THUYẾT TRÌNH
CỦA ỦY BAN THANH NIÊN, THIẾU NIÊN
VÀ NHI ĐỒNG CỦA QUỐC HỘI
VỀ BỐ TRÍ VIỆC LÀM CHO THANH NIÊN
(Do ông Lê Thanh Đạo, Chủ nhiệm Ủy ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội
trình bày tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa VII,
ngày 22-12-1982)
Kính thưa các đồng chí đại
biểu Quốc hội,
Thanh niên, thiếu niên và nhi
đồng là tương lai của đất nước, là nguồn hạnh phúc của mỗi gia đình chúng
ta. Quan tâm đến tiến bộ của tuổi trẻ là lương tâm và trách nhiệm của toàn
xã hội và của mỗi người. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm, chăm sóc,
giáo dục của các ngành, các đoàn thể, các bậc cha mẹ, anh chị, thời gian qua
tuổi trẻ của chúng ta đang được lao động, rèn luyện, cống hiến và trưởng
thành. Đại bộ phận thanh niên đang là lực lượng xung kích cách mạng, những
lớp người mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy
nhiên, trước tình hình kinh tế và đời sống còn đang có những khó khăn, hiện
tượng tiêu cực trong xã hội còn rất nghiêm trọng, trong lúc đó kẻ thù đang
tìm cách tha hóa, đầu độc lớp trẻ, không một ai trong chúng ta lại không lo
lắng, băn khoăn vì thấy số thanh niên, thiếu niên phạm pháp ngày càng nhiều.
Hiện tượng nói tục, chửi bậy, ăn mặc lố lăng, đầu tóc bù xù phát triển trong
lớp trẻ ngay cả ở Thủ đô Hà Nội, đang làm cho chúng ta nhức nhối đau lòng.
Đã đến lúc mọi người có lương tâm và trách nhiệm đều phải quan tâm hơn nữa
trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Xuất phát từ tình hình trên, Ủy
ban chúng tôi đã nghe nhiều Bộ báo cáo và đi một số địa phương và cơ sở để
khảo sát tình hình thực hiện Pháp lệnh bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em,
đồng thời, Ủy ban chúng tôi cũng đã nghe đại diện Bộ Quốc phòng báo cáo về
một năm thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự.
Qua nghiên cứu, khảo sát, chúng tôi thấy mặc dù Pháp lệnh đã được một số
ngành và một số địa phương triển khai, tuy nhiên, khi nghe các Bộ báo cáo
thì mới có Bộ Y tế có kế hoạch của ngành để triển khai Pháp lệnh, trong lãnh
đạo Bộ đã phân công một đồng chí Thứ trưởng để kiểm tra, đôn đốc việc thực
hiện kế hoạch này, còn nhiều Bộ khác, khi được mời họp mới chuẩn bị báo cáo,
nhưng cũng vẫn chưa có kế hoạch triển khai, chưa phân công người phụ trách.
Chúng tôi đề nghị, Hội đồng Bộ
trưởng nên tổ chức kiểm tra các Bộ, từ Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đến các Bộ
Công nghiệp nhẹ, Giáo dục, Y tế, Văn hóa, Tổng cục Thể dục - Thể thao, Bộ
Nội vụ... về kế hoạch cụ thể triển khai Pháp lệnh này như Nghị định đã quy
định. Đề nghị Ủy ban nhân dân các cấp nên lập Ủy ban thanh, thiếu niên và
nên có người chuyên trách để giúp ủy ban kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện
Pháp lệnh và những vấn đề liên quan đến thế hệ trẻ.
Về việc thực
hiện Luật nghĩa vụ quân sự, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng thì qua một năm
thực hiện, tình hình đã có những chuyển biến bước đầu đáng phấn khởi. Thanh
niên đã phấn khởi, hăng hái lên đường nhập ngũ, hầu hết các tỉnh đã hoàn
thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giao quân (chỉ còn hai tỉnh không đạt
kế hoạch). Hiện tượng tiêu cực trong việc gọi thanh niên nhập ngũ giảm đi rõ
rệt. Hiện tượng thanh niên đào ngũ giảm tới 2/3. Việc tổ chức cho bộ đội
xuất ngũ được tiến hành tích cực.
Tuy nhiên, Luật nghĩa vụ quân sự
cũng chưa được tổ chức học tập một cách sâu rộng, ngay cả trong quân đội,
nhiều cán bộ cũng chưa hiểu Luật một cách sâu sắc. Hiện tượng đào ngũ tuy
giảm nhưng vẫn còn nhiều, nhất là ở các tỉnh phía Nam. Việc tổ chức xuất ngũ
và bảo đảm chế độ cho người xuất ngũ ở nhiều đơn vị, ở nhiều nơi còn làm
chưa chu đáo.
