VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP II 1960 - 1964

CUỘC ĐẤU TRANH CHO HÒA BÌNH, THỐNG NHẤT, ĐỘC LẬP, DÂN CHỦ
CỦA NHÂN DÂN TA ĐÃ TIẾN LÊN MỘT BƯỚC MỚI

(Báo cáo bổ sung của Uỷ ban thống nhất
do ông Nguyễn Văn Vịnh, Chủ nhiệm Uỷ ban trình
bày tại Quốc hội khóa II, kỳ họp thứ 2,
ngày 12-4-1961)

 

Thưa quý vị đại biểu Quốc hội,

Bản báo cáo chính trị của Chính phủ đã nêu nổi bật những biến chuyển cách mạng to lớn ở miền Nam trong năm qua, vạch trần những âm mưu phá hoại Hiệp định Giơnevơ của Mỹ - Diệm, đồng thời cũng đã trình bày một cách rõ ràng lập trường trước sau như một của Chính phủ và nhân dân ta về vấn đề thống nhất nước nhà bằng phương pháp hòa bình.

Dưới đây, tôi xin báo cáo bổ sung thêm một số vấn đề cụ thể về tình hình miền Nam gần đây và cuộc đấu tranh cho thống nhất đất nước của nhân dân ta.

I- MỸ - DIỆM RA SỨC TĂNG CƯỜNG QUÂN LỰC CHUẨN BỊ
CHIẾN TRANH, PHÁ HOẠI HIỆP ĐỊNH GIƠNEVƠ
VÀ TÀN SÁT NHÂN DÂN MIỀN NAM

Tất cả mọi người Việt Nam chúng ta ở miền Bắc cũng như ở miền Nam không ai không đau xót và không hiểu rằng từ hòa bình lập lại đến nay đã gần 7 năm rồi, Tổ quốc chúng ta vẫn còn bị chia cắt, Bắc - Nam chưa được đoàn tụ, đồng bào miền Nam chúng ta vẫn sống trong cảnh nhà tan, nước mất, tang tóc chia ly, miền Nam nước ta trở thành thuộc địa và căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ, điều đó là do âm mưu xâm lược, chuẩn bị chiến tranh của đế quốc Mỹ, và do tội ác đẫm máu của chính quyền bán nước và tay sai Ngô Đình Diệm!

Không phải chỉ riêng nhân dân Việt Nam chúng ta lên án và mang mối thù sâu sắc này đối với chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Trái lại, dù cố quên cả một lịch sử xâm lược dài trước đây của đế quốc Mỹ chăng nữa, những người hoài nghi nhất cũng phải tự hỏi rằng: tại sao hiện nay nhân dân Lào, vì nền độc lập và trung lập của họ, nhân dân Cuba, Cônggô, Nhật Bản, Nam Triều Tiên, vì đấu tranh cho độc lập và tự do của họ, họ cũng đương trả mọi giá để chống lại chủ nghĩa đế quốc Mỹ, giành lấy quyền sống của họ?

1. Âm mưu của đế quốc Mỹ xâm chiếm miền Nam Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ

Việc đế quốc Mỹ lần lượt chiếm lấy hàng loạt thuộc địa của các đế quốc già cỗi khác, có nguyên nhân kinh tế và lịch sử sâu xa của nó, bắt nguồn từ sự phát tài quá lớn của đế quốc Mỹ và sự suy yếu của các nước đế quốc khác sau thế giới chiến tranh lần thứ hai, Mỹ đã dùng chiêu bài “viện trợ kinh tế” để nhảy lên cầm đầu các nước tư bản và cướp đoạt nhiều thuộc địa của họ.

Riêng ở Việt Nam, khi đế quốc Pháp bị sa lầy trong chiến tranh Đông Dương, Mỹ đã mượn chiêu bài “chống Cộng” để tiếp hơi cho Pháp, và chuẩn bị chiếm lấy thuộc địa này của Pháp, hòng mở rộng và kéo dài chiến tranh Đông Dương. Trong vòng 4 năm từ 1950 đến 1954 (theo báo cáo của Thượng nghị sĩ Menxphin sang miền Nam tháng 10-1954), Mỹ đã viện trợ 2.600 triệu đôla cho Pháp, và chỉ trong riêng hai niên khóa 1951-1952 và 1952-1953 Mỹ đã gửi 18 vạn tấn vũ khí và dụng cụ chiến tranh cho Pháp ở Đông Dương. Những cố vấn Mỹ cũng từ đó xuất hiện ở Sài Gòn, dưới quyền chỉ huy của Tướng Trápnen. Trước khi chiến tranh kết thúc, số cố vấn quân sự Mỹ ở Đông Dương đã lên tới 200 người.

Như mọi người đều biết, miền Nam Việt Nam đã trở thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Với 4 phái đoàn cố vấn Mỹ ở miền Nam hiện nay gồm trên 3.000 tên (phái đoàn chính trị MSU, phái đoàn kinh tế USOM - phái đoàn quân sự MAAG, - trong đó được giấu một cách vụng về phái đoàn TERM - và phái đoàn thông tin USIS), Mỹ đã kiểm soát và nắm lấy các đòn bẩy về kinh tế, chính trị, quân sự ở miền Nam. Miền Nam Việt Nam hiện nay là thị trường đầu tư với trên 1/2 số vốn là của tư bản Mỹ, Pháp, Nhật, Ý và chỉ 11% là của chính quyền Diệm. Miền Nam Việt Nam cũng đồng thời là thị trường tiêu thụ không sao hết những hàng thừa ế của Mỹ và phe Mỹ, chiếm trên 90% mặt hàng ở miền Nam Việt Nam và bóp nghẹt nền sản xuất trong nước. Chính quyền Ngô Đình Diệm tay sai Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã nhận “viện trợ Mỹ” với mọi điều kiện bắt buộc và thực hiện mọi kế hoạch nô dịch và xâm lược của đế quốc Mỹ ở vùng này. Để chứng minh rằng miền Nam Việt Nam thực sự là thuộc địa của Mỹ, Ngô Đình Diệm đã không thẹn miệng tuyên bố ở Mỹ cách đây vài năm: “Biên giới của Hoa - Kỳ kéo dài tới vĩ tuyến 17”.

2. Mỹ - Diệm ra sức tăng cường quân bị, xây dựng căn cứ, chuẩn bị chiến tranh

Để phục vụ âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ ở Đông Nam Á trong mấy năm nay, đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm đã ra sức chuyên chở vũ khí, dụng cụ chiến tranh, tăng cố vấn và nhân viên quân sự Mỹ, mở rộng căn cứ và tăng cường quân đội ở miền Nam Việt Nam.

Về việc tăng thêm vũ khí và dụng cụ chiến tranh, đế quốc Mỹ đã mượn cớ đòi nợ Pháp để giữ lại trên 10 vạn tấn vũ khí ở Đông Dương. Thêm vào đó, từ mấy năm nay, Mỹ lại cho vào miền Nam hàng chục vạn tấn vũ khí các loại, bằng 797 chuyến tầu, 663 xe tăng và xe thiết giáp, 7.184 xe vận tải quân sự, trên 250 phi cơ quân sự và 85 tầu chiến. Tổng số tiền viện trợ của Mỹ cho miền Nam Việt Nam trong mấy năm nay, theo công bố của UPI ngày 7-4-1961, đã lên đến 1 tỷ 320 triệu đôla.

Gần đây, dưới một hình thức mới và từ một khu vực mới, Mỹ Diệm đã cho chuyên chở vào miền Nam Việt Nam trên 5 vạn vũ khí và gần 800 xe quân sự của Mã Lai1.

- Đi đôi với việc tăng vũ khí vào miền Nam, các phái đoàn cố vấn quân sự Mỹ cũng được tăng lên rất mau, từ 200 tên lên trên 2.000 tên, mượn cớ là để thu hồi vũ khí Mỹ. Phái đoàn quân sự MAAG, thực tế là Bộ tư lệnh Mỹ chỉ huy quân đội miền Nam, có đủ các ngành lục quân, không quân, hải quân và bảo an, dân vệ, có các bộ phận tham mưu, huấn luyện (gọi tắt là CATO), hậu cần (gọi tắt là JSS), bộ phận kiểm tra, gián điệp và phái đoàn TERM huấn luyện về vũ khí. Các phái đoàn này đã chở các nhân viên quân sự Mỹ vào miền Nam bằng 637 phi cơ.

Ngoài ra, từ 1955 đến 1960, còn có thêm 84 phái đoàn quân sự của Mỹ vào miền Nam Việt Nam, gồm đủ các tướng lãnh từ Bộ trưởng quốc phòng, phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng lục quân, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng, Tổng tư lệnh và các tư lệnh lục quân, không quân, hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương, các tướng phụ trách về kế hoạch, về hậu cần và chiến tranh tâm lý v.v..

Gần đây, phái đoàn MAAG lại đảm nhiệm trực tiếp huấn luyện trang bị và chỉ huy bảo an, một thứ quân đương được gấp rút tăng cường và tập trung lên thành nhiều trung đoàn, sư đoàn khinh chiến và nhiều đơn vị biệt kích để tàn sát nhân dân miền Nam. Với việc làm mới này, đế quốc Mỹ đã trực tiếp điều khiển các cuộc tàn sát đồng bào miền Nam ruột thịt của chúng ta.

- Các căn cứ quân sự của Mỹ ở miền Nam Việt Nam cũng được xây dựng gấp rút. Ngoài các căn cứ không quân Tân Sơn Nhất cho phi cơ phản lực và cho “pháo đài bay 135 tấn”, xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa tổn phí tới 70 triệu đôla Mỹ, còn có căn cứ hải quân Ô Cấp, Cam Ranh, Đà Nẵng, Ba Ngòi (dùng cho tầu ngầm) và căn cứ chiến lược Tây Nguyên, và còn có rất nhiều các sân bay, quân cảng, đường sá chiến lược được mở rộng. Trước khi đình chiến, ở miền Nam Việt Nam chỉ có 6 sân bay, nay đã tăng lên tới 46, trong đó có 6 sân bay dùng cho phi cơ phản lực. Về căn cứ hải quân và bến đậu, hiện nay ở miền Nam Việt Nam có trên 11 nơi. Gần đây chúng đương định xây dựng ở Cần Thơ một quân cảng nữa.

Để cắt nghĩa lý do Mỹ phải chiếm lấy miền Nam Việt Nam làm căn cứ quân sự, tướng Pháp Nava đã viết trên báo Diễn đàn dân tộc: “Việc chia cắt nước Việt Nam nằm trong kế hoạch quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á. Việc chia cắt này có lợi là duy trì ở miền Nam Đông Dương một khu vực để xây dựng các căn cứ quân sự của phương Tây” (cụ thể là của Mỹ).

Cùng với việc tăng cường vũ khí, mở rộng căn cứ quân sự, Mỹ còn xây dựng cho miền Nam Việt Nam một đội quân đủ sức canh gác thuộc địa và các căn cứ quân sự của Mỹ, đủ sức đi đánh thuê cho đế quốc Mỹ ở Đông Nam Á. Quân đội ấy, với cố vấn Mỹ ở từng tiểu đoàn bộ binh và ở từng đại đội binh chủng kỹ thuật, đã lên tới 15 vạn quân chủ lực, 6 vạn bảo an (không kể 10 vạn dân vệ và 4 vạn cảnh sát vũ trang) và đương được tăng lên tới 30 vạn quân chính quy, với việc gọi ra tái ngũ tất cả quân nhân trù bị.

Để cắt nghĩa tác dụng của quân đội Diệm trong mục đích xâm lược của Mỹ ở Đông Nam Á, tướng Uyliam, Trưởng phái đoàn MAAG, đã nói trước đây: “Cần xây dựng cho quân đội miền Nam Việt Nam có nhiều thành phần khác nhau, rất cần thiết cho việc chiến đấu ở địa hình Đông Nam Á” hay như câu của Mayơ, Phó trưởng đoàn MAAG: “Trên thực tế, ở tất cả Đông Nam Á, trừ Nam Việt Nam, hiện nay chưa có một đơn vị nào lớn như quân đoàn” “quân đội miền Nam là trụ cột của các lực lượng vũ trang do Mỹ tổ chức ở Đông Nam Á”.

Tất cả tình hình trên đều xác nhận rằng: từ việc xây dựng các loại căn cứ với quy mô, đồ án thiết kế và tiêu chuẩn kỹ thuật thích hợp cho quân Mỹ từ ngoài tiến vào, đến các hình thức tổ chức quân đội, tăng cường tiềm lực chiến tranh, xây dựng kế hoạch huấn luyện và tác chiến đều với tưởng định “vừa đánh vừa chờ quân Mỹ, đánh phối hợp với lục quân, không quân và hải quân Mỹ, đánh trên địa hình Đông Nam Á”, đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm thực sự đương chuẩn bị một cuộc chiến tranh xâm lược nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xâm lược Đông Dương và Đông Nam Á.

3. Mỹ - Diệm ra sức phá hoại Hiệp định Giơnevơ và tàn sát đồng bào miền Nam

Như mọi người đều biết, Hiệp định Giơnevơ đã lập lại hòa bình ở Đông Dương, trên cơ sở công nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam, Campuchia và Lào. Đó là một thắng lợi to lớn của phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Dương, của phong trào hòa bình ở Đông Nam Á.

Trong mấy năm nay, chúng ta luôn luôn thi hành nghiêm chỉnh mọi điều khoản của Hiệp định Giơnevơ, đồng thời chúng ta cũng kiên quyết đấu tranh đòi thi hành đúng đắn hiệp định ấy. Nhưng trái lại, chính quyền Diệm theo lệnh của Mỹ đã vi phạm toàn bộ và có hệ thống tất cả các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ. Cho đến nay, Uỷ ban quốc tế đã kết luận gần 200 vụ chính quyền miền Nam vi phạm Hiệp định Giơnevơ trong số hàng nghìn vụ khác chưa được xét đến.

Về các điều khoản quân sự: cấm tăng nhân viên quân sự và vũ khí nước ngoài. Cấm xây dựng các căn cứ quân sự ở miền Nam, cấm tham gia khối liên minh quân sự nào, đã bị bọn Mỹ - Diệm vi phạm một cách nghiêm trọng. Vũ khí, dụng cụ chiến tranh, nhân viên quân sự, căn cứ quân sự của Mỹ, lực lượng vũ trang không ngừng được tăng lên mau chóng ở miền Nam Việt Nam, như đã nói ở phần trên. Quy chế khu phi quân sự cũng bị bọn Mỹ - Diệm phá hoại liên tiếp. Trong mấy năm nay, đã gần 200 lần chúng cho lực lượng vũ trang mang vũ khí vào khu phi quân sự, trên 60 lần cho phi cơ và tàu chiến xâm phạm không hải phận của miền Bắc chúng ta. Chúng ngăn cản tự do đi lại, làm ăn bình thường của nhân dân trong khu phi quân sự.

Để thống nhất nước nhà, theo Hiệp định Giơnevơ, đáng lẽ từ 20-7-1955, chính quyền hai miền Bắc và Nam đã phải hiệp thương với nhau để bàn về tổng tuyển cử và trong tháng 7 năm 1956 phải tổ chức tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc. Vấn đề tổng tuyển cử để thống nhất nước nhà là vấn đề cơ bản và quan trọng nhất của Hiệp định Giơnevơ, có quan hệ đến lịch sử, địa dư, văn hóa và tình cảm của toàn dân Việt Nam, có quan hệ đến hòa bình ở Việt Nam và ở Đông Dương.

Về phía ta, Chính phủ ta đã 18 lần tuyên bố, gửi công hàm cho Chính quyền miền Nam, hoặc gửi kiến nghị cho hai Chủ tịch Hội nghị Giơnevơ về việc này. Nhưng chính quyền miền Nam theo lệnh của đế quốc Mỹ, đã cố tình giả câm giả điếc trước những đề nghị hợp tình hợp lý của chúng ta. Giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời, “hoàn toàn không thể coi là một ranh giới về chính trị hay về lãnh thổ” như Hiệp định Giơnevơ đã quy định, nhưng đã gần 7 năm rồi, đã bị bọn Mỹ - Diệm cố biến thành một biên giới giữa hai nước thù địch. Cho đến cả những quan hệ bình thường giữa hai miền, như quan hệ đi lại, thư tín, thương mại, văn hóa... mà đã 57 lần chúng ta đề nghị, cũng đều bị Chính quyền Ngô Đình Diệm cự tuyệt. Chúng rất sợ rằng nếu mở cái cửa địa ngục trần gian của chúng ở miền Nam thì ánh sáng của chế độ miền Bắc sẽ ùa vào làm cho đồng bào miền Nam càng vùng dậy mạnh để thiêu hủy chúng đi.

Theo điều khoản bảo đảm tự do dân chủ (Điều 14đ) của Hiệp định Giơnevơ: “Mỗi bên cam kết không dùng cách trả thù hay phân biệt đối xử nào đối với những cá nhân hoặc tổ chức, vì lý do hoạt động của họ trong lúc chiến tranh, và cam kết bảo đảm những quyền tự do dân chủ của họ”. Nhưng những điều khoản này đã bị đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm vi phạm một cách vô cùng nghiêm trọng.

Trong mấy năm nay, chúng đã mở trên 20 chiến dịch lớn với hàng sư đoàn và hàng ngàn các cuộc càn quét, đánh phá với từ trung đoàn trở xuống, nhằm nhiều nhất là trong các vùng kháng chiến cũ. Riêng trong năm 1960 và 3 tháng đầu năm 1961, chúng đã mở 874 trận đánh lớn nhỏ.

Tổng số người đã bị chúng bắn giết trên mấy năm nay chỉ riêng theo con số mà bọn Diệm đã thú nhận một phần trong cuốn “5 năm thành tích của Việt Nam Cộng hòa” xuất bản năm 1959, đã lên tới 22.994 người, và báo “Cách mạng quốc gia” của Diệm đã để lộ rằng chỉ trong hai tháng 2 và 3 năm 1960, quân Diệm đã giết 1.123 người và làm bị thương 2.307 người. Nhưng theo bản tuyên bố của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam gần đây thì trong 6 năm qua, Mỹ - Diệm đã sát hại 75.000 người, làm bị thương 16.625 người, tra tấn thành phế nhân 500.000 người, bắt giam 270.000 người trong các nhà lao chính thức, trong đó có 3.638 thiếu niên. Không kể các “khu trù mật”, dinh điền và trại tập trung, các nhà tù mọc lên ở miền Nam gấp mấy lần số trường học và bệnh viện. Chỉ riêng ở tỉnh Phú Yên có 52 xã và khoảng 25 vạn dân, mà có đến 109 nhà tù. Nhà tù trong chế độ Diệm là tiêu biểu cụ thể nhất tính chất tàn bạo phản động của chế độ Mỹ - Diệm. Ở đó con người bị tra tấn, đánh đập, đối xử, cho ăn bắt khổ sai còn tệ hơn là đối với súc vật.

Những hình thức chém giết của Diệm thật là vô cùng man rợ, bằng cách chặt đầu, moi gan nhắm rượu, xẻ thịt tẩm dầu mà đốt, moi ruột phơi thây, bêu đầu, hãm hiếp, đánh trụy thai, bắt dang tay và quỳ chân trên lưỡi dao, nhìn vào lưỡi kiếm, sọ người và ảnh Diệm hàng đêm mà “sám hối”… Từ những vũ khí tra tấn giết người tối tân của Mỹ, đến những dây thừng, thuốc độc, dao rựa, gậy gộc… Diệm đã dùng tất cả để tra tấn giết hại những người yêu nước ở miền Nam. Nói về những cực hình man rợ của Mỹ - Diệm, trong mục “Bức thư từ Sài Gòn” đăng trên tờ Thời báo Việt Nam (Times of Vietnam) đã viết: “Những phương pháp tra tấn dã man nhất mà chính người Pháp đã dạy cho họ (tức là bọn Diệm) cũng phải ngạc nhiên và xấu hổ!”.

Cái lối tàn sát cả thôn cả ấp, từ người già đến trẻ con như trong các năm trước đây và đầu độc hàng trăm hàng nghìn tù nhân chính trị như những vụ Phú Lợi, Cao Lãnh, ngày nay lại diễn ra bằng lối càn quét đốt sạch, giết sạch “không thương tiếc, không kể là người nữa”, đồng thời “đem hết lực lượng thuộc đủ các ngành để tiêu diệt như trong tình trạng chiến tranh” (theo báo Cách mạng quốc gia của Diệm ngày 4-3-1959) hay bằng dùng đại bác bắn vào những người biểu tình tay không (như ở Bến Tre, Mỹ Tho, Cao Lãnh (Sa Đéc) cuối năm 1960) và dùng phi cơ đại bác bắn xả vào xóm làng đương làm ăn bình thường (riêng trong ba tháng đầu năm 1961, Diệm đã dùng phi cơ bắn 72 lần vào các làng xóm miền Nam).

Hàng ngày báo chí Diệm quảng cáo rằng chúng tàn sát được nhiều “Việt cộng” nhưng chỉ nghe một đoạn trong tờ “Thời báo Việt Nam” xuất bản vừa qua ở Sài Gòn, trong mục “Bức thư hàng tuần” ta sẽ hiểu được chân tướng của vấn đề “Khi đoàn quân (của Diệm) tới thị trấn Phụng Hiệp (Sóc Trăng) thì được chào đón bằng những tiếng chó sủa. Làng xóm im như chết, không một bóng người. Bộ binh nhảy ra khỏi xe, mai phục dọc các góc phố. Quân lính bắn nhiều loạt súng, sau đó bỗng nhiên có một số người luồn ra khỏi nhà họ… Viên đại tá hỏi: “bọn phá hoại đâu?”, mọi người đều trả lời không biết. Cuộc truy vấn tiếp tục cho tới khi chừng 40 người đã bị tập trung, xung quanh là một hàng rào tiểu đội lính lưỡi lê”. Liền đó có một người sợ hãi xưng là có thấy “Việt cộng phá hoại rải truyền đơn”. Thế là tên này được thả và 40 người kia bị dồn lên xe đưa tới cách thị trấn 15 cây số, bị trói vào cột và bị bắn chết. Sau đó, trước khi rút lui, quân đội cởi trói các xác chết, trong khi một viên đòi nhét vào túi họ những “Bản tuyên ngôn cộng sản” làm sẵn, đặt vào tay họ một số lựu đạn và một lá cờ cộng sản. Đoàn quân như thế là trở về Cần Thơ một cách chiến thắng. Ở đây một bản thông cáo đã được tung ra như sau: “Rạng ngày 17-2 được tin báo của dân vệ Phụng Hiệp, các lực lượng quân đội đã đột kích bất ngờ một tiểu đoàn Việt cộng ở một địa điểm… Lực lượng địch mặc dù đông hơn đã hoàn toàn bị tan rã để lại 40 xác chết. Quân ta đã bắt được một số vũ khí và tài liệu cộng sản”.

Những ví dụ như trên kể ra rất nhiều.

Nói rằng hòa bình đã được lập lại ở Đông Dương từ trên 6 năm nay, nhưng thực sự chỉ có hòa bình ở miền Bắc Việt Nam, ở Cao Miên2 và đôi lúc ở Lào. Còn ở miền Nam Việt Nam trong mấy năm nay vẫn là tình trạng chiến tranh. Mỹ - Diệm tiếp tục cuộc chiến tranh tàn sát nhân dân miền Nam. Với một ngân sách gồm khoảng 80% cho chi phí quân sự và quốc phòng được bọn Diệm khoe khoang là ngân sách “hòa bình vũ trang” (budjet de paix aimée), một quân đội và lực lượng bảo an, dân vệ to lớn, luôn luôn tung đi tàn sát nhân dân, Ngô Đình Diệm đã tuyên chiến với nhân dân miền Nam.

Do nó thực hiện mọi kế hoạch xâm lược của đế quốc, nó phục vụ cho việc xây dựng ngày càng nhiều căn cứ quân sự Mỹ, tổ chức một quân đội với quy mô xâm lược, do các cố vấn Mỹ chỉ huy, nên bản chất xâm lược và hiếu chiến của chính quyền Ngô Đình Diệm gắn liền với bản chất xâm lược và hiếu chiến của đế quốc Mỹ. Còn tính chất phát xít, man rợ, khát máu của chính quyền Diệm, với việc chúng tàn sát khủng bố hàng chục vạn những người yêu nước và đối lập với chúng ở miền Nam, là phản ánh đặc điểm của việc Mỹ hất cẳng Pháp và chiếm lấy miền Nam Việt Nam, chống với nhân dân miền Nam đã trải qua chín năm kháng chiến. Bởi vì muốn chiếm lấy thuộc địa của Pháp ở miền Nam nước ta, bọn Mỹ -Diệm không thể để tồn tại các lực lượng vũ trang thân Pháp, các giáo phái có vũ trang và nhất là không thể để cho những người kháng chiến cũ, những người yêu nước ở miền Nam tồn tại để chống lại chúng. Cho nên, ở những nơi khác, đế quốc Mỹ còn sử dụng được ít nhiều hình thức dân chủ tư sản bề ngoài. Còn ở miền Nam Việt Nam thì từ 1954 lại đây, Mỹ - Diệm hoàn toàn không thể sử dụng được một tý võ dân chủ, dù là dân chủ tư sản xảo trá và đã lộ nguyên hình phát xít.

Trước tình hình trên, tất cả những ai lo lắng cho hòa bình ở Việt Nam, ở Đông Dương và ở Đông Nam Á, không thể không thấy mối nguy hiểm do việc đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm đương tiếp tục mở rộng căn cứ quân sự, tăng cường quân bị, đốt lại lò lửa chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Tất cả những nước tham gia Hội nghị Giơnevơ và cơ quan được ủy quyền kiểm soát và coi sóc việc thi hành Hiệp định của Hội nghị này là Uỷ ban quốc tế, không thể để cho bọn Mỹ - Diệm tiếp tục phá hoại Hiệp định Giơnevơ và gây lại lò lửa chiến tranh ở Đông Dương, uy hiếp hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á. Phải dùng mọi quyền lực và sức mạnh của những người yêu chuộng hòa bình, dựa vào pháp lý quốc tế không thể phá nổi của chúng ta để dập tắt lò lửa chiến tranh ấy và bắt bọn gây chiến và phá hoại Mỹ - Diệm phải lùi bước.

II- TÌNH HÌNH SUY SỤP CỦA CHẾ ĐỘ MỸ - DIỆM
VÀ CUỘC ĐẤU TRANH CHO HÒA BÌNH, ĐỘC LẬP DÂN CHỦ
VÀ THỐNG NHẤT TỔ QUỐC CỦA NHÂN DÂN TA

1. Tình trạng xã hội dưới chế độ Mỹ - Diệm

Dưới chế độ phát xít, tàn ác của Mỹ - Diệm, trong mấy năm nay, đồng bào miền Nam chúng ta đã chịu không biết bao nhiêu đau khổ, tang tóc. Hàng chục vạn người kháng chiến, yêu nước đã bị moi gan, xé thịt, chặt đầu. Hàng trăm ngàn người bị tập trung, khủng bố, tù đày.

Nhân dân sống trong cảnh lầm than, sưu thuế quá nặng nề. Công nhân bị thất nghiệp, sa thải và mất quyền tự do nghiệp đoàn. Cho đến nay có trên một triệu rưỡi người thất nghiệp ở miền Nam. Nông dân bị đuổi nhà, cướp đất và hàng chục vạn người đã bị dồn vào các “khu trù mật” dinh điền bằng lưỡi lê, họng súng, bằng cách bắn đại bác vào làng mạc của họ. Diện tích và sản lượng nông nghiệp do đó mà bị sụt. Theo Diệm tuyên truyền thì năm 1958-1959 diện tích lúa của miền Nam là 2.917.790 hécta với tổng sản lượng là 3.824.775 tấn. Nhưng Durbrow, Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn lại cải chính là chỉ có 2.450.000 hécta với 2.940.000 tấn lúa. Năm 1959-1960, Diệm khai vọt lên là diện tích lúa lên 3.012.130 hécta với 4.399.481 tấn, nhưng các báo ở miền Nam Việt Nam đều khôn khéo lật tẩy là số liệu lừa bịp.

Giá sinh hoạt ở miền Nam trong năm qua tăng vọt lên 40%. Sức mua của nhân dân giảm đi 50%. Theo nghị sĩ miền Nam Nguyễn Văn Cẩn “Cuộc khủng hoảng đã lan tràn từ ngành này sang ngành khác”.

Thanh niên bị trụy lạc hóa bằng lối sống sa đọa của Mỹ và bị bắt đi lính, đi phu. Sinh viên học sinh bị giáo dục nô dịch nhồi sọ của Mỹ và hàng năm bị đánh hỏng thi từ 80 đến 90%. Mỉa mai thay! Dưới chế độ Mỹ - Diệm, sinh viên, học sinh thi đậu nhiều lại trở thành một tai họa cho xã hội!

Kinh doanh của các từng lớp tư sản dân tộc ở miền Nam cũng bị bóp nghẹt bởi mức sản xuất trung bình chỉ bằng 30 đến 40% khả năng, nơi nào cao nhất cũng chỉ đạt 70%. Đặc biệt ngành tiểu công nghệ bị phá sản nhiều nhất. Theo tuần san Thương mại Sài Gòn số ra ngày 2-9-1960, có tới 784 xí nghiệp bị phá sản, trong đó 409 ngành tiểu công nghệ đóng cửa, và ngành thầu khoán có 176 nhà phá sản.

Các nhà trí thức, các văn nghệ sĩ yêu nước cũng bị khủng bố nặng nề: trong năm 1960, có trên 300 người gồm các giáo viên, trạng sư, các nhà công tác khoa học, văn nghệ sĩ bị Mỹ - Diệm khủng bố tra tấn và bắt giam. Chỉ trong 6 năm ở miền Nam đã có 11 tờ báo bị Diệm đóng cửa.

Đồng bào các dân tộc ít người bị cướp đất, dồn vào các khu dinh điền, mất quyền dân tộc tự trị. Riêng đồng bào Khơme ở vùng Tri Tôn, Châu Đốc gần đây, sau bao nhiêu năm bị Diệm khủng bố, ép phải theo Diệm và bọn phản bội Sam Sary chống lại Vương quốc Campuchia và đánh lại những người yêu nước ở miền Nam, vừa rồi lại bị Mỹ - Diệm tàn sát phải bỏ chạy lên Cao Miên3 hàng ngàn người.

Đồng bào các tôn giáo cũng bị tuyên truyền chia rẽ, lợi dụng để gây cảnh cốt nhục tương tàn ở miền Nam.

Binh lính ở miền Nam bị giáo dục phản động của cơ quan chiến tranh tâm lý Mỹ, đã luôn luôn bị đẩy đi tàn sát đồng bào và bà con, dòng họ của họ.

Trừ gia đình Diệm và một thiểu số bọn tối phản động, còn tuyệt đại bộ phận nhân dân miền Nam đều sống nghẹt thở dưới chế độ Mỹ - Diệm trên 6 năm nay, đều bị chính quyền Mỹ - Diệm bóc lột và khủng bố thậm tệ. Đó là một chính quyền của thiểu số bọn địa chủ và tư sản mại bản thân Mỹ đàn áp tuyệt đại đa số nhân dân yêu nước, một chính quyền của một gia đình để đàn áp hàng triệu gia đình ở miền Nam.

2. Cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam cho hòa bình, thống nhất độc lập và dân chủ

Trong mấy năm nay, mặc dầu bị khủng bố, tàn sát vô cùng man rợ đồng bào miền Nam ruột thịt của chúng ta vẫn không hề nao núng, vẫn kiên trì và dũng cảm đấu tranh.

Nhưng đến một mức không thể chịu đựng nổi, phải lựa chọn một trong hai con đường: hoặc phải tiếp tục chịu để cho đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm tự do chặt đầu, moi gan, đầu độc, hoặc phải vùng dậy đấu tranh để lật đổ chế độ tàn bạo của chúng đi và giải phóng cho mình, đồng bào miền Nam chúng ta đã chọn con đường thứ hai.

Từ gần hai năm nay, nhất là từ năm 1960, phong trào từ chỗ bị đánh phá ác liệt, khống chế và kiểm soát gắt gao, đã vùng dậy thành những làn sóng công phẫn, lôi cuốn hàng triệu người vào những cuộc mít tinh, biểu tình, tuần hành to lớn chống chế độ Mỹ -Diệm. Cái luận điệu mà khối SEATO4 vừa gọi là “một thiểu số người vũ trang được giúp đỡ từ bên ngoài" để mượn cớ can thiệp vào miền Nam Việt Nam đã bị phong trào đấu tranh của hàng triệu đồng bào miền Nam bác bỏ. Chỉ riêng từ năm 1960 đến nay, đã có trên 8.000 cuộc đấu tranh bằng mít tinh, biểu tình bao gồm 10 triệu rưỡi người, trong đó, chỉ trong ba tháng đầu năm 1961, đã có 3 triệu rưỡi người tham gia.

Như vậy, cái “thiểu số người… được giúp đỡ từ bên ngoài” mà khối SEATO ám chỉ đấy, nói cho đúng, chính là thiểu số độc tài gia đình trị họ Ngô đương cố thủ trong Dinh Độc Lập và đương được đế quốc Mỹ ra sức giúp đỡ.

Khí thế đấu tranh của đồng bào miền Nam đã quật khởi lên mạnh mẽ và khẩu hiệu đấu tranh ngày càng trở lên quyết liệt. Từ những cuộc đấu tranh bằng họp ấp, họp xóm đưa kiến nghị, rải truyền đơn, đến những cuộc đấu tranh với hàng nghìn, hàng vạn người biểu tình, kéo vào các huyện lỵ, tỉnh lỵ đòi chính quyền Mỹ -Diệm phải ngừng khủng bố tàn sát, đòi tha chồng con, đòi giải tán các khu “trù mật” “dinh điền”, đòi cải thiện dân sinh, thực hiện dân chủ. Trong 7 tháng nay, các thị trấn, thị xã sau đấy đều có những cuộc đấu tranh của nhân dân từ ngoài kéo vào, phối hợp với đồng bào tại chỗ: Quận lỵ (tức huyện lỵ): Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Mỏ Cày (Bến Tre), Bình Đại, Cái Bè, chợ Củ Chi, Phú Mỹ (Mỹ Tho), Đức Hòa (Tân An), Cao Lãnh (Sa Đéc), Hồng Ngự (Long Xuyên), Tri Tôn (Châu Đốc), Phước Long (Sóc Trăng), Gia Lai (Cà Mau) và các tỉnh lỵ: Bến Tre, Mỹ Tho, Sa Đéc, Trà Vinh, Cần Thơ. Lớn nhất là các cuộc đấu tranh 22.000 người và 45.000 người ở thị xã Mỹ Tho (tháng 9-1960 và tháng 1-1961), 13.000 tại thị xã Bến Tre và trên 10.000 tại thị xã Cần Thơ, 10.000 người tại quận lỵ Bình Đại và 10.000 người tại quận lỵ Cao Lãnh trong 5 tháng gần đây.

Có những cuộc đấu tranh vô cùng quyết liệt của nhân dân kéo đến bao vây các nơi đặt trọng pháo đương bắn vào làng mạc, các chỉ huy sở đương điều khiển các cuộc càn quét buộc địch phải ngừng bắn và rút quân (như ở Bến Tre, Mỹ Tho cuối năm 1960); những cuộc đấu tranh của công nhân ra nằm cản đường không cho xe địch chạy vào đàn áp, hay như vụ chị em phụ nữ tay bồng con, tay gạt lưỡi lê của quân địch đương xông đến tàn sát đồng bào (như ở Tây Ninh, Biên Hòa).

Ở Liên khu 5, phong trào đấu tranh của đồng bào miền núi chống khủng bố càn quét, chống dồn dân lập hành lang trắng giằng co từ mấy năm nay, nay phát triển lên mức cao hơn. Phối hợp với phong trào miền núi, phong trào đồng bằng Khu 5 cũng bắt đầu trỗi dậy. Hàng ngàn người ở Phú Yên, Quảng Nam đã họp mít tinh biểu tình chống Mỹ - Diệm đòi hỏi cải thiện dân chủ, thực hiện dân sinh, chống khủng bố v.v..

Trong các cuộc đấu tranh, lực lượng tham gia đã hình thành một mặt trận rộng rãi, bao gồm mọi tầng lớp trong nhân dân kể cả các tôn giáo, các dân tộc, gia đình binh sĩ và nhân viên trong chính quyền Diệm. Có những cuộc đấu tranh có hàng nghìn đồng bào Thiên Chúa giáo, Hòa Hảo, Cao Đài, dân tộc Miên5, cả linh mục, bà phước, sư sãi, lục a cha6, chức sắc cũng tham gia. Ở Thành Thới (Bến Tre) đồng bào Cao Đài đấu tranh chống Mỹ - Diệm dỡ thánh thất để xây dựng khu trù mật. Ở Tân Châu (Châu Đốc) đồng bào Hòa Hảo đấu tranh đòi bồi thường cho 400 gia đình bị Diệm đốt phá; ở Hiệp Hưng (Bến Tre) 500 đồng bào Thiên Chúa giáo biểu tình hai ngày liền đòi một đơn vị quân đội Diệm đang chiếm đóng một nhà thờ phải rút đi.

Ở các thành thị, nhất là ở Sài Gòn, chính quyền Diệm tập trung sức để khống chế, nhưng đồng bào nhất là công nhân, lao động nghèo, học sinh cũng đã liên tiếp đấu tranh đòi quyền lợi hàng ngày.

Hàng nghìn cuộc đấu tranh của công nhân, lao động đã nổ ra đòi tăng lương, chống sa thải, chống đuổi nhà, đốt nhà, trong đó có 21 vụ đấu tranh lớn thu hút 35.574 người, như các cuộc đình công của 8.000 công nhân cao su lúc đầu năm 1960, cuộc đấu tranh của công nhân “ô tô buýt vàng” trong Tết vừa qua ở Sài Gòn.

Học sinh, sinh viên cũng tiếp tục đấu tranh chống các thể lệ thi cử khắc nghiệt, chống lệ phí thi cử, đòi dùng tiếng Việt làm chuyên ngữ trong các trường đại học, phản đối việc bắt sinh viên là quân nhân trù bị nhập ngũ, v.v..

Các nhà tiểu công nghệ liên tục đấu tranh đòi phải bảo vệ sản xuất nội hóa, chống lại sự chèn ép của viện trợ Mỹ và của các công ty, các hợp tác xã độc quyền của gia đình họ Ngô và vây cánh.

Những người làm công tác báo chí, văn nghệ cũng luôn luôn tìm mọi cách vạch những tệ xấu xa, thối nát của chế độ Mỹ - Diệm mặc dù quyền tự do ngôn luận bị Mỹ - Diệm bóp nghẹt. Giới trí thức, cũng tham gia đấu tranh đòi tự do về nghề nghiệp như vụ hầu hết luật sư phản đối dự luật của Diệm khống chế luật sư đoàn, vụ 118 giáo sư trường tư phản đối chính sách bóp nghẹt các trường tư thục…

Đồng bào các dân tộc cũng liên tục, bền bỉ đấu tranh chống mọi âm mưu khủng bố, mua chuộc của Mỹ - Diệm. Ở miền núi Khu 5 đồng bào ở nhiều nơi đã đứng dậy phá vỡ các khu tập trung của Mỹ - Diệm giam cầm hàng vạn đồng bào từ 5, 6 năm nay như ở Bình Thuận, Khánh Hòa, miền Tây Quảng Ngãi, Plâycu để trở về làng cũ làm ăn. Ở Nam Bộ đồng bào dân tộc Khơme cũng sát cánh với người Kinh đấu tranh chống Mỹ - Diệm chiếm đất, phá chùa, bắt đồng bào đi phu đi lính, lợi dụng tổ chức đồng bào theo bọn phản động Sam Sarry, Sơn Ngọc Thành phá hoại nền hòa bình trung lập của Vương quốc Khơme.

Trong quá trình chống với một kẻ địch vô cùng hung bạo, một hình thức đấu tranh tự vệ của nhân dân miền Nam đã bắt đầu xuất hiện ở nhiều nơi. Trong những cuộc khủng bố, đốt phá, tàn sát đẫm máu của địch, đồng bào miền Nam đã buộc lòng phải vùng lên chống lại địch với tất cả những gì có thể dùng làm vũ khí trong tay. Đó là một hình thức đấu tranh mà đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm đã buộc nhân dân phải sử dụng vì đối với một cuộc phản cách mạng vũ trang nhân dân không thể không chống lại bằng cuộc cách mạng tự vệ. Nhân dân miền Nam đấu tranh bằng hình thức gì, điều đó chủ yếu là do thái độ của Mỹ - Diệm và do Mỹ - Diệm tự lựa chọn lấy.

Mặc dầu bị địch phản kháng lại rất quyết liệt, cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào miền Nam đã thâu được nhiều thắng lợi. Công nhân đã giành được một phần quyền lợi về chống sa thải, chống phạt vạ và đòi tăng lương. Nông dân đã giành được trên hai phần ba ruộng đất đã bị chính quyền Mỹ - Diệm cướp đoạt trong mấy năm qua. Ở một phần lớn vùng nông thôn Nam bộ và rừng núi, nơi phong trào lên cao, sưu thuế, quyên góp, tô tức, do đó mà đỡ bị địch vơ vét. Phần lớn nông dân ở “các khu trù mật” đã đấu tranh để tự giải thoát. Kế hoạch của địch định lập 115 khu trù mật, sau phải hạ xuống 80 khu, những năm 1960 chỉ tiến hành được 42 khu, trong đó 28 khu đã bị phá tan, 14 khu khác chỉ hoàn thành được một phần. Ở Liên khu 5, chỉ trong ba tháng cuối năm, 28 khu tập trung ở Cực Nam bị phá tan, 11.000 đồng bào được giải phóng trở về quê cũ. Ở miền Tây Quảng Nam, 5.000 đồng bào bị dồn đã trở về miền núi rào làng chống địch. Ở Gia Lai, 1.000 đồng bào trong 31 xã đã đấu tranh chống chiếm đất thắng lợi, v.v..

Trước sức khủng bố, tàn sát và trong tình trạng xã hội của chế độ Mỹ - Diệm ngày càng nghiêm trọng, trên cơ sở của cuộc đấu tranh của nhân dân ngày càng lên cao, với những yêu sách ngày càng bức thiết. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã ra đời.

Với những khẩu hiệu và một chương trình hành động cụ thể, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam chủ trương: đánh đổ chế độ Mỹ - Diệm, thành lập chính quyền liên minh dân tộc dân chủ; thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi, toàn xá chính trị phạm; - bãi bỏ độc quyền kinh tế của đế quốc Mỹ và tay sai; - thực hiện giảm tô, tiến tới cải cách điền địa; - xây dựng một nền văn hóa, giáo dục dân tộc tiến bộ; - xóa bỏ các căn cứ quân sự, bãi bỏ chế độ cố vấn Mỹ ở miền Nam, xây dựng quân đội bảo vệ tổ quốc; - bảo vệ hòa bình, thực hiện nam nữ bình quyền, dân tộc bình đẳng; - bảo hộ quyền lợi chính đáng của ngoại kiều và chăm sóc kiều bào ở hải ngoại; - thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình trung lập; - lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền, tiến tới hòa bình thống nhất tổ quốc; chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ hoà bình thế giới.

Trên cơ sở lực lượng tham gia đấu tranh chống Mỹ - Diệm ngày càng đông đảo; khí thế đấu tranh ngày càng quyết liệt với ngọn cờ hiệu triệu và chương trình hành động của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam phù hợp với quyền lợi và lòng mong mỏi của mọi người yêu nước ở miền Nam, phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam đã tiến lên một bước mới. Một cao trào cách mạng ở miền Nam đã bắt đầu.

3. Chế độ Mỹ - Diệm bước vào thời kỳ khủng hoảng tan rã

Năm vừa qua đã đánh dấu sự thất bại chưa từng có của chế độ Mỹ - Diệm, đồng thời (cũng là năm thắng lợi lớn của phong trào đấu tranh của đồng bào miền Nam). Các mâu thuẫn cơ bản của chế độ Mỹ - Diệm cũng bộc lộ ra rất rõ rệt. Đó là mâu thuẫn giữa một bên là nhân dân miền Nam, một bên là đế quốc Mỹ và bè lũ Ngô Đình Diệm đại biểu cho bọn thân Mỹ và phản động nhất trong giai cấp địa chủ và giai cấp tư sản mại bản ở miền Nam.

Về mặt chính trị, chế độ Mỹ - Diệm đã bị tất cả các tầng lớp nhân dân yêu nước ở miền Nam đứng lên đả kích làm cho chính quyền Mỹ - Diệm ngày càng bị cô lập suy yếu, khiến chúng không thể cai trị được phần lớn nhân dân ở nông thôn Nam bộ và ở miền núi Khu 5. Trên 50% chính quyền xã tối phản động của địch đã đổ sụp dưới phong trào đấu tranh như vũ bão của nhân dân miền Nam. Mâu thuẫn trong nội bộ địch cũng ngày càng gay gắt, đến mức độ đã làm nổ ra cuộc đảo chính nhằm lật đổ Diệm trong tháng 11-1960 vừa qua.

Về quân sự, Mỹ - Diệm đã thất bại trong âm mưu tiêu diệt phong trào yêu nước của đồng bào miền Nam, kế hoạch quân sự của Mỹ - Diệm trước đây nhằm xây dựng một lực lượng bộ đội chính quy lớn với những căn cứ chiến lược lớn chủ yếu nhằm để xâm lược miền Bắc Việt Nam và xâm lược Miên7, Lào, nay đã phải bị động chuyển dần sang việc phát triển lực lượng bảo an để đối phó với phong trào cách mạng bên trong. Hiệu lực của các cuộc đánh phá, càn quét của Mỹ - Diệm cũng bị hạn chế dần.

Về kinh tế, do sự lệ thuộc ngày càng nhiều vào kinh tế của Mỹ và của các tư bản và đế quốc khác, sự chèn ép ngày càng mạnh của việc độc quyền kinh tế của gia đình Diệm, việc “quân sự hóa” ngân sách miền Nam, tình trạng không an ninh ngày càng mở rộng trong các khu vực sản xuất nông nghiệp và sự thất thâu ngày càng nhiều trong các khu vực này… đã làm cho kinh tế miền Nam suy sụp nghiêm trọng.

Trước cao trào cách mạng của nhân dân miền Nam và do sự suy yếu, mâu thuẫn ngày càng nghiêm trọng của chế độ Mỹ - Diệm, chính quyền Mỹ - Diệm đương tan rã từng mảng lớn ở nông thôn và đương lan dần vào các đô thị, làm suy yếu khủng hoảng tận gốc bộ máy chính quyền bên trên. Thời kỳ tạm ổn định của chế độ Mỹ - Diệm đã qua và thời kỳ khủng hoảng, suy sụp kéo dài đã bắt đầu.

Để cứu vãn sự suy sụp không thể tránh khỏi ấy, đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm một mặt ra sức tăng cường quân bị, tăng cường đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân và dựa vào sự can thiệp của khối SEATO do Mỹ cầm đầu, một mặt cố gắng dàn xếp mâu thuẫn nội bộ, nhân nhượng phần nào với những phần tử đối lập để tập hợp thêm lực lượng chống lại cách mạng, đồng thời một mặt ra sức phỉnh phờ mị dân, bầy trò bầu cử Tổng thống để lừa bịp dư luận.

Việc Mỹ - Diệm đương ráo riết động viên hết quân trù bị, bắt thêm thanh niên để tăng quân lên 30 vạn, gần gấp đôi quân số hiện nay, sẽ mở rộng tình trạng chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, nhưng chúng nhất định sẽ gặp phải sức phản kháng mãnh liệt của thanh niên không chịu để chúng bắt đi lính và sự phản đối của binh sĩ miền Nam không chịu để chúng đẩy đi chém giết đồng bào và nhất là sự chống lại quyết liệt của toàn dân miền Nam nổi lên mạnh mẽ hơn nữa đánh bại kế hoạch này của chúng. Riêng bản thân khối SEATO, với những mâu thuẫn nội bộ này càng bộc lộ trong hàng ngũ các nước tham dự, sức chống trả lại ngày càng mãnh liệt của phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á và sự cảnh cáo nghiêm khắc của phe xã hội chủ nghĩa, chính nó cũng đương có hiện tượng đi đến phá sản. Về việc Ngô Đình Diệm bày trò “bầu cử tổng thống” vừa qua đã bóc trần sự bịp bợm, gian xảo của hắn, càng tỏ rõ hắn bị cô lập và càng bị phong trào đấu tranh của mọi từng lớp nhân dân đả kích mạnh mẽ hơn.

Muốn nắm được chính quyền, chính sách cổ truyền của đế quốc Mỹ và của các chính quyền bù nhìn tay sai vẫn là dùng tuyển cử gian lận và dùng vũ lực đàn áp nhân dân.

Để được “đắc cử” Diệm đã một mặt cho mở một chiến dịch “tổng càn quét” liên tiếp từ tháng 2 đến tháng 4 năm nay, tìm mọi cách để cưỡng ép nhân dân bỏ phiếu cho Diệm, đặt bộ đội, cảnh sát vũ trang để bao vây nơi bỏ phiếu, khống chế người bỏ phiếu, đặt tay chân của Diệm kiểm tra phiếu và tuyên bố gian lận rằng Diệm thắng phiếu. Diệm còn dùng cách bỏ tù và hăm giết các ứng cử viên có khả năng kình địch nhiều với Diệm như Phan Quang Đán, đồng thời khủng bố và hạn chế khả năng tuyên truyền vận động của những người tranh cử khác ít nguy hiểm hơn. Và sau cuộc bầu cử gian lận hắn sẽ cho tuyên truyền rùm beng rằng “nhân dân vẫn tín nhiệm hắn” rằng “cộng sản và phe đối lập bị đánh bại”!

Để hiểu qua sự thật về bề trái của cái gọi là “bầu cử tổng thống” của Diệm, xin hãy nghe vài đoạn dưới đây trong tờ “Thời báo Việt Nam” vừa xuất bản ở Sài Gòn:

“ … Vấn đề hoàn toàn không phải là liệu ông Diệm sẽ được “tái cử” không mà là ông ta sẽ thực hiện việc “tái cử” bằng biện pháp gì?

… “Khi nghe thấy hai nhà ứng cử (mới) nói trên, dân chúng không khỏi biểu lộ thương hại đối với họ. Họ hy vọng thắng thế nào được? Những cái đó hoàn toàn không thành vấn đề, mà vấn đề là số phận họ tốt đến đâu để có thể sống sót sau các cuộc vận động tranh cử hoặc bước ra khỏi cuộc tranh cử ấy mà vẫn còn được tự do?”

… “Bất cứ người ra ứng cử là ai, dân chúng cũng bầu cho người đó chứ không bầu cho ông Diệm. Một nhân viên chính phủ đã nói: “Thà tôi bầu cho một anh đạp xích lô còn hơn là thấy chính quyền của ông Diệm tiếp tục cai trị thêm 5 năm nữa”. Ngoài việc “in sẵn hàng tấn điện báo và hàng triệu chữ ký gửi tới Phủ Tổng thống mỗi ngày yêu cầu cái gọi là “dân chúng cúi xin vị chấp chính tối cao đứng ra cứu quốc" Diệm còn đưa thêm Thanh niên Cộng hòa với dùi cui, dao, mìn, nhựa và súng ngắn vào quanh thùng phiếu và bảo đảm cho tất cả các cử tri bỏ “đúng” phiếu (tức là bỏ cho Diệm). Nếu người nào bỏ không “đúng” chúng sẽ ghi tên người đó và sau đó còn biết “bảo quản” họ như thế nào!”

… “Dù sao, sau khi ông ta được “tái cử” cả thế giới buộc tội ông ta là gian lận cuộc tuyển cử thì không một ai sẽ ngạc nhiên khi nghe ông ta trả lời: “tôi đã làm gian dối cuộc tuyển cử để “cứu” quốc gia tôi!”.

Đồng bào miền Nam chúng ta đã quá hiểu bộ mặt gian ác và phản quốc của Ngô Đình Diệm trong mấy năm qua nên đã bóc trần bộ mặt bịp bợm, phản dân chủ và xảo trá của hắn trong cái gọi là “bầu cử tổng thống vừa qua”, đồng bào đã tẩy chay cuộc “bầu cử” ấy và đã biểu lộ sự phản đối của mình bằng hàng ngàn cuộc đấu tranh với hàng triệu người từ thôn quê đến thành thị, từ Nam bộ đến Liên khu 5, đòi đánh đổ chế độ Mỹ - Diệm. Đó là những lá phiếu chân chính nhất của nhân dân miền Nam đối với chính quyền gia đình trị của Mỹ - Diệm.

III- CUỘC ĐẤU TRANH CHO HÒA BÌNH, THỐNG NHẤT,
 ĐỘC LẬP, DÂN CHỦ CỦA NHÂN DÂN TA NHẤT ĐỊNH THẮNG LỢI

1. Tính chất của phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam và khả năng tất thắng của nó

Cuộc đấu tranh để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta đã bước sang năm thứ bẩy. Cuộc đấu tranh ấy tiếp tục sự nghiệp của gần một trăm năm chống đế quốc Pháp và 9 năm kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta.

Về mặt lý luận, cuộc đấu tranh ấy với mọi hình thức phong phú của nó, hoàn toàn phù hợp với đường lối của Đại hội toàn quốc của Đảng Lao động