VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

CÔNG VĂN SỐ 42-QH CỦA TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI NGÀY 20-1-1949
 GỬI CÁC VỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TRONG LIÊN KHU 5,6,7,8
(Nhờ Đoàn đại biểu Nam bộ chuyển)

 

Kính gửi: Các vị đại biểu Quốc hội trong Liên khu 5,6,7,8

Thưa các Quý vị,

Nhân dịp Đoàn đại biểu Nam bộ ra gặp Quốc hội và Chính phủ Trung ương trở về, tôi thay mặt Ban Thường trực và toàn thể các Ban động viên ở ngoài này gửi các quý vị lời chào thân ái và quyết thắng.

Ban Thường trực đã được Đoàn đại biểu báo cáo tình hình mọi mặt ở Nam bộ và rất lấy làm hân hoan vì những sự tiến bộ của các ngành cùng sự hoạt động của các vị.

Từ khoá họp lần thứ hai của toàn thể Quốc hội hồi tháng 11 năm 1946 tại Thủ đô Hà Nội, vì tình thế kháng chiến nên cũng chưa họp được khoá nào nữa. Trong cả hai khoá họp các đại biểu miền Nam Trung bộ và Nam bộ cũng vì tình thế mà phải vắng mặt rất nhiều.

Tuy vậy Ban Thường trực vẫn luôn luôn ở bên cạnh Chính phủ Trung ương kháng chiến Hồ Chí Minh, cũng như các đại biểu ở các tỉnh luôn luôn đứng bên chính quyền địa phương để tham dự hoặc góp ý kiến về các việc hành chính, kháng chiến, kiến quốc.

Chúng tôi rất lấy làm vui sướng vì thấy các đại biểu đã hầu hết làm trọn phận sự của mình để đáp lại sự tin cậy của quốc dân. Trong chính quyền, không kể các vị đại biểu Quốc hội trong Chính phủ Trung ương, ở các khu, các tỉnh, các vị cũng đều giữ những trọng trách. Quốc hội Việt Nam lấy làm vinh dự được có những chiến sĩ anh dũng như các cố đại biểu Thái Văn Lung, Nguyễn Hữu Nghị, Nguyễn Văn Tiết, Hoàng Minh Châu (Nam bộ), Lê Thế Hiếu (Trung bộ), Nguyễn Văn Luyện, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Viết Quynh (Bắc bộ) đã bỏ mình vì Tổ quốc, và hiện nay vị đại biểu của Bà Rịa: Dương Bạch Mai còn đang nằm trong khám lớn Sài Gòn của thực dân Pháp cũng vì nhiệt tâm tranh đấu cho dân tộc.

Nhưng Quốc hội cũng rất lấy làm phiền lòng vì đã có một số rất ít (tuy rất ít) đại biểu đi lạc đường, không theo tiếng gọi của dân tộc như bọn Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam hiện đương đào ngũ ở hải ngoại, Trương Đình Tri vì bán nước mà đã phải xử tử hình, Nghiêm Xuân Thiện và Trần Trung Dung hiện đương làm tay sai cho giặc Pháp cũng vừa bị Toà án quân sự tuyên án tử hình.

Quốc dân yêu kính, biết ơn và thương tiếc các vị anh hùng kể trên bao nhiêu thì cũng phỉ nhổ, ghê tởm hết sức bọn vong quốc bấy nhiêu.

Trong hơn 2 năm kháng chiến, Ban Thường trực Quốc hội không ngày nào là không nhận được những bức điện văn ở khắp Nam, Trung, Bắc gửi đến. Bức điện nào cũng tỏ vẻ hết sức hoan nghênh chính thể dân chủ cộng hoà, tin tưởng ở Quốc hội và Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh, nguyện xin đại đoàn kết chặt chẽ, hết sức nỗ lực thi đua ái quốc. Cảm động hơn nữa là các kiều bào ở khắp các nơi cũng đều luôn luôn nhìn về Tổ quốc, hết sức tin tưởng ở Chính phủ kháng chiến và Quốc hội, tích cực hoạt động để ủng hộ cuộc kháng chiến. Đồng bào ở vùng bị địch tạm chiếm cũng luôn luôn tin tưởng ở Chính phủ kháng chiến và nguyện bất hợp tác với giặc.

Quốc hội rất vui mừng vì thấy Chính phủ Trung ương và các cấp chính quyền với sự hợp lực của các đại biểu Quốc hội đã hết sức tôn trọng bản Hiến pháp, sáng suốt trong mọi công việc, chỉ phàm có một mục đích là phụng sự nhân dân và Tổ quốc: làm sao cho nhân dân sung sướng, Tổ quốc chóng độc lập, tự do.

Ban Thường trực tiếc vì đường sá xa xôi và vì tình thế kháng chiến sự giao thông bị cầm chế nên ít liên lạc được với các quý vị ở Nam Trung bộ và Nam bộ.

Hồi tháng 6 năm 1948, chúng tôi có nhận được bức điện văn của 42 vị đại biểu Quốc hội miền Nam Trung bộ họp hội nghị ngày 28-6-1948, rất lấy làm vui mừng vì các vị không bao giờ quên nhiệm vụ đại biểu của mình. Riêng các vị ở Nam bộ, chúng tôi tuy ít nhận được tin tức nhưng cũng chắc rằng các quý vị không kém hoạt động.

Cuộc kháng chiến toàn quốc năm nay đã bước sang năm thứ 3, ở Nam bộ đã bước sang năm thứ 4. Sự thắng lợi về mọi mặt của chúng ta ngày một tiến tới hoàn toàn. Sau khi cho phát động phong trào thi đua ái quốc hồi tháng 6-1948 (hiện nay rất sôi nổi), Hồ Chủ tịch đã ra chỉ thị cho các cấp, các ngành phải tích cực hoạt động để sửa soạn cho cuộc tổng phản công. Ban Thường trực mong rằng Quý Ngài sẽ nghiên cứu kỹ càng những chỉ thị đó, cùng với các cơ quan chính quyền phổ biến trong nhân dân, để cho mọi việc đều lượm được nhiều kết quả tốt đẹp.

Nếu tiện dịp, chúng tôi cũng mong các Ngài cho biết về tình hình dân chúng địa phương mình ở cùng với nguyện vọng của họ, hoặc quý Ngài có sáng kiến gì về quốc kế dân sinh thì sẽ gửi cho Ban Thường trực chúng tôi để đưa lên Chính phủ tìm phương pháp giải quyết.

Chúng tôi không mong gì hơn là trong khoá họp đại biểu toàn quốc lần thứ 3 sau này sẽ được gặp mặt toàn thể các vị và trong lúc này được thấy các vị luôn luôn mạnh khoẻ để phụng sự Tổ quốc và quốc dân.

Kính chào quyết thắng.

 

KT. TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI
PHÓ TRƯỞNG BAN

 

PHẠM BÁ TRỰC 

                                           

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.