Chúng tôi kiến nghị cần tiếp tục
mở một đợt giáo dục sâu rộng về Luật nghĩa vụ quân sự, nhất là cho đối tượng
đến tuổi làm nghĩa vụ quân sự. Đề nghị các cơ quan nhất là ở miền Nam cần
gương mẫu thực hiện Luật. Cần phê phán nghiêm khắc hiện tượng không gương
mẫu của một số cán bộ đã bao che cho con cháu hoặc người thân của mình trốn
tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Đề nghị Bộ Quốc phòng chuẩn bị tốt hơn cho anh em xuất ngũ, tổ chức chu đáo
đưa anh em về địa phương và đề nghị các địa phương tổ chức đón anh em, cần
nhanh chóng bố trí việc làm cho anh em, ưu tiên cho anh em được học tập, lao
động, kể cả ở nước ngoài.
Kính thưa các đồng chí đại
biểu Quốc hội,
Ủy ban
chúng tôi xin phát biểu tập trung vào vấn đề việc làm của thanh niên. Hiện
nay, vấn đề việc làm của thanh niên đang là vấn đề quan tâm rất lớn của mọi
người. Theo báo cáo của Bộ Lao động thì hàng năm chúng ta có khoảng 1,2
triệu thanh niên đến tuổi lao động, trong số đó có chừng 60 đến 70 vạn là
học sinh tốt nghiệp các trường phổ thông cơ sở và phổ thông trung học mà
không có điều kiện học lên được và không có nghề nghiệp gì. Trong khi đó, số
lao động trong biên chế nhà nước còn dư ra do tình hình thiếu năng lượng,
vật tư, nhiều công trình xây dựng cơ bản phải sắp xếp lại nên không thể dung
nạp hết số lao động dư thừa hiện có.
Ủy ban chúng tôi rất tán thành
chủ trương của kế hoạch nhà nước trong những năm trước mắt lực lượng lao
động cần tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, làm
hàng tiêu dùng và xuất khẩu và lấy bố trí lao động tại chỗ là chính. Đây là
các lĩnh vực đang mở ra những khả năng thu hút lao động rất lớn và có triển
vọng kinh tế tốt đẹp. Hai năm qua, chúng ta cũng đã có những thực tiễn tốt
về vấn đề này.
Thành phố Hải Phòng với số vốn
đầu tư ban đầu có hạn, các đồng chí đã biết tập trung dứt điểm những công
trình quai đê, lấn biển, đến nay, hàng nghìn ha đất đã được canh tác, thu
hút hàng chục ngàn lao động thanh niên; các đồng chí đã mở mang giao thông,
làm thủy lợi, làm giống mới, đưa năng suất lúa lên hơn 6 tấn/ha cả năm.
Trong thành phố, nhiều nghề thủ công phát triển thu hút thanh niên đến làm
việc. Qua việc làm này, nhiều thanh niên trước đây chơi bời lêu lổng rồi
sinh ra trộm cắp nay đã dần tiến bộ, trở thành người lao động góp sức xây
dựng thành phố.
Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức
những đội thanh niên xung phong lên khai thác gỗ tại Đắc Nông, xây dựng
những nông trường trồng dứa ở Lê Minh Xuân, Củ Chi, ra duyên hải nuôi tôm
xuất khẩu. Thanh niên thành phố được thu hút vào các ngành nghề tiểu, thủ
công nghiệp, sửa chữa, dịch vụ của thành phố. Ủy ban nhân dân Thành phố đang
triển khai kế hoạch giải quyết lao động cho 200.000 thanh niên chưa có việc
làm.
Ở Thủ đô Hà Nội, các quận Ba
Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng cũng có kế hoạch để thu hút thanh niên vào lao
động, một số phường đã có cố gắng để dạy nghề và sắp xếp việc làm cho thanh
niên. Toàn thành phố đã giải quyết cho hơn 1 vạn lao động, trong 17 vạn lao
động dư thừa.
Thái Bình là
một tỉnh đất hẹp, người đông, là một tỉnh có bình quân diện tích đất đai
tính theo bình quân đầu người vào loại thấp nhất trong cả nước, nhưng các
đồng chí lãnh đạo Thái Bình cũng khẳng định, Thái Bình hoàn toàn có thể giải
quyết tốt việc làm cho thanh niên của tỉnh bằng cách gắn lao động với đất
đai và ngành nghề của tỉnh theo ánh sáng Nghị quyết V của Đảng.
