VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

DIỄN VĂN BẾ MẠC
KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHOÁ I

CỦA CỤ TÔN ĐỨC THẮNG, TRƯỞNG ĐOÀN CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
NGÀY 9-11-1946

Thưa Hồ Chủ tịch,

Thưa các vị Bộ trưởng,

Quốc dân đồng bào,

Phiên họp chiều nay là phiên cuối cùng trong khoá họp thứ 2 của Quốc dân Đại hội Việt Nam.

Trước hết, thay mặt Quốc hội Việt Nam, chúng tôi trân trọng cảm ơn Hồ Chủ tịch, người lính xung phong đã tranh đấu cho sự giải phóng dân tộc và đứng trước những khó khăn muôn trùng của quốc gia đã hai lần can đảm nhận uỷ nhiệm của Quốc hội thành lập Chính phủ với cái ý nguyện tha thiết và đanh thép là dắt quốc dân lên con đường thống nhất, độc lập.

Chúng tôi cảm ơn các vị Bộ trưởng đã hưởng ứng lời kêu gọi của Quốc hội và lời mời của Hồ Chủ tịch, dự vào Chính phủ mới, trong ấy chúng tôi đã nhận rõ thấy sự phản chiếu trung thành của ý muốn toàn thể dân tộc Việt Nam lúc này là đoàn kết, phấn đấu, tập hợp nhân tài để giữ nước và xây dựng nước.

Chúng tôi tin rằng những trách nhiệm quan yếu mà Quốc hội đã trao cho Chính phủ, Chính phủ sẽ cương quyết thi hành trọn vẹn.

Chúng tôi trịnh trọng hứa với Hồ Chủ tịch và Chính phủ rằng các ngài bao giờ cũng có sự ủng hộ của cái khối mạnh mẽ như sắt đá là toàn thể dân tộc.

Chúng tôi lại cảm ơn anh em công an, anh em toà Thị chính, anh em Vệ quốc đoàn, đồng bào Thủ đô và đồng bào toàn quốc đã săn sóc tới Quốc hội, làm cho Quốc hội giải quyết được nhiều việc mà quan trọng nhất là quyết định xong bản Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Thưa các bạn đồng Viện,

Chúng ta, đại biểu nhân dân toàn quốc đã về họp cả ở Thủ đô.

Chỉ còn thiếu một số các bạn đồng Viện, hoặc đã xấu số qua đời, hoặc trong khi chiến đấu đã không may lọt vào lưới quân thù, hoặc bị cầm giữ bởi những công tác không thể rời bỏ được, ngoài ra tất cả chúng ta đã có mặt đông đủ trong cái không khí đại gia đình Việt Nam này.

Trong nửa tháng trời, mang nặng trên vai cái uỷ nhiệm của quốc dân, chúng ta có thể nói rằng chúng ta không phụ sự tin cậy đó. Chúng ta cảm động khi nhận được bao nhiêu bức thư, bao nhiêu điện văn của đồng bào khắp nơi, trong nước và ngoài nước, gửi đến chào mừng Quốc hội và đạt đạo cho Quốc hội những nguyện vọng tha thiết của mình. Quốc dân với chúng ta là một và ở trong Quốc hội hay ngoài Quốc hội, chúng ta bao giờ cũng chỉ là người của dân và người làm việc cho dân.

Phiên này là phiên bế mạc khoá họp. Đó là lúc nên kiểm điểm lại xem gần hai tuần lễ qua, chúng ta đã bàn xét được những gì, thu nhận được những kết quả gì?

Tôi muốn, trước hết, ghi lại ở đây cái không khí trong khi chúng ta làm việc chung với nhau. Nếu ai có thành kiến của giai cấp, của đảng phái, của tôn giáo, thì vào đến trong phòng này, chúng ta cũng đã để lòng nghe theo một tiếng gọi cao cả và thiêng liêng hơn cả bấy nhiêu tiếng gọi lúc thường: tiếng gọi của Tổ quốc. Cái không khí ấy đã hoàn toàn phản chiếu được tình trạng chung của đất nước từ trước đến nay, tình trạng thống nhất ý chí và hành động, mặc dầu thỉnh thoảng không tránh khỏi những mâu thuẫn về chi tiết.

Chúng ta biết rằng nước nhà vẫn đương nằm trong một tình thế nghiêm trọng và không ai có quyền để phí thì giờ vào những cuộc phân tranh vô ích. Bởi vậy cho nên, trong các cuộc tranh luận mà chúng ta không chối cãi rằng có những lúc đã ồn ào, đã gay go, có một điều chắc chắn là chúng ta đã không mang xen vào đó những quyền lợi riêng của cá nhân hay của đoàn thể mà chỉ chăm chú nhằm thẳng vào quyền lợi chung của dân tộc. Cái đó đã làm gần chúng ta lại và tôi dám nói chắc rằng cái đó đã làm chúng ta chóng đồng ý về các điểm đem ra thảo luận, tiến hành nhanh những công việc mà chúng ta phải làm.

Chúng ta đã làm được những gì?

Chúng ta đã lần lượt nghe Ban Thường trực Quốc hội và Chính phủ báo cáo.

Chúng ta đã chất vấn Chính phủ. Các ngài chắc cũng như chúng tôi sẽ không bao giờ quên được cái cảnh tượng đã diễn ra trong phòng này đêm hôm 31-10, một cảnh tượng chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam, một cảnh tượng chỉ có một cuộc cách mạng quét sạch hết bóng tối cũ của chế độ thực dân và phong kiến chuyên chế mới đưa tới được: nhân dân trong nước bằng miệng các người thay mặt đã tự do đứng trên diễn đàn này lên tiếng đòi hỏi Chính phủ phải trả lời về những công việc nội chính và ngoại giao đã làm. Cái quyền tự do ấy, dân tộc chúng ta đã phải mua đắt bằng xương máu của bao nhiêu cuộc tranh đấu, nên chúng ta nhất định thi hành nó một cách nghiêm minh. Và Hồ Chủ tịch, trước khi trả lời chúng ta, đã phê bình chúng ta bằng một câu, đối với chúng ta có một giá trị không nhỏ, bởi vì đã được thốt ra từ miệng một bậc lãnh tụ đầy kinh nghiệm mênh mông và sâu sắc. Quốc hội Việt Nam còn thanh niên; vậy mà Quốc hội đã đặt những câu hỏi già dặn, sắc mắc, khó khăn, đề cập đến tất cả những vấn đề quan hệ đến vận mạng nước nhà. Với sự trưởng thành về chính trị và sự quan tâm đến việc nước như vậy, ai dám bảo dân ta chưa đủ tư cách độc lập?

Chính phủ cũ làm xong nhiệm vụ đã từ chức và trao quyền lại cho Quốc hội chúng ta. Xét vì không còn ai xứng đáng hơn Hồ Chủ tịch để lãnh đạo dân tộc ta trên con đường tranh đấu cho nền độc lập hoàn toàn và thống nhất lãnh thổ và cho sự kiến thiết một nước Việt Nam đầy đủ tự do và hạnh phúc, chúng ta đã lại uỷ nhiệm Hồ Chủ tịch đứng thành lập một Chính phủ mới.

Chính phủ này đã ra mắt Quốc hội chúng ta chiều hôm 3-11. Về thành phần của Chính phủ này chưa hẳn chúng ta đã được mười phần thoả mãn. Nhưng vì xét thấy trong tình thế này, Chính phủ ấy thành lập như thế là đã đạt tới nguyên tắc toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài, theo như quyết nghị của Quốc hội, nên chúng ta đã lấy sự tín nhiệm ở sự sáng suốt của Hồ Chủ tịch mà tín nhiệm ở Chính phủ mới.

Thưa các ngài, việc then chốt của Quốc hội trong khóa họp thứ 2 đây là định cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà một Hiến pháp. Công việc đó là một việc vô cùng quan trọng. Vì trong đó, nền tảng cho sự tổ chức đời sống của dân tộc ta bắt đầu xây đắp rõ rệt. Bắt đầu từ thế hệ này cho tới những thế hệ đến sau, dân tộc ta sẽ sống trong những khuôn khổ nào, đó là do kết quả của sự thảo luận giữa chúng ta bây giờ: chúng ta đã cảm thấy tất cả trách nhiệm của chúng ta trước lịch sử của dân tộc và chúng ta đã làm việc hết sức thận trọng, chu đáo.

Tiểu ban Hiến pháp do khoá họp thứ nhất cử ra gồm có 11 vị đủ đại biểu các đảng phái và không đảng phái, đại biểu tôn giáo, đại biểu phụ nữ, đại biểu các giới. Căn cứ vào bản đề án của Chính phủ đưa ra, đối chiếu với bản dự thảo của Uỷ ban kiến quốc, lại thu thập những đề nghị dồi dào của quốc dân cùng các kinh nghiệm về hiến pháp các nước Âu - Á, tiểu ban ấy đã thảo nên một bản dự án Hiến pháp đưa trình trước Quốc hội. Rồi trong phiên họp ngày 29-10, tiểu ban đó lại mở rộng, lấy thêm 10 vị ở đại biểu các nhóm, đại biểu trung lập, đại biểu Nam bộ và quốc dân thiểu số để tu bổ thêm những điều cần thiết và bắt đầu đem ra thảo luận từ phiên họp 2-11. Như vậy, trong việc thảo Hiến pháp chúng ta đã chú trọng đến nguyện vọng và ý kiến của hết thẩy các từng lớp nhân dân, các mầu sắc chính trị, các đồng bào miền ngược, miền xuôi, trong Nam, ngoài Bắc, các đồng bào theo tôn giáo cũng như không tín ngưỡng.

Và kết quả là chúng ta đã có được một bản Hiến pháp có một tinh thần dân chủ chân chính: Nghị viện nhân dân tức cơ quan biểu lộ dân ý trực tiếp nắm quyền tối cao trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà; nhiệm vụ công dân được quy định rõ ràng, đồng thời quyền lợi của công dân cũng được bảo đảm triệt để. Hiến pháp ấy lại bảo đảm cho sự bình đẳng hoàn toàn giữa nam và nữ công dân, giữa đồng bào thiểu số và đa số; cho quyền lợi của giới cần lao trí thức và lao động cũng như cho quyền tư hữu tài sản; tôn trọng hết thảy mọi tín ngưỡng. Nói tóm lại, Hiến pháp ấy đã phản ánh đúng nguyện vọng của mọi từng lớp dân tộc và hiện tình xã hội của nước nhà trong giai đoạn đương phải gay go thắm thiết nhất của quốc dân mà thảo ra. Chúng ta sẽ phải nói rõ cho quốc dân đồng bào rõ là trên con đường đưa tới độc lập hoàn toàn còn gặp lắm nỗi khó khăn, nhưng những khó khăn đó không thể vượt qua được nếu cả một dân tộc chúng ta, muôn người như một, triệu người như một, biết đoàn kết xung quanh Hồ Chủ tịch và chung quanh Chính phủ mới thành lập. Tinh thần đoàn kết đó ở Quốc hội này, chúng tôi đã nói ở trên, đã được biểu lộ ra một cách rõ rệt.

Cũng nhờ thế nên nhiệm vụ mà Quốc hội tin và giao phó cho Đoàn Chủ tịch chúng tôi, chúng tôi đã làm được một cách tương đối dễ dàng, chúng tôi rất đỗi cảm ơn. Nhưng chúng tôi cũng cần phải nói rằng trong khi thi hành phận sự, nếu vì không được khéo léo khiến có vị nào không được hài lòng, chúng tôi thành thật xin lỗi.

Thưa Chủ tịch,

Thưa các vị Bộ trưởng,

Thưa các bạn đồng Viện,

Nhân danh Trưởng Đoàn Chủ tịch, trước khi tuyên bố bế mạc khoá họp thứ 2 của Quốc hội Việt Nam, chúng tôi xin các vị cùng chúng tôi hô to các khẩu hiệu:

Đại đoàn kết!

Ra sức kiến thiết nước nhà!

Việt Nam thống nhất!

Việt Nam hoàn toàn độc lập!

Việt Nam Dân chủ Cộng hoà muôn năm!

Ủng hộ Chính phủ!

Hồ Chủ tịch muôn năm!

Sau hết chúng tôi xin các ngài cùng chúng tôi đứng lên chào cờ.

Chúng tôi xin tuyên bố bế mạc khoá thứ 2 của Quốc hội Việt Nam.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.