu phương ta, gây khó khăn cho việc khôi phục sản xuất của ta ở miền Bắc. Chúng mong gây ra một không khí chia rẽ Nam- Bắc, phá hoại việc lập lại những quan hệ bình thường giữa hai miền. Chúng mong gây ảnh hưởng chính trị không tốt cho chúng ta, tạo ra những chứng cớ để vu khống ta không thi hành hiệp định, để chúng có thể mượn cớ mà phản tuyên truyền, mà phá hoại những điều khoản nào đó của hiệp định, ngăn trở việc củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất của nước nhà.

Ngay trong khi Pháp chuẩn bị rút quân ở một số tỉnh miền Bắc, nhất là ở Thủ đô Hà Nội, bọn phản động tay chân của Ngô Đình Diệm đã đẩy mạnh việc tuyên truyền lừa bịp xuyên tạc các chính sách của ta, đồng thời dùng vũ lực tổ chức những cuộc vây bắt, để dụ dỗ và cưỡng ép đồng bào ta đi Nam.

Sau khi các lực lượng liên hiệp Pháp rút khỏi Hà Nội, thì âm mưu của đối phương chuyển sang cưỡng ép và dụ dỗ đồng bào công giáo ở vùng duyên hải Bắc bộ và ở Thanh Hoá, Nghệ An. Bọn phản động đưa ra những luận điệu tuyên truyền lừa gạt như: Chúa đã vào Nam, ở lại miền Bắc thì sẽ mất linh hồn; vào Nam sẽ được cấp ruộng đất, trâu bò, được sinh sống đầy đủ; ở lại miền Bắc thì Mỹ sẽ ném bom nguyên tử chết hết. Chúng làm cho một bộ phận trong đồng bào công giáo hoang mang lo sợ, rồi nhân đó mà tổ chức những cuộc tập trung dân trái phép, có nơi dùng hành động vũ trang công khai chống lại chính quyền, gây ra những hành động khiêu khích, mong tạo ra những chứng cớ cho rằng ta vi phạm hiệp định.

Gần đây, trong khu chu vi Hải Phòng, chúng cũng đang ráo riết cưỡng ép và dụ dỗ di cư. Các nhà đương cục quân sự Pháp ở đó đã công nhiên ra những chỉ thị nói rằng sau ngày 1 tháng 2 năm 1955, đối với những người không chịu di cư, thì nhà chức trách không thể đảm bảo an toàn cho họ, đồng thời tổ chức những phiên di cư trong những trường hợp mà chúng gọi là “tình hình căng thẳng” hay “trường hợp báo động”.

Do những mưu mô nói trên, mà hiện nay có hàng chục vạn đồng bào ta di cư vào Nam, và đang sống trong những điều kiện hết sức khổ sở, đói không có ăn, ốm không có thuốc ở các đồn điền hoặc trong các trại di cư. Chính nhiều tờ báo Mỹ cũng phải thú nhận rằng “những người Việt Nam di cư thấy rõ rằng họ bị giam hãm trong một miếng đất hoang” hoặc “những người di cư đã sa chân vào một bãi lầy. Người ta không phát cho họ cuốc xẻng, cũng không phát cho họ tiền nong, lương thực như đã hứa trước đây”. Nhiều người trong số đã di cư vào Nam hiện muốn trở về với nhà cửa, ruộng nương, nhưng họ bị ngăn cản và khủng bố, chỉ có một số rất ít trở về được.

Những hành động trên đây là những mưu mô thâm độc, lợi dụng Điều khoản 14d Điều 8 trong bản tuyên ngôn cuối cùng về quyền tự do lựa chọn chỗ ở để làm trái hẳn với những điều khoản đó.

Thế mà chúng dám tuyên truyền vu khống rằng ta ngăn cản di cư, hòng che giấu những âm mưu đen tối của chúng.

Một thí dụ điển hình của lối tuyên truyền vu khống đó là vụ Ba Làng ở Thanh Hoá. Chúng cưỡng ép và dụ dỗ đồng bào đi Nam, hành hung bộ đội, chống lại chính quyền, liên lạc với tầu chiến của đối phương một cách bất hợp pháp. Chúng rêu rao rằng bộ đội ta tấn công vào một đám giáo dân tập trung ở Ba Làng, gây ra một dư luận ầm ĩ ở Pháp và ở Mỹ. Sự thật thì như thế nào? Uỷ ban Quốc tế đã đến điều tra tận nơi và đã kết luận rằng: ở Ba Làng không hề có giáo dân tập trung, và các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam đóng ở đó không hề dùng đến vũ lực đối với dân; rằng các nhà chức trách của quân đội liên hiệp Pháp đã quan tâm một cách không được tự nhiên lắm đến vùng này.

Trong khi đó thì mỗi người đều biết rằng chính sách của Chính phủ ta là tôn trọng tín ngưỡng, đảm bảo quyền tự do dân chủ, tự do đi lại của nhân dân. Chính sách của ta là đồng bào ta ai muốn lựa chọn chỗ thì đều được tự do lựa chọn, nếu gặp hoàn cảnh khó khăn trong việc đi lại thì chính quyền sẽ cố gắng giúp đỡ trong điều kiện có thể; không những thế, tài sản, ruộng nương của những người bị dụ dỗ, cưỡng ép đi Nam đều được chính quyền địa phương trông nom giúp, khi nào về thì sẽ trao trả lại.

Tuy nhiên, chúng ta nhất định không dung túng những hành động phi pháp của bọn phản động, như tuyên truyền bom nguyên tử, như tập trung dân trái phép, như công khai chống lại chính quyền.

Từ nay đến ngày quân đội liên hiệp Pháp rút hết khỏi chu vi Hải Phòng, chúng còn ráo riết cưỡng ép và dụ dỗ đồng bào ta di cư. Và sau đó, âm mưu nói trên cũng vẫn tiếp tục, vì vậy, chúng ta phải tỉnh táo đề phòng thật sự, kiên quyết đấu tranh để phá tan những âm mưu đó và đảm bảo cho đồng bào ta ai muốn đi thì được đi, ai không muốn đi thì không bị lừa gạt, cưỡng ép.

Nhìn chung lại, đế quốc Mỹ, phái thực dân Pháp phản hiệp định và bọn Ngô Đình Diệm hiện đang đi sâu vào con đường phá hoại hiệp định một cách có hệ thống. Một mặt, thì đế quốc Mỹ đang can thiệp trắng trợn vào miền Nam, tăng cường binh bị, nắm lấy nội chính, cho thi hành những điều cải cách lừa dối, ra sức củng cố địa vị của Ngô Đình Diệm, tên tay sai trung thành của chúng. Một mặt khác thì chính quyền Ngô Đình Diệm đang thi hành một chính sách khủng bố hết sức tàn khốc, nhằm đàn áp tinh thần đấu tranh vì hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ của đồng bào miền Nam. Chúng ra sức đàn áp ý chí đấu tranh của nhân dân, tạo điều kiện để có thể phá hoại hiệp định, phá hoại hòa bình, ngăn cản cuộc tổng tuyển cử tự do để thống nhất nước Việt Nam, tiếp tục chuẩn bị chiến tranh, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự của Mỹ.

Mỹ càng can thiệp vào miền Nam thì càng giành giật địa vị và quyền lợi của Pháp. Về mặt quân sự, thì Mỹ đã thay chân Pháp trong việc trực tiếp huấn luyện bộ đội của Ngô Đình Diệm. Về kinh tế, thì chính sách viện trợ và đầu tư của Mỹ hiện đang chèn ép các xí nghiệp kinh doanh Pháp, cướp lấy các nguồn lợi chính ở miền Nam, giành lấy địa vị kinh tế trước đây của Pháp. Không những thế, Mỹ lại không muốn cho Pháp duy trì quyền lợi kinh tế của Pháp ở miền Bắc. Về chính trị, thì Mỹ và Ngô Đình Diệm đang ra sức gạt bỏ các phần tử thân Pháp ra khỏi những địa vị quan trọng trong chính quyền và quân đội, thậm chí mượn tiếng “thanh trừ tham quan, ô lại” để trừng trị những tay chân đắc lực của Pháp trước đây.

Vì vậy, mà sự can thiệp của Mỹ đã làm cho tình hình miền Nam ngày càng thêm rối ren. Tình hình làm ăn và sinh sống của nhân dân ngày càng khó khăn. Quân đội của Diệm và quân đội của các đảng phái, tôn giáo luôn luôn có những cuộc xung đột, gần đây đã gây ra những cuộc đánh nhau tương đối lớn. Đời sống hòa bình của đồng bào miền Nam bị đe dọa nghiêm trọng. Nhân dân ta càng thấy rõ ràng đế quốc Mỹ là kẻ thù đầu sỏ và nguy hiểm của chúng ta.

Sự can thiệp của đế quốc Mỹ và chính sách phá hoại Hiệp định Giơnevơ của chúng không những đi ngược lại lợi ích căn bản của nhân dân ta mà đi ngược lại lợi ích căn bản của nhân dân Pháp. Vì vậy mà nhân dân Pháp chống lại sự can thiệp đó, chống lại chính sách đó. Ngay cả một số chính khách Pháp thuộc giai cấp tư sản cũng hết sức lo ngại và lên tiếng chống lại mưu mô của Mỹ.

Tuy nhiên, hiện nay, phái thực dân Pháp phản hiệp định vẫn tiếp tục đi vào con đường câu kết với Mỹ, vi phạm và phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Đối với những hành động vi phạm nói trên, đế quốc Mỹ phải chịu trách nhiệm chính, nhưng các nhà đương cục Pháp là người đã ký kết hiệp định nhất định phải chịu phần trách nhiệm của mình.

Con đường vi phạm Hiệp định Giơnevơ quyết không phải là con đường tốt cho nước Pháp.

IV- ĐI NGƯỢC LẠI QUYỀN LỢI VÀ NGUYỆN VỌNG CỦA NHÂN DÂN LÀO VÀ CAO MIÊN, ĐẾ QUỐC MỸ ĐANG ÂM MƯU RÁO RIẾT PHÁ HOẠI HIỆP ĐỊNH Ở LÀO VÀ CAO MIÊN, HÒNG BIẾN LÀO VÀ CAO MIÊN THÀNH CĂN CỨ QUÂN SỰ CỦA CHÚNG

1. Hiệp định Giơnevơ về việc đình chỉ chiến sự ở Lào và Cao Miên là một thắng lợi rất lớn của nhân dân hai nước đó trong công cuộc đấu tranh để giành hòa bình, độc lập, thống nhất và dân chủ cho nước nhà.

Ở Lào thì các lực lượng Pathét Lào và các đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Lào lúc bấy giờ đang kiểm soát những khu vực giải phóng rộng rãi bao gồm 1 triệu dân và trên dưới một nửa diện tích toàn Lào; họ đã thi hành hiệp định đình chiến một cách nghiêm chỉnh và triệt để.

Các lực lượng Pathét Lào đã từ hạ Lào, trung Lào, và nhiều tỉnh ở miền tây thượng Lào lần lượt rút về tập kết trong khu vực hai tỉnh Sầm Nưa và Phong Xa Lỳ đúng kỳ hạn quy định trong Hiệp định Giơnevơ.

Trong lúc đó, các đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Lào đã được lệnh từ các địa phương ở giáp giới sông Mê Công hoặc biên giới Lào, Cao Miên lần lượt rút quân về nước. Trong những điều kiện hết sức khó khăn về đường sá và tiếp tế, nhờ sự cố gắng của cán bộ và chiến sĩ, nhờ sự giúp đỡ của nhân dân địa phương, quân ta đã hoàn toàn rút khỏi lãnh thổ nước Lào vào ngày 16 tháng 11 năm 1954 nghĩa là trước thời hạn đã quy định trong hiệp định. Việc bộ đội tình nguyện Việt Nam rút quân về nước không những chứng tỏ tinh thần kỷ luật rất cao, mà càng chứng tỏ tinh thần quốc tế chủ nghĩa cao cả của cán bộ và chiến sĩ các đơn vị tình nguyện, trước đây đã vì độc lập và tự do của nhân dân Lào mà sang cùng nhân dân Lào chiến đấu chống kẻ xâm lược ở trên đất Lào.

Ở Cao Miên, các lực lượng Ítxarắc Khơ me và các đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Cao Miên cũng đã thi hành hiệp định một cách nghiêm chỉnh và triệt để. Các lực lượng Ítxarắc đã ngừng bắn đúng hạn và đã phục viên tại chỗ. Ủy ban Quốc tế đã chứng nhận rằng việc phục viên đó đã tiến hành đúng hiệp định.

Các đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Cao Miên, từ những địa phương rất xa xôi ở Tây Bắc hoặc Đông Nam Cao Miên lần lượt rút quân về nước và đúng ngày 17 tháng 10 năm 1954 thì bộ đội của ta đã rút khỏi lãnh thổ của Cao Miên. Cũng như ở Lào, việc rút quân của bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Cao Miên đã nêu cao tinh thần kỷ luật, đồng thời đã chứng tỏ tinh thần quốc tế chủ nghĩa cao cả của các đơn vị tình nguyện trong suốt mấy năm đã chiến đấu gian khổ chống kẻ xâm lược ở Cao Miên, vì mục đích giúp đỡ nhân dân Cao Miên.

2. Tại Hội nghị Giơnevơ, Chính phủ nhà vua Lào, cũng như Chính phủ nhà vua Cao Miên, đã từng tuyên bố “nguyện thi hành những biện pháp để cho tất cả mọi người công dân đều có được địa vị của mình trong tập thể dân tộc nhất là bằng cách tham gia cuộc tổng tuyển cử sắp tới” và “không ký kết bất cứ một hiệp định nào với nước khác, nếu hiệp định đó buộc họ phải tham gia vào một khối liên minh quân sự không phù hợp với những nguyên tắc của hiến chương Liên hợp quốc, hoặc riêng đối với nước Lào không phù hợp với những nguyên tắc của hiệp định đình chỉ chiến sự ở Lào, hoặc nếu hiệp định đó buộc họ phải lập những căn cứ quân sự cho những lực lượng quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ Cao Miên hoặc Lào khi mà an ninh của hai nước không bị đe dọa”. Lời tuyên bố cuối cùng của hội nghị đã chứng nhận những điều nói trên.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, không đếm xỉa gì đến tinh thần và nội dung của Hiệp định Giơnevơ, đế quốc Mỹ đã mưu mô lôi kéo nước Lào vào khối xâm lược Đông Nam Á. Trong dịp Đalét tới Viên Chăn, Chính phủ Kàtày đã ra một thông cáo “lấy làm hài lòng về những kết quả của cuộc hội nghị Băng Cốc vừa qua của khối quân sự Đông Nam Á”, và cho rằng “mặc dù không phải là một nước ký kết Hiệp ước Manila nước Lào không phải không có liên quan gì đối với hiệp ước đó”. Những cuộc thương thuyết giữa Chính phủ nhà vua với Mỹ hiện đang tiến hành để yêu cầu Mỹ viện trợ về quân sự. Đó là những hành động trái ngược với Hiệp định Giơnevơ.

Cũng trong thời gian vừa qua, dưới ảnh hưởng của đế quốc Mỹ, nhiều hành động quân sự trái với Hiệp định Giơnevơ đã xảy ra trong phạm vi hai tỉnh Sầm Nưa và Phong Sa Lỳ. Gần đây, Chính phủ nhà vua lại dung túng cho tàn quân của quốc dân đảng vào nhiều địa phương ở thượng Lào gây nên một sự uy hiếp mới đối với biên giới ta và biên giới Trung Quốc.

Nước Lào là một nước láng giềng của ta, có một biên giới chung rất dài với ta từ Bắc chí Nam, trải qua mấy thế kỷ lại có rất nhiều quan hệ mật thiết với ta về mọi mặt. Chúng ta là một nước láng giềng, lại là một bên đã cùng Chính phủ Lào ký kết Hiệp định Giơnevơ, Chính phủ ta rất mong muốn gây dựng những quan hệ hữu hảo với Chính phủ nhà vua trên cơ sở tôn trọng hiệp định và trên 
5 nguyên tắc chung sống hòa bình của bản tuyên bố chung Trung - Ấn và Trung - Diến. Chính phủ ta đã nhiều lần nêu rõ chính sách đó.

Tuy nhiên, chúng ta nhất định kiên quyết chống lại mọi âm mưu của đế quốc Mỹ đối với nước Lào, chúng ta phản kháng những hành động trái hiệp định nói trên của Chính phủ Kà tày. Và chúng ta tán thành lời tuyên bố ngày 23 tháng 2 năm 1955 của hoàng thân Xuphanuvông, lãnh tụ các lực lượng Pathét Lào, chủ trương cùng với Chính phủ nhà vua thành thật thương lượng để giải quyết những vấn đề chính trị căn bản của nước Lào trên nguyên tắc tôn trọng hiệp định và chống lại mọi âm mưu của đế quốc Mỹ.

3. Ở Cao Miên, thì Chính phủ nhà vua đã có những lời tuyên bố tại Hội nghị Giơnevơ về vấn đề thống nhất các lực lượng quốc gia bằng tổng tuyển cử, về vấn đề không tham gia bất cứ một khối liên minh quân sự nào.

Mặc dù những lời tuyên bố đó, đế quốc Mỹ đã không đếm xỉa gì đến tinh thần và nội dung Hiệp định Giơnevơ, đang ra sức lôi kéo Cao Miên vào khối xâm lược Đông Nam Á. Đại sứ của Mỹ ở Cao Miên là Mắccơlintốc đã từng để lộ ý định của Mỹ là biến Cao Miên thành một pháo đài của Mỹ. Chính phủ Mỹ hiện đang giúp đỡ Cao Miên xây dựng hải cảng Rêan và gần đây các nhà đương cục quân sự Cao Miên đang dự định ký kết hiệp định viện trợ quân sự Mỹ. Sau hội nghị Băng Cốc, Đalét đã đến thăm Phnôngpênh và đưa ra chương trình giúp đỡ Cao Miên tăng cường quân đội lên đến 55 nghìn. Đó là những điều trái với Hiệp định Giơnevơ.

Trong tháng 2 vừa qua, các nhà đương cục Cao Miên lại có ý định thay đổi hiến pháp trước khi mở cuộc tổng tuyển cử, nhằm mục đích gạt bỏ những phần tử kháng chiến ra ngoài. Tiếp theo đó thì các báo chí của Mỹ tung ra tin đồn cho rằng nhà vua phản đối sự hoạt động của Uỷ ban Quốc tế và có ý định đòi Uỷ ban Quốc tế giải tán. Đó là những xu hướng hoàn toàn trái ngược với Hiệp định Giơnevơ. Chúng ta lấy làm hài lòng rằng Chính phủ nhà vua vẫn dự định tiến hành công cuộc tổng tuyển cử theo hiến pháp hiện hành, và đã tuyên bố cộng tác với Uỷ ban Quốc tế.

Chúng ta và Cao Miên là hai nước láng giềng, từ trước tới nay vẫn có nhiều quan hệ mật thiết với nhau về mọi mặt; nhất là trong 100 năm lại đây, nhân dân ba nước Việt Nam, Cao Miên và Lào đều cùng chung sống dưới ách đô hộ của đế quốc và cùng nhau phấn đấu vì độc lập, tự do của nước nhà. Chúng ta rất mong muốn có những quan hệ tốt với Chính phủ nhà vua Cao Miên. Những quan hệ đó cần được xây dựng trên cơ sở tôn trọng Hiệp định Giơnevơ, và theo tinh thần 5 nguyên tắc của các lời tuyên bố chung Trung- Ấn và Trung - Diến6. Chúng ta kiên quyết phản kháng mọi âm mưu của đế quốc Mỹ mong biến Cao Miên thành một căn cứ quân sự của chúng.

V- CHÚNG TA PHẢI KIÊN QUYẾT ĐẤU TRANH ĐỂ THI HÀNH HIỆP ĐỊNH, CỦNG CỐ HÒA BÌNH, THỰC HIỆN THỐNG NHẤT, HOÀN THÀNH ĐỘC LẬP VÀ DÂN CHỦ TRONG TOÀN QUỐC

Từ khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết đến nay, tình hình thế giới cũng như tình hình trong nước đã có nhiều sự phát triển mới. Trên thế giới, để phá hoại những ảnh hưởng và kết quả của Hội nghị Giơnevơ, đế quốc Mỹ đã ra sức xúc tiến chính sách thành lập các khối liên minh quân sự xâm lược đẩy mạnh cuộc chạy đua vũ trang và công cuộc chuẩn bị chiến tranh nguyên tử, do đó mà tình hình trở nên căng thẳng hơn. Trong lúc đó thì nhân đà thắng lợi to lớn của Hội nghị Giơnevơ, phong trào hòa bình khắp các nước càng lên mạnh. Lực lượng của Mặt trận hòa bình và dân chủ do Liên Xô lãnh đạo hiện nay mạnh mẽ và đoàn kết hơn bao giờ hết.

Ở nước ta, do kết quả thi hành hiệp định trong mấy tháng nay, chúng ta đã thu được những thắng lợi lớn. Miền Bắc giải phóng hiện đang được củng cố về mọi mặt. Nhân dân toàn quốc đang cùng nhau đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi hơn để phấn đấu cho hòa bình và thống nhất. Nhìn chung cục diện toàn Đông Dương thì việc thi hành hiệp định nghiêm chỉnh của ta ở Cao Miên và Lào thực tế đã đặt một cơ sở cho những quan hệ tốt sau này giữa nhân dân ta và nhân dân hai nước láng giềng. Ở Đông Nam Á thì vai trò của một số nước tiến bộ như Ấn Độ, Nam Dương7, Diến Điện8 đối với công cuộc củng cố hòa bình càng ngày càng rõ rệt.

Đứng về một mặt khác, đế quốc Mỹ, phái thực dân Pháp phản hiệp định và bọn Ngô Đình Diệm hiện đang vi phạm và phá hoại một số điều khoản quan trọng của Hiệp định Giơnevơ. Chúng đang ra sức tăng cường binh bị ở miền Nam, tìm mọi cách để chia cắt đất nước ta, biến miền Nam Việt Nam thành một căn cứ quân sự của Mỹ. Trong lúc đó đế quốc Mỹ ra sức lôi kéo Cao Miên và Lào. Cuộc chuẩn bị chiến tranh của chúng ở Đông Nam Á cũng đang tiến hành tích cực, đi đôi với sự tăng cường can thiệp của chúng vào Đài Loan và Nam Triều Tiên. Do đó mà tình hình ở nước ta và ở Á Đông cũng trở nên căng thẳng hơn trước.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ mới được ký kết, Hồ Chủ tịch, Đảng và Chính phủ đã đề ra cho toàn dân nhiệm vụ phải hết sức tôn trọng và triệt để thi hành hiệp định.

Ngày nay, mặc dầu tình hình có đổi khác, chính sách của Chính phủ ta vẫn trước sau như một: chúng ta tiếp tục tôn trọng và thi hành hiệp định đã ký kết. Chúng ta kiên quyết đấu tranh đòi đối phương phải tôn trọng và thi hành hiệp định.

Nguy cơ trước mắt là đế quốc Mỹ đang mưu mô chia cắt nước ta, xâm chiếm miền Nam Việt Nam, Lào và Cao Miên, chuẩn bị một cuộc chiến tranh mới. Trong cuộc đấu tranh để thi hành hiệp định, việc đấu tranh để củng cố hòa bình và việc đấu tranh để thực hiện thống nhất không thể tách rời nhau được. “Hòa bình có củng cố được thì mới có điều kiện tiến tới thống nhất bằng tổng tuyển cử. Cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất ngược lại sẽ góp phần rất quan trọng vào việc củng cố hòa bình”.

Chúng ta phải kiên quyết đấu tranh chống lại những kẻ phá hoại hòa bình và thống nhất, phá hoại hiệp định. Chúng ta phải kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ, phái thực dân Pháp phản hiệp định và bọn Ngô Đình Diệm tay sai của chúng. Chính phủ ta đã nhiều lần tuyên bố vạch rõ những hành động vi phạm của chúng, nhân dân ta hết sức căm phẫn chúng, phong trào chống Mỹ đã lôi cuốn những tầng lớp rộng rãi của quảng đại nhân dân. Chúng ta phải giáo dục cho toàn dân nhận rõ kẻ thù trước mắt, kẻ thù của hòa bình và thống nhất, nuôi dưỡng ý chí phấn đấu làm cho toàn dân tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng.

Chúng ta phải đoàn kết rộng rãi ở trong nước, đoàn kết với tất cả mọi người tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ, đoàn kết với nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, nhân dân các nước bạn, nhân dân Pháp và nhân dân các nước Đông Nam Á. Có như vậy mới cô lập được đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng.

Đi vào nội dung cụ thể của cuộc đấu tranh để thi hành hiệp định, chúng ta phải chống lại mọi mưu mô tăng cường binh bị ở miền Nam và Lào, Cao Miên, mọi mưu mô tăng viện vũ khí và nhân viên quân sự mới, cũng như lập những căn cứ quân sự mới. Chúng ta phải tiếp tục đấu tranh chống khối liên minh quân sự Đông Nam Á.

Chúng ta phải đấu tranh đòi các lực lượng liên hiệp Pháp thi hành cuộc rút quân khỏi khu chu vi Hải Phòng theo đúng những điều kiện đã quy định trong hiệp định, phải chuẩn bị việc tiếp quản Hải Phòng cho đầy đủ; đồng thời về phía ta thì cần đảm bảo việc chuyển quân ở Liên khu 5 ra miền Bắc đúng thời hạn và được an toàn.

Chúng ta phải đấu tranh để điều khoản nói về tự do lựa chọn chỗ ở được thi hành đúng tinh thần của hiệp định: những người muốn đi thì tự do đi, những người muốn ở lại thì tự do ở lại, những người đã vào Nam nay muốn trở về thì được tự do trở về, chống lại mọi mưu mô dụ dỗ và cưỡng ép ở miền Bắc, mọi sự ngăn cản và khủng bố ở miền Nam.

Chúng ta phải đấu tranh buộc đối phương phải thực hiện chính sách không phân biệt đối đãi và đảm bảo quyền tự do dân chủ đối với các cá nhân và đoàn thể đã từng cộng tác với một bên trong thời kỳ chiến tranh. Chúng ta phải chống lại chính sách khủng bố và chính sách thủ tiêu các quyền tự do dân chủ ở miền Nam.

Về vấn đề thực hiện thống nhất bằng tổng tuyển cử thì bản tuyên ngôn cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ Điều 7 đã nói:

“Hội nghị tuyên bố là về phần Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, sẽ làm cho nhân dân Việt Nam được hưởng những tự do căn bản, đảm bảo cho một chế độ dân chủ thành lập do tổng tuyển cử tự do và bỏ phiếu kín.

Để làm cho việc lập lại hòa bình tiến triển đến mức cần thiết và để thực hiện tất cả những điều kiện cần thiết cho nhân dân Việt Nam có thể tự do bày tỏ ý muốn, cuộc tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng 7 năm 1956 dưới sự kiểm soát của một Ban quốc tế gồm đại biểu những nước có chân trong Uỷ ban Quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến đã nói trong hiệp định đình chỉ chiến sự. Kể từ ngày 20 tháng 7 năm 1955, những nhà đương cục có thẩm quyền trong hai vùng sẽ có những cuộc gặp gỡ để thương lượng về vấn đề đó”.

Từ bây giờ, chúng ta phải chuẩn bị để mở hội nghị hiệp thương với đối phương bàn về vấn đề tổng tuyển cử. Để tạo điều kiện thuận lợi cho Hội nghị hiệp thương, Chính phủ ta đã có lời tuyên bố về việc lập lại quan hệ bình thường giữa miền Bắc và miền Nam. Chính quyền ta ở miền Bắc và đồng bào ở hai miền đều phải ra sức cố gắng để lập lại và phát triển những quan hệ nói trên về mọi mặt kinh tế, văn hoá, xã hội.

Đối với Uỷ ban Liên hợp đình chiến là cơ quan có nhiệm vụ bàn bạc việc thực hiện các điều khoản của hiệp định, chúng ta chủ trương ra sức giải quyết mọi vấn đề bằng cách cùng nhau thương lượng trong Uỷ ban đó.

Đối với Uỷ ban Quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến, chúng ta chủ trương hết sức giúp đỡ và cộng tác. Uỷ ban Quốc tế trong thời gian vừa qua đã cố gắng nhiều, đã thu được những kết quả nhất định và đã góp phần vào công cuộc củng cố hòa bình thi hành hiệp định. Nếu đối phương thành thật tôn trọng hiệp định thì những kết quả đó có thể lớn hơn.

Cuộc đấu tranh để thi hành hiệp định, để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc là một cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ và phức tạp.

Nhưng chúng ta có lực lượng của miền Bắc đã giải phóng, có lực lượng của nhân dân toàn quốc từ Nam chí Bắc. Chúng ta có sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới và nhân dân Pháp, chúng ta có chủ trương chính sách đúng đắn của Hồ Chủ tịch, Đảng và Chính phủ; chúng ta có cơ sở pháp lý vững chắc của Hiệp định Giơnevơ.

Sức mạnh đoàn kết của nhân dân ta và nhân dân thế giới có một tác dụng quyết định. Ý chí hòa bình và ý chí thống nhất của toàn dân ta là một lực lượng quyết định.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, sức mạnh đoàn kết và ý chí chiến đấu của toàn dân, lòng tin tưởng không bờ bến của toàn dân ở Hồ Chủ tịch, Đảng và Chính phủ đã giúp chúng ta khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi gian khổ, đánh bại mưu mô xâm lược của đế quốc Pháp - Mỹ đưa chúng ta đến thắng lợi.

Trong cuộc đấu tranh hiện nay để thi hành hiệp định, củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc, sức mạnh đoàn kết của toàn dân, ý chí đấu tranh và lòng tin tưởng của toàn dân nhất định sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua được mọi gian khổ, đánh bại mưu mô chia cắt lãnh thổ và chuẩn bị chiến tranh của đế quốc Mỹ, phái thực dân Pháp phản hiệp định và bọn Ngô Đình Diệm tay sai của chúng.

Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng đang chọn con đường chuẩn bị chiến tranh, mưu mô chia cắt đất nước ta, mưu mô phá hoại hiệp định. Chúng đi ngược lại những nguyện vọng căn bản và chính đáng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Chúng nhất định thất bại.

Chúng ta, toàn dân ta là những người chủ trương củng cố hòa bình, chủ trương thống nhất đất nước, chủ trương tôn trọng hiệp định. Chúng ta là chính nghĩa. Chúng ta nhất định thắng lợi.

 

Báo Nhân dân số 388 ra ngày 25-3-1955.

 

1. Campuchia (BT).

2. Bản gốc ghi là thành phố Hải Dương (BT).

3. Cà Mau (BT).

4. Nước Cộng hoà Hồi giáo Pakixtan (BT).

5. Philíppin (BT).

6. Mianma ngày nay (BT).

7. Inđônêxia ngày nay (BT).

8. Mianma ngày nay (BT).