Tuy nhiên, hiện nay trong nhân
dân và thanh niên còn một số nhận thức chưa đúng, cho rằng phải vào biên chế
nhà nước mới có tiền đồ, mới vẻ vang. Tâm lý muốn con cái làm việc tại Hà
Nội, tại thành phố để được nhiều “quyền lợi”, gần gia đình, từ đó đã tìm mọi
cách để cho con em vào biên chế nhà nước. Do có tâm lý đó, đã sinh ra biết
bao nhiêu tiêu cực trong việc bố trí việc làm cho thanh niên nhất là ở các
thành phố, thị xã. Trong khi bản thân khu vực kinh tế quốc doanh đang phải
tổ chức lại, thì khu vực kinh tế tập thể - một khu vực rất rộng lớn ở phía
Bắc và kinh tế cá thể ở miền Nam đã không được động viên khuyến khích lao
động thỏa đáng. Từ đó, một số thanh niên sinh ra một tâm lý muốn rời bỏ nông
thôn, rời bỏ nông nghiệp ra thành phố, vào biên chế nhà nước. Nếu ai phải ở
lại nông thôn lao động xây dựng hợp tác xã thì cho là điều bất hạnh, là tạm
thời, nếu có dịp là xin “thoát ly” ngay.
Gần đây, Đoàn thanh niên đã phát
động phong trào thanh niên thực hiện 5 chương trình hành động cách mạng, đó
là: chương trình lương thực; chương trình tuổi trẻ sáng tạo và tiết kiệm;
chương trình quốc phòng và an ninh; chương trình lao động và giải quyết việc
làm; chương trình văn hóa và xây dựng nếp sống mới. Năm chương trình này
đang trở thành phong trào, thu hút hàng triệu thanh niên hăng hái lao động,
rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Ủy ban chúng tôi đề nghị Quốc hội và
các ngành, các đoàn thể, các cấp, các bậc cha mẹ ủng hộ phong trào này của
tuổi trẻ, động viên thanh niên trở thành lực lượng xung kích hoàn thành
thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1983 và phương hướng kế hoạch nhà nước năm
1983 - 1985.
Vừa qua, Hội đồng Bộ trưởng đã chính thức công nhận một số công trình quy mô
lớn do Đoàn thanh niên đỡ đầu được mang tên công trình thanh niên cộng sản
như: công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện Phả Lại; công trình xây dựng nhà
máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà. Chúng tôi đề nghị Hội đồng Bộ trưởng
quan tâm tạo điều kiện tốt nhất cho Đoàn Thanh niên để động viên tuổi trẻ cả
nước lao động, sáng tạo quên mình, để những công trình này hoàn thành đúng
thời hạn và chất lượng cao, xứng đáng với danh hiệu “Công trình thanh niên
cộng sản”. Chúng tôi tin rằng với bản chất cách mạng và nhiệt tình của tuổi
trẻ, thanh niên sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ nhiệm vụ nào khi Tổ quốc
cần.
Tuy nhiên, để giải quyết việc làm
cho thanh niên và đào tạo một lớp người mới; lớp người lao động làm chủ tập
thể là vấn đề chiến lược của nước ta. Ủy ban chúng tôi kiến nghị:
1. Về nhận thức:
Bố trí việc làm cho thanh niên là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và
của từng gia đình. Trong thời kỳ quá độ tiến lên xã hội chủ nghĩa, khi mà
nền kinh tế, còn chủ yếu là ba thành phần thì việc sắp xếp lao động thanh
niên cũng phải phân bổ trên ba thành phần kinh tế đó và từng bước chuyển hóa
lên thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa. Thanh niên cần được chuẩn bị để sẵn
sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì và bất cứ ở đâu khi Tổ quốc cần để xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc, tạo cho mình và tập thể một cuộc sống hạnh phúc bằng chính
sức lao động của mình. Và qua đó là rèn luyện trở thành lớp người lao động
mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
2. Về giáo dục, hướng nghiệp,
dạy nghề cho thế hệ trẻ.
Ngay từ khi còn ngồi trong ghế nhà trường, tuổi trẻ cần được giáo dục hướng
nghiệp và đào tạo kỹ thuật tổng hợp. Thanh niên cần được dạy nghề trong các
tổ chức chuyên trách của Nhà nước, các cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã tiểu,
thủ công nghiệp và tư nhân để khi bước vào đời có ít nhất một nghề có ích
trong tay.
