Thưa Chủ tịch
và toàn hội nghị,
Sau khi cách
mạng đã chống Nhật, Pháp, bãi bỏ chế độ vua quan, thành công tháng 8, thì
ngày 2 tháng 9 Cụ Hồ, vị lãnh tụ cứu quốc đã tuyên ngôn trước thế giới: Nước
Việt Nam tự do là một nước dân chủ cộng hòa: nền tảng dân chủ là mọi quyền
bính đều do dân điều khiển, mọi sự đều quy về phụng sự nhân dân, mọi công
dân đều có quyền lợi như nhau và bình đẳng tự do, nên cần phải có một cơ
quan tối cao thay dân để điều khiển quyền đó và lập nền dân chủ. Hôm 6 tháng
Giêng 1946 giữa những sự khó khăn đe dọa và trăm nghìn mưu mô phá hoại cuộc
Tổng tuyển cử do toàn quốc bỏ phiếu chọn đại biểu thay mình, đã kết quả mỹ
mãn. Quốc hội Việt Nam thứ nhất đã thành lập gồm có mọi đại diện giai cấp,
phái đảng và tôn giáo toàn quốc. Nhiệm vụ
chính của dân trao cho Quốc hội: a) Đón bản Hiến pháp quy định nền tảng dân
chủ, quyền lợi nhiệm vụ công dân và luật lệ chính về xã hội gia đình trên
nền tảng bình đẳng từ đó nhằm hạnh phúc cho Tổ quốc; b) Việc đặt một cơ quan
trên hết chấp chính mọi quyền bính của nhân dân tập trung gọi là
Chính phủ Trung ương. Ngày 2-3-1946, Quốc hội đã họp lần thứ nhất tại Thủ đô
có mặt hầu hết các vị đại biểu toàn quốc dễ hơn 300. Trong phiên họp đó toàn
hội nghị đã thu nhận 70 đại biểu của Quốc dân đảng và Cách mạng đồng minh
hội tỏ rõ nền tảng dân chủ cộng hòa và đại đoàn kết. Trong phiên họp đó đã
làm hai việc chính là chọn và thu nhận Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Cụ
Hồ đứng đầu và đặt ra một cơ quan lo việc đón bản Hiến pháp. Trước khi bế
mạc, toàn hội nghị đã bầu Ban Thường trực gồm 15 vị chính thức và 5 vị dự
khuyết để thay mặt Quốc hội làm trung gian giữa Chính phủ và quốc dân. Ban
Thường trực đó đã làm trọn nghĩa vụ như đã báo cáo trong phiên họp trước.
Ngày 28 tháng 10 năm 1946, Ban Thường trực đã triệu tập hội nghị toàn quốc
lần thứ hai có đủ các đại biểu toàn quốc trừ ít nhiều vị trong Nam vì tình
thế chiến tranh không kịp tới họp.
Trong quãng 6
tháng giữa hai phiên họp tuy vắn mà biết bao thay đổi chuyển vần về chính
trị, sự hăm đe nền thống nhất và độc lập của Tổ quốc một ngày một căng,
Chính phủ và Quốc hội đã tìm đủ mọi phương thế vừa đề cao về độc lập vừa lo
cuộc hòa bình cho nhân dân, để kịp thời gian đối phó với bọn thực dân lưu
manh tráo trở, vì thế mới có những cuộc như hiệp định sơ bộ 6-3, phái đoàn
Đà Lạt tháng 5, và phái bộ đi Paris và Fontainebleau với bản tạm ước (modus
vivendi) 14-9. Song dẫu ta đã rất mềm dẻo và nhượng bộ về mọi mặt, thực dân
gian dối không coi sao chữ ký của họ, lại mưu mô xâm lược nước ta và làm
nhiều sự quá đáng lay chuyển nền độc lập phạm đến quyền tự do dân chủ của ta
nên Quốc hội đã phải họp toàn hội nghị lần hai để kiểm điểm công việc của
Quốc hội và đường lối chính trị của Chính phủ với sự đòi hỏi của hoàn cảnh
và thời gian và cách đối phó với những lời phi nghĩa tráo trâng của thực
dân. Trong phiên họp toàn quốc lần thứ hai này toàn hội nghị đã đặt nội quy
và thông qua bản Hiến pháp đó là công việc chính của Quốc hội.
Vì tình thế
lúc đó rất găng, thực dân rất khiêu khích, láo xược đã bắt đầu đánh lối ăn
mòn theo vết dầu loang, nên toàn Quốc hội thay mặt quốc dân đã nhận việc từ
chức của Chính phủ liên hiệp và ủy nhiệm vị anh hùng độc nhất của Tổ quốc
đứng lập Chính phủ mới, đến 10-11 Chính phủ mới do Hồ Chủ tịch đứng đầu đã
thành lập và được toàn hội nghị bỏ phiếu hoàn toàn tín nhiệm và ủy cho việc
giành độc lập thống nhất thực sự của Tổ quốc. Lại nếu chiến tranh bùng nổ
thì Chính phủ đó được sự điều khiển của Hồ Chủ tịch sẽ đứng ra lãnh đạo cuộc
tràng kỳ kháng chiến toàn dân và toàn diện. Ngày 11-11 hội nghị giải tán,
chính lý Quốc hội đến đây là tự giải tán sau khi lo cho có nghị viện thay
thế theo như Hiến pháp. Song, vì cuộc khơi hấn của thực dân bùng nổ trong
toàn quốc ngày 19-12 nên việc ban bố Hiến pháp và trưng cầu dân ý chưa kịp
việc tuyển cử nghị viện cũng chưa thể được nên Quốc hội còn tồn tại đến ngày
nay. Từ lúc chiến tranh toàn quốc bùng nổ ta phải kháng cự bảo tồn đất nước
nên Ban Thường trực thay mặt Quốc hội là cùng với Chính phủ nhất định kháng
chiến. Trong giai đoạn này Ban Thường trực nhìn xa biết rằng cuộc kháng
chiến của ta sẽ tràng kỳ và rất khó khăn nên sự triệu tập toàn Quốc hội hay
là toàn Ban Thường trực sẽ rất là khó khăn không thể biết trước đến khi nào
sẽ triệu tập được nên cuối tháng 12-46 Ban Thường trực họp tại Hà Đông đã
định rằng: a) Trong thời kỳ kháng chiến vì tình thế khó khăn thì ít là sẽ có
cụ Trưởng Ban Thường trực ở liền với Chính phủ để giúp đỡ và theo dõi đường
lối chính trị và cùng với Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn dân toàn
diện, b) Còn các đại biểu Quốc hội thảy đều tùy năng lực và địa vị mà tham
gia vào mọi công cuộc kháng chiến c) Ban Thường trực thay toàn thể Quốc hội
hiệu triệu và nhận các ý nguyện của dân và sửa soạn cuộc đại hội. Ba quyết
nghị đó Ban Thường trực đã thi hành thế nào và kết quả ra sao lát nữa một vị
của Chính phủ và một vị của Ban Thường trực sẽ trình bày với toàn hội nghị
một cách đầy đủ và chi tiết. Riêng đây tôi xin trình qua về Ban Thường trực
từ hồi kháng chiến tới nay. Theo quyết nghị nói trên thì Ban Thường trực chỉ
còn một vị Trưởng Ban với văn phòng, ngài thay mặt cả Ban làm 3 nhiệm vụ
Quốc hội đã trao. Cụ Bùi nhận nhiệm vụ đó cho đến tháng 10 năm 1948, từ đó
cụ mắc trở không theo dõi được nữa thì cụ Tôn Đức Thắng thay thế cụ Bùi nhận
trách nhiệm của Ban và có chúng tôi phụ trách vì cụ Tôn mắc nhiều công tác
quan hệ khác cho đến ngày nay.
Thưa toàn hội
nghị, như tôi đã trình, cuộc kháng chiến lan rộng mọi nơi nên sự triệu tập
toàn Quốc hội trong 3 năm nay không thể được, dù ngay các vị trong Ban
Thường trực chúng tôi đã tìm cách họp nhiều lần mà cũng không thể được vì
hoàn cảnh chiến tranh như năm 1947 bị tấn công Việt Bắc, năm 1948 bị nghẽn
các đường giao thông và nhất là không thể bảo đảm an toàn cho cuộc triệu tập
được.
Đến nay hoàn
cảnh đã cho phép, cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn quyết liệt và đang
biến chuyển mau chóng bất ngờ nên chúng tôi thấy sự cần kíp triệu tập ít là
Ban Thường trực để toàn Ban kiểm điểm các công việc của Quốc hội do Ban
Thường trực thay mặt đã cộng tác với Chính phủ kháng chiến thế nào, đã theo
dõi đường lối chính trị dân chủ làm sao và làm toại nguyện vọng của dân
chúng thế nào và cùng với những cuộc biến chuyển nội ngoại phi thường. Hôm
24-9-1949 Ban Thường vụ chúng tôi có họp lại để bàn qua về những việc cần
kíp phải lo trong thời gian cấp bách, nay toàn Ban sẽ sắp đặt lại nội quy và
thu xếp cho guồng máy thường trực ta để có thể hành động cho hợp thời, để
toàn đại biểu và toàn quốc rõ về đường lối Quốc hội nhất là trong giai đoạn
sắp tổng phản công này có nhiều vấn đề gấp rút phải thảo luận như những hành
động đối nội và vấn đề đối ngoại, vấn đề tu luật, tiếp tục cuốn dân luật
theo với Hiến pháp và đặt ra chương trình cụ thể hợp thời để Ban Thường trực
theo đó mà hành động cho kịp thời và Ban xét nếu cần thì phải có phái đoàn
đi gặp các đại biểu các nơi và cùng mặt trận huy động tinh thần toàn dân để
ăn nhịp với cuộc sửa soạn gấp rút tổng phản công, rồi sửa soạn cuộc toàn hội
nghị sau. Vì các lý do đó mà chúng tôi triệu tập họp toàn Ban hôm nay.
Trước khi rứt
lời, tôi xin thay mặt toàn Ban cảm tạ ông Phó thủ tướng nhân danh Chính phủ
tới làm việc cho cuộc hội nghị chúng tôi thêm long trọng và phấn khởi. Xin
nhờ ông chuyển lời chào kính lên cụ Chủ tịch và lòng biết ơn của Quốc hội
đối với Cụ và toàn Chính phủ của Cụ đã làm thoả mãn nguyện vọng của toàn dân
do Quốc hội đại diện, tôi cũng xin thay mặt toàn Ban cảm tạ các vị tân khách
và các vị thay mặt nhà báo.