VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

DIỄN VĂN KHAI MẠC
KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHOÁ I

CỦA TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI NGUYỄN VĂN TỐ NGÀY 28-10-1946

Thưa Cụ Chủ tịch,

Thưa các vị lai tân[1],

Thưa các vị Bộ trưởng,

Thưa các bạn đồng viện,

Trước khi khai hội, chúng tôi xin báo cáo để Quốc hội biết mấy tin buồn. Trong số 380 đại biểu, 3 vị đã tạ thế là:

- Ông Hoàng Hùng Sơn, đại biểu Quốc dân thiểu số tỉnh Bắc Kạn, mất ngày 26-3-1946.

- Ông Trần Trọng Hiếu, đại biểu tỉnh Hà Đông, mất ngày 1-5-1946.

- Ông Thái Văn Lung, đại biểu tỉnh Gia Định mất trong khám lớn Sài Gòn vào ngày 1-7-1946.

Ngoài ra còn ông Ngô Huy Diễn, đại biểu tỉnh Lâm Viên bị mất tích ở miền Nam Trung bộ.

Xin các ngài đứng lên cùng tôi im lặng một phút để tỏ lòng thương tiếc các vị đó.

Thưa Cụ Chủ tịch,

Thưa các vị lai tân,

Thưa các vị Bộ trưởng,

Thưa các bạn đồng Viện,

Khóa này là khóa thứ hai từ khi chính thể dân chủ cộng hòa thành lập ở nước Việt Nam.

Theo lời yêu cầu của Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội chúng tôi triệu tập Quốc hội, để trình Quốc hội về công việc mà Ban Thường trực Quốc hội đã làm trong 8 tháng vừa qua. Ban dự thảo Hiến pháp sẽ đệ trình Quốc hội duyệt y bản dự án Hiến pháp do Ban ấy khởi thảo. Chính phủ sẽ báo cáo công việc Chính phủ đã làm từ ngày mồng 2-3-1946 đến giờ.

Quốc hội Việt Nam do cuộc Tổng tuyển cử ngày 6 tháng Giêng năm 1946 bầu lên, họp lần đầu tiên cũng ở Nhà hát này, ngày 2-3-1946.

Lúc ấy nước nhà đương ở vào một tình thế nghiêm trọng, nạn xâm lăng đương đe dọa nền độc lập quốc gia. Cho nên Quốc hội không thể họp lâu được và phải bế mạc ngay hôm mồng 2-3-1946. Muốn thống nhất tất cả lực lượng của toàn dân, và đặt một cơ quan điều khiển mạnh mẽ để kháng chiến đến thắng lợi, Quốc hội đã truy nhận Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh lập ra và đã trao quyền bính cho Chính phủ ấy. Quốc hội lại bầu ra một Ban dự thảo Hiến pháp và một Ban Thường trực để thay mặt Quốc hội. Rồi bế mạc trong lúc tình thế đương nghiêm trọng.

Nhưng nhờ sự chỉ đạo sáng suốt và khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nước nhà đã vượt qua được các nỗi khó khăn. Hai Chính phủ Việt – Pháp đã ký kết bản Hiệp định sơ bộ ngày mồng 6-3-1946. Quân đội Pháp đã kéo vào Bắc bộ tiếp phòng quân đội Trung Hoa. Sự bang giao giữa hai nước Việt – Pháp đã xoay sang chiều khác. Về phần nhân dân Việt Nam thì hết sức xây vững mặt trận quốc gia thống nhất để chống xâm lăng. Về phần Chính phủ thì xúc tiến cuộc tranh thủ về mặt ngoại giao.

Ngày 16-4-1946 Quốc hội có cử một phái đoàn sang Pháp. Phái đoàn có nhiệm vụ gây tình giao hảo để dọn đường cho cuộc đàm phán chính thức giữa hai Chính phủ Việt – Pháp. Trong những ngày ở bên Pháp phái đoàn Quốc hội đã hết sức hoạt động trong hầu hết các chính giới để làm cho một số đông chính khách Pháp và nhất là dân chúng Pháp có thiện cảm với ta hơn và hiểu rõ chính nghĩa của cuộc tranh thủ độc lập. Phái đoàn đã thâu được nhiều kết quả tốt đẹp nhờ ở sự tận tâm của ông Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng cùng các đoàn viên luôn luôn gắng sức gây mối cảm tình với dân tộc Việt Nam.

Nhưng tuy ở bên Pháp dân chúng mong chờ hai dân tộc chóng đi tới chỗ thỏa thuận, thì ở nước ta, nhất là ở Nam bộ và Nam Trung bộ, bọn xâm lăng vẫn hoành hành. Ban Thường trực Quốc hội, luôn luôn phản kháng và góp sức với Chính phủ.

Ngày 3-5-1946, Ban Thường trực Quốc hội có cử linh mục Phạm Bá Trực, Uỷ viên trong Ban Thường trực Quốc hội cùng đi với phái đoàn Chính phủ vào Trung bộ giải thích cho toàn thể đồng bào chính sách quốc gia liên hiệp của Chính phủ Hồ Chí Minh.

Ngày 14-8-1946, một phái đoàn Quốc hội gồm có hai ông Nguyễn Trí và Dương Văn Du được cử vào Nam Trung bộ úy lạo các chiến sĩ.

Mặt trận thống nhất dân tộc ngày một củng cố.

Sau cuộc Pháp du của phái đoàn Quốc hội, tới cuộc đàm phán Việt – Pháp ở Fontainebleau[2]. Kết quả là bản thỏa hiệp tạm thời ngày 14-9-1946. Đó là đối ngoại.

Đối nội, Ban Thường trực Quốc hội lúc nào cũng chú trọng đến quyền lợi của quốc gia và nhân dân và đã giúp Chính phủ trong việc thi hành những phương sách thích hợp để giữ gìn đời sống cho dân chúng.

Nhờ sức ủng hộ và lòng hy sinh của toàn thể quốc dân, Ban Thường trực Quốc hội trong 8 tháng vừa qua đã cố gắng làm những nhiệm vụ mà Quốc hội đã giao phó cho.

Cuộc tranh thủ độc lập của ta đã được những kết quả tốt đẹp nay đã bước vào một giai đoạn mới, theo một hình thức khác trong khuôn khổ bản thỏa hiệp tạm thời ngày 14-9-1946, hai dân tộc Việt – Pháp sẽ cộng tác trên lập trường tự do và bình đẳng.

Cứ xem như thế đủ rõ Chính phủ Liên hiệp đã dìu dắt nước ta qua các bước khó khăn. Thay mặt Quốc hội, chúng tôi xin trân trọng cảm tạ Chính phủ Hồ Chí Minh.

Chúng tôi xin cảm ơn toàn thể quốc dân đồng bào lúc nào cũng ủng hộ chúng tôi. Nhờ sự đồng tâm hiệp lực của quốc dân nước nhà đã tới một địa vị khả quan. Nhưng chúng ta còn phải gắng sức nhiều hơn nữa. Nhiệm vụ của quốc dân đồng bào lúc này là lúc ra công xây dựng nước nhà để thực hiện nền độc lập cho Tổ quốc. Chúng tôi tin chắc rằng nước ta, với sự đồng tâm nhất trí của toàn thể đồng bào, sẽ giành được độc lập và đi tới vinh quang và hạnh phúc.

Hôm nay đây, trong lúc Quốc hội họp ở thủ đô, các đồng bào ở Nam bộ và Nam Trung bộ đương hy sinh đau khổ. Chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước hương hồn các liệt sĩ đã bỏ mình vì nước ở miền Nam nước Việt. Với sự hy sinh của đồng bào Nam bộ, với sự quyết tâm của toàn thể quốc dân Việt Nam, nước Việt Nam nhất định sẽ thống nhất, Trung Nam Bắc một khối như xưa.

Sau hết, xin thay mặt Ban Thường trực Quốc hội cảm tạ các vị lai tân đã bớt chút thì giờ quý báu lại đây dự cuộc khai mạc khóa họp Quốc hội này làm cho buổi lễ hôm nay thêm phần long trọng.

Thưa các bạn đồng Viện,

Nhân danh Trưởng ban Thường trực Quốc hội, chúng tôi xin tuyên bố khai mạc khóa họp thứ 2 của Quốc hội Việt Nam.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.

 

[1]. Tức khách quý (BT).

[2]. Phôngtennơblô (BT).