3. Bố trí việc
làm cho thanh niên cần được ghi thành chỉ tiêu phấn đấu trong kế hoạch nhà
nước
Trong kế hoạch nhà nước hàng năm
từ Trung ương đến địa phương, cơ sở cần ghi chỉ tiêu bố trí việc làm cho
thanh niên; cần đầu tư vốn và có bộ máy chuyên trách để tổ chức thực hiện có
hiệu quả thiết thực chỉ tiêu này.
4. Về cơ cấu
đào tạo
Nhà nước cần bố trí, quy hoạch
đào tạo sắp xếp cán bộ sao cho cân đối với yêu cầu và nhịp độ phát triển
kinh tế của từng ngành, từng địa phương, từng vùng trong cả nước. Khắc phục
tình hình bất hợp lý trong việc đào tạo nhiều kỹ sư nhưng lại ít công nhân
kỹ thuật. Ở các nước xã hội chủ nghĩa 1 kỹ sư có 19 công nhân kỹ thuật, còn
ở ta tỷ lệ đó là 1/3. Cần mở những trường đào tạo cán bộ cho các tỉnh miền
núi, đồng thời, chăm lo phát triển đội ngũ cán bộ các dân tộc. Có chế độ
khuyến khích tốt hơn đối với những cán bộ công tác ở các vùng miền núi, biên
giới xa xôi hẻo lánh.
5. Về vấn đề
xây dựng vùng kinh tế mới
Chúng tôi hoàn toàn tán thành chủ
trương của kế hoạch nhà nước trong những năm trước mắt là: “Nắm cho được lao
động, quản lý chặt chẽ lao động, phấn đấu giải quyết việc làm cho người lao
động hướng vào sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chăn nuôi, mở mang ngành nghề,
khai thác lâm nghiệp, ngư nghiệp phát triển thủ công nghiệp, tiểu công
nghiệp và dịch vụ ở thành phố. Trong kế hoạch nhà nước có ghi số lao động đi
xây dựng những vùng kinh tế mới 1983 là 20 vạn người, chúng tôi đề nghị cần
có quy hoạch và thống nhất với địa phương đón nhận lao động để ngay từ đầu
bảo đảm cho thanh niên yên tâm, phấn khởi, tổ chức tốt cuộc sống cho thanh
niên cả về vật chất và tinh thần, nhất là những đơn vị đi trước xây dựng cơ
bản, thực hiện đúng lời nói của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng:
“Xây dựng vùng kinh tế mới là xây dựng một xã hội mới trên một vùng đất
mới”. Đề nghị Nhà nước và mỗi tỉnh nên tập trung đầu tư xây dựng một vùng
kinh tế mới kiểu mẫu có sức hấp dẫn nhân dân và thanh niên, rồi từ đó mà
phát triển rộng ra. Điều đó không những đem lại thành công mà còn đem lại
hiệu quả kinh tế cao ở vùng kinh tế mới và sẽ mở ra những triển vọng tốt đẹp
cho việc động viên thanh niên đi vào khai thác những vùng đất mới rộng lớn
trong những năm tới.
6. Về phân
công trách nhiệm trong việc bố trí việc làm cho thanh niên
Chúng tôi đề nghị:
- Nhà nước cần có kế hoạch đầu tư
thống nhất, có chỉ tiêu phấn đấu giao cho từng ngành, từng cấp, từng địa
phương và cơ sở. Trên cơ sở đó, đề nghị mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi địa phương
và cơ sở cũng cần có kế hoạch cụ thể để thực hiện.
- Các đoàn thể quần chúng, nhất là Đoàn Thanh niên cần giáo dục, động viên,
tổ chức thanh niên đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sẵn sàng đi bất cứ
đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần.
- Từng gia đình cần giáo dục
hướng nghiệp cho con em mình, động viên con em tích cực học nghề, sẵn sàng
làm theo tiếng gọi của Đảng và của Đoàn tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ủy ban thanh niên, thiếu niên,
nhi đồng chúng tôi với chức năng của mình, xin tích cực theo dõi, giám sát
về vấn đề này, giúp Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Nếu những đề nghị của
chúng tôi được Quốc hội và các ngành chấp thuận thì chúng tôi tin tưởng rằng
tuổi trẻ sẽ hết sức phấn khởi, mọi người chúng ta sẽ bớt băn khoăn về điều
mà Hiến pháp nước ta đã ghi rõ: “Lao động là quyền, nghĩa vụ và vinh dự hàng
đầu của công dân”.
Xin cảm ơn các
đồng chí đại biểu.
Lưu tại Trung
tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội