BÁO CÁO CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI NĂM 1987
(Do ông Võ Văn Kiệt, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước
trình bày tại kỳ họp thứ 12, Quốc hội khóa VII, ngày 24-12-1986)
Thưa Đoàn Chủ tịch,
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Thay mặt Hội đồng Bộ trưởng, tôi xin trình bày trước Quốc hội bản dự thảo Báo cáo về "Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 1987".
Báo cáo gồm ba phần:
I- Tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1986
II- Nhiệm vụ, chỉ tiêu và biện pháp chủ yếu của kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1987.
III- Một số vấn đề về chỉ đạo thực hiện kế hoạch.
PHẦN THỨ NHẤT
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH KINH TẾ, XÃ HỘI NĂM 1986
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Kế hoạch nhà nước năm 1986 được thực hiện trong tình hình kinh tế - xã hội đang còn nhiều khó khăn, trong đó có những nguyên nhân khách quan, nhưng chủ yếu do nhiều khuyết điểm về chỉ đạo thực hiện. Bên cạnh những chỉ tiêu đạt kế hoạch và tăng so với năm 1985, một số mô hình làm ăn tốt tiếp tục nảy nở, đạt nhiều thành tựu mới, còn không ít chỉ tiêu quan trọng khác không đạt kế hoạch, có mặt thấp hơn năm trước; tình hình chung vẫn đang diễn biến phức tạp.
Dưới đây là tình hình cụ thể về việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1986.
1. Về sản xuất nông nghiệp, đã đạt được một số tiến bộ như bảo đảm kế hoạch diện tích gieo trồng lúa của cả nước; ở miền Nam năng suất lúa đông xuân và hè thu đạt khá, ở miền Bắc sản xuất màu vụ đông phát triển cả về diện tích, năng suất và sản lượng, nhất là khoai tây và ngô. Tuy vậy, thiên tai xảy ra liên tiếp ảnh hưởng lớn đến sản xuất một số vùng, nhất là miền Bắc và duyên hải miền Trung, lại tập trung vào những tỉnh vốn là vựa lúa ở đồng bằng Bắc bộ như Hải Hưng, Thái Bình, Hà Nam Ninh... Điều cần nhấn mạnh là chưa bảo đảm cân đối các điều kiện vật chất, nhất là phân bón, thuốc trừ sâu. Trách nhiệm này trước hết do Hội đồng Bộ trưởng và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước thiếu các biện pháp để hướng dẫn các địa phương sử dụng nguồn ngoại tệ thu được vào mục tiêu này. Do đó, năng suất lúa bình quân cả năm chỉ đạt 28,3 tạ/ha, so với kế hoạch là 30,4 tạ/ha. Đối với màu, không đạt kế hoạch và tiếp tục giảm cả về diện tích và sản lượng, riêng miền Bắc có tăng chút ít. Những thiếu sót về đầu tư, tổ chức sản xuất và tiêu thụ màu đã được nêu lên trong nhiều năm, nhưng vẫn chưa có biện pháp và chính sách cụ thể, nên thực tế chưa có chuyển biến đáng kể.
Tính chung, sản lượng lương thực cả năm ước đạt 18,5 triệu tấn (quy thóc), tuy có tăng khoảng 30 vạn tấn so với năm 1985, nhưng hụt kế hoạch 1,5 triệu tấn. Thu mua lương thực không đạt kế hoạch, vận chuyển gạo từ miền Nam ra Bắc đạt thấp, lại phải hỗ trợ thêm cho các vùng bị thiên tai, nên tình hình lương thực trong khu vực nhà nước ở phía Bắc rất căng thẳng.
Cây công nghiệp đạt 93,3% kế hoạch diện tích, tăng 4,8% so với năm 1985. Nhưng cây công nghiệp ngắn ngày chỉ đạt 88,6% kế hoạch, bằng năm 1985. Các cây lạc, đỗ tương, đay, bông, v.v. có tăng so với năm 1985, nhưng mía, thuốc lá giảm, chủ yếu là do việc ký kết hợp đồng quá chậm, các điều kiện vật chất không bảo đảm kịp thời, giá mua chưa thỏa đáng. Cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê, chè bảo đảm được kế hoạch trồng mới và có tiến bộ về thâm canh trên diện tích đã có, cho nên, sản lượng cà phê tăng 25%, sản lượng chè tăng 12% so với năm 1985.
Về chăn nuôi, đàn bò đạt kế hoạch và tăng 7% so với năm 1985, đàn trâu, gia cầm, tuy không đạt kế hoạch nhưng có tăng so với năm 1985, riêng đàn lợn, chỉ xấp xỉ bằng năm 1985. Ngoài nguyên nhân thiếu thức ăn, thì giá mua thịt lợn, không theo kịp sự biến động của giá lương thực cũng ảnh hưởng đến phát triển đàn lợn; việc giao lưu trâu, bò và sản phẩm chăn nuôi giữa các vùng, vẫn còn bị chia cắt.
Sản lượng đánh bắt thủy sản đạt kế hoạch và tăng 3,3% so với năm 1985. Phong trào nuôi tôm xuất khẩu, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục mở rộng.
Công tác trồng rừng ở các địa phương có chuyển biến tốt, trồng rừng tập trung đạt 16,6 vạn ha, vượt kế hoạch, tăng 12% so với năm 1985. Diện tích rừng bị cháy và nạn phá rừng có giảm, nhưng vẫn còn nghiêm trọng.
2. Sản xuất công nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp
Đầu năm, chúng ta đã chủ trương phát triển mạnh hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; một số mặt hàng tăng khá như vải màn tăng 56%, khăn mặt tăng 46%, mì chính tăng 47%,... sản lượng công nghiệp địa phương một số tỉnh, thành phố như Hà Nội tăng 9,4%, Hải Phòng tăng 11%, Đồng Nai tăng 15% Bình Trị Thiên 9%... Nhưng giá trị sản lượng công nghiệp hàng tiêu dùng chỉ tăng 6,3% so với năm 1985 (kế hoạch bố trí tăng 9-10%). Riêng tiểu, thủ công nghiệp có tiềm năng lớn, nhưng chỉ tăng 4,3%. Tình hình trên là do không đạt kế hoạch mua nguyên liệu nông sản trong nước, thiếu các chính sách khai thác tiềm năng của các thành phần kinh tế, nhất là hợp tác xã thủ công nghiệp, kinh tế gia đình và cá thể, tư nhân. Các cơ quan có trách nhiệm ở Trung ương và địa phương chưa chú ý cân đối và cung ứng kịp thời nguyên liệu, vật tư, lương thực, v.v. cho khu vực hợp tác xã; giá gia công vẫn còn thấp. Một khuyết điểm lớn là việc nhập khẩu những vật tư, nguyên liệu cần thiết từ thị trường tư bản cho sản xuất hàng tiêu dùng không được xử lý kịp thời; chủ trương cho một số ngành dành sản phẩm để tự cân đối ngoại tệ, nhập vật tư, nguyên liệu trong thực tế không thực hiện được bao nhiêu, mà còn gây thêm lộn xộn trong lưu thông hàng hóa. Nguồn vật tư, nguyên liệu đã ít, song sử dụng lại thiếu tập trung vào các sản phẩm chủ yếu.
Điều đáng quan tâm là chất lượng sản phẩm tiếp tục sút kém, nhất là các mặt hàng tiêu dùng như xe đạp, săm lốp xe đạp, bóng đèn, phích nước, bút máy, xà phòng, diêm...
Về công nghiệp nặng, một số sản phẩm đạt kế hoạch như than, thép, thiếc, sà lan vận tải, động cơ điện, máy biến thế, máy bơm nước, máy kéo, phân lân... Riêng điện, xi măng đạt kế hoạch thấp; chất lượng than không bảo đảm.
3. Ngành Giao thông vận tải đã hoàn thành vận tải hàng nhập khẩu và hàng lên các tỉnh Tây Bắc. Nhưng khối lượng vận tải trong nước đạt kế hoạch thấp: vận tải Bắc Nam đạt 83%, vận tải than, xi măng, apatít, vận tải vật tư, hàng hóa lên các tỉnh biên giới phía Bắc đều không đạt kế hoạch. Một mặt là do nguồn hàng thiếu và không ổn định; vật tư, xăng dầu, phương tiện, phụ tùng chưa đủ; mặt khác, do sự phối hợp giữa các đơn vị ở những khâu trung chuyển thiếu ăn khớp, vận tải hành khách tuy có tăng 9%, chủ yếu là do các địa phương cố gắng tăng thêm các điều kiện vật chất, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu, việc đi lại của nhân dân vẫn còn nhiều phiền hà, trắc trở. Ngành Bưu điện củng cố trung tâm điện tín sóng ngắn ở các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, tăng cường thông tin trên các tuyến biên giới và một số công trình trọng điểm nhà nước. Nhưng chất lượng điện thoại còn kém; thư từ, công văn, bưu phẩm, bưu điện vẫn còn chậm trễ và mất mát.
4. Về xây dựng cơ bản, đã tập trung vốn và các điều kiện vật chất cho những mục tiêu chủ yếu, bảo đảm được tiến độ xây dựng những công trình trọng điểm nhà nước như Nhà máy điện Hòa Bình, Trị An, Phả Lại, thiếc Quỳ Hợp, mỏ than Vàng Danh, các công trình thủy lợi Dầu Tiếng, Thạch Nham... Tổ máy 4 Nhà máy điện Phả Lại đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng. Diện tích trồng mới cao su, cà phê, chè đạt kế hoạch. Diện tích tưới tiêu thủy lợi được tăng thêm. Một số thành phố, thị xã có thêm nhà ở và giải quyết một bước nước sinh hoạt. Điều đáng chú ý là đầu năm đã có chủ trương giảm vốn đầu tư, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã đưa ra phương án để xem xét nhưng chưa nắm chắc tiến độ cụ thể của từng công trình. Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng lại thiếu dứt khoát trong việc giải quyết; các bộ, các địa phương chẳng những không cắt giảm, trái lại còn yêu cầu tăng thêm, riêng vốn đầu tư thuộc ngân sách địa phương đã tăng 40% so với kế hoạch. Mặt khác, giá cả vật liệu xây dựng và tiền lương tăng lên, làm cho chi phí của từng công trình cũng tăng lên. Vì vậy, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã vượt quá mức được Quốc hội thông qua. Phần vật liệu xây dựng tuy có dôi ra do cắt giảm ở một số công trình, nhưng lại bổ sung thêm cho các công trình trọng điểm khác (đặc biệt là phải thêm xi măng cho Thủy điện Hòa Bình).
5. Kim ngạch xuất khẩu và nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng không đạt kế hoạch, đáng chú ý nhất là rau quả. Trong khi xuất khẩu của địa phương sang khu vực thị trường tư bản vượt kế hoạch, thì kim ngạch xuất khẩu sang Liên Xô chỉ đạt 83% so với hiệp định đã ký; có những mặt hàng mà chúng ta có khả năng, như rau quả đáng lẽ phải làm tốt hơn nhưng lại chỉ đạt 71% kế hoạch. Ngoại tệ thu được từ xuất khẩu sang khu vực ngoài xã hội chủ nghĩa, do chưa có cơ chế rõ ràng nên Nhà nước Trung ương chỉ nắm được 16,5%, không đủ để nhập khẩu những vật tư cần thiết đáp ứng nhu cầu cấp bách của nền kinh tế. Tình trạng tranh mua hàng xuất khẩu, đẩy giá lên cao vẫn còn phổ biến. Nhiều vấn đề như chính sách đầu tư cho sản xuất, giá mua và tổ chức thu mua, v.v. vẫn chưa được giải quyết.
6. Về phân bổ lao động, ngay từ đầu năm Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng đã quan tâm chỉ đạo, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã bố trí tăng gấp đôi vốn đầu tư cho kinh tế mới, và dành 50% số vốn để tập trung cho ba tỉnh Tây Nguyên, tạo được một số cơ sở hạ tầng cho các điểm dân cư mới. Việc phân bổ lao động trong nội tỉnh triển khai khá tốt ở nhiều nơi như các tỉnh Hậu Giang, Cửu Long, Quảng Nam - Đà Nẵng... Trong việc đưa dân đi vùng kinh tế mới, giữa nơi đưa dân đi và nhận dân đến, đã giải quyết các biện pháp cụ thể hơn.
Chỉ tiêu điều dân đi vùng kinh tế mới tuy có tăng 5% so với năm 1985 nhưng chỉ đạt 55% kế hoạch. Nguyên nhân chính là nhiều chính sách chưa được bổ sung đổi mới, việc cấp vật tư, lương thực cho vùng kinh tế mới không đồng bộ và không kịp thời; việc giao vốn không được giải quyết dứt khoát cho nơi nhận dân; đến giữa năm, xét thấy các điều kiện chuẩn bị không bảo đảm, nên đã quy định giãn tiến độ đưa dân đi; bộ máy chỉ đạo phân bổ lao động, dân cư của các cấp chưa được tổ chức thống nhất.
Trong khu vực nhà nước, do thiếu vật tư, tiền vốn, nên sản xuất không được liên tục, lao động một số ngành không có việc làm ổn định, nhất là trong xây dựng cơ bản. Việc tinh giản bộ máy nhà nước ở các cơ quan Trung ương chưa được triển khai, chưa có chính sách và biện pháp cụ thể nên còn nhiều lúng túng; một số tỉnh, thành phố có tiến hành sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế hành chính, nhưng nói chung, chưa có chuyển biến đáng kể.
7. Phân phối lưu thông và đời sống
Về thu mua, nắm nguồn hàng, nếu loại trừ yếu tố giá thì giá trị thu mua nông sản chỉ bằng 64% của năm 1985, một số nông sản thực phẩm chủ yếu như thịt lợn, cá, đỗ tương, mía cho các nhà máy đường trung ương chỉ mua được khoảng 70 - 80% mức kế hoạch và giảm 10 - 15% so với 1985. Nguyên nhân chủ yếu là do giá cả chưa thỏa đáng; thiếu vật tư hàng hóa để đưa vào hợp đồng kinh tế; thị trường bị buông lỏng, tư thương tranh mua với Nhà nước. Hàng công nghiệp nắm được chỉ bằng 80% năm 1985 (đã loại trừ yếu tố giá). Sản phẩm của các xí nghiệp quốc doanh bị thất thoát nhiều, do biến động về giá cả, nhiều đơn vị giữ hàng lại để chờ giá, không thực hiện kỷ luật giao nộp sản phẩm. Các mặt hàng của khu vực tiểu, thủ công nghiệp, ngoài phần gia công, Nhà nước chỉ nắm được 30 - 40%.
Tổng mức hàng hóa bán lẻ của thị trường có tổ chức, nếu loại trừ yếu tố giá, chỉ bằng 86% của năm 1985. Mức bán lẻ nhiều mặt hàng quan trọng phục vụ đời sống không đạt kế hoạch và thấp hơn năm 1985 như thịt lợn bằng 89,7%, cá tươi 93%, đường 59,6%, nước mắm, nước chấm, 68,5%. Vì vậy, trong suốt năm 1986, giá cả thị trường xã hội tiếp tục tăng nhanh. Trong thị trường có tổ chức, vẫn còn nhiều lộn xộn, nhiều tổ chức, đơn vị, cơ quan không có chức năng buôn bán vẫn kinh doanh thương nghiệp. Công tác quản lý thị trường vẫn bị buông lỏng, chưa hạn chế được sự hoạt động của tư thương, nhất là bọn đầu cơ, buôn lậu, ăn cắp vật tư hàng hóa của Nhà nước. Ngân sách, tiền mặt đều ở trong tình trạng chi lớn hơn thu rất nhiều. Bội chi ngân sách và bội chi tiền mặt đều vượt nhiều so với dự kiến kế hoạch.
Về đời sống, điều đáng quan tâm nhất là đời sống công nhân viên chức khu vực hành chính sự nghiệp, các nông trường, lâm trường, các tỉnh miền núi biên giới ngày càng khó khăn hơn. Chế độ tiền lương mới ban hành đã bộc lộ nhiều chỗ không hợp lý. Việc thực hiện chế độ tiền lương mỗi nơi làm một khác, lại thêm nhiều chế độ phụ cấp, bù giá, v.v. gây nên sự rối loạn trong phân phối và thu nhập không đều giữa các vùng. Cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng cho các thành phố, khu công nghiệp lớn, các tuyến biên giới và những nơi xa xôi hẻo lánh còn thất thường, không bảo đảm đủ tiêu chuẩn định lượng. Chỉ số giá sinh hoạt tăng lên quá nhanh làm cho thu nhập thực tế của những người làm công ăn lương bị giảm sút. Nông dân ở những vùng bị bão lụt gặp nhiều khó khăn về lương thực; ngay cả ở một số vùng có bình quân lương thực cao vẫn còn một bộ phận đồng bào không đủ ăn, do việc điều hòa lương thực không tốt.
8. Về các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội
Công tác khoa học - kỹ thuật đạt một số tiến bộ mới về ứng dụng các giống lúa có năng suất cao, chịu sâu bệnh, giống ngô có năng suất cao... Đã tiếp tục tiến hành có kết quả nhiều chương trình điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng; xác định được một số sơ đồ phát triển và phân bổ lực lượng sản xuất của tỉnh, hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể huyện.
Ngành Giáo dục đã thực hiện chương trình cải cách đến lớp 6 và mở rộng việc giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Số học sinh phổ thông năm học 1986 -1987 tăng 1,2% so với năm học trước; sách giáo khoa tăng 16%.
Các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thông tin, triển lãm, thư viện, phát thanh, truyền hình đã có nhiều thành tựu mới, nổi bật là trong dịp chào mừng Đại hội Đảng. Các chỉ tiêu về xuất bản, in và phát hành sách, báo, v.v. đạt và vượt kế hoạch. Số người xem chiếu bóng và nghệ thuật tăng hơn năm 1985.
Ngành Y tế đã có những cố gắng trong công tác phòng bệnh và điều trị, không để xảy ra các dịch bệnh lớn, có nhiều hình thức kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền, phát triển việc chữa bệnh ngoại trú, chữa bệnh tại nhà. Cuộc vận động kế hoạch hóa gia đình được các ngành, các địa phương chú ý hơn, tỷ lệ tăng dân số giảm được gần 0,1% so với năm 1985, phong trào thể dục thể thao được duy trì và phát triển.
Nhìn chung, chúng ta bước vào năm 1986 với những khó khăn lớn tồn đọng từ năm trước, vật tư, hàng hóa cho nhu cầu sản xuất và đời sống còn mất cân đối lớn; những sai lầm về điều chỉnh giá - lương - tiền tác động mạnh; thiên tai nặng nề hơn mọi năm; cơ chế quản lý mới chưa được hình thành, nhiều chính sách đòn bẩy có ý nghĩa cấp bách chưa được nghiên cứu ban hành. Trong khi đó, sự điều hành lại thiếu tập trung, khối lượng công tác phải giải quyết rất lớn mà thiếu sự kết hợp giữa các vấn đề cấp bách với việc tiến hành Đại hội Đảng ở các cấp... Song, việc thực hiện kế hoạch nhà nước đã đạt được một số kết quả trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, cũng như các lĩnh vực văn hóa xã hội khác đã thể hiện sự cố gắng to lớn của nhân dân ta ở khắp các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các vùng thiên tai. Các chỉ tiêu tổng hợp quan trọng của nền kinh tế tuy chưa đạt kế hoạch, nhưng vẫn tăng so với năm 1985. Tổng sản phẩm xã hội tăng 4,2%, thu nhập quốc dân tăng 4,3%, giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng 5,6%, giá trị tổng sản lượng nông nghiệp tăng 1,4%... Tuy vậy, sản xuất tăng chậm, ngân sách và tiền mặt bội chi lớn, giá cả tăng nhanh, đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những thiếu sót trên chủ yếu là do:
Một là, kế hoạch năm 1986 được bố trí trong khi nhiều loại vật tư, nguyên liệu vẫn mất cân đối lớn, dự trữ hầu như không đáng kể, nhiều cơ chế, chính sách chưa được xác định rõ. Mặt khác, lại chưa dự kiến hết những diễn biến phức tạp của tình hình, đánh giá khả năng cân đối không chắc, nên một số chỉ tiêu bố trí cao và thiếu đồng bộ về các biện pháp thực hiện.
Hai là, về giá - lương - tiền, tuy Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng và Hội đồng Bộ trưởng đã dành nhiều thời gian để xử lý, nhưng thực tế chưa mang lại hiệu quả mong muốn, trật tự, kỷ cương về tài chính, tiền tệ, giá cả vẫn chưa lập lại được.
Ba là, việc cung ứng vật tư, còn nhiều lộn xộn do cơ chế luôn luôn thay đổi, mỗi năm làm một cách; quan hệ giữa ngành và địa phương không thông suốt nên việc ký kết hợp đồng gặp nhiều khó khăn; vật tư không trực tiếp đến tay người sản xuất, bị phân tán, mất mát qua nhiều khâu trung gian tạo sơ hở cho bọn đầu cơ buôn bán lợi dụng. Tình trạng phổ biến là không quyết toán được vật tư, việc sử dụng vật tư bị phân tán và còn nhiều lãng phí, không đáp ứng mục tiêu kế hoạch.
Nhà nước Trung ương chưa có chính sách thích hợp để thực hiện quyền quản lý thống nhất ngoại thương, ngoại tệ, không nắm được số ngoại tệ cần thiết để nhập vật tư, nguyên liệu, trong khi đó nhiều ngành, nhiều địa phương nắm giữ ngoại tệ, nhập khẩu hàng tiêu dùng chưa cấp bách.
Bốn là, kỷ cương, pháp chế quá lỏng lẻo trong việc chấp hành các chỉ tiêu kế hoạch, các chính sách, chế độ nhà nước. Tình hình tiêu cực xã hội không giảm bớt mà có xu hướng tăng lên. Hiệu lực của các cơ quan thanh tra, kiểm tra chưa được phát huy đúng mức.
Có thể nói, công tác tổ chức, chỉ đạo và điều hành của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng trong việc thực hiện kế hoạch năm 1986 bộc lộ nhiều nhược điểm, khuyết điểm. Có nhiều chính sách cụ thể không được xử lý nhất quán, trong điều hành thì ứng phó, bị động và thiếu kiên quyết, dứt khoát. Các công cụ quản lý kinh tế như kế hoạch, chính sách đòn bẩy kinh tế chưa được hình thành hoàn chỉnh, kế hoạch không thực sự đóng vai trò trung tâm của cơ chế quản lý.
Tình hình trên đây đòi hỏi trong năm 1987 phải có sự chuyển biến thật cơ bản trong công tác chỉ đạo và quản lý kinh tế để nhanh chóng đưa các hoạt động kinh tế - xã hội đi dần vào thế ổn định.
PHẦN THỨ HAI
NHIỆM VỤ, CHỈ TIÊU VÀ BIỆN PHÁP CHỦ YẾU
CỦA KẾ HOẠCH KINH TẾ, XÃ HỘI NĂM 1987
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội!
Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng đã xác định những phương hướng, mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm 1986-1990. Đại hội đã nhấn mạnh phải thật sự tập trung sức người sức của vào việc thực hiện ba chương trình kinh tế lớn: lương thực - thực phẩm; hàng tiêu dùng; hàng xuất khẩu, coi đó là nhiệm vụ trung tâm về kinh tế - xã hội của tất cả các ngành và các cấp.
Chúng ta bước vào năm 1987 trong khi nền kinh tế còn nhiều vấn đề cấp bách chưa được giải quyết, tình hình kinh tế - xã hội chưa ổn định. Song chúng ta có những thuận lợi lớn, đặc biệt là sự nhất trí về phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới. Năm 1987 là năm thứ hai của kế hoạch 5 năm 1986-1990, là năm kế sau năm Đại hội lần thứ VI của Đảng. Kế hoạch năm 1987 phải thể hiện rõ sự đổi mới và chuyển hướng theo Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, tập trung sức vào việc thực hiện ba chương trình kinh tế lớn, không những phải tạo ra cho được một bước phát triển mới trên các lĩnh vực sản xuất, mà điều cực kỳ quan trọng là phải khắc phục dần tình hình đang diễn biến phức tạp trên mặt trận phân phối - lưu thông.
Làm tốt các nhiệm vụ trên chính là nhằm từng bước ổn định tình hình kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm 1986-1990, đồng thời cũng là chuẩn bị cho bước phát triển mạnh mẽ trong những năm sau.
Sau đây là những nhiệm vụ, chỉ tiêu và biện pháp chủ yếu của các ngành kinh tế, xã hội trong năm 1987.
I- VỀ BA CHƯƠNG TRÌNH KINH TẾ LỚN
1. Lương thực - thực phẩm
Về sản xuất lương thực, phải quán triệt tinh thần mới trong Nghị quyết Đại hội Đảng, vận dụng các chính sách phù hợp, phát huy mọi tiềm năng về lao động, đất đai trong từng địa phương, tạo ra bước chuyển mới trong sản xuất lương thực, kể cả lúa, màu và tất cả các cây có bột. Hướng chủ yếu là tập trung sức thâm canh, tăng vụ. Dự kiến diện tích gieo trồng cây lương thực năm 1987 gần 7 triệu ha, tăng 2,8% so với năm 1986, trong đó diện tích màu tăng 5,9%. Sản lượng lương thực dự kiến trong kế hoạch là 19,2 triệu tấn, song phải tìm mọi cách để đạt mức cao hơn.
Đi đôi với lúa, phải hết sức coi trọng phát triển màu, đặc biệt là các cây có nhiều tiềm năng như ngô, đưa diện tích lên 43 vạn ha, đạt sản lượng 68 vạn tấn (tăng 19,5% so với năm 1986), khoai tây 4,5 vạn ha, đạt sản lượng 45 vạn tấn (tăng 49,5%)... Đồng thời, phát triển mạnh các cây có chất bột thích hợp với từng địa phương như sắn, khoai lang, dong riềng, v.v.. Điều đặc biệt quan trọng là phải ban hành hệ thống các chính sách khuyến khích sản xuất, bảo đảm lợi ích cho người trồng màu, tổ chức tốt việc thu mua, chế biến, vận chuyển và hướng dẫn việc thay đổi cơ cấu bữa ăn phù hợp với điều kiện sản xuất lương thực của mỗi địa phương. Các cơ quan, đơn vị bộ đội phải thực hiện trước việc đưa màu vào bữa ăn hàng ngày.
Các biện pháp và cân đối chủ yếu như sau:
- Tăng tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp cho nông nghiệp từ 24,5% năm 1986 lên 28,5% năm 1987, riêng đầu tư cho lương thực chiếm trên 50% tổng số đầu tư cho nông nghiệp. Chú trọng đầu tư cho thủy lợi, trước hết là tập trung cho 50 công trình trên hạn ngạch đang xây dựng, để năm 1987, hoàn thành được 20 công trình đưa vào sử dụng, tạo nguồn nước cho 15 vạn hécta, trong đó đồng bằng sông Cửu Long 11 vạn hécta; tiêu úng và rửa mặn 11 vạn hécta. Tiếp tục củng cố đê điều, kè, cống, các trạm bơm điện ở miền Bắc, phát động phong trào làm thủy lợi nhỏ, làm kênh mương và thủy lợi nội đồng để phát huy tối đa công suất các công trình đã có, bảo đảm tưới tiêu chủ động 4,7 triệu ha. Bảo đảm đủ diện và tăng xăng dầu cho chống hạn, chống úng.
- Bằng các chính sách khuyến khích, tăng nhanh phân chuồng, phân xanh, bèo dâu..., các địa phương phải tự giải quyết khoảng 30% nhu cầu phân bón. Về phân hóa học, trong kế hoạch đã bố trí đủ ngoại tệ để nhập thêm phân bón, bảo đảm cung ứng 1,9 triệu tấn phân đạm cho sản xuất, trong đó dành cho lúa 1,6 triệu tấn.
- Làm tốt công tác dự báo phát hiện sâu bệnh, có biện pháp phòng trừ tổng hợp, kết hợp biện pháp sinh học với hóa học. Tổ chức tốt công tác dịch vụ kỹ thuật bảo hiểm cây trồng. Phải nhập đủ và thực hiện đúng kế hoạch sản xuất thuốc trừ sâu để chủ động đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản xuất.
Tổ chức tốt việc giao lưu trâu bò để điều hòa sức kéo giữa các vùng, đồng thời cũng là để cung ứng thực phẩm cho các thành phố. Tăng sức kéo cơ giới ở các vùng trọng điểm lúa, chủ yếu là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng Bắc bộ, các vùng phát triển cây công nghiệp, cây vụ đông, các vùng có khả năng tăng vụ. Bộ Cơ khí - Luyện kim và các cơ sở cơ khí nông nghiệp phải bảo đảm việc sửa chữa, sản xuất phụ tùng thay thế; đồng thời, phải sắp xếp lại các trạm máy kéo và điều hòa máy kéo để sử dụng lực lượng máy kéo đạt hiệu quả cao hơn. Năm 1987, cung ứng 2.000 máy kéo nhỏ, 500 máy kéo lớn, tăng xăng dầu cho cày máy, nhất là tăng thêm phụ tùng sửa chữa.
- Hoàn chỉnh hệ thống giống, đưa nhanh vào sử dụng các loại giống mới, phù hợp với các vùng sinh thái khác nhau. Tổ chức hệ thống giống từ Trung ương đến địa phương và cơ sở; khuyến khích hợp tác xã và nhân dân nhận các loại giống mới đã được hướng dẫn sử dụng cho từng vùng.
- Việc cung ứng phân đạm, phân lân và vật tư phục vụ nông nghiệp phải theo định mức kinh tế - kỹ thuật của sản xuất và theo hợp đồng kinh tế. Các cơ quan vật tư có trách nhiệm bảo đảm cung ứng theo kế hoạch để địa phương, cơ sở ký kết hợp đồng với nông dân ngay từ đầu vụ sản xuất; người sản xuất căn cứ vào sản lượng, chất lượng vật tư nhận được mà giao lại số sản phẩm hàng hóa tương ứng; không để có tình trạng các cơ quan trung gian cắt xén ăn chặn vật tư.
Trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất lương thực, phải làm thật tốt công tác huy động lương thực. Ngoài nghĩa vụ thuế, các quan hệ kinh tế giữa Nhà nước với các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất đều thông qua các hợp đồng kinh tế theo nguyên tắc bình đẳng, ngang giá. Ngoài hợp đồng có vật tư bảo đảm, cần thực hiện mua bán theo giá thật sự thỏa thuận. Trước hết, phải bảo đảm thu đúng, thu đủ thuế nông nghiệp. Ngoài ra, thông qua hợp đồng kinh tế là chủ yếu và mua theo giá thỏa thuận, Nhà nước huy động 4,5 triệu tấn lương thực, chiếm đại bộ phận lương thực hàng hóa, tăng gần 13% so với năm 1986. Các cơ quan quản lý phải củng cố và xây dựng thêm kho lương thực, khắc phục hư hao, lãng phí, ăn cắp lương thực. Mặt khác, cần triệt để tiết kiệm và sử dụng lương thực hợp lý, điều chỉnh hợp lý mức tiêu dùng của các đối tượng do Nhà nước phụ trách.
Đi đôi với nhiệm vụ sản xuất lương thực, phải đẩy mạnh chăn nuôi, trồng rau, đậu các loại, cây có dầu, cây ăn quả để bảo đảm tốt hơn nhu cầu thực phẩm cho toàn xã hội. Phát triển chăn nuôi toàn diện bao gồm cả trâu, bò, lợn, gia cầm, nuôi ong, thả cá, v.v. trong cả ba khu vực gia đình, quốc doanh, hợp tác xã. Chú trọng giải quyết tốt hơn việc sản xuất chế biến thức ăn gia súc, mỗi địa phương đều phải dành phần cần thiết kể cả cám và các phụ phẩm nông nghiệp; đồng thời, xây dựng hệ thống cung cấp giống, phát triển mạng lưới thú y và dịch vụ kỹ thuật. So với năm 1986, dự kiến đàn trâu tăng 4,6%, đàn bò tăng 6,8%, đàn lợn tăng 6%, trọng lượng lợn hơi xuất chuồng tăng 9%. Năm 1987, phải hình thành cho được các vành đai thực phẩm xung quanh các thành phố, khu công nghiệp lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh và một số công trường xây dựng lớn. Các nông, lâm trường, trường học, đơn vị bội đội... đều phải chăn nuôi và trồng cây thực phẩm để tự giải quyết một phần nhu cầu tại chỗ. Diện tích rau đậu tăng 17,5% so với năm 1986.
Về thủy sản, bảo đảm đủ lưới, ngư cụ và các dịch vụ sửa chữa để tận dụng năng lực tàu, thuyền hiện có. Tiếp tục phát triển một số phương tiện cơ giới vừa và nhỏ, kết hợp với đánh bắt thủ công. Tổ chức quản lý việc đánh bắt, chế biến và dịch vụ cho ngư trường trọng điểm phía tây, với sự chủ trì của Trung ương và sự liên kết giữa các địa phương trong từng vùng. Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, trước hết là nuôi tôm xuất khẩu ở vùng nước mặn, lợ, v.v. khuyến khích nuôi cá ở các vành đai thực phẩm thành phố, khu công nghiệp tập trung. Mở rộng nuôi cá bè, cá lồng trên mặt nước lớn, trên dòng sông chảy. Phát triển các cơ sở chế biến thủy sản phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Năm 1987, sản lượng thủy sản tăng 5% so với năm 1986, phần Nhà nước mua tăng 14%.
Sản xuất lương thực - thực phẩm phải gắn liền với sản xuất nông nghiệp toàn diện. Đối với cây công nghiệp ngắn ngày, cần đổi mới các chính sách thu mua, giá cả, tận dụng lao động và đất đai phát triển thật mạnh ở tất cả các vùng, các nông, lâm trường, nhất là các cây có giá trị xuất khẩu. Chú trọng cung ứng vật tư, đầu tư, chú trọng thâm canh đồng bộ các vùng nguyên liệu tập trung; đưa diện tích tăng 12,7% so với năm 1986. Mở rộng diện tích trồng lạc ở tất cả các vùng, đưa sản lượng tăng 25,7% so với năm 1986. Tập trung phát triển đỗ tương ở các tỉnh có nhiều sản lượng hàng hóa như Đồng Nai, Cao Bằng, Hà Bắc, Đồng Tháp, An Giang,... Sản lượng mía tăng 27,7%, cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy đường quốc doanh, đồng thời, giải quyết nhu cầu đường, mật tại chỗ trên địa bàn từng huyện. Đối với cây công nghiệp dài ngày, do suất đầu tư lớn, và trong điều kiện vốn, vật tư có hạn, các cơ sở cần tập trung sử dụng các nguồn vốn, lao động để thâm canh khai thác tốt các vườn cây hiện có, bảo đảm sản lượng cao su tăng 7,7%, cà phê tăng 70%, chè tăng 14% so với năm 1986. Việc phát triển cao su trong năm tới có mức độ, phải lấy chất lượng và sản lượng cuối cùng làm mục tiêu phấn đấu, trồng đến đâu thâm canh đến đó. Riêng cà phê, chè, hồ tiêu ngoài lực lượng quốc doanh cần thực hiện phương châm "lấy ngắn nuôi dài", khuyến khích mạnh mẽ sử dụng khả năng của tất cả các thành phần kinh tế liên kết quốc doanh, tập thể, gia đình, tư nhân để phát triển cây công nghiệp, kể cả cây ngắn ngày và cây dài ngày. Điều quan trọng là phải bảo đảm vật tư và hàng tiêu dùng, nhất là lương thực cho các vùng trồng cây công nghiệp thiếu lương thực; giá thu mua sản phẩm cây công nghiệp phải được điều chỉnh lại cho hợp lý.
Về lâm nghiệp, phải bảo vệ vốn rừng hiện có và khôi phục vốn rừng đang bị tàn phá nghiêm trọng. Phải phân cấp quản lý và giao trách nhiệm rõ để rừng nào cũng có đơn vị chăm sóc và hưởng lợi ích thỏa đáng để chấm dứt nạn phá rừng. Rừng thường hay bị cháy ở một số vùng, vào một số tháng, vì vậy, ngoài việc giáo dục nhân dân về việc bảo vệ rừng, cần tổ chức lực lượng chuyên trách phòng, chống cháy rừng, có chính sách khen thưởng người bảo vệ tốt, đồng thời nghiêm trị những người thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy rừng, làm thiệt hại tài sản quốc gia. Đối với những vùng trồng rừng tập trung làm nguyên liệu cho giấy, làm gỗ trụ mỏ, v.v. phải bảo đảm vốn đầu tư và cung cấp đủ lương thực cho người trồng rừng để đạt diện tích 14 vạn ha. Bảo đảm kế hoạch trồng nguyên liệu cho hai nhà máy giấy lớn Vĩnh Phú và Tân Mai... Ngoài ra, các địa phương tự cân đối vốn để trồng thêm, nhất là trồng các loại tràm, đước ở đồng bằng sông Cửu Long, trồng cây bạch đàn, cây đặc sản như trẩu, hồi, quế... Phát động mạnh mẽ phong trào trồng cây lấy gỗ, lấy củi trong nhân dân, trong các cơ quan, trường học và đơn vị bộ đội, công an,... đẩy nhanh tốc độ phủ xanh đồi trọc. Tiếp tục định canh, định cư cho 15 vạn đồng bào các dân tộc để có đời sống ổn định và tham gia tích cực trồng và bảo vệ rừng.
Về khai thác gỗ phải theo đúng quy trình kỹ thuật; mức khai thác 1,4 triệu m3, giải quyết tốt việc vận xuất để đưa hết gỗ khai thác vào sử dụng, chú trọng cung ứng gỗ trụ mỏ cho sản xuất than; nguyên liệu cho giấy, gỗ cho xây dựng cơ bản, gỗ bao bì xuất khẩu và dành phần cần thiết cung ứng cho nhu cầu của nhân dân.
2. Phát triển công nghiệp hàng tiêu dùng
Phát triển sản xuất hàng tiêu dùng là một trong ba chương trình kinh tế lớn; năm 1987, phải có sự chuyển biến thật rõ nét để tăng đáng kể những mặt hàng tiêu dùng thông thường cho nhân dân, trước hết là các sản phẩm sản xuất bằng nguồn nguyên liệu trong nước. Giá trị sản lượng công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng tăng 10% so với năm 1986.
Mặc dầu bông sợi chưa đủ nguồn để tăng lượng vải hơn năm 1986, trong dự án kế hoạch, đã bố trí chuyển hướng cơ cấu các sản phẩm dệt cho phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt là lao động các ngành nghề và điều kiện thời tiết từng vùng. Sản lượng giấy tăng 9%, đủ nhu cầu giấy của học sinh và tăng thêm giấy in sách, báo. Phát triển các loại giấy thủ công dùng ít xút, xây dựng các cơ sở sản xuất và làm bột giấy quy mô nhỏ ở các địa phương để tăng thêm sản lượng giấy. Thuốc chữa bệnh tăng 10% bảo đảm các loại thuốc thông thường cho nhân dân, đồng thời với việc nhập khẩu thêm, khắc phục dần tình trạng thiếu thuốc kháng sinh, thuốc chữa bệnh chuyên khoa.
Nhiều mặt hàng tiêu dùng khác tăng đáng kể như đường, mật tăng 31%, chè chế biến tăng 13%, rau quả hộp xuất khẩu tăng 17%, xà phòng, bột giặt tăng 63%, xe đạp tăng 38%, phụ tùng xe đạp tăng 60%, quạt điện tăng 93%, đồng hồ gấp 2,2 lần...
Phát triển thêm các cơ sở sản xuất nước giải khát, nước hoa quả, chế biến màu, các loại hàng tiêu dùng thông thường như đồ gỗ, hàng mây tre song, nón mũ, giày dép... để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của nhân dân.
Để đạt mục tiêu trên, điều có ý nghĩa quyết định là giải quyết vật tư, nguyên liệu, phải tập trung đầu tư cho các vùng nguyên liệu nông sản, không những cho quốc doanh mà cả các hợp tác xã và gia đình xã viên thông qua các xí nghiệp chế biến nông sản; bảo đảm đủ phân bón, cung cấp đủ lương thực cho người trồng cây công nghiệp. Mặt khác, bảo đảm kế hoạch nhập khẩu các nguyên liệu đã xác định.
Trong việc cung ứng vật tư nguyên liệu, trước hết phải ưu tiên cho các sản phẩm chủ yếu, các cơ sở quốc doanh để nâng mức huy động công suất máy móc, thiết bị từ 40-50% hiện nay lên trên 70% năm 1987, trong đó có một số ngành cao hơn như vải lụa 87,5%, chè, thuốc lá 83%, bia 77%,...
Các địa phương phải đặc biệt chú trọng phát triển tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, trên cơ sở sắp xếp lại mà phát huy thật mạnh năng lực sản xuất hiện có về hàng tiêu dùng, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, dựa vào việc tận dụng các phế liệu phế phẩm của các nhà máy quốc doanh, vào nguồn nguyên liệu tại chỗ, Nhà nước dành một phần vật tư, nguyên liệu nhất là năng lượng và thực hiện đầy đủ các chính sách khuyến khích như: sửa giá gia công, cung ứng lương thực, v.v..
3. Đẩy mạnh xuất khẩu
Đây là chương trình kinh tế lớn có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện các chương trình và nhiệm vụ kinh tế - xã hội khác. Kim ngạch xuất khẩu năm 1987 dự kiến tăng 16,4% so với năm 1986. Hướng chủ yếu là hàng nông sản và nông sản chế biến, hàng công nghiệp nhẹ, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, trước hết là nhằm hoàn thành nghĩa vụ đã cam kết.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu, phải thực hiện một số biện pháp sau đây:
- Đầu tư đồng bộ, bảo đảm các quỹ vật tư cần thiết cho sản xuất, chú trọng các vùng sản xuất tập trung, các mặt hàng chủ lực, nhất là những mặt hàng đã cam kết với các nước. Khuyến khích đúng mức, bảo đảm cho người và đơn vị trực tiếp làm hàng xuất khẩu có lãi, có thể tái sản xuất mở rộng, đời sống được ổn định và có chế độ thưởng xứng đáng về chất lượng sản phẩm, về hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao. Dành ngoại tệ cần thiết để phục vụ trở lại xuất khẩu và bảo đảm tiền mặt cho thu mua hàng xuất khẩu. Khuyến khích triệt để tiết kiệm tiêu dùng những mặt hàng có thể xuất khẩu.
- Việc cân đối vật tư cho sản xuất và thu mua hàng xuất khẩu của các ngành và các địa phương được tính theo định mức kinh tế - kỹ thuật của Nhà nước. Nếu giá trị hàng giao xuất khẩu vượt giá trị những vật tư thiết bị Nhà nước cung ứng, thì được thanh toán bằng giá mua thỏa thuận, ngoài ra, còn được thưởng hoàn thành và hoàn thành vượt mức giao hàng xuất khẩu. Đặc biệt, có giá mua cao hơn theo phẩm cấp, để khuyến khích chất lượng hàng xuất khẩu. Trên cơ sở nắm nguồn ngoại tệ cần thiết, Nhà nước sẽ bảo đảm cân đối thu ngoại tệ, tự cân đối nhu cầu nhập khẩu như trước.
- Đối với thị trường ngoài xã hội chủ nghĩa, phải sắp xếp lại các tổ chức xuất nhập khẩu theo hướng tập trung đầu mối để tránh tranh mua trong nước và tranh bán trên thị trường nước ngoài. Nhưng phải bảo đảm lợi ích của các bên tham gia, chống cửa quyền. Nhà nước Trung ương, bằng những biện pháp và chính sách thích hợp, nắm cho được lực lượng ngoại tệ cần thiết để trang trải các nhu cầu có ý nghĩa quyết định đối với cả nước, trước hết là phục vụ ba chương trình kinh tế lớn. Trước mắt, năm 1987 sẽ áp dụng cơ chế như sau:
+ Huy động vào quỹ xuất khẩu của Nhà nước khoảng 70% sản lượng xuất khẩu đối với 5 mặt hàng quan trọng: cà phê, lạc, hạt tiêu, trầm kỳ, hạt điều. Đối với thủy sản, dành 50% ngoại tệ để lại cho ngành thủy sản để nhập đủ vật tư và một số hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ sản xuất thủy sản; số còn lại Nhà nước huy động phục vụ nhu cầu chung. Chỉ có bằng biện pháp đó, Nhà nước mới làm tròn nghĩa vụ với các nước xã hội chủ nghĩa, có ngoại tệ trả nợ và nhập phân bón, thuốc trừ sâu cho nông nghiệp, một số vật tư tối cần thiết cho chương trình hàng tiêu dùng. Số 30% hàng hóa còn lại của 5 mặt hàng nói trên, các địa phương được xuất khẩu trực tiếp hoặc xuất ủy thác và không phải nộp kết hối cho Trung ương.
+ Ngoài các mặt hàng trên đây, các địa phương được trực tiếp xuất khẩu hoặc xuất ủy thác và nộp kết hối cho Trung ương từ 20-30% kim ngạch xuất khẩu.
+ Khi thu nhận ngoại tệ của các đơn vị sản xuất hàng xuất khẩu, Trung ương không những phải bảo đảm cho họ có đủ vật tư phục vụ sản xuất và mở rộng sản xuất hàng xuất khẩu, mà còn phải trả lại cho họ một số tiền Việt Nam với tỷ giá hợp lý để họ không những không bị lỗ, mà còn có lãi thích đáng.
Bộ Ngoại thương có trách nhiệm thông báo cho các ngành, địa phương và cơ sở nắm được các thông tin về thị trường, giá cả, thị hiếu của khách hàng.
Các ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch xuất, nhập khẩu để trình Nhà nước duyệt. Bộ Ngoại thường chỉ cấp giấy phép xuất hoặc nhập khẩu cho các ngành hoặc địa phương theo đúng kế hoạch đã được Nhà nước phê duyệt.
Gia công hàng xuất khẩu là một hình thức xuất khẩu tại chỗ mà chúng ta có tiềm năng lớn. Trong năm 1987, phải khẩn trương triển khai việc gia công với Liên Xô và một số nước khác; các ngành trung ương phải tổ chức, hướng dẫn địa phương, trước hết là ba thành phố lớn (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng) triển khai việc thực hiện ở các cơ sở. Chú trọng tận dụng các nhà xưởng hiện có; Nhà nước sẽ hỗ trợ một số vốn và vật tư cần thiết.
Năm 1987 cũng là năm triển khai mạnh các hoạt động dịch vụ thu ngoại tệ như du lịch, kiều hối, cung ứng tàu biển, dịch vụ hàng không, bưu điện, v.v.. Phải loại bỏ các thủ tục phiền phức trong việc thị thực nhập cảnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách nước ngoài đến tham quan, du lịch. Cải tiến và nâng cao chất lượng phục vụ việc ăn, ở, đi lại của khách du lịch. Về kiều hối, phải ban hành các chính sách khuyến khích, không hạn chế số lần và số lượng ngoại tệ của đồng bào ở nước ngoài gửi về cho thân nhân trong nước; định lại tỷ giá hối đoán hợp lý; đồng thời, công bố rõ danh mục các mặt hàng cần khuyến khích gửi về trong trước, nhất là những nguyên liệu cho sản xuất hàng tiêu dùng.
II- PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP NẶNG
VÀ GIAO THÔNG VẬN TẢI PHỤC VỤ
BA CHƯƠNG TRÌNH KINH TẾ
1. Các ngành công nghiệp nặng
Về điện, sản lượng điện dự kiến 6,13 tỷ KWh, tăng 6% so với năm 1986. Với sản lượng này mới đáp ứng 90% yêu cầu, cả ba miền Bắc, Nam, Trung vẫn còn thiếu điệu. Do đó, phải thực hiện các biện pháp chống tổn thất điện, cải tiến việc phân phối và sử dụng điện hợp lý và tiết kiệm. Tập trung ưu tiên điện cho các cơ sở sản xuất trọng yếu và các chương trình xây dựng cơ bản trọng điểm nhà nước, bảo đảm kịp thời chống hạn, chống úng.
Về than, dự kiến sản lượng 6,5 triệu tấn, tăng 8,2% so với năm 1986. Với sản lượng này, mức đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế còn rất hạn chế, chưa đủ than cục, than cám cho sản xuất ximăng, điện, cơ khí... Đối với khu vực Quảng Ninh, cần sắp xếp lại sản xuất, tích cực giải quyết những khâu không đồng bộ trong dây chuyền sản xuất của từng mỏ, cung ứng đủ và kịp thời vật tư, thiết bị, phụ tùng và giải quyết tốt hơn các nhu cầu về đời sống cho công nhân ngành Than. Đồng thời, đẩy mạnh việc khai thác các mỏ nhỏ ở các địa phương để phát triển vật liệu xây dựng, làm chất đốt cho nhân dân, đỡ phải vận chuyển từ xa đến. Thu hồi tốt than qua lửa, giảm định mức tiêu hao than, hạn chế hao hụt đến mức thấp nhất, quản lý chặt chẽ việc phân phối, bảo đảm cung ứng than cho các cơ sở sản xuất các mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu sản xuất và đời sống. Bộ Mỏ và Than, Bộ Giao thông vận tải cùng với các ngành kỹ thuật có liên quan nghiên cứu các biện pháp sử dụng than mỡ Khe Bố (Nghệ Tĩnh) phục vụ cho đường sắt.
Sản lượng xi măng dự kiến 1,8 triệu tấn, tăng 17% so với năm 1986, trong đó các nhà máy xi măng lớn sản xuất 1,6 triệu tấn. Hoàn thành xây dựng mỏ đá công suất 1,2 triệu m3 và đường vào mỏ để cung cấp đá cho Nhà máy xi măng Bỉm Sơn. Tập trung sửa máy lọc bụi và xây dựng cảng rót cờlanhke của Nhà máy xi măng Hoàng Thạch. Đẩy mạnh tiến độ xây dựng phần mở rộng của Nhà máy xi măng Hà Tiên. Tăng mức vận chuyển xi măng rời cho các cơ sở sản xuất và xây dựng lớn ở Hà Nội, thủy điện Hòa Bình, Trị An và các vùng lân cận, có biện pháp thu hồi bao xi măng cũ. Tổ chức vận chuyển 10 vạn tấn cờlanhke của Nhà máy xi măng Hoàng Thạch vào phía Nam để tận lực khả năng thiết bị nghiền của cơ sở Thủ Đức.
Phát triển mạnh các loại vật liệu xây dựng khác như đá, gạch xây, chất lợp, chú trọng các loại vật liệu trang trí như gạch lát hoa, granitô, đá hoa...
Đẩy mạnh sản xuất phân lân, thuốc trừ sâu. Bảo đảm cung cấp than, quặng pyrít, than cốc, lưu huỳnh cho sản xuất phân lân super và phân lân nung chảy. Năm 1987, sản lượng phân lân chế biến tăng 7% so với năm 1986. Riêng phốtphoríc nghiền đã bố trí sản xuất 8 vạn tấn nhưng còn có thể sản xuất nhiều hơn. Bộ Nông nghiệp cần có kết luận và hướng dẫn nông dân sử dụng vào những địa phương thích hợp để có thể tận dụng khả năng sản xuất loại phân này.
Tổng cục Hóa chất cần tổng kết việc xây dựng các cơ sở nhỏ sản xuất xút và sô đa để có hướng phát triển trong các năm sau. Tổng cục Hóa chất cùng với Bộ Công nghiệp nhẹ nghiên cứu phương án nâng sản lượng xút ở Nhà máy giấy Bãi Bằng.
Sử dụng tốt năng lực của ngành cơ khí, luyện kim, điện tử, từng bước khắc phục tình trạng phân tán và lãng phí năng lực sản xuất hiện có, thực hiện việc tổ chức, sắp xếp lại sản xuất, tổ chức lại ngành cơ khí trong cả nước. Tập trung các điều kiện để đẩy mạnh sản xuất các máy móc, thiết bị, phụ tùng phục vụ cho nông nghiệp, thủy lợi, sửa chữa và đóng mới phương tiện vận tải. Tăng mức sản xuất thiết bị và phụ tùng cho ngành Than, sản xuất xi măng, ngành dệt và chế biến nông sản. Nâng cao chất lượng các sản phẩm cơ khí tiêu dùng. Phát triển hợp tác xã gia công với các nước về mặt hàng điện tử và cơ khí.
Tiếp tục công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở thềm lục địa phía nam. Hoàn thành xây dựng dàn cố định số 4 và số 5, lắp đặt đường ống dẫn dầu, mở rộng việc khai thác dầu và tích cực chuẩn bị nhà máy lọc dầu. Ở phía Bắc, mở rộng việc sử dụng khí ở Tiền Hải để phục vụ công nghiệp địa phương. Tiếp tục điều tra, thăm dò dầu khí ở Vịnh Bắc bộ.
Công tác điều tra cơ bản phải tập trung vào việc thăm dò các loại khoáng sản có triển vọng để chuẩn bị khai thác trong những năm tới. Tiếp tục thăm dò trữ lượng than ở các mỏ thuộc khu vực Quảng Ninh, bảo đảm thăm dò đúng tiến độ các mỏ bôxít (ở Lâm Đồng, Đắc Lắc). Đối với một số khoáng sản quy mô nhỏ, nhưng giá trị kinh tế cao, cần kết hợp thăm dò với khai thác, nhưng phải kết hợp việc quản lý mỏ với các biện pháp bảo vệ tài nguyên.
2. Giao thông vận tải và bưu điện
Trong năm 1987, cùng với việc đầu tư có trọng điểm, phải sắp xếp, tổ chức lại các ngành Vận tải, chú trọng phát triển vận tải thủy, sắp xếp lại mạng lưới vận tải ôtô trong cả nước, theo hướng tăng năng lực vận tải công cộng. Phân công, phân cấp vận tải giữa Trung ương và địa phương trong việc vận tải hàng hóa liên tỉnh, giữa Bộ Giao thông vận tải và các bộ khác. Coi trọng công tác sửa chữa phương tiện vận tải để sử dụng tốt năng lực hiện có. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong vận tải và xếp dỡ để nâng cao năng suất phương tiện vận tải, giảm định mức tiêu hao nhiên liệu.
Phát triển và sử dụng rộng rãi các loại phương tiện vận tải thô sơ ở các tuyến vận tải huyện, xã, ngoại ô thành phố. Ban hành sớm một số chính sách như cung ứng vật tư, hàng hóa, lương thực, v.v. để khuyến khích vận tải thô sơ.
Khối lượng hàng hóa vận tải trong nước năm 1987 tăng 5,5% về tấn và 6,6% về tấn km so với năm 1986. Bảo đảm vận chuyển đầy đủ và kịp thời các mặt hàng chủ yếu như lương thực, phân bón, than, xi măng, hàng xuất nhập khẩu, vận tải Bắc - Nam, vận tải cho các tỉnh biên giới, vận tải cho hai nước anh em Lào và Campuchia.
Nâng cao chất lượng công tác thông tin bưu điện, chú trọng thông tin quốc tế. Tiếp tục củng cố, nâng cao mạng lưới thông tin nội hạt Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Từng bước khắc phục tình trạng mất cân đối giữa đường trục và nội hạt. Tăng thêm một số thiết bị tải ba và vi ba cho mạng thông tin nội hạt tỉnh. Sắp xếp lại sản xuất, cải tiến việc khai thác và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào mạng lưới thông tin. Kết hợp hợp lý mạng thông tin quốc gia với mạng thông tin chuyên dùng của các ngành.
III. PHÂN PHỐI, LƯU THÔNG VÀ ĐỜI SỐNG
1. Về cung ứng vật tư
Tiếp tục thực hiện những biện pháp được ban hành về cải tiến quản lý và tổ chức cung ứng vật tư theo hướng giảm trung gian, bảo đảm cân đối tập trung cho ba chương trình kinh tế lớn và lập lại trật tự, kỷ luật trong lưu thông, phân phối vật tư. Khôi phục và tăng cường từng bước dự trữ vật tư nhà nước.
Khuyến khích các địa phương, các xí nghiệp tự khai thác vật tư tại chỗ theo kế hoạch để bổ sung cân đối, Nhà nước có chính sách bảo đảm cho địa phương, cơ sở bù đắp được chi phí kinh doanh và có lãi hợp lý.
Xúc tiến việc kiểm kê các nguồn vật tư của Nhà nước, các vật tư tồn kho ở các khâu, để huy động và cung ứng kịp thời cho sản xuất hoặc đưa vào thu mua nông sản. Thực hiện nghiêm túc quyết toán vật tư, đối chiếu khối lượng vật tư nhận được với khối lượng sản xuất, giao nộp.
Ngoài quỹ vật tư cung ứng cho sản xuất theo kế hoạch, Nhà nước sẽ dành một phần xi măng, gỗ, sắt thép, v.v. để bán cho nhân dân, theo giá kinh doanh thương nghiệp và với phương thức thích hợp, bảo đảm trực tiếp phục vụ các nhu cầu hợp lý, không để mua đi bán lại.
Thực hiện việc Nhà nước độc quyền kinh doanh những vật tư chủ yếu, cấm tư nhân buôn bán vật tư của Nhà nước.
2. Về huy động và phân phối hàng hóa
Trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất, Nhà nước phải huy động và nắm chắc phần lớn sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước. Toàn bộ sản phẩm của cơ sở quốc doanh phải giao nộp cho Nhà nước.
Về giá cả giao nhận, Nhà nước sẽ thanh toán theo từng loại sản phẩm phù hợp với nguồn cung ứng vật tư trên cơ sở giá thành và phí lưu thông hợp lý. Đối với các sản phẩm của tiểu, thủ công nghiệp, Nhà nước phải nắm được ít nhất 60 - 70% bằng việc sửa đổi giá thu mua, thông qua các biện pháp quản lý thị trường, tổ chức tốt việc ký hợp đồng cung ứng vật tư và mua sản phẩm. Đối với nông sản hàng hóa, ngoài việc dành khối lượng vật tư, trao đổi với nông dân qua hợp đồng kinh tế theo yêu cầu của sản xuất và trên cơ sở của các định mức kinh tế, kỹ thuật và chuẩn bị đủ tiền mặt để mua theo giá thỏa thuận, khắc phục tình trạng không đủ hàng hóa và thiếu tiền mặt trong thu mua, bỏ lỡ thời vụ.
Ngoài nguồn hàng hóa sản xuất trong nước, cần chủ động nhập khẩu và thống nhất quản lý một số hàng hóa thiết yếu qua đường mậu dịch và phi mậu dịch, nhằm bổ sung thêm quỹ hàng hóa lưu thông, giảm bớt sự căng thẳng trong cân đối tiền - hàng, tạo điều kiện từng bước ổn định thị trường, giá cả.
Trong lúc lực lượng hàng hóa trong tay Nhà nước chưa dồi dào, việc bán ra cần có phương thức thích hợp, bảo đảm hàng hóa đến tay người tiêu dùng theo giá Nhà nước định. Ngoài quỹ hàng hóa dành bán cho các lực lượng vũ trang, công nhân viên chức, bán cho nông dân, thợ thủ công gắn với việc thu mua sản phẩm, cần dành một bộ phận hàng tiêu dùng bán cho dân cư nói chung theo giá kinh doanh.
Thực hiện Nhà nước thống nhất quản lý, độc quyền kinh doanh, cấm tư nhân buôn bán những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu do Nhà nước sản xuất hoặc nhập khẩu (theo danh mục Hội đồng Bộ trưởng quy định), kiên quyết đấu tranh bài trừ đầu cơ, buôn lậu.
Sắp xếp lại mạng lưới kinh doanh thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, nâng cao chất lượng phục vụ người tiêu dùng. Kiên quyết trừng trị có kết quả đối với bọn tham ô, móc ngoặc, tuồn hàng của Nhà nước ra ngoài. Phân công địa bàn, mặt hàng, khắc phục tình trạng tranh mua, tranh bán giữa các tổ chức thương nghiệp, giữa nội thương và ngoại thương.
Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã mua bán vươn ra làm chủ thị trường nông thôn. Trong kế hoạch bán lẻ năm 1987, Nhà nước bố trí 65 - 70% quỹ hàng công nghiệp bán ở thị trường nông thôn, hệ thống hợp tác xã mua bán cùng với thương nghiệp quốc doanh tổ chức cung ứng đến tận tay nông dân quỹ hàng hóa này, tránh việc nông dân phải mua qua tư thương, đồng thời, nắm cho được phần nông sản hàng hóa tương ứng.
3. Về tài chính, tiền tệ
Bằng việc sửa đổi chính sách tài chính và chế độ phân cấp quản lý ngân sách giữa Trung ương và địa phương, năm 1987, phấn đấu tăng thu, bảo đảm chi tiêu hợp lý và tiết kiệm, giữ mức bội chi ngân sách khoảng 10% so với tổng số chi.
Thực hiện đúng các định mức tiêu hao vật tư, lao động đã ban hành, rà soát lại kết cấu giá thành và có biện pháp quản lý chặt chẽ để giảm giá thành và phí lưu thông trong khu vực kinh tế quốc doanh, tăng tích lũy nộp ngân sách.
Thuế công thương nghiệp hiện nay còn thất thu lớn, phải tính lại mức thuế theo doanh số mới, theo thời giá và điều chỉnh kịp thời hàng tháng, hàng quý tùy theo từng mặt hàng.
Tận thu các khoản thuế còn tồn động điều chỉnh lại thuế vườn, để thu đúng, thu đủ theo sản lượng và thời giá.
Sửa đổi chế độ phân cấp ngân sách giữa Trung ương và địa phương theo hướng vừa tập trung hợp lý nguồn thu để Trung ương có thể đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, vừa khuyến khích địa phương chủ động khai thác tiềm năng của từng vùng để tăng thu cho ngân sách địa phương trên cơ sở các chế độ tài chính thống nhất.
Phải theo khả năng thu mà bố trí các khoản chi, bảo đảm các nhu cầu chi tiêu hợp lý và tiết kiệm, nhất là các khoản chi hành chính sự nghiệp.
Về tiền tệ, cùng với việc phấn đấu giảm bội chi ngân sách, phải chấn chỉnh, tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ công tác tín dụng, kể cả ngắn hạn và dài hạn và các chế độ về quản lý tiền mặt để giảm đáng kể mức bội chi tiền mặt, góp phần ổn định tài chính và giá cả.
Ngoài việc tăng quỹ hàng hóa bán lẻ của thương nghiệp quốc doanh, phải có biện pháp giảm bớt tiền tồn đọng trong cơ quan, các đơn vị sản xuất - kinh doanh, thực hiện đúng định mức tồn quỹ tiền mặt. Mở rộng việc dùng séc, chuyển khoản trong thanh toán, sửa đổi bổ sung các chế độ và lãi suất vay vốn đối với từng thành phần kinh tế cho phù hợp với giá cả và cơ chế quản lý mới, đồng thời nghiêm chỉnh thực hiện những nguyên tắc cơ bản của tín dụng ngân hàng: cho vay đúng mục tiêu của kế hoạch nhất là cho vay xây dựng cơ bản, hoàn trả đúng thời hạn, có vật tư tương đương bảo đảm và không vượt quá khả năng nguồn vốn cho phép.
Tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích việc gửi tiền tiết kiệm, áp dụng rộng rãi hình thức có hiện vật bảo đảm giá trị đồng tiền gửi.
4. Về giá cả
Phải phấn đấu giảm tốc độ tăng giá, trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất, tăng cường lực lượng hàng hóa vào tay Nhà nước, mở rộng dịch vụ, giảm bội chi ngân sách và tiền mặt.
Trước hết, xem xét điều chỉnh giá một số vật tư, hàng công nghiệp, nông sản, v.v. bảo đảm mối tương quan hợp lý giữa các loại giá... Tiếp tục thực hiện giá bán lẻ ổn định đối với các mặt hàng cung cấp theo định lượng và chính sách xã hội; việc điều chỉnh giá bán lẻ các mặt hàng này phải được xem xét gắn liền với việc điều chỉnh phụ cấp chênh lệch giá tính vào lương và các khoản trợ cấp xã hội. Đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác, cần xem xét điều chỉnh giá linh hoạt bảo đảm tính thống nhất của hệ thống giá bán lẻ nhà nước và bảo đảm tương quan hợp lý với giá mua thỏa thuận nông sản, thủy sản.
Phấn đấu để tiến tới thực hiện cơ chế một giá theo từng bước vững chắc, phù hợp với nhịp độ phát triển sản xuất và khả năng hàng hóa. Đối với một số mặt hàng ở những nơi còn tạm thời bán hai giá, thì tiếp tục thực hiện các quy định đã ban hành và theo sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương.
5. Về đời sống
Trước mắt, chúng ta quan tâm không chỉ các vấn đề sản xuất và kinh tế, mà phải luôn luôn kết hợp chặt chẽ kinh tế với xã hội, xã hội với kinh tế. Mục tiêu ổn định tình hình, giải phóng năng lực sản xuất không chỉ là phát triển sản xuất; xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật mới mà còn là giải quyết các vấn đề xã hội, chăm lo chu đáo công việc làm, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, xây dựng các quan hệ xã hội tốt đẹp, lối sống lành mạnh, thực hiện công bằng xã hội, với ý thức người lao động là lực lượng sản xuất lớn nhất, là chủ thể của xã hội.
Trong năm 1987, cố gắng bảo đảm mức ăn cần thiết phù hợp với khả năng sản xuất và chính sách tiêu dùng về lương thực và thực phẩm chủ yếu, bảo đảm cung ứng đủ lương thực cho công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, thợ thủ công và những người trồng cây công nghiệp thiếu lương thực.
Tổ chức cung ứng ổn định đối với các mặt hàng như: thịt các loại, cá, đường mật, nước mắm, nước chấm. Thực hiện việc khuyến khích hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp đưa cá, thịt, rau, quả, trứng, v.v. vào bán trong các thành phố lớn, khu công nghiệp.
Bảo đảm đủ lượng hàng hóa công nghiệp cung cấp theo tiêu chuẩn định lượng cho lực lượng vũ trang, công nhân viên chức và tăng thêm hàng hóa bán cho khu vực nông thôn. Tăng lượng vải bán cho nhân dân, chú trọng lao động ở các ngành nghề, đồng bào các dân tộc. Các mặt hàng khác như dầu hỏa, xà phòng giặt, chiếu cói, ni lông đi mưa... trong kế hoạch đã bố trí mức bán ra tăng hơn so với năm 1986.
Về nhà ở, cải thiện một bước điều kiện ở tại thành phố Hà Nội, các khu công nghiệp lớn. Năm 1987, tiếp tục xây dựng thêm nhà ở cho xí nghiệp mới và đô thị, trước hết là Hà Nội, khu mỏ Quảng Ninh. Dành vốn và vật tư thích đáng để đồng bộ hóa một số tiểu khu nhà ở đã xây dựng; sửa chữa, củng cố số nhà ở hiện có. Phần vật liệu xây dựng Nhà nước dành cung ứng cho nông dân tăng 8 - 10% so với năm 1986. Ngoài ra, các địa phương cần tự tổ chức khai thác các loại vật liệu khác như gạch không nung, tre nứa, lá cọ, lá dừa nước...
Về đi lại, trước hết phải tận dụng các phương tiện hiện có, tăng thêm xăng dầu, đồng thời bổ sung một số ôtô, toa xe và tàu chở khách, phương tiện vận tải công cộng ở các thành phố (chủ yếu là xe buýt, xe lam). Riêng ở đồng bằng sông Cửu Long, chú trọng việc tu sửa đường sá, làm thêm đường mới, tăng thêm phương tiện vận tải đi lại trên các kênh, rạch. Ngành Giao thông vận tải chỉ đạo các bến xe, bến tàu, nhà ga, tiến hành chấn chỉnh lại việc bán vé, xóa bỏ mọi phiền hà, tiêu cực để nhân dân đi lại được dễ dàng hơn.
Về tiền lương, cố gắng bảo đảm tiền lương thực tế, trước mắt thực hiện bán đủ và kịp thời 6 mặt hàng thiết yếu theo định lượng, trước hết là lương thực, thịt lợn và chất đốt. Việc bù giá vào lương phải được tính toán và điều hành chặt chẽ, được Hội đồng Bộ trưởng xem xét và phê chuẩn, để bảo đảm tương quan hợp lý giữa các địa phương và giữa các vùng trong cả nước. Thực hiện đúng đắn chế độ tiền thưởng, bữa ăn giữa ca và ca ba.
IV- ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN
Năm 1987, phải thể hiện một bước điều chỉnh lớn phương hướng và cơ cấu đầu tư đi đôi với việc đổi mới cơ chế đầu tư theo nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng. Hướng điều chỉnh là tập trung vốn vào thực hiện ba chương trình kinh tế và những công trình khác trực tiếp phục vụ cho ba chương trình đó.
Đối với các công trình chuyển tiếp hoàn thành từ năm 1988 trở đi thì phải căn cứ vào hiệu quả để xem xét gắn liền với việc sắp xếp lại sản xuất, mà xác định giãn tiến độ hoặc đình thi công đối với từng công trình.
Danh mục công trình trọng điểm cũng phải soát xét kỹ, giảm từ 32 công trình năm 1986 xuống còn 27 công trình năm 1987. Trong mỗi công trình trọng điểm, cũng phải soát xét chặt chẽ, giảm bớt những khối lượng không cần thiết và triệt để tiết kiệm vật tư, tiền vốn, chống lãng phí, mất mát; phấn đấu giảm 10% chi phí xây lắp, đặc biệt là phải giảm tới mức thấp nhất các chi phí về xây dựng cơ bản khác.
Việc đầu tư vào những công trình đã hoàn thành từng phần và đi vào sản xuất được thực hiện bằng vốn tự có và vốn khấu hao cơ bản để lại. Vốn tín dụng dài hạn phải được kế hoạch hóa, ưu tiên các công trình đồng bộ của ba chương trình, có điều kiện hoàn lại vốn sau 2 - 3 năm. Trong tình hình cân đối vật tư, tiền vốn còn nhiều khó khăn, nên năm 1987 - 1988, tạm thời trong cả nước sẽ không khởi công công trình mới (trừ công trình đồng bộ và chiều sâu phục vụ ba chương trình) phải đình xây dựng trụ sở, hội trường, nhà hát, sân vận động, chợ...
Đối với một số ngành chủ yếu:
- Trong công nghiệp, sẽ tập trung vốn đầu tư cho các công trình điện, than, dầu khí, phân bón, công nghiệp hàng tiêu dùng và xuất khẩu; đối với các công trình khác, sẽ đầu tư có mức độ. Công trình thủy điện Hòa Bình, thực hiện đúng tiến độ đắp đập, bảo đảm chống được lũ tháng 7-1987 và đẩy mạnh thi công các công trình ngầm để bảo đảm khởi động tổ máy I vào cuối quý II-1988. Công trình thủy điện Trị An, thực hiện tiến độ lấp sông Đồng Nai vào đầu năm 1987, hoàn thành lắp đặt tổ máy I vào cuối năm. Đồng thời, tiến hành xây dựng đồng bộ đường dây và trạm với hai công trình trên.
- Trong nông nghiệp, khởi công mới 7 công trình tưới tiêu ở đồng bằng sông Cửu Long, diện tích tưới tăng 16 vạn ha, tiêu úng 6 vạn ha, ngăn mặn 6.000 ha. Vốn dành cho đắp đê chống lũ ở sông Hồng tăng 33%. Việc đầu tư cho vùng nguyên liệu phục vụ các xí nghiệp chế biến nông sản chủ yếu là bằng vốn tín dụng: Ngân hàng cho xí nghiệp chế biến vay thông qua hợp đồng kinh tế mà hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể. Đối với cây công nghiệp dài ngày, phải tính toán kỹ hiệu quả kinh tế để có mức đầu tư thích hợp; tất cả các cơ sở trồng cây công nghiệp dài ngày đều phải đưa vào kế hoạch, đầu tư để tận dụng đất đai, trồng thêm cây ngắn ngày, "lấy ngắn nuôi dài".
Điều cần nhấn mạnh là, để thật sự thực hiện chủ trương điều chỉnh lớn cơ cấu đầu tư, các ngành, các địa phương phải kiên quyết rà soát lại từng công trình, từng hạng mục, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và căn cứ vào hiệu quả để xác định rõ chủ trương đối với công trình. Đồng thời, phải đổi mới cơ chế đầu tư theo hướng chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm đến cùng về hiệu quả đầu tư.
Đi đôi với việc sắp xếp lại đầu tư, phải tiến hành sắp xếp lại lực lượng xây dựng cho phù hợp với khả năng tiền vốn và vật tư, chuyển một phần lực lượng xây dựng sang sản xuất vật liệu xây dựng, nhất là khai thác các loại vật liệu tại chỗ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu xây dựng.
V- VỀ DÂN SỐ VÀ LAO ĐỘNG
Phấn đấu giảm tỷ lệ phát triển dân số năm 1987 xuống dưới 2%. Các thành phố, thị xã phải giảm xuống khoảng 1,5%, đồng bằng Bắc bộ 1,8%, miền Trung 1,9%, đồng bằng Nam bộ 2,2%. Ngoài việc tăng cường các biện pháp về kỹ thuật, giáo dục... phải sửa đổi, bổ sung và ban hành các chính sách phù hợp có tác dụng khuyến khích việc sinh đẻ có kế hoạch.
Trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại sản xuất, bố trí cho những người đang làm việc đủ việc làm, có điều kiện tăng năng suất lao động; sửa đổi và bổ sung một số chính sách có liên quan như giá cả, thuế, trong khu vực tập thể để khuyến khích phát triển tiểu, thủ công nghiệp, mở mang dịch vụ trong khu vực tập thể và gia đình, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là cho số lao động mới tăng, đặc biệt là số thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, số học sinh ra trường, lao động hợp tác hết hạn về nước.
Trong khu vực nông thôn, sử dụng thêm 80 vạn lao động, chủ yếu vào nông, lâm nghiệp và các ngành nghề trong hợp tác xã để thâm canh, tăng vụ, trồng rừng, nuôi cá và mở thêm diện tích mới, mở mang tiểu, thủ công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ...
Ở khu vực thành phố, thị xã, chủ yếu là tổ chức thêm lao động vào phát triển tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ, gia công hàng xuất khẩu và phát triển kinh tế gia đình, xây dựng vành đai thực phẩm, đi xây dựng vùng kinh tế mới, tổ chức các đội lao động nghĩa vụ của thanh niên phục vụ các công trình trọng điểm, các vùng kinh tế mới.
Trong khu vực nhà nước, sắp xếp bộ máy quản lý, tinh giản biên chế, chuyển bớt sang khu vực sản xuất, dịch vụ. Tiếp tục ban hành các chính sách để khuyến khích cán bộ về tăng cường cho cơ sở.
Tiếp tục thực hiện phân bổ lao động và dân cư các tỉnh khu IV, khu V và đồng bằng sông Cửu Long, xúc tiến thực hiện chủ trương phân bổ lao động và dân cư trong nội tỉnh, nội huyện. Vùng đồng bằng Bắc bộ và Tây Nguyên là hai trọng điểm đưa dân đi và nhận dân đến trong kế hoạch năm 1987. Bộ Lao động, Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp và các tỉnh trên hai địa bàn này, cần tập trung lực lượng tổ chức tốt việc đưa dân đi, tiếp nhận dân đến, bố trí kế hoạch sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng trên 57 điểm kinh tế mới đã được quy hoạch. Chú ý việc ổn định sản xuất và đời sống của những vùng đất mới đã được xây dựng trong những năm trước, đồng thời, chuẩn bị địa bàn mới để tiếp nhận dân với số lượng lớn hơn trong mùa khô năm 1987 - 1988. Các tỉnh miền núi phía bắc làm tốt công tác định canh, định cư, sắp xếp lại dân cư biên giới.
Căn cứ vào địa bàn đã được chuẩn bị, năm 1987 sẽ đưa 30 vạn người đi xây dựng vùng kinh tế mới, trong đó đi Tây Nguyên 7,4 vạn người.
Để đạt mục tiêu trên, số vốn do ngân sách Trung ương chi sẽ gấp hai lần năm 1986, bảo đảm cân đối đồng bộ vật tư, lương thực và hàng hóa thiết yếu khác, đầu tư chủ yếu cho nơi nhận dân đến. Đồng thời, các địa phương cần huy động tốt quỹ kinh tế mới để hỗ trợ thêm cho đồng bào đi vùng kinh tế mới.
Các cơ quan chức năng cần chuẩn bị để ban hành ngay các chính sách mới phù hợp với tình hình thực tế. Vốn đầu tư và kinh phí sự nghiệp sẽ được cấp thẳng theo mục tiêu và theo thời vụ, bảo đảm có vốn và lương thực ngay từ đầu năm. Cần ban hành chính sách để khuyến khích cán bộ đi các vùng kinh tế mới có cơ cấu đồng bộ, kể cả cán bộ quản lý, nghiệp vụ, kỹ thuật. Hình thành hệ thống tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương để điều hành công tác này.
Hợp tác lao động với nước ngoài là một hướng bố trí và sử dụng lao động nằm trong quy hoạch phân bổ lao động của cả nước cũng như của mỗi ngành và mỗi địa phương. Hướng chủ yếu là thu hút số thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, học sinh ra trường, công nhân viên chức trong biên chế nhà nước dôi ra qua việc sắp xếp lại bộ máy; tổ chức lại sản xuất. Để làm tốt việc này, phải ban hành các quy chế cần thiết về tuyển chọn, quản lý và sử dụng sau khi ở ngước ngoài về, khắc phục các hiện tượng tiêu cực. Chấn chỉnh đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là ở nước ngoài.
VI- KHOA HỌC - KỸ THUẬT
Hoạt động khoa học - kỹ thuật năm 1987 cần tập trung vào việc thực hiện các mục tiêu của kế hoạch, trước hết là ba chương trình kinh tế lớn.
1. Nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi nhằm tăng sản lượng lương thực, thực phẩm trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu, tuyển chọn và đưa vào ứng dụng trong sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu dịch bệnh, thích hợp với từng vùng sinh thái. Đồng thời, nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật tổng hợp về thâm canh, về cơ cấu giống, chuyển đổi mùa vụ, nuôi trồng, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh.
Ứng dụng rộng rãi các giống lúa mới, các giống ngô, các giống khoan tây sạch bệnh, khoai lang, đỗ đậu, lạc, các giống rau, quả có năng suất cao, chất lượng tốt, trong đó đặc biệt chú ý các biện pháp kỹ thuật và quản lý để xây dựng các vùng lúa, ngô cao sản.
Phát triển chăn nuôi các giống lợn lai, gà lai, vịt lai, và các giống trâu bò lai.
Đẩy mạnh việc nghiên cứu và đưa vào ứng dụng các công cụ, phụ tùng cho yêu cầu làm đất, bón phân, thủy lợi, các phương tiện đánh bắt, chế biến hải sản, các thiết bị công nghệ và kỹ thuật chế biến.
Hoàn thiện và đưa vào ứng dụng các công nghệ, thiết bị sản xuất, chế biến thức ăn gia súc, chất kích thích sinh trưởng cây trồng, vật nuôi, các loại thuốc trừ sâu vi sinh, phân bón từ nguyên liệu trong nước.
2. Đẩy mạnh nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng của các sản phẩm hàng tiêu dùng hiện đang sản xuất; tạo ra những mặt hàng tiêu dùng mới có chất lượng, giá trị kinh tế cao, tiêu tốn ít nguyên liệu, phù hợp với thị trường.
Cần đặc biệt chú ý các hoạt động khoa học - kỹ thuật liên quan đến việc điều tra nguyên liệu, nghiên cứu công nghệ khai thác, chế biến và sử dụng tổng hợp các nguồn nguyên liệu trong nước cho yêu cầu sản xuất hàng tiêu dùng.
3. Tập trung mọi cố gắng cho việc nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu phù hợp với thị trường, tăng cường các sản phẩm mà trong nước có điều kiện thuận lợi về nguyên liệu, sở trường và thế giới ưa chuộng, có nhu cầu lớn.
4. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu triển khai và áp dụng trong sản xuất các kỹ thuật tiến bộ nhằm cải thiện các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của sản xuất sản phẩm, thực hành tiết kiệm, giảm định mức tiêu hao vật tư - kỹ thuật trên một đơn vị sản phẩm; nâng cao hệ số sử dụng công suất máy móc, thiết bị, phương tiện. Thực hiện nghiêm ngặt chế độ giám định công nghệ, chất lượng sản phẩm, công tác quản lý kỹ thuật trong sản xuất.
5. Xúc tiến công tác điều tra tài nguyên, khoáng sản, tập trung vào việc phục vụ ba chương trình kinh tế lớn. Đồng thời, hệ thống hóa các tài liệu, số liệu phục vụ việc xây dựng kế hoạch 5 năm 1986-1990. Xúc tiến việc lập tổng sơ đồ phát triển và phân bổ lực lượng sản xuất.
6. Các ngành khoa học xã hội tập trung vào những hoạt động nghiên cứu những cơ sở khoa học cho những quy định về các chủ trương, chính sách, chế độ, giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách hiện nay về phân phối - lưu thông, cơ chế quản lý, kế hoạch hóa, nghiên cứu chiến lược dài hạn phát triển kinh tế - xã hội.
7. Kiện toàn và sắp xếp lại hệ thống các cơ quan nghiên cứu khoa học - kỹ thuật theo hướng hình thành một hệ thống hợp lý, gọn nhẹ nhưng đủ sức giải quyết có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học - kỹ thuật do nền kinh tế - xã hội đặt ra.
VII- GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO, VĂN HÓA, Y TẾ - XÃ HỘI
Về giáo dục phổ thông, tiếp tục thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục cấp I, tổ chức và thu nhận vào các trường, lớp số cháu đến tuổi và ngoài độ tuổi chưa được đi học, nhất là ở vùng cao, vùng sâu. Phấn đấu hạ tỷ lệ lưu ban, bỏ học. Tiếp tục thực hiện cải cách giáo dục, rà soát lại nội dung cải cách phù hợp với điều kiện thực tế dạy và học, từ đó củng cố chất lượng. Chú trọng giáo dục kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp và dạy nghề đơn giản từ cấp III. Năm học 1987-1988, số học sinh mẫu giáo tăng 2,9% so với năm học 1986-1987, số học sinh phổ thông tăng 2,2%. Sách giáo khoa phổ thông tăng 22%, đủ sách và giấy cho học sinh học tập.
Khôi phục công tác bổ túc văn hóa, đặc biệt coi trọng việc chống mù chữ và mù chữ trở lại cho những người trong độ tuổi lao động.
Về đào tạo cán bộ chuyên môn và công nhân kỹ thuật phải xuất phát từ yêu cầu sản xuất các năm tiếp theo và khả năng của nền kinh tế, khắc phục tình trạng học sinh tốt nghiệp không bố trí được việc làm. Vì vậy, phải tiếp tục sắp xếp lại mạng lưới các trường, phân công đào tạo hợp lý.
Đẩy mạnh việc đào tạo theo hợp đồng giữa cơ quan đào tạo với nơi có nhu cầu đào tạo một cách hợp lý ở những nơi có điều kiện nhằm tạo thêm nguồn thu, bảo đảm tăng thêm cơ sở vật chất và cải thiện đời sống của thày giáo và học sinh.
Năm học 1987-1988, tuyển sinh để đào tạo đại học tăng 10% so với năm học 1986-1987, trung học chuyên nghiệp tăng 1,7%, công nhân kỹ thuật tăng 2,5%...
Về văn hóa thông tin, giáo dục tổ chức và động viên hành động theo Nghị quyết của Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhằm mục tiêu phát triển sản xuất, ổn định tình hình kinh tế - xã hội; đấu tranh chống tiêu cực, chống các hủ tục, văn hóa đồi trụy và các luận điệu chiến tranh tâm lý của địch.
Năm 1987 tăng thêm các phương tiện thông tin: đài, loa, các đơn vị chiếu bóng, nhất là cho biên giới, miền núi, đưa tổng số trang in sách báo tăng 10% so với năm 1986.
Về y tế - xã hội, coi trọng công tác vệ sinh phòng dịch, thực hiện tiêm chủng mở rộng, chủ động phòng chống dịch, ngăn chặn và dập tắt kịp thời, không để xảy ra các dịch lớn. Củng cố, nâng cao chất lượng mạng lưới y tế cơ sở. Khôi phục hoạt động của các trạm y tế xã, giải quyết đời sống và quyền lợi cho cán bộ y tế. Phát triển các phòng khám đa khoa khu vực, xây dựng và tăng thêm trang bị cho các bệnh viện huyện. Mở rộng việc khám và chữa bệnh ngoại trú, chữa bệnh tại nhà cho nhân dân.
Trong tình hình khó khăn chung hiện nay, phải hết sức chú ý thực hiện tốt việc nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh, chăm sóc gia đình liệt sĩ, người về hưu.
Về thể dục thể thao, đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể, bảo vệ sức khỏe ở các xí nghiệp, công trường, nông lâm trường, trường học và đơn vị bộ đội, nhất là trong thanh niên và học sinh. Chú trọng các bộ môn phù hợp với điều kiện nước ta để từng bước nâng lên trình độ quốc tế; hết sức quan tâm bồi dưỡng năng khiếu.
VIII- KẾT HỢP KINH TẾ VỚI QUỐC PHÒNG
Bằng mọi cách, ưu tiên bảo đảm cung cấp các nhu cầu thiết yếu về đời sống, các loại vật tư - kỹ thuật cho lực lượng vũ trang, đặc biệt là bộ đội ở tuyến trước, hải đảo. Các ngành, các địa phương phải thực hiện đầy đủ các chỉ tiêu kế hoạch được giao về sản xuất và cung ứng sản phẩm hàng hóa cho nhu cầu quốc phòng. Các cơ quan quân đội phải tổ chức tốt việc cung ứng sản phẩm hàng hóa cho nhu cầu quốc phòng. Các cơ quan quân đội phải tổ chức tốt việc cung ứng đến từng đơn vị, từng chiến sĩ, bảo đảm đúng tiêu chuẩn quy định và định mức sử dụng vật tư trong các hoạt động sản xuất, xây dựng, huấn luyện.
Có kế hoạch cụ thể động viên lực lượng quân đội thường trực vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa tham gia sản xuất tại chỗ để cải thiện đời sống bộ đội, giảm bớt một phần cung cấp của Nhà nước, trước hết là các loại thực phẩm như thịt, cá, rau và chất đốt.
Tận dụng năng lực sản xuất của công nghiệp quốc phòng để vừa sản xuất hàng quân sự, vừa sản xuất hàng tiêu dùng; Nhà nước bổ sung một phần nguyên liệu, vật tư để sản xuất thêm sản phẩm, đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng và đóng góp cho xuất khẩu.
Các đơn vị bộ đội chuyên làm kinh tế cùng với các ngành, các địa phương triển khai các nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, xây dựng cơ bản, vận tải và dịch vụ, xây dựng một số vùng kinh tế chiến lược.
Nhìn chung lại, thực hiện được các mục tiêu trên đây, năm 1987, giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng 9%, giá trị tổng sản lượng nông nghiệp tăng 6,2%, kim ngạch xuất khẩu tăng 16,4%, tổng sản phẩm xã hội tăng 7,8%, thu nhập quốc dân tăng 7,9%. Mức sản xuất bình quân đầu người một số sản phẩm tăng hơn năm 1986. Đời sống công nhân viên chức và lực lượng vũ trang tuy chưa có điều kiện cải thiện nhưng được ổn định một bước.
Tuy nhiên khó khăn còn nhiều. Trong quá trình thực hiện kế hoạch, còn phải tiếp tục xử lý và điều hành rất chặt chẽ các cân đối, nhất là các cân đối về ngoại tệ, vật tư, nguyên liệu, lương thực, tài chính, tiền tệ.
PHẦN THỨ BA
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội!
Để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 1987 đã trình bày, cần chú trọng những vấn đề về chỉ đạo thực hiện sau đây:
1. Đại hội lần thứ VI của Đảng đã đề ra những phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm 1986-1990. Các ngành, các địa phương phải quán triệt Nghị quyết Đại hội, bổ sung vào Nghị quyết Đại hội và dự án kế hoạch năm 1987 và 5 năm của ngành, địa phương, gắn với việc giải quyết các vấn đề cấp bách trước mắt về giá - lương - tiền theo các nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Hội đồng Bộ trưởng phải khẩn trương chỉ đạo việc nghiên cứu ban hành các văn bản để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, như: chính sách tài chính quốc gia, chính sách xuất, nhập khẩu và quản lý ngoại tệ, chính sách đầu tư, chính sách tiết kiệm, chính sách cải tạo và sử dụng các thành phần kinh tế, v.v..
2. Sắp xếp lại sản xuất. Các ngành và các địa phương phải có phương án và kiên quyết thực hiện việc sắp xếp lại sản xuất; thu hẹp hoặc đình chỉ sản xuất những cơ sở không có hiệu quả. Thực hiện ngay việc sắp xếp lại sản xuất một số sản phẩm như phụ tùng xe đạp, săm lốp xe đạp, thuốc lá, rượu... để nâng cao hiệu quả và chất lượng hàng hóa. Gắn việc sắp xếp lại sản xuất với phân công sản xuất giữa các Bộ, Tổng cục, giữa Trung ương và địa phương, giữa quốc doanh, hợp tác xã và tư nhân. Ưu tiên tập trung điều kiện vật chất cho các sản phẩm thiết yếu của nền kinh tế.
Phải thực hiện kiên quyết việc chuyển hướng lớn cơ cấu đầu tư, trước hết tập trung cho ba chương trình lớn, đồng thời dành phần thỏa đáng cho các công trình tiếp tục trong các năm sau.
3. Xây dựng một bước cơ chế quản lý kinh tế mới, xóa bỏ tập trung quan liêu bao cấp, đồng thời chống phân tán, tản mạn. Thiết lập trật tự, kỷ cương trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội, thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ, vừa tăng cường quyền chủ động tập trung thống nhất của Trung ương, mở rộng quyền chủ động cho các địa phương, đồng thời, phát huy quyền tự chủ sản xuất - kinh doanh của đơn vị kinh tế cơ sở.
Phải khẩn trương nghiên cứu đề án đổi mới công tác kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân một cách cơ bản và toàn diện, cả về nội dung và phương pháp gắn với sự đổi mới đồng bộ cơ chế quản lý kinh tế.
Kế hoạch phải thể hiện đúng các quan điểm của Đảng về bố trí cơ cấu kinh tế, giải phóng mọi năng lực sản xuất hiện có, khai thác các tiềm năng của đất nước và sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ quốc tế, để phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất đi đôi với xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Mọi chủ trương, chính sách, kế hoạch của chúng ta đều phải hướng về cơ sở và người lao động, trực tiếp khuyến khích thỏa đáng các hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ, cắt bỏ những khâu trung gian không cần thiết, loại trừ những xâm phạm của các cấp quản lý bên trên đối với lợi ích chính đáng của người trực tiếp sản xuất.
Kế hoạch của các đơn vị cơ sở kinh tế quốc doanh phải xây dựng toàn diện, bao gồm các mặt sản xuất, kỹ thuật, tài chính và xã hội trên cơ sở quyền chủ động sản xuất, kinh doanh, quyền tự chủ tài chính của cơ sở phù hợp với Nghị quyết 306 (dự thảo) của Bộ Chính trị. Trước hết, phải phát huy đầy đủ các nguồn khả năng tại chỗ để cân đối kế hoạch đến mức tối đa, bảo đảm xây dựng kế hoạch từ cơ sở lên một cách tích cực, vững chắc. Kế hoạch của cơ sở phải dựa vào sự hướng dẫn của cấp trên, đồng thời, nắm vững nhu cầu của thị trường trong nước và ngoài nước, thông qua các hợp đồng kinh tế bảo đảm gắn sản xuất với tiêu dùng, phát triển các hình thức liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Các hoạt động liên kết đều được phản ánh đầy đủ trong kế hoạch và tuân theo pháp luật nhà nước.
Các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của mình cũng như phương hướng chung của vùng theo quy hoạch, kế hoạch căn cứ vào nhu cầu tiêu dùng và trao đổi sản phẩm với Nhà nước, hoàn toàn có quyền quyết định việc bố trí cơ cấu sản xuất và kế hoạch kinh tế - xã hội của mình. Ngoài nghĩa vụ thuế, các quan hệ kinh tế giữa Nhà nước và hợp tác xã đều thông qua các hợp đồng mua và bán do các tổ chức kinh doanh của Nhà nước đảm nhiệm theo nguyên tắc bình đẳng, ngang giá và thật sự thỏa thuận. Ngoài các hàng hóa bán cho Nhà nước theo giá hợp đồng và theo thỏa thuận, các hợp tác xã có quyền liên kết để trao đổi sản phẩm, hoặc trực tiếp tổ chức tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa trên thị trường.
Đối với các hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp, điều quan trọng là phải thực hiện các chính sách về cung ứng vật tư, nguyên liệu, năng lượng, lương thực..., để khuyến khích mạnh sản xuất hàng tiêu dùng theo quy hoạch và phân công sản xuất. Quan hệ giữa Nhà nước và các hợp tác xã được thực hiện thông qua các hợp đồng kinh tế bán nguyên liệu, mua sản phẩm theo hợp đồng. Phần sản phẩm hàng hóa làm thêm bằng các nguyên liệu tự kiếm hoặc bằng tiết kiệm phải được khuyến khích thỏa đáng.
Về một số lĩnh vực quan trọng, cần sửa đổi cơ chế kế hoạch hóa như sau:
- Về vật tư - kỹ thuật, thực hiện nguyên tắc cân đối cung ứng vật tư - kỹ thuật tới các đơn vị sản xuất theo nhiệm vụ kế hoạch sản xuất và định mức kinh tế - kỹ thuật. Cân đối vật tư - kỹ thuật cho nhiệm vụ thu mua hàng nông - lâm, thủy sản ở khu vực kinh tế tập thể, cá thể, gia đình cũng theo nguyên tắc trên qua Ủy ban nhân dân địa phương. Xóa bỏ cách cân đối và phân phối vật tư theo phương thức "hàng đổi hàng".
Nhà nước ưu tiên bảo đảm cân đối vật tư - kỹ thuật cho sản xuất một số sản phẩm là tư liệu sản xuất chủ yếu như than, điện, xi măng, thép, phân lân,... đồng thời, quản lý phân phối toàn bộ sản phẩm làm ra. Các cơ sở không được giữ lại các sản phẩm đó để tự cân đối.
- Về đầu tư xây dựng cơ bản. Tất cả các nguồn vốn phải được phản ánh vào kế hoạch của cơ sở, địa phương, ngành và toàn bộ nền kinh tế và phải được bảo đảm cân đối vật tư. Nhà nước giao chỉ tiêu pháp lệnh tổng mức vốn đầu tư của địa phương (bao gồm vốn ngân sách địa phương và vốn ngân sách Trung ương trợ cấp), danh mục công trình và công suất mới huy động. Các công trình dưới hạn ngạch cũng phải đăng ký với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính. Ngân hàng chỉ cấp phát vốn cho các công trình đã đăng ký và được sự thỏa thuận của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
- Về tài chính, tiền tệ. Tất cả các ngành, các cấp phải xây dựng kế hoạch ngân sách, tín dụng, tiền tệ và tổng hợp xét duyệt một lần thống nhất với kế hoạch kinh tế - xã hội. Thực hiện chế độ xét duyệt và giao chỉ tiêu kế hoạch thu, chi ngân sách địa phương.
4. Tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện kế hoạch
Trong việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch, phải tập trung, ưu tiên các điều kiện vật chất cho các nhiệm vụ, sản phẩm trọng yếu của Nhà nước. Trong quá trình thực hiện, nếu cần thiết có sự tăng giảm vật tư, hàng hóa, kể cả cho các yêu cầu đột xuất, cũng phải tính toán chặt chẽ trong phạm vi cân đối chung của nền kinh tế.
Các Bộ, tỉnh, thành phố và đơn vị trọng điểm phải chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch năm, lập và báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch quý (thời vụ) lên Hội đồng Bộ trưởng, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Tổng cục Thống kê để giúp cho việc chỉ đạo điều hành được kịp thời.
Tổ chức lại hệ thống thông tin, bảo đảm cho Trung ương nắm được nhanh, nhạy tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước, cũng như bổ sung trong kế hoạch của các ngành, các địa phương. Tổng cục Thống kê tổ chức thống kê kịp thời, chính xác tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch, đặc biệt là các chỉ tiêu pháp lệnh và các bảng cân đối đã được duyệt.
Thực hiện nguyên tắc "cấp nào giao chỉ tiêu pháp lệnh cấp ấy mới có quyền điều chỉnh chỉ tiêu"; việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch phải căn cứ vào kế hoạch đã được duyệt.
Thực hiện nghiêm túc chế độ quyết toán kế hoạch, nhất là quyết toán vật tư, tiền vốn; đơn vị nào đã nhận đủ vật tư mà không hoàn thành kế hoạch nhà nước thì phải ghi nợ vật tư cho Nhà nước.
Ngược lại, nếu đơn vị không nhận đủ vật tư theo kế hoạch và hợp đồng mà phải tự kiếm thêm vật tư, thì Nhà nước phải thanh toán lại vật tư cho cơ sở tương ứng với số sản phẩm nhận được hoặc phải trả theo giá thỏa thuận, bảo đảm lợi ích thỏa đáng của đơn vị cơ sở.
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội!
Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã chỉ ra cho nhân dân ta những nhiệm vụ to lớn và nặng nề, đồng thời khẳng định những phương hướng cơ bản để khắc phục khó khăn vững bước tiến lên. Nghị quyết Đại hội đã phản ánh tập trung trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, thể hiện rõ những yêu cầu và nhiệm vụ bức xúc của cuộc sống phù hợp với chặng đường hiện nay của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Chào mừng thành công của Đại hội một cách có ý nghĩa nhất, chính là đi vào hành động theo Nghị quyết Đại hội; mỗi người, trong phạm vi và lĩnh vực công tác, lao động của mình, hãy đưa Nghị quyết trở lại cuộc sống, nhân lên gấp nhiều lần các mô hình năng động, sáng tạo, giải phóng mọi năng lực sản xuất theo phương hướng mà Đại hội Đảng đã vạch ra.
Cả nước ta hãy dấy lên một phong trào hành động cách mạng mới, tiến quân mạnh mẽ vào giai đoạn mới và với niềm tin và sức mạnh mới. Hãy tiến hành trong cả nước cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao hiệu lực của bộ máy nhà nước, chống tiêu cực hư hỏng trong xã hội, làm lành mạnh các quan hệ xã hội và thực hiện công bằng xã hội trên các lĩnh vực. Chỉ có như vậy, mới tháo dỡ được các khó khăn, đẩy lùi trở ngại, chấm dứt trì trệ, đưa sự nghiệp cải tạo, xây dựng, phát triển kinh tế và xã hội tiến lên, hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1987.
Xin cảm ơn và chúc sức khỏe tất cả các đồng chí!