LỊCH SỬ QUỐC HỘI VIỆT NAM (1976 - 1992)


II- QUỐC HỘI VỚI SỰ NGHIỆP THỐNG NHẤT NƯỚC NHÀ
VỀ MẶT NHÀ NƯỚC VÀ XÂY DỰNG, BẢO VỆ T
QUỐC  

1. Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội với nhiệm vụ xây dựng hiến pháp mới, xây dựng luật, pháp lệnh và tổ chức hoạt động giám sát

a) Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội với nhiệm vụ xây dựng Hiến pháp mới, xây dựng luật, pháp lệnh

Từ sau khi nhân dân ta giành được chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đất nước ta đã có hai bản hiến pháp. Hiến pháp đầu tiên -Hiến pháp 1946 ra đời sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập. Hiến pháp 1946 xác lập và củng cố nền độc lập, tự do mới giành được và khẳng định ý chí của nhân dân Việt Nam quyết tâm “bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”. Theo tinh thần Hiến pháp 1946, lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân ta đã xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân, lấy liên minh công nông làm nòng cốt. Đó cũng là Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp 1946, thực dân Pháp lại gây ra chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa. Nhân dân ta đã đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, kiên quyết đập tan âm mưu nô dịch của thực dân Pháp. Chiến thắng của nhân dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nhưng, đế quốc Mỹ thay chân thực dân Pháp, xâm chiếm miền Nam nước ta. Vì thế, cách mạng Việt Nam cùng một lúc đã phải làm hai nhiệm vụ chiến lược, đó là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; tiếp tục đấu tranh giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Để đáp ứng tình hình và nhiệm vụ mới của cách mạng, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua bản Hiến pháp thứ hai - Hiến pháp 1959.

Hiến pháp 1959 tổng kết và củng cố những thắng lợi mà nhân dân cả nước đã giành được, khẳng định ý chí của nhân dân quyết tâm đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm căn cứ cách mạng vững chắc cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Thi hành Hiến pháp 1959, trải qua hơn 15 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân miền Bắc đã cơ bản hoàn thành công cuộc cải tạo quan hệ sản xuất và bắt tay vào công cuộc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Dựa vào căn cứ địa cách mạng miền Bắc, quân và dân cả nước đã tiến lên “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, giành thắng lợi trọn vẹn trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, non sông thu về một mối, nhân dân ta bước vào giai đoạn cách mạng mới, giai đoạn cả nước cùng tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Miền Bắc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tích cực tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Yêu cầu đặt ra là cần phải xây dựng một bản Hiến pháp mới cho cả nước để củng cố những thắng lợi đã giành được và để bảo đảm đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.

Theo đề nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá VI đã bầu Ủy ban dự thảo Hiến pháp cho nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa. Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm 36 thành viên sau đây:

1. Trường Chinh                              Chủ tịch

2. Phan Anh                                    Ủy viên

3. Phạm Văn Bạch                          Ủy viên

4. Nghiêm Chưởng Châu                 Ủy viên

5. Võ Chí Công                               Ủy viên

6. Trần Hữu Dực                             Ủy viên

7. Vũ Định                                       Ủy viên

8. Nguyễn Thị Định                          Ủy viên

9. Phạm Văn Đồng                          Ủy viên

10. Võ Nguyên Giáp                       Ủy viên

            11. Hoà thượng Thích Thiện Hào      Ủy viên

             12. Hoàng Văn Hoan                      Ủy viên

             13. Trần Quốc Hoàn                       Ủy viên

             14. Phạm Hùng                               Ủy viên

             15. Phạm Công Khanh                     Ủy viên

             16. Trần Bửu Kiếm                          Ủy viên

             17. Nguyễn Lam                              Ủy viên

             18. Nguyễn Long                             Ủy viên

             19. Lê Văn Lương                           Ủy viên

             20. Trần Kiêm Lý                            Ủy viên

             21. Trương Tấn Phát                        Ủy viên

             22. Đỗ Xuân Sảng                            Ủy viên

             23. Chu Văn Tấn                              Ủy viên

             24. Đào Văn Tập                              Ủy viên

             25. Lê Thành                                    Ủy viên

             26. Trịnh Đình Thảo                          Ủy viên

             27. Nguyễn Hữu Thọ                        Ủy viên

             28. Xuân Thuỷ                                  Ủy viên

             29. Trần Đình Tri                              Ủy viên

             30.Linh mục Võ Thành Trinh             Ủy viên

             31. Bùi Thị Thanh Vân                      Ủy viên

             32. Phạm Thị Thanh Vân                  Ủy viên (Ngô Bá Thành)

             33. Hoàng Quốc Việt                        Ủy viên

             34. Nguyễn Xiển                               Ủy viên

             35. Nghiêm Xuân Yêm                      Ủy viên

             36. Ka H`Yiêng                                  Ủy viên

 

Nhiệm vụ xây dựng Hiến pháp mới được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện trong một thời gian dài từ tháng 7-1976 đến tháng 12-1980. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ủy ban dự thảo Hiến pháp đã tích cực nghiên cứu những nội dung cơ bản của Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959 mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng để kế thừa và phát triển; đồng thời khảo sát, đánh giá tình hình thực tế của đất nước và tham khảo hiến pháp cũng như học tập kinh nghiệm xây dựng hiến pháp của các nước xã hội chủ nghĩa để soạn thảo một bản Hiến pháp mới thích hợp, nhằm quản lý mọi mặt của đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới.

Sau hơn một năm chuẩn bị khẩn trương và nghiêm túc, đầu năm 1978 dự thảo Hiến pháp đã hoàn thành và đưa ra lấy ý kiến, thảo luận trong cán bộ và nhân dân. Đây là một cuộc vận động sinh hoạt chính trị đặc biệt, vừa phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vừa tạo điều kiện để nhân dân tham gia vào quá trình quản lý nhà nước. Cuộc thảo luận, lấy ý kiến về dự thảo Hiến pháp được chia làm hai bước. Bước 1, được thực hiện đầu năm 1978 trong cán bộ cao cấp và trung cấp, có 44.500 cán bộ tham gia thảo luận. Dự thảo Hiến pháp được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của cán bộ trung, cao cấp. Bước 2, được công bố để nhân dân góp ý kiến vào quý III năm 1979. Gần 20 triệu lượt người thuộc mọi thành phần đã tích cực hưởng ứng tham gia thảo luận, xây dựng Hiến pháp - đạo luật cơ bản của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. “Dự thảo Hiến pháp mới đã thể hiện được ý chí và nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với tinh thần và nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng”[1].

Từ ngày 4 đến ngày 10-9-1980, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp hội nghị toàn thể để xem xét bản dự thảo Hiến pháp và thảo luận những biện pháp bảo đảm để thi hành Hiến pháp sau khi được Quốc hội thông qua.

Căn cứ vào ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương và báo cáo của Ủy ban dự thảo Hiến pháp, ngày 18-12­1980, tại kỳ họp thứ 7, với sự nhất trí cao, Quốc hội khoá VI đã biểu quyết thông qua Hiến pháp mới của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Hiến pháp 1980, Hiến pháp của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước. Đây là Hiến pháp thứ ba được Quốc hội ban hành để nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới. Hiến pháp 1980 đã khẳng định: “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”. Cơ chế quyền lực nhà nước trong Hiến pháp 1980 thể hiện đầy đủ và triệt để mô hình tổ chức cơ chế quyền lực Nhà nước xã hội chủ nghĩa, ở đó Quốc hội và hội đồng nhân dân được thiết chế như là cơ sở chính trị của hệ thống cơ quan nhà nước, là những cơ quan toàn quyền theo từng cấp chính quyền.

Đối với Quốc hội, Hiến pháp 1980 quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp.

Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, những mục tiêu phát triển kinh tế và văn hoá, những quy tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân.

Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước” (Điều 82). Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn cơ bản như: “Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật; thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật; quyết định kế hoạch nhà nước và phê chuẩn việc thực hiện kế hoạch nhà nước; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; quy định tổ chức của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân; bầu và bãi miễn Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng Nhà nước; Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng Bộ trưởng; Chánh án Toà án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định việc thành lập hoặc bãi bỏ các bộ, các ủy ban nhà nước; xét báo cáo công tác của Hội đồng Nhà nước, của Hội đồng Bộ trưởng, của Toà án nhân dân tối cao và của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định việc phân vạch địa giới các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính tương đương; quyết định đại xá; quyết định vấn đề chiến tranh và hoà bình; quyết định giao cho các tổ chức xã hội việc thực hiện một số nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý của Nhà nước; phê chuẩn hoặc bãi bỏ những hiệp ước quốc tế theo đề nghị của Hội đồng Nhà nước” (Điều 83).

Vị trí tối cao của Quốc hội còn thể hiện trong mối quan hệ chi phối tuyệt đối của Quốc hội đối với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước. Lúc này, chế định Chủ tịch nước riêng không còn mà thay vào đó là Hội đồng Nhà nước. Theo Hiến pháp 1980, “Hội đồng Nhà nước là cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội, là Chủ tịch tập thể của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 98). Hội đồng Nhà nước vừa thực hiện chức năng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vừa thực hiện chức năng của Chủ tịch nước. Do đó, thẩm quyền của Hội đồng Nhà nước tương đương với thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cộng với thẩm quyền của Chủ tịch nước được quy định trong Hiến pháp 1959.

Với chế định này, các chức năng cơ bản của quyền lực nhà nước đều tập trung vào Quốc hội. Hội đồng Chính phủ được thay bằng Hội đồng Bộ trưởng, “là cơ quan chấp hành và hành chính nhà nước cao nhất của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” (Điều 104). Với quy định này, tính độc lập tương đối của Chính phủ trong quan hệ với Quốc hội trước đây bị hạn chế, thay vào đó là sự lệ thuộc hoàn toàn vào Quốc hội. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, các Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và các thành viên đều do Quốc hội bầu ra. Toà án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng do Quốc hội lập ra, chịu sự giám sát và chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

Quyền làm chủ tập thể là tinh thần cơ bản, là nội dung nhất quán của Hiến pháp mới, bởi vì đó là mục đích thật sự của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, là động lực rất quan trọng của sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Hiến pháp 1980 được Quốc hội thông qua đã thể hiện bước phát triển mới trong công tác lập hiến của Quốc hội Việt Nam, đồng thời khẳng định những đóng góp to lớn của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Hiến pháp 1980 là văn bản pháp lý quan trọng, tổng kết và xác định những thành quả cách mạng của nhân dân Việt Nam đã giành được qua nửa thế kỷ đấu tranh để giành độc lập tự do; thể chế hoá Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng. Là đạo

luật cơ bản của Nhà nước, Hiến pháp 1980 đã quy định chế độ chính trị, chế độ kinh tế, chính sách văn hoá và xã hội, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động của các cơ quan nhà nước; thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cũng trong ngày 18-12-1980, Quốc hội khoá VI đã ra nghị quyết quy định một số điểm về việc thi hành Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội quyết nghị:

1. Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 18-12-1980 có hiệu lực từ ngày được công bố.

2. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VII sẽ tiến hành vào ngày Chủ nhật 26-4-1981.

3. Quốc hội khóa VI tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa VII họp kỳ đầu tiên. Các cơ quan cao cấp của Nhà nước và các vị lãnh đạo nhà nước tiếp tục nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa VII bầu ra các cơ quan cao cấp của Nhà nước và các vị lãnh đạo nhà nước theo Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

4. Giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ nay đến kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa VII ấn định các biện pháp cần thiết để bảo đảm thi hành Hiến pháp mới.

Trong nhiệm kỳ 5 năm, cùng với việc xây dựng thành công Hiến pháp 1980, Quốc hội khoá VI đã thảo luận và ban hành được một đạo luật, đó là Luật bầu cử đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật gồm có 11 chương, 76 điều. Nguyên tắc chung của luật nêu rõ: Việc bầu cử đại biểu Quốc hội được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đây là những nguyên tắc cơ bản thể hiện tính chất thật sự dân chủ của chế độ bầu cử ở nước ta, thể hiện nguyên tắc cơ bản của Nhà nước, đó là: Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.

Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và từ 21 tuổi trở lên đều có thể được bầu vào Quốc hội, trừ những người mất trí và những người bị pháp luật hoặc tòa án nhân dân tước các quyền đó. Ngoài ra, luật cũng quy định những vấn đề về tổ chức thực hiện như: Vấn đề giới thiệu người ứng cử, về tổng số đại biểu Quốc hội trong cả nước, về bãi miễn và bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội...

Căn cứ vào chức năng, quyền hạn theo luật định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành được 5 pháp lệnh, đó là: Pháp lệnh về việc xin ân giảm án tử hình và xét duyệt án tử hình thông qua ngày

30-11-1978; Pháp lệnh về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thông qua ngày 14-11-1979; Pháp lệnh sửa đổi và bổ sung một số điểm về thuế công thương nghiệp và thuế sát sinh thông qua ngày 23-6-1980; Pháp lệnh về sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của pháp lệnh năm 1961 quy định thể lệ bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp năm 1981 thông qua ngày 22-1-1981; Pháp lệnh trừng trị hối lộ thông qua ngày 23-5-1981.

Việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Hiến pháp và xây dựng các luật, pháp lệnh nói trên đã tạo cơ sở pháp lý phát huy quyền dân chủ đối với nhân dân, bảo đảm quyền lợi của nhân dân theo tinh thần của Hiến pháp và pháp luật.

b) Hoạt động giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội

Giám sát vừa là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước, vừa là phương thức bảo đảm quyền lực nhà nước được thực hiện đúng pháp luật. Hoạt động giám sát là một hoạt động phức tạp, chi phối mạnh mẽ đến hiệu quả của hoạt động thực hiện quyền lực, nên luôn được quy định chặt chẽ bởi luật pháp và thường ở mức quy định cao nhất là Hiến pháp. Điều 82, Hiến pháp 1980 quy định: “Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước”. Chủ thể thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội gồm: Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Thực hiện quyền giám sát của mình, kế tục sự nghiệp của Quốc hội các khoá trước, Quốc hội khoá VI có nhiệm vụ quan trọng là giám sát việc thi hành Hiến pháp mới, Hiến pháp của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước. Quốc hội đã động viên nhân dân cả nước sử dụng Hiến pháp như một vũ khí sắc bén để tăng cường sức mạnh của Nhà nước chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động.

Hoạt động giám sát của Quốc hội được thực hiện thông qua hoạt động của Ủy ban Dân tộc, các ủy ban chuyên môn của Quốc hội, của các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Nội dung giám sát được xây dựng thành các chuyên đề theo chức năng, nhiệm vụ của các ủy ban và tình hình thực tế ở các địa phương trong cả nước. Mỗi vấn đề giám sát đều được Ủy ban Dân tộc và các ủy ban chuyên môn kiến nghị bằng văn bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi đến Hội đồng Chính phủ, các ngành, các cấp có liên quan để nghiên cứu và giải quyết.

Ủy ban Dân tộc phối hợp với đoàn đại biểu Quốc hội địa phương tổ chức giám sát tình hình an ninh ở ba tỉnh Tây Nguyên, góp phần thúc đẩy việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng về củng cố và tăng cường lực lượng quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội.

Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách đã dành nhiều thời gian đi giám sát tại một số khu kinh tế mới, công trình thuỷ lợi, cơ sở nông nghiệp ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ; phối hợp với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả chiến tranh ở tỉnh Hà Tuyên và tỉnh Hoàng Liên Sơn. Thăm hỏi, động viên đồng bào và chiến sĩ các vùng có chiến sự đề cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và khắc phục mọi khó khăn đẩy mạnh lao động sản xuất, bảo đảm thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước hàng năm.

Ủy ban Y tế và Xã hội đi giám sát một số cơ sở y tế ở Hoà Bình; đi tìm hiểu tình hình thực hiện chính sách đối với thương binh và gia đình liệt sĩ tại các khu điều dưỡng ở Thủ Đức và một số cơ sở y tế thuộc công ty quốc doanh cao su tỉnh Đồng Nai; giám sát tình hình cứu trợ xã hội, công tác giáo dục, cải hoá những nạn nhân của các tệ nạn xã hội do chế độ Mỹ, nguỵ để lại ở miền Nam. Giám sát tình hình thực hiện chính sách tại các trại xã hội ở Hải Phòng, Long An, thành phố Hồ Chí Minh.

Ủy ban Văn hoá và Giáo dục đi giám sát tình hình nghiên cứu khoa học ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Năm 1978, thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tăng cường chức năng thẩm tra và giám sát, Ủy ban đã chủ động thành lập các tiểu ban để có điều kiện đi sâu vào các chuyên đề giám sát. Cụ thể là, thành lập hai tiểu ban đi nghiên cứu tình hình thực tế ở Lai Châu và Hà Sơn Bình về cuộc vận động phong trào thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hoá; đi thăm và nghiên cứu vấn đề tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng tại một số trường trung học thuộc các tỉnh Thanh Hoá, Hà Nam Ninh, Bắc Thái, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...

Hoạt động giám sát của các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội được mở rộng trên khắp các địa bàn cả nước. Nhiều đoàn đại biểu Quốc hội đã chủ động xây dựng kế hoạch công tác, phân công đại biểu dự các phiên họp thường kỳ của hội đồng nhân dân, đóng góp ý kiến thiết thực trong việc kiện toàn chính quyền cơ sở và các mặt công tác khác của địa phương, đẩy mạnh việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động. Để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội, căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương và công văn hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức để các đại biểu thực hiện chức năng của mình đi giám sát tình hình sản xuất và phát triển kinh tế ở những vùng biên giới, hải đảo; thăm hỏi các gia đình chính sách, cùng với các cơ quan chính quyền và đoàn thể quần chúng uý lạo, trợ cấp cho các đối tượng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tuy hoạt động giám sát của các đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội chưa đồng đều, nhưng nhìn chung đã có sự tiến bộ rõ rệt, góp phần xây dựng mối quan hệ thân thiện giữa đại biểu Quốc hội với cử tri.

Việc tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, nhằm bảo đảm quyền tự do dân chủ, quyền lợi chính đáng của nhân dân. Nội dung các đơn khiếu nại, tố cáo chủ yếu tập trung vào vấn đề xét xử của toà án liên quan đến quyền tự do dân chủ của nhân dân, đến chính sách kinh tế, tài chính, tranh chấp nhà ở và thi hành chính sách hậu phương quân đội. Chỉ tính riêng thời gian từ sau kỳ họp thứ 2 đến trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá VI, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được 4.778 đơn khiếu tố và dân nguyện. Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu và nhanh chóng chuyển những đơn nhận được đến các cơ quan, địa phương hữu quan để xem xét giải quyết. Các đồng chí thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ Văn phòng Quốc hội đã trực tiếp làm việc với một số cơ quan Trung ương và một số địa phương, như Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh và 7 tỉnh miền Bắc, 8 tỉnh miền Nam để cùng các cơ quan hữu quan bàn bạc việc giải quyết, nhất là đối với các vụ khiếu tố có tính chất nghiêm trọng và cấp bách.

Từ sau khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IV và qua các đợt thảo luận, góp ý kiến về dự thảo Hiến pháp mới, số lượng đơn thư khiếu nại của nhân dân gửi đến Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chiều hướng giảm. Điều đó thể hiện ý thức trách nhiệm của các cơ quan dân cử và công dân. Đối với một số vụ việc khiếu kiện kéo dài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị các cơ quan chuyên môn xác minh, báo cáo và giải quyết. Có vụ án đã xét xử đến ba cấp, kéo dài hàng chục năm mà đương sự vẫn còn khiếu nại. Có vụ Toà án nhân dân tối cao đã xử giám đốc thẩm đến lần thứ hai mà vẫn phải xét xử lại, vì không được các cơ quan hữu quan và quần chúng đồng tình.

Để góp phần giảm bớt tình trạng khiếu kiện kéo dài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tích cực tham gia ý kiến, làm tốt chức năng giám sát và thúc đẩy các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Đồng thời đề nghị Hội đồng Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan hữu quan thường xuyên phản ánh cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố về kết quả giải quyết đơn thư của nhân dân, tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội làm tròn trách nhiệm là đại biểu của nhân dân. Kết quả, nhiều vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng đã được đưa ra truy tố trước toà án hoặc thi hành kỷ luật hành chính một cách nghiêm khắc, được nhân dân ủng hộ.

Về công tác thi đua, khen thưởng, trong nhiệm kỳ 5 năm Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 702 nghị quyết về việc tuyên dương công trạng, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và phong tặng huân chương cao quý các hạng, nhằm ghi nhận thành tích của các tập thể, cá nhân và tôn vinh các anh hùng, chiến sĩ, cán bộ trên mặt trận chiếu đấu và xây dựng đất nước. Ngoài ra, theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn quyết định tặng thưởng Huân chương Hữu nghị cho nhiều tổ chức và cá nhân nước ngoài đã có công giúp nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, hoặc đã có những đóng góp tích cực vào việc phát triển tình hữu nghị với nhân dân Việt Nam.

Việc phong tặng các danh hiệu cao quý của Nhà nước cho các tập thể và cán bộ, viên chức nhà nước có thành tích vẻ vang trong chiến đấu, xây dựng và lao động sản xuất không chỉ trân trọng sự cống hiến của họ đối với dân tộc mà còn góp phần động viên mạnh mẽ ý chí của cán bộ, của quân và dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Việc khen thưởng những tổ chức và cá nhân nước ngoài có công giúp đỡ Việt Nam đã có tác dụng tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước bạn.

2. Quốc hội phê chuẩn kế hoạch nhà nước 5 năm 1976-1980 và dự toán ngân sách nhà nước hằng năm

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng họp tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 14 đến 20-12-1976. Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn trình bày trước đại hội đã nêu ba đặc điểm lớn của đất nước:

Một là, nước ta đang ở trong quá trình từ một xã hội mà nền kinh tế còn phổ biến là sản xuất nhỏ, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.

Hai là, cả nước hoà bình, độc lập, thống nhất đang tiến lên chủ nghĩa xã hội với nhiều thuận lợi, song cũng còn nhiều khó khăn do hậu quả của chiến tranh và các tàn dư của chủ nghĩa thực dân mới gây ra.

Ba là, hoàn cảnh quốc tế thuận lợi, song cuộc đấu tranh giữa cách mạng và phản cách mạng còn rất gay go và phức tạp.

Những đặc điểm đó đã tác động mạnh mẽ đến quá trình biến đổi cách mạng ở Việt Nam. Trên cơ sở xác định đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa, báo cáo đã vạch ra đường lối kinh tế, đề ra phương hướng, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế, văn hoá 5 năm (1976-1980) nhằm hai mục tiêu vừa cơ bản, vừa cấp bách là bảo đảm nhu cầu đời sống của nhân dân, tích luỹ để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.

Trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng trình bày cũng đề cập các vấn đề như: Phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chung; nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu để phát triển các ngành kinh tế và văn hoá, nhằm thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm (1976-1980).

Các văn kiện quan trọng của Đảng là cơ sở chính trị để Quốc hội nghiên cứu, xem xét, quyết định phê chuẩn kế hoạch hằng năm và kế hoạch 5 năm của Hội đồng Chính phủ đệ trình Quốc hội.

Tại kỳ họp thứ 2 từ ngày 11 đến 15-1-1977, Quốc hội đã xem xét báo cáo của Hội đồng Chính phủ về phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu của kế hoạch nhà nước năm 1977 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thanh Nghị trình bày. Kế hoạch nhà nước năm 1977 được xây dựng với những nhiệm vụ, mục tiêu cao hơn nhiều so với năm 1976 nhằm thực hiện một bước tích cực phương hướng, nhiệm vụ của kế hoạch nhà nước 5 năm (1976-1980) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng.

Thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1977, nền kinh tế nước ta sẽ phát triển với tốc độ cao: Tổng sản phẩm xã hội tăng 18%, thu nhập quốc dân tăng 16%, giá trị sản lượng công nghiệp tăng 20%, nông nghiệp tăng 16%. Sản lượng lương thực tăng nhanh đưa đến khả năng giải quyết về cơ bản nhu cầu của cả nước trong những năm sau.

Trong niềm tin tưởng, phấn khởi chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trước thắng lợi của Đại hội lần thứ IV của Đảng, Quốc hội đã nhất trí thông qua kế hoạch nhà nước năm 1977, kế hoạch thống nhất chính thức đầu tiên của cả nước. Việc hoàn thành vượt mức kế hoạch này có ý nghĩa hết sức quan trọng, đáp ứng yêu cầu trước mắt và tạo những cơ sở cần thiết để thực hiện tốt kế hoạch các năm sau và toàn bộ kế hoạch của 5 năm lần thứ hai (1976-1981).

Tiếp đến, tại kỳ họp thứ 3 từ ngày 20 đến ngày 28-12-1977, Quốc hội đã nghiên cứu, thảo luận báo cáo của Hội đồng Chính phủ về nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch nhà nước 5 năm (1976-1980) và nhiệm vụ cụ thể của kế hoạch nhà nước năm 1978 do Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước Lê Thanh Nghị trình bày. Theo nội dung của báo cáo, kế hoạch nhà nước năm 1978 được xây dựng với nhịp độ phát triển khá cao của nền kinh tế quốc dân. So với năm 1977, tổng sản phẩm xã hội tăng 21,5%, thu nhập quốc dân tăng 21%. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng 21,7%, nông nghiệp tăng 30,7%. Thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1978, thu nhập quốc dân sản xuất trong nước sẽ bảo đảm được quỹ tiêu dùng xã hội và bắt đầu có tích luỹ; cơ sở vật chất - kỹ thuật của các ngành kinh tế được tăng cường.

Trên cơ sở nội dung của báo cáo và thuyết trình của Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội, ý kiến tham luận của các đại biểu Quốc hội, ngày 28-12-1977 Quốc hội đã nhất trí thông qua nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch nhà nước 5 năm (1976-1980), nhiệm vụ cụ thể của kế hoạch nhà nước năm 1978 với những nội dung chính sau đây:

1. Tán thành sự đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước trong hai năm 1976 và 1977.

2. Thông qua những nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ hai (1976-1980) với những chỉ tiêu chủ yếu đến năm 1980.

3.Thông qua những nhiệm vụ cụ thể và những chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch nhà nước năm 1978.

 

Xác định đây là một nhiệm vụ rất quan trọng và nặng nề, Quốc hội đã giao trách nhiệm cho Hội đồng Chính phủ thi hành những biện pháp cần thiết, kịp thời, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, có hiệu lực trong công tác quản lý kinh tế và chỉ đạo thực hiện, bảo đảm hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1978 và kế hoạch nhà nước 5 năm (1976-1980). Quốc hội cũng kêu gọi đồng bào cả nước phải nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, phát huy quyền làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, hăng hái thi đua lao động sản xuất, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, phấn đấu hoàn thành kế hoạch nhà nước, trước mắt là hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch nhà nước năm 1978, năm bản lề của kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ hai (1976-1980).

Năm 1979, năm thứ tư của kế hoạch nhà nước 5 năm (1976-1980), là năm đã diễn ra những biến cố quan trọng về an ninh, quốc phòng. Để đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ đặt ra cho đất nước, Hội đồng Chính phủ đã xác định cùng một lúc phải thực hiện ba nhiệm vụ chung sau đây:

1. Ổn định và đảm bảo đời sống của nhân dân.

2. Củng cố quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc.

3. Tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội nhằm đáp ứng những yêu cầu phát triển kinh tế trước mắt, đồng thời chuẩn bị điều kiện phát triển trong những năm sau.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội, việc xác định ba nhiệm vụ chung có ý nghĩa chiến lược nêu trên là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Làm tốt cả ba nhiệm vụ trong năm 1979 vừa đáp ứng những yêu cầu cấp thiết trước mắt, vừa chuẩn bị điều kiện phát triển trong những năm sau.

Ngày 29-12-1978, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về nhiệm vụ kế hoạch nhà nước năm 1979 với các chỉ tiêu chủ yếu do Hội đồng Chính phủ đã trình ra trước Quốc hội; thông qua nghị quyết phê chuẩn dự toán ngân sách nhà nước năm 1979; đồng thời giao trách nhiệm cho Hội đồng Chính phủ thi hành những biện pháp cần thiết và kịp thời để khai thác những khả năng tiềm tàng của nền kinh tế quốc dân, tăng thu cho Nhà nước, sử dụng vốn ngân sách theo tinh thần tiết kiệm nghiêm ngặt và đạt hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm thực hiện tốt ngân sách nhà nước năm 1979.

Trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, lại được những thắng lợi to lớn trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao cổ vũ, nhân dân cả nước đã nêu cao tinh thần nhiệt tình cách mạng, đẩy mạnh thi đua lao động sản xuất, đặc biệt là sản xuất lương thực, góp phần tăng sản lượng lương thực của năm 1979 lên 8% so với năm 1978.

Năm 1980, năm cuối của kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ hai, đồng thời cũng là năm mà Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách mới về kinh tế và tài chính theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 26 của Bộ Chính trị, đã tạo nên một khí thế mới trong sản xuất trên đồng ruộng, nhà máy, công trường, bước đầu đã tháo gỡ được sự ràng buộc về mặt quản lý, làm cho sản xuất được phát triển, phân phối, lưu thông bước đầu có sự chuyển biến tích cực.

Để tiếp tục tạo ra thế mới trong sản xuất và đời sống, thể hiện đúng đắn đường lối của Đại hội lần thứ IV của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tại kỳ họp thứ 7, Hội đồng Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu của kế hoạch nhà nước năm 1981. Xuất phát từ những điều kiện cụ thể của nền kinh tế, Hội đồng Chính phủ xác định: Năm 1981 là năm có ý nghĩa cực kỳ trọng yếu, năm mở đầu của kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ ba (1981-1985), năm đầu thực hiện Hiến pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trên cơ sở phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực tự cường của nhân dân, nhằm kiên quyết tập trung sức lực một cách đồng bộ cho việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của thời gian tới, Hội đồng Chính phủ đã đề ra 5 nhiệm vụ cơ bản, đó là:

1. Đẩy mạnh sản xuất, cải tiến quản lý, lưu thông, ổn định và từng bước phát triển kinh tế, giảm bớt khó khăn, từng bước cải thiện đời sống nhân dân.

2. Tăng cường củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

3. Tiếp tục xây dựng có trọng điểm cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.

4. Đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

5. Củng cố quan hệ đặc biệt với Lào và Campuchia, đẩy mạnh hợp tác toàn diện với Liên Xô và tăng cường quan hệ kinh tế với các nước trong Hội đồng Tương trợ kinh tế.

 

Ngày 26-12-1980, trên cơ sở báo cáo thuyết trình của Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội và ý kiến của các đại biểu, Quốc hội đã ban hành nghị quyết thông qua kế hoạch nhà nước năm 1981 với những nhiệm vụ và chỉ tiêu thích hợp với tình hình kinh tế nước nhà còn khó khăn. Cụ thể, về giá trị tổng sản lượng nông nghiệp tăng 6% so với năm 1980; sản lượng lương thực đạt 14 triệu tấn; giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng 2,3% so với năm 1980; kim ngạch xuất khẩu tăng 25% so với năm 1980... Quốc hội kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước nêu cao tinh thần tự lực tự cường và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp mới, hăng hái thi đua sản xuất và tiết kiệm, tăng năng suất lao động, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước năm 1981.

Kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ hai (1976-1980) mở đầu thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam, thời kỳ đấu tranh trên cả hai mặt trận chiến đấu chống âm mưu, hành động phá hoại và xâm lược của nhiều loại kẻ thù, xây dựng cuộc sống mới trong những điều kiện vô cùng khó khăn. Mặc dù còn những hạn chế, thiếu sót trong việc xác định hướng đầu tư, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước đã ra sức phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng trong cải tạo, khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hoá, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Những thắng lợi đã giành được trong kế hoạch nhà nước 5 năm (1976-1980) đã chứng tỏ đường lối do Đại hội lần thứ IV của Đảng đề ra và được cụ thể hóa qua các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là đúng đắn. Trong tình thế cực kỳ nghiêm trọng của đất nước, trước âm mưu và hành động xâm lược của kẻ thù mới, Đảng đã đề ra những chủ trương chiến lược kiên quyết và sáng suốt, những quyết định chính xác và kịp thời, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua một bước ngoặt quan trọng và tiếp tục phát triển theo hướng đi đúng.

Thành tựu của 5 năm xây dựng và phát triển kinh tế được ghi vào lịch sử dân tộc như một đoạn đường thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam. Điều đó, một lần nữa càng làm cho nhân dân thêm tin tưởng ở sức mạnh của dân tộc Việt Nam, ở sức sống của chế độ xã hội chủ nghĩa; từ đó càng thêm tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

3. Quốc hội với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, phê chuẩn phân vạch địa giới hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Quốc hội với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc

Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân ta đã bắt tay vào xây dựng đất nước, tích cực hàn gắn những vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế với mong muốn “đưa nền kinh tế nước ta từ sản xuất nhỏ tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”. Song, công cuộc xây dựng đất nước tiến hành chưa được bao lâu thì dân tộc ta lại phải đương đầu với những thử thách mới cực kỳ nghiêm trọng do các thế lực thù địch gây ra ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Sau khi lật đổ chế độ Lonnon, ngày 17-4-1975 tập đoàn Pôn Pốt -Iêng Xari -Khiêu Xamphon, đại diện cho phái Khơme Đỏ ở Campuchia lên nắm quyền và tuyên bố thành lập Chính phủ Campuchia dân chủ. Trong quan hệ với Việt Nam, Khơme Đỏ thực hiện chính sách thù địch, kích động hận thù dân tộc, phát động cuộc chiến tranh chống lại Việt Nam. Ngay từ đầu tháng 5-1975, lực lượng quân sự của Khơme Đỏ đã tăng cường xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, tiến quân sát biên giới và liên tục xâm nhập, đánh phá, lấn chiếm một số khu vực dọc tuyến biên giới đất liền từ Tây Ninh đến Hà Tiên. Ngày 4-5-1975, sau trận đổ bộ không thành lên đảo Phú Quốc, ngày 10-5-1975, lực lượng quân sự Khơme Đỏ đổ bộ đánh chiếm đảo Thổ Chu bắt 515 người dân làm con tin. Liên tiếp trong tháng 12-1975 và những tháng đầu năm 1976, chúng đã tăng cường mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược chống lại Việt Nam với quy mô ngày càng lớn trên toàn tuyến biên giới Tây Nam.

Trước hành động xâm lược của tập đoàn Khơme Đỏ, quân và dân Việt Nam đã kiên quyết chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo của Tổ quốc. Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần chính thức đưa ra những đề nghị hợp tình, hợp lý nhằm chấm dứt xung đột, tiến tới giải quyết hoà bình về vấn đề biên giới. Nhưng, tập đoàn Khơme Đỏ đã cự tuyệt, ngoan cố trả lời những đề nghị của ta bằng những hành động xâm lược mới, tăng cường mở rộng chiến tranh xâm lược Việt Nam với quy mô ngày càng lớn trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, đỉnh cao là cuộc tiến công khu vực Bến Sỏi thuộc tỉnh Tây Ninh vào ngày 22-12-1978, dự định đánh chiếm thị xã Tây Ninh, mở đường cho các bước phiêu lưu quân sự tiếp theo.

Để bảo vệ tính mạng và tài sản của đồng bào, với khẩu hiệu hành động “Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân các tỉnh biên giới đã hạ quyết tâm, tập trung lực lượng, đập tan hoàn toàn cuộc tiến công quy mô lớn của tập đoàn Khơme Đỏ, quét sạch chúng ra khỏi bờ cõi, giành thắng lợi trên biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Trước sự phản bội của tập đoàn Pôn Pốt -Iêng Xari, đất nước Campuchia bị lâm vào thảm hoạ diệt chủng, thực hiện nghĩa vụ quốc tế, Việt Nam đã giúp đỡ quân và dân Campuchia thành lập Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước, nhằm tập hợp, tổ chức và lãnh đạo nhân dân đứng lên cứu đất nước. Sự ra đời của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và sự giúp đỡ của Việt Nam đã góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh của nhân dân Campuchia phát triển. Ngay sau khi thành lập, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã đề nghị Việt Nam tiếp tục giúp đỡ nhân dân Campuchia tổ chức lực lượng, nhằm đập tan chính quyền phản động Pôn Pốt -Iêng Xari. Theo yêu cầu của nhân dân và Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã kề vai sát cánh cùng lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia thực hiện cuộc tiến công và nổi dậy đánh đổ chế độ Pôn Pốt - Iêng Xari, giải phóng đất nước khỏi hoạ diệt chủng, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 7-1-1979, Thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng, Hội đồng nhân dân cách mạng, Chính phủ hợp pháp duy nhất của nước Campuchia đã được thành lập, và ngày 10-1-1979, Hội đồng nhân dân cách mạng do Chủ tịch Hiêng Xomrin đứng đầu tuyên bố thành lập chế độ Cộng hoà nhân dân Campuchia.

Chào mừng thắng lợi to lớn của cách mạng Campuchia và để thắt chặt quan hệ đoàn kết hợp tác giữa hai nước, ngày 18-12-1979, đoàn đại biểu của Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đã đi thăm hữu nghị chính thức Campuchia và ký kết với Chính phủ Cộng hoà nhân dân Campuchia Hiệp ước hoà bình, hữu nghị và hợp tác, nhằm khôi phục lại tình đoàn kết chiến đấu, tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam -Campuchia, đồng thời góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á.

Ngày 23-2-1979, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết số 438-NQ/TVQH về việc phê chuẩn Hiệp ước hoà bình, hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Campuchia.

Cùng thời gian với cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Pôn Pốt - Iêng Xari ở biên giới Tây Nam, nhân dân ta còn phải đối phó với những tính toán không xuất phát từ lợi ích chung của phía Trung Quốc ở biên giới phía Bắc. Từ tháng 5 đến tháng 7-1978 Trung Quốc lần lượt cắt toàn bộ viện trợ kinh tế, rút hết chuyên gia về nước. Các vụ xung đột liên tiếp diễn ra trên biên giới Trung -Việt. Ngày 17-2-1979, 60 vạn quân Trung Quốc tiến công sâu vào lãnh thổ Việt Nam tại các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta từ Quảng Ninh đến Lai Châu. Trước cuộc chiến đấu ngoan cường vì độc lập, tự do của quân và dân ta, sự phản đối mạnh mẽ của dư luận trong nước và thế giới, ngày 14-3-1979 Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam.

Thắng lợi vĩ đại của hai cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam trên mặt trận biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc đã khẳng định ý chí độc lập và tự do của một dân tộc có hàng ngàn năm văn hiến được phát triển lên tầm cao mới của chế độ xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện.

Ngày 28-5-1979, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VI, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trình bày trước Quốc hội báo cáo của Hội đồng Chính phủ về thắng lợi vĩ đại của hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Theo nội dung báo cáo, chúng ta đã giành được thắng lợi vĩ đại trước hết là do có đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn và sáng tạo, có sự chỉ đạo chiến lược chính xác và sắc bén của Đảng trong việc chỉ ra mối quan hệ có tính quy luật giữa nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong chỉ đạo chiến lược đối với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, Đảng đã nhìn xa trông rộng, định bước đi đúng đắn, sáng tạo, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao, đưa chiến tranh đến thắng lợi, làm thất bại âm mưu nham hiểm của kẻ thù.

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, Đảng đã động viên quyết tâm và lực lượng của toàn dân, phát huy cao độ sức mạnh của lực lượng tại chỗ, sức mạnh của chiến tranh nhân dân địa phương trên sáu tỉnh biên giới, kết hợp với sự chi viện của cả nước, đánh bại cuộc xâm lược quy mô lớn của kẻ thù ngay trên tuyến đầu Tổ quốc. Báo cáo cũng khẳng định: Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc giành được thắng lợi là do nhân dân ta rất anh hùng, có sự đồng tình, ủng hộ và sự giúp đỡ quốc tế to lớn của cả loài người tiến bộ.

Đứng trước tình hình đất nước vừa có hòa bình, vừa có thể lại xảy ra chiến tranh, để chủ động trong mọi tình huống, Hội đồng Chính phủ đã xác định: Con

đường duy nhất đúng đắn đưa dân tộc đến thắng lợi là ra sức phấn đấu xây dựng đất nước giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đồng thời ổn định và bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống của đồng bào và chiến sĩ cả nước.

Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng và nghị quyết của các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhiệm vụ chung của cách mạng Việt Nam, của toàn dân và toàn quân ta trước tình hình mới là: “Động viên cao độ tinh thần yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống đoàn kết nhất trí, đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm, tinh thần độc lập tự chủ, ý chí tự lực tự cường của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, tăng cường hệ thống chuyên chính vô sản, xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa toàn diện và rộng khắp, ra sức thi đua lao động quên mình, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, tăng nhanh tiềm lực kinh tế và quốc phòng, tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước, sẵn sàng chiến đấu cao và chiến đấu kiên quyết, đập tan mọi mưu đồ và hành động xâm lược của kẻ thù, kể cả chiến tranh xâm lược trên quy mô lớn, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” [2]

Ngày 30-5-1979, sau khi nghe và thảo luận báo cáo của Hội đồng Chính phủ, Quốc hội đã quyết nghị: Nhất trí tán thành báo cáo của Hội đồng Chính phủ về thắng lợi vĩ đại của hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và nhiệm vụ của toàn dân, toàn quân trước tình hình mới. Quốc hội đã biểu dương các lực lượng vũ trang nhân dân, đồng bào các dân tộc trên các tuyến biên giới Tây Nam và phía Bắc, đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ở các nước đã nêu cao ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, đoàn kết, nhất trí, phát huy mạnh mẽ truyền thống anh hùng của dân tộc, đã giành được thắng lợi oanh liệt, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Quốc hội cũng đã nhiệt liệt chào mừng những thắng lợi to lớn của nhân dân Campuchia, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã anh dũng tiến hành đấu tranh cách mạng, đập tan chế độ diệt chủng của bọn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari, thành lập nước Cộng hoà nhân dân Campuchia, khôi phục tình đoàn kết hữu nghị lâu đời giữa nhân dân Campuchia và nhân dân Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử đất nước Campuchia, kỷ nguyên độc lập, dân chủ và tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trước những âm mưu và thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch đang tìm mọi cách thực hiện chiến lược toàn cầu phản cách mạng, hòng thôn tính Việt Nam, Lào, Campuchia, thôn tính các nước Đông Nam Á, Quốc hội kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, đập tan mọi hành động phiêu lưu quân sự mới và các hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Để giải quyết những vấn đề cơ bản trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhằm bảo đảm hoà bình và ổn định ở vùng biên giới Việt - Trung, Quốc hội đã tán thành đề nghị ba điểm về “Những nguyên tắc và nội dung chủ yếu cho một giải pháp về những vấn đề quan trọng trong quan hệ giữa hai nước” của Đoàn đại biểu Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại cuộc đàm phán Việt - Trung. Lập trường ba điểm của Việt Nam là một đề nghị hoàn chỉnh, vừa nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách do cuộc chiến tranh vừa gây ra, bảo đảm hòa bình, ổn định ở vùng biên giới giữa hai nước, ngăn ngừa chiến tranh tái diễn, vừa tạo cơ sở cho việc giải quyết những vấn đề cơ bản trong quan hệ giữa hai bên, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc mong muốn khôi phục tình hữu nghị lâu đời. Đề nghị hợp lý, hợp tình của Việt Nam đã được dư luận quốc tế hoan nghênh, coi đó là một sáng kiến hòa bình quan trọng, tỏ rõ Việt Nam luôn mong muốn thực hiện chính sách hòa bình và hữu nghị với các dân tộc trong khu vực và trên thế giới, trước hết là với các nước láng giềng anh em.

Trước tình hình mới, nhiệm vụ đặt ra cho nhân dân cả nước phải tập trung sức hoàn thành các công việc trước mắt, đó là: Đẩy mạnh sản xuất và cải tạo xã hội chủ nghĩa, bảo đảm và ổn định đời sống của nhân dân; tăng cường củng cố quốc phòng và an ninh, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội; làm tròn nghĩa vụ quốc tế.

Để động viên đồng bào cả nước phấn đấu thực hiện tốt những nhiệm vụ nêu trên, Quốc hội kêu gọi đồng bào cả nước tăng cường đoàn kết toàn dân, nêu cao ý chí cách mạng và truyền thống anh hùng của dân tộc, ra sức phát huy mọi khả năng và tiềm lực của đất nước, đẩy mạnh sản xuất, đặc biệt là sản xuất lương thực và thực phẩm; kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng; giữ vững an ninh và trật tự xã hội; tăng cường đoàn kết với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia, đoàn kết với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, đoàn kết với các nước yêu chuộng hoà bình và công lý, với nhân dân toàn thế giới. Mỗi công dân, mỗi đơn vị cơ sở, mỗi địa phương và mỗi ngành phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa trên mọi lĩnh vực lao động sản xuất, lưu thông phân phối, quản lý kinh tế, quản lý xã hội, tổ chức tốt đời sống; ra sức phấn đấu nhằm đẩy mạnh ba cuộc cách mạng; tăng nhanh tiềm lực kinh tế và quốc phòng; khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong xã hội; đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước, thực hiện mọi nhiệm vụ để xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

b) Quốc hội phê chuẩn phân vạch địa giới hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng trong giai đoạn mới của cách mạng, căn cứ vào tình hình và nhu cầu thực tế của các địa phương, Hội đồng Chính phủ đã đề nghị với Quốc hội điều chỉnh, sáp nhập một số đơn vị hành chính trong phạm vi cả nước.

Ngày 11-1-1977, Hội đồng Chính phủ đã có Tờ trình số 8/TCCP, ngày 7-10-1977 về việc đổi tên huyện Côn Sơn thành huyện Côn Đảo và đặt huyện Côn Đảo trực thuộc tỉnh Hậu Giang. Trước ngày giải phóng, Côn Đảo là nơi bọn đế quốc Pháp, Mỹ và bọn tay sai giam giữ các chiến sĩ cách mạng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Côn Đảo trở thành di tích lịch sử cách mạng của cả nước. Trong kỳ bầu cử Quốc hội thống nhất, Côn Đảo được đặt trong khu vực chung với thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 18-9-1976, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định số 164/CP thành lập huyện Côn Sơn trực thuộc thành phố Hồ Chí Minh, nhưng do xa cách về mặt địa lý và để tạo điều kiện cho thành phố tập trung quản lý tốt công việc trong tình hình mới, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị giao việc quản lý hành chính huyện Côn Sơn cho Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang. Xét thấy việc đặt Côn Đảo trực thuộc tỉnh Hậu Giang sẽ thuận lợi cho công tác chỉ đạo, Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã đề nghị Quốc hội xét và phê chuẩn việc đổi tên huyện Côn Sơn thành huyện Côn Đảo và đặt huyện Côn Đảo trực thuộc tỉnh Hậu Giang. Căn cứ vào Điều 50 của Hiến pháp 1959, ngày 15-1-1977, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VI, kỳ họp thứ 2 đã ban hành nghị quyết phê chuẩn việc sáp nhập huyện Côn Đảo vào tỉnh Hậu Giang.

Tiếp đó, ngày 22-12-1978, Hội đồng Chính phủ đã có Tờ trình số 5271-TC về việc phân vạch địa giới một số tỉnh, thành phố. Cụ thể: Mở rộng ngoại thành Hà Nội, nhằm phục vụ mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội thành trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước. Chia tỉnh Cao Lạng thành hai tỉnh mới lấy tên là tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn; sáp nhập huyện Ngân Sơn và huyện Chợ Rã của tỉnh Bắc Thái vào tỉnh Cao Bằng; sáp nhập huyện Đình Lập của tỉnh Quảng Ninh vào tỉnh Lạng Sơn, nhằm tạo điều kiện để các tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ vừa đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, vừa sẵn sàng chiến đấu; sáp nhập huyện Duyên Hải của tỉnh Đồng Nai vào thành phố Hồ Chí Minh, nhằm xây dựng, củng cố vành đai bảo vệ an ninh, trật tự của thành phố theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội lần thứ IV của Đảng.

Căn cứ vào Điều 50 của Hiến pháp 1959, sau khi nghiên cứu ý kiến của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Hội đồng nhân dân các tỉnh Hà Sơn Bình, Vĩnh Phú, Cao Lạng, Bắc Thái, Quảng Ninh, Đồng Nai, ngày 29-12-1978, Quốc hội đã phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới thành phố Hà Nội trên cơ sở mở rộng ngoại thành, sáp nhập một số đơn vị hành chính của tỉnh Hà Sơn Bình và tỉnh Vĩnh Phú vào thành phố Hà Nội. Phân định địa giới các tỉnh Cao Lạng, Quảng Ninh và Bắc Thái như sau: Chia tỉnh Cao Lạng thành hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn; sáp nhập huyện Ngân Sơn và huyện Chợ Rã của tỉnh Bắc Thái vào tỉnh Cao Bằng; sáp nhập huyện Đình Lập của tỉnh Quảng Ninh vào tỉnh Lạng Sơn; sáp nhập huyện Duyên Hải của tỉnh Đồng Nai vào thành phố Hồ Chí Minh. Quốc hội đã giao cho Hội đồng Chính phủ tiến hành những việc cần thiết để thực hiện nghị quyết này.

Trước yêu cầu của công tác thăm dò và khai thác dầu khí, khu vực Vũng Tàu - Côn Đảo đã trở thành một vị trí quan trọng về kinh tế và quốc phòng đối với vùng biển phía đông nam Tổ quốc. Tại kỳ họp thứ 5, trên cơ sở đề nghị của Hội đồng nhân dân các tỉnh Đồng Nai và Hậu Giang, Hội đồng Chính phủ nhất trí trình Quốc hội cho tách thị xã Vũng Tàu ra khỏi tỉnh Đồng Nai, tách huyện Côn Đảo ra khỏi tỉnh Hậu Giang và thêm xã Long Sơn của huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai lập thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo trực thuộc Trung ương.

Sau khi nghiên cứu tờ trình của Hội đồng Chính phủ, ngày 30-5-1979, Quốc hội đã phê chuẩn việc thành lập đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo gồm có thị xã Vũng Tàu, xã Long Sơn thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai và huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Hậu Giang. Đặc khu Vũng Tàu -Côn Đảo trực thuộc Trung ương và tương đương cấp tỉnh để bảo đảm sự chỉ đạo các mặt hoạt động kinh tế và quốc phòng được thuận tiện và kịp thời phục vụ cho công tác khai thác dầu khí trước mắt cũng như lâu dài ở thềm lục địa miền Nam nước ta. Việc điều chỉnh địa giới của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã góp phần tạo sự thống nhất quản lý về mặt hành chính theo yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ. Đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về các mặt hoạt động kinh tế và quốc phòng được thuận tiện.

4. điều chỉnh bộ máy tổ chức của Chính phủ và bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ cấp cao của nhà nước

Xuất phát từ đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định điều chỉnh, lập một số cơ quan, bổ nhiệm và miễn nhiệm một số cán bộ cấp cao của bộ máy nhà nước.

Về tổ chức bộ máy nhà nước

Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn thành lập các cơ quan sau:

-Thành lập Viện Khoa học Việt Nam trực thuộc Hội đồng Chính phủ do một bộ trưởng phụ trách (6-4-1977).

-Chuyển Đài Tiếng nói Việt Nam thành Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam; đổi tên Việt Nam Thông tấn xã thành Thông tấn xã Việt Nam. Cả hai tổ chức này đều trực thuộc Hội đồng Chính phủ (12-5-1977).

-Hợp nhất Bộ Văn hóa và Tổng cục Thông tin thành Bộ Văn hóa và Thông tin (13-7-1977). Thành lập Tổng Cục khí tượng - Thủy văn trực thuộc Hội đồng Chính phủ trên cơ sở hợp nhất Nha Khí tượng trực thuộc Hội đồng Chính phủ và Cục Thủy văn thuộc Bộ Thủy sản (14-10-1977). Thành lập Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế, cơ quan ngang bộ của Hội đồng Chính phủ (17-4-1978).

-Tách Tổng cục Đào tạo công nhân kỹ thuật khỏi Bộ Lao động để thành lập Tổng cục Dạy nghề trực thuộc Hội đồng Chính phủ (17-4-1978).

-Phê chuẩn việc chuyển giao nhiệm vụ và tổ chức của Ban Quản lý xây dựng công trình sông Đà cho Bộ Điện và Than (26-5-1978). Thành lập Tổng cục Du lịch Việt Nam trực thuộc Hội đồng Chính phủ (27-6-1978).  Thành lập Ủy ban Xây dựng cơ bản nhà nước, cơ quan ngang Bộ của Hội đồng Chính phủ, có nhiệm vụ quản lý tổng hợp về xây dựng cơ bản của Nhà nước (24-8-1978). Thành lập Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và thành lập Tổng cục Quản lý ruộng đất, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ (24-5-1979).  

Phê chuẩn việc sửa đổi và thành lập một số tổ chức mới trong bộ máy nhà nước, đó là chia Bộ Điện và Than thành Bộ Điện lực và Bộ Mỏ và Than; chia Bộ Lương thực và Thực phẩm thành Bộ Công nghiệp thực phẩm và Bộ Lương thực (22-1-1981).

Phê chuẩn việc chuyển Tổng cục Cao su thuộc Bộ Nông nghiệp thành Tổng cục Cao su trực thuộc Hội đồng Chính phủ (19-2-1981).  

Về bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cấp cao của nhà nước

Ngày 30-3-1980 tại Hà Nội, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa VI, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ trần, hưởng thọ 92 tuổi. Tháng 4-1980, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được giao giữ chức vụ Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngày 12-12-1980, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đọc lời phát biểu ghi nhận cống hiến của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ nêu rõ: “Trên 60 năm hoạt động cách mạng, bất kỳ ở cương vị công tác nào, đồng chí (Tôn Đức Thắng - BT) cũng là một tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy, về tinh thần anh dũng, bất khuất, về đức tính khiêm tốn, giản dị, luôn luôn phấn đấu quên mình để hoàn thành nhiệm vụ”[3]. Tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Quốc hội nguyện quyết tâm phấn đấu tiếp tục thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện những điều mà Chủ tịch Tôn Đức Thắng hằng mong muốn: Tăng cường đoàn kết, ra sức xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Về bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo của hội đồng Chính phủ và các cơ quan ngang bộ

Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định miễn nhiệm và bổ nhiệm một số cán bộ giữ các chức vụ trong bộ máy Chính phủ như sau:

-Ông Hoàng Anh thôi giữ chức Tổng Giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam để giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính thay ông Đào Thiện Thi nhận nhiệm vụ khác; ông Trần Dương giữ chức Tổng Giám đốc Ngân hàng Việt Nam; ông Vũ Tuân thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ để giữ chức Bộ trưởng Phủ Thủ tướng. Ông Trần Hữu Dư giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ. Ông Nguyễn Quang Lâm (tức Tám Tú) giữ chức Bộ trưởng Bộ Hải sản thay ông Võ Chí Công, Phó Thủ tướng Chính phủ thôi kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Hải sản. Ông Trần Quỳnh giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước thay ông Trần Đại Nghĩa nhận nhiệm vụ khác. Ông Vũ Lập giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thay ông Lê Quảng Ba nhận nhiệm vụ khác (28-2-1977). -Ông Trần Đại Nghĩa giữ chức Bộ trưởng phụ trách Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (6-4-1977).

-Ông Võ Chí Công, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp thay ông Võ Thúc Đồng nhận nhiệm vụ khác (30-7-1977). -Ông Đỗ Mười, Phó Thủ tướng Chính phủ thôi kiêm nhiệm Bộ trưởng Bộ Xây dựng để phụ trách khối xây dựng cơ bản, công nghiệp, giao thông vận tải và bưu điện của Chính phủ. Ông Đồng Sỹ Nguyên giữ chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng thay ông Đỗ Mười. Ông Nguyễn Văn Kha giữ chức Bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim thay ông Nguyễn Côn nhận nhiệm vụ khác. Ông Đỗ Chính giữ chức Bộ trưởng Bộ Hải sản, thay ông Nguyễn Quang Lâm nhận nhiệm vụ khác. Ông Trần Văn Hiển giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội thương thay ông Hoàng Quốc Thịnh nhận nhiệm vụ khác (22-11-1977).

-Ông Nguyễn Văn Trân thôi giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách Quốc hội để giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế, cơ quan ngang bộ của Hội đồng Chính phủ (26-5-1978).

-Ông Vũ Lập thôi giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ để nhận nhiệm vụ khác (26-6-1978).

-Ông Võ Chí Công, Phó Thủ tướng Chính phủ, thôi kiêm chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp. Ông Nguyễn Ngọc Trìu giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp. Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm chức Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản nhà nước. Ông Hoàng Văn Kiểu thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp để giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ. Ông Nguyễn Tuấn Tài (tức Trần Kiên) giữ chức Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp (23-2-1979).

-Ông Hồ Viết Thắng được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Lương thực và Thực phẩm thay ông Ngô Minh Loan nhận nhiệm vụ khác (23-4-1979).

-Ông Nguyễn Cơ Thạch giữ chức Quốc vụ khanh, hàm Bộ trưởng, giúp Thủ tướng Chính phủ trong công tác ngoại giao (24-5-1979).

-Ông Phạm Hùng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ông Trần Quốc Hoàn thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ông Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông Nguyễn Duy Trinh thôi giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Lê Thanh Nghị, Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước, thôi giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước. Ông Tố Hữu giữ chức Phó Thủ tướng. Ông Nguyễn Lam giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước. Ông Văn Tiến Dũng giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông Trần Quang Huy thôi giữ chức Bộ trưởng phụ trách công tác văn hóa, giáo dục ở Phủ Thủ tướng để giữ chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp chế của Chính phủ. Ông Nguyễn Cơ Thạch, Quốc vụ khanh, hàm Bộ trưởng, thôi giữ chức vụ Quốc vụ khanh, hàm Bộ trưởng để giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Phan Trọng Tuệ thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Ông Đinh Đức Thiện giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Ông Trần Quỳnh thôi giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước để giữ chức Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước. Ông Đặng Việt Châu thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại thương. Ông Lê Khắc giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại thương. Ông Nguyễn Hữu Mai giữ chức Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước. Ông Trần Phương giữ chức Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước (7-2-1980).

-Ông Tô Duy thôi giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá nhà nước. Ông Hà Kế Tấn thôi giữ chức Bộ trưởng, trực tiếp giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thi công xây dựng công trình thuỷ điện sông Đà (27-3-1980).

-Ông Phan Hiển giữ chức Bộ trưởng, phụ trách công tác thông tin và quan hệ văn hóa với nước ngoài (29-4-1980).

-Ông Trần Quỳnh thôi giữ chức Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước để giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ. Ông Vũ Tuân thôi giữ chức Bộ trưởng Phủ Thủ tướng để giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thực phẩm. Ông Hồ Viết Thắng giữ chức Bộ trưởng Bộ Lương thực và Thực phẩm. Ông La Lâm Gia giữ chức Bộ trưởng Bộ Lương thực. Ông Trần Văn Hiển thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội thương. Ông Trần Phương thôi giữ chức Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước để giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội thương. Ông Nguyễn Thanh Bình thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Thủy lợi. Ông Nguyễn Cảnh Dinh giữ chức Bộ trưởng Bộ Thủy lợi. Ông Đỗ Chính thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Hải sản. Ông Nguyễn Tấn Trịnh giữ chức Bộ trưởng Bộ Hải sản. Ông Trần Kiên thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp. Ông Nguyễn Chấn thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Điện và Than. Ông Phạm Khai giữ chức Bộ trưởng Bộ Điện lực. Ông Nguyễn Chấn giữ chức Bộ trưởng Bộ Mỏ và Than. Ông Đặng Việt Châu giữ chức Bộ trưởng ở Phủ Thủ tướng. Ông Vũ Đại giữ chức Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước (22-1-1981).

-Ông Đoàn Trọng Truyến giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá nhà nước. Ông Trần Dương thôi giữ chức Tổng Giám đốc Ngân hàng nhà nước. Ông Nguyễn Duy Gia giữ chức Tổng Giám đốc Ngân hàng nhà nước. Ông Nguyễn Thọ Chân thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động. Ông Đào Thiện Thi giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động (19-2-1981).

Về bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt nam tại một số nước

Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá VI, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ nhiệm 79 đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại các nước: Cộng hoà xã hội chủ nghĩa dân chủ Xri Lanca và Cộng hoà nhân dân Bănglađét (30-7-1976); Liên bang Thuỵ Sĩ (8-2-1977); Liên bang Miến Điện (8-2-1977); Canađa (28-2-1977); Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen (28-2-1977); Cộng hòa Italia (28-2-1977); Liên bang Mêhicô (28-2-1977); Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Rumani (28-2-1977); Cộng hoà Nhân dân xã hội chủ nghĩa Anbani (28-2-1977); Cộng hoà dân chủ Xômali (28-2-1977); Cộng hoà Ghinê Bitxao và Cộng hoà Cáp Ve (28-2-1977); Cộng hoà nhân dân Cônggô (28-2-1977); Cộng hoà Môdămbích (28-2-1977); Cộng hoà Arập Libi (28-2-1977); Cộng hoà Mali (28-2-1977); Cộng hoà Philippin (28-2-1977); Malaixia (28-2-1977); Cộng hoà Tuynidi (30-7-1977); Cộng hoà Dămbia và Cộng hoà Burunđi (30-7-1977); Cộng hoà dân chủ Magatxơ (30-7-1977); Vương quốc Nêpan (30-7-1977); Hamaica và Cộng hoà hợp tác Guyana (30-7-1977); Cộng hòa Ghinê Xích đạo (23-1-1978); Cộng hòa Côxta Rica (23-1-1978); Vương quốc Đan Mạch (30-8-1978); Cộng hòa nhân dân Campuchia (24­1-1979); Cộng hòa dân chủ Ápganixtan (23-2-1979); Cộng hòa Hồi giáo Pakixtan (23-2-1979); Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ (23-2-1979); Vương quốc Côoét (24-5-1979); Cộng hòa Mađagatxca (19-7-1979); Cộng hòa Bênanh và nước Cộng hoà dân chủ Xao Tômê và Prinxipê (19­7-1979); Cộng hòa Côlômbia (19-7-1979); Cộng hòa Bồ Đào Nha (19-7-1979); Cộng hòa Síp (19-7-1979); Cộng hòa Băng Đảo [4](19-7-1979); Cộng hòa dân chủ Xômali (19-7-1979); Cộng hòa liên bang Nigiêria (19-7-1979); Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết (7-2-1980)...

Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm các đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các nước nói trên đã phản ánh một phần quan trọng quan hệ ngoại giao rộng lớn của Nhà nước Việt Nam, góp phần thiết lập và mở rộng quan hệ bình thường giữa nước ta với tất cả các nước khác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi.

5. đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với sự nghiệp củng cố, xây dựng và phát triển đất nước

Từ sau khi nhân dân ta giành được thắng lợi hoàn toàn, triệt để và thực hiện thống nhất Tổ quốc, quan hệ đối ngoại của Việt Nam đã có bước phát triển mới và được đẩy mạnh với những hoạt động phong phú, đa dạng. Thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, giương cao ngọn cờ độc lập, dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên trì đường lối độc lập, tự chủ và đoàn kết quốc tế, hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn và với các tổ chức quốc tế lớn, nhằm giải quyết những vấn đề có ý nghĩa chiến lược và những vấn đề phức tạp trong quan hệ quốc tế của nước ta.

Tăng cường tình đoàn kết và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa là một chính sách đối ngoại cơ bản của Nhà nước ta. Trong khi mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực, Quốc hội luôn chú trọng tăng cường quan hệ về mọi mặt với các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Nhiều đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội đã thăm hữu nghị chính thức các nước và tham gia các diễn đàn Liên minh Nghị viện thế giới.

Ngày 24-11-1976, Đoàn đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sang thăm và dự lễ thành lập Quốc hội Cộng hòa Cuba. Sự có mặt của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá đầu tiên của Cộng hòa Cuba đã góp phần thắt chặt và phát triển tình hữu nghị và tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Cuba, mở đầu quan hệ, hợp tác giữa hai cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của hai nước xã hội chủ nghĩa anh em.

Tháng 8-1977, nhận lời mời của Xôviết tối cao Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết, Quốc hội Cộng hoà nhân dân Bungari và Quốc hội Cộng hoà nhân dân Mông Cổ, Đoàn đại biểu của Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh dẫn đầu đã thăm hữu nghị chính thức ba nước nói trên, nhằm mục đích tăng cường đoàn kết và hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân và Quốc hội ba nước anh em. Qua cuộc đi thăm, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã biểu thị lòng biết ơn về sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của đảng, nhà nước và nhân dân các nước đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta; đồng thời tìm hiểu kinh nghiệm về việc phát huy chức năng của Xôviết, của đại biểu Xôviết các cấp, kinh nghiệm về vấn đề xây dựng Hiến pháp và đưa Hiến pháp ra để nhân dân thảo luận ở Liên Xô; kinh nghiệm về hoạt động của Hội đồng Nhà nước và công tác mặt trận ở Bungari; kinh nghiệm về công tác nhà nước ở Mông Cổ...

Liên minh Quốc hội là một tổ chức quốc tế được thành lập năm 1889, trụ sở đóng ở Giơnevơ (Thụy Sĩ). Mục đích hoạt động của Liên minh Quốc hội được ghi trong Điều lệ là: “Khuyến khích sự tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội các nước và thống nhất họ trong hành động chung để làm cho các quốc gia của họ tham gia vào sự nghiệp ủng hộ việc củng cố và phát triển những thể chế đại biểu, củng cố hòa bình và hợp tác giữa các dân tộc và đặc biệt là ủng hộ những mục tiêu của Liên hợp quốc”.

Nhận thấy đây là diễn đàn quốc tế có thể sử dụng để nói lên lập trường, quan điểm chính nghĩa, bác bỏ sự tuyên truyền, xuyên tạc của bọn đế quốc và phản động, tranh thủ thêm bầu bạn, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của Quốc hội Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ đối với quốc tế, ngày 23-12-1978, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc Quốc hội Việt Nam nên gia nhập Liên minh Quốc hội các nước. Ngày 3-2-1979, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 436-NQ/TVQH tán thành việc thành lập Đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để gia nhập Liên minh Quốc hội. Ngày 10-2-1979, Đoàn gồm 264 đại biểu Quốc hội đã được thành lập. Tại khoá họp mùa Xuân của Liên minh Quốc hội các nước tổ chức ở Praha (4-1979), Liên minh Quốc hội các nước đã nhất trí chấp nhận Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam là thành viên của Liên minh Quốc hội.

Từ ngày 13 đến 21-9-1979, Đoàn đại biểu Quốc hội do ông Phan Anh làm trưởng đoàn đi dự Đại hội lần thứ 66 của Liên minh Quốc hội tại Caracát, Thủ đô của Vênêxuêla. Tại đại hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tích cực tham gia các tiểu ban để nói rõ chính sách đối ngoại hoà bình, hữu nghị, hợp tác và xây dựng của Nhà nước Việt Nam. Tiếng nói của Đoàn đại biểu Quốc hội đã góp phần cô lập thêm các thế lực phản động trong những vấn đề gay go diễn ra ở đại hội.

Để cổ vũ tinh thần đấu tranh và hợp tác quốc tế trên toàn thế giới nhằm bảo vệ hoà bình, chấm dứt chạy đua vũ trang, ngăn ngừa chiến tranh, góp phần tích cực vào quá trình làm dịu tình hình quốc tế, hoạt động của Đoàn Việt Nam trong Liên minh Quốc hội càng được tăng cường. Từ sau Đại hội lần thứ 66 của Liên minh Quốc hội, Đoàn đã tham dự nhiều hội nghị quốc tế như:

- Hội nghị tư vấn đại diện các đoàn Liên minh Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa họp tại Xôphia (Bungari) tổ chức trong hai ngày 6 và 7-2-1980.

- Hội nghị mùa Xuân của Hội đồng Liên minh Quốc hội họp tại Ôxlô (Nauy) từ ngày 7 đến 12-4-1980.

- Hội nghị trù bị của đại diện các đoàn Liên minh Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa họp tại Béclin (Cộng hoà dân chủ Đức) bàn việc chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 67 của Liên minh Quốc hội.

-Từ ngày 16 đến 24-9-1980, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự Đại hội lần thứ 67 của Liên minh Quốc hội tổ chức tại Béclin của Cộng hoà dân chủ Đức.

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong giai đoạn này đã góp phần cùng các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế khôi phục và củng cố tình đoàn kết, tăng cường ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình, làm cho lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa Mác - Lênin ngày càng thắng lợi.

Với mong muốn góp phần tích cực vào sự nghiệp hoà bình thế giới, theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, trong nhiệm kỳ khoá VI, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định phê chuẩn các hiệp ước, hiệp định và nghị định thư ký kết giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới.

-Ngày 15-9-1977, phê chuẩn Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào ký tại Thủ đô Viêng Chăn ngày 18-7-1977.

-Ngày 28-10-1977, phê chuẩn Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào ký tại Viêng Chăn ngày 18-7-1977.

-Ngày 13-12-1977, phê chuẩn Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ Đức ký tại Hà Nội ngày 4-12-1977.

-Ngày 14-9-1978, phê chuẩn việc nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ kinh tế; phê chuẩn Điều lệ của Hội đồng Tương trợ kinh tế và Công ước về thẩm quyền, quyền ưu đãi và miễn trừ của Hội đồng Tương trợ kinh tế được thông qua ngày 14-12-1959 và được sửa đổi ngày 21-6-1974.

-Ngày 29-11-1978, phê chuẩn Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết ký tại Mátxcơva ngày 3-11-1978.

-Ngày 23-2-1979, phê chuẩn Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Campuchia ký tại Phnôm Pênh ngày 18-2-1979.

-Ngày 28-6-1979, phê chuẩn Hiệp định lãnh sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết, ký tại Hà Nội ngày 29-9-1978

-Ngày 13-11-1979, phê chuẩn Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Bungari ký tại Hà Nội ngày 1-10-1979.

-Ngày 18-12-1979, phê chuẩn Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ ký tại Hà Nội ngày 3-12-1979; Hiệp định lãnh sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Ba Lan ký tại Hà Nội ngày 27-9-1979; Hiệp định lãnh sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Bungari ký tại Hà Nội ngày 1-10-1979; Hiệp định lãnh sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Hunggari ký tại Hà Nội ngày 11-10-1979; Hiệp định lãnh sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ Đức ký tại Hà Nội ngày 31­10-1979.

-Ngày 17-10-1980, phê chuẩn Nghị định thư về sửa đổi Điều lệ của Hội đồng Tương trợ kinh tế ký ngày 28-6-1979 tại Mátxcơva; Nghị định thư về sửa đổi Hiệp định thanh toán nhiều bên bằng đồng Rúp chuyển nhượng và thành lập Ngân hàng hợp tác kinh tế quốc tế ký ngày 23-11-1977 tại Mátxcơva.

-Ngày 27-3-1980, phê chuẩn Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc ký tại Hà Nội ngày 14-2-1980.

-Ngày 29-4-1980, phê chuẩn Hiệp định lãnh sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc ký tại Hà Nội ngày 14-2-1980.

-Ngày 31-3-1981, phê chuẩn Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự gia đình và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ Đức ký tại Hà Nội ngày 15-12-1980.

Việc ký kết các hiệp ước, hiệp định và nghị định thư nói trên là những sự kiện quan trọng đánh dấu một giai đoạn mới của tinh thần đoàn kết và hợp tác nhiều mặt giữa nước ta với các nước xã hội chủ nghĩa vì độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

6. Chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VII

Quốc hội khoá VI được bầu ngày 25-4-1976 là Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Theo quy định của Hiến pháp 1959 và Luật tổ chức Quốc hội thì Quốc hội khoá VI bắt đầu từ kỳ họp thứ nhất vào ngày 24-6­1976 và sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 24-6-1980.

Tuy nhiên, do nhiệm vụ trọng đại của Quốc hội khoá VI là thi hành Hiến pháp 1959 và xây dựng Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất, nên trong phiên họp ngày 18-12-1979, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội xét và quyết định kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội khoá VI. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá mới sẽ được tổ chức sau khi có Hiến pháp mới.

Ngày 18-12-1980, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá VI đã thông qua Hiến pháp mới - Hiến pháp 1980 có hiệu lực từ ngày được công bố. Tại điểm 2, Nghị quyết của Quốc hội quy định một số điểm về việc thi hành Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá VII sẽ được tổ chức vào ngày chủ nhật 26-4-1981”. Căn cứ Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; căn cứ Điều 15 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, ngày 19-2-1981, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá VI đã ban hành Nghị quyết số 1257-NQ/TVQH về việc quyết nghị số đại biểu Quốc hội được bầu trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá VII là 496 đại biểu và số đơn vị bầu cử trong cả nước là 93 đơn vị.

Để phụ trách tổ chức việc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá VII theo nhiệm vụ và quyền hạn quy định trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, ngày 19-2-1981, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá VI đã ban hành Nghị quyết số 1258-NQ/TVQH về việc thành lập Hội đồng bầu cử ở Trung ương, gồm 25 vị đại diện cho các chính đảng, các đoàn thể nhân dân trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh làm Chủ tịch.

Việc chuẩn bị, tuyên truyền, vận động bầu cử đại biểu Quốc hội khoá VII được triển khai trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn do phải tập trung khắc phục hậu quả của các cuộc chiến tranh biên giới. Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban Chỉ đạo bầu cử Trung ương cùng với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường vụ Hội đồng Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên huấn Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cấp ủy đảng đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai công tác bầu cử bảo đảm an toàn, đúng luật.

*

* *

Nhiệm kỳ Quốc hội khoá VI (1976-1981) là một thời kỳ đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tiến lên của cách mạng Việt Nam. Sau 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, đất nước đã hòa bình, thống nhất, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng, do đặc điểm của hai miền Nam - Bắc khác nhau, nên nhiệm vụ cụ thể cũng không giống nhau, “miền Bắc phải tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; miền Nam phải đồng thời tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội”[5].

Để tiếp tục hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12-1976) đã xác định đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới là: “Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt; đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội[6].

Biểu thị quyết tâm cùng toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện nhiệm vụ chiến lược của cách mạng trong giai đoạn mới, Quốc hội khóa VI đã tập trung thảo luận về tình hình và nhiệm vụ, về đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa, về chính sách đối nội và đối ngoại của Nhà nước; từ đó tạo những điều kiện chính trị cơ bản để phát huy sức mạnh toàn diện đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong nhiệm kỳ 5 năm (1976-1981), Quốc hội khoá VI đã họp 7 kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội cũng đã làm việc thường xuyên, liên tục để nghiên cứu, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, như thông qua phương hướng, nhiệm vụ và các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước; phê chuẩn

dự toán ngân sách nhà nước và tổng quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm. Ngày 28-12-1978, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thông qua những nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ hai (1976-1980), kế hoạch dài hạn đầu tiên mở đầu thời kỳ cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980) được triển khai thực hiện trong hoàn cảnh nền kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Nhân dân ta vừa trải qua cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ 21 năm, lại phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh xâm lược của các thế lực thù địch ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc Tổ quốc. Hoạt động khống chế, phá hoại và chính sách cấm vận của Mỹ đã làm cản trở quan hệ kinh tế giữa nước ta với các nước xã hội chủ nghĩa. Thiên tai lớn liên tiếp xảy ra trong các năm 1977 và 1978 cũng gây ra những thiệt hại và khó khăn lớn. Vượt qua những thách thức của lịch sử, Quốc hội đã cùng Chính phủ lãnh đạo nhân dân thực hiện những mục tiêu của kế hoạch nhà nước 5 năm và đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực khôi phục và phát triển kinh tế, cải tạo quan hệ sản xuất, phát triển văn hóa, giáo dục và y tế.

Tuy nhiên, xét một cách toàn diện, khi xem xét thông qua kế hoạch nhà nước hằng năm, do thiếu căn cứ xác đáng, Quốc hội đã thông qua các chỉ tiêu quá cao so với khả năng, nên trong quá trình triển khai thực hiện từ khâu sản xuất, xây dựng và phân phối lưu thông đều vấp phải những khó khăn không thể khắc phục được. Chính những hạn chế đó đã dẫn đến tình trạng lãng phí lớn về sức người, sức của và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Thể hiện trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, Quốc hội và Hội đồng Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và tìm các biện pháp khắc phục. Trên cơ sở quán triệt tinh thần các Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IV về nhiệm vụ kinh tế, Quốc hội và Hội đồng Chính phủ đã nghiên cứu, kịp thời bổ sung các chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn, nhằm ổn định và bảo đảm đời sống nhân dân, đáp ứng yêu cầu trước mắt, đồng thời chuẩn bị điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sản xuất và phát triển kinh tế cho những năm tiếp theo.

Để tăng cường hiệu lực của Nhà nước về mặt tổ chức và quản lý kinh tế, quản lý văn hoá và xã hội, nhanh chóng xây dựng và kiện toàn bộ máy chính quyền nhà nước các cấp ở miền Nam; tiếp tục hoàn thiện bộ máy chính quyền nhà nước các cấp ở miền Bắc, tại kỳ họp thứ 7, từ ngày 12 đến 26-12-1980, Quốc hội khoá VI đã thực hiện nhiệm vụ quan trọng là thông qua Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hiếp pháp mới của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Hiến pháp 1980.

Hiến pháp 1980 được xây dựng và thông qua trong không khí tràn đầy niềm tự hào của dân tộc sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, với tinh thần lạc quan cách mạng và mong muốn nhanh chóng xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, nên nhiều nội dung quy định trong Hiến pháp đã không tránh khỏi những hạn chế do tư tưởng chủ quan duy ý chí và quan niệm đơn giản về chủ nghĩa xã hội. Bằng cách thiết lập một cơ chế kế hoạch hóa cao độ nền kinh tế quốc dân theo mô hình tập trung, quan liêu, bao cấp, trong nội dung của Hiến pháp 1980 đã không thừa nhận nền sản xuất hàng hoá. Một số quy định của Hiến pháp 1980 đã cản trở sự phát triển của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, như “Nhà nước giữ độc quyền về ngoại thương và mọi quan hệ kinh tế khác với nước ngoài” (Điều 21), hoặc “Những cơ sở kinh tế của địa chủ, phong kiến và tư sản mại bản đều bị quốc hữu hoá không bồi thường” (Điều 25).

Về tổ chức bộ máy nhà nước, Hiến pháp 1980 đã đưa chế định nguyên thủ quốc gia vào trong Quốc hội. Với cơ chế nguyên thủ quốc gia tập thể đã không đảm bảo nguyên tắc phân công phân nhiệm.

Mặc dù có những hạn chế nhất định, nhưng sự ra đời của Hiến pháp mới là một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của Nhà nước và nhân dân ta, đó là một vũ khí sắc bén để toàn dân, toàn quân tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới.

Nhiệm vụ lịch sử của đất nước trong giai đoạn mới đang đặt nặng trên vai Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Với trách nhiệm của mình, Quốc hội khoá VII sẽ tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nhân dân trong việc tiếp tục củng cố và hoàn thiện bộ máy nhà nước, thi hành Hiến pháp mới và đưa những quy định của Hiến pháp đi vào cuộc sống hiện thực của xã hội.

 

 

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 41, tr. 336. 
[2] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 731-732.
[3] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 978.
[4] Tức Cộng hoà Aixơlen.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 36, tr. 397.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 37, tr. 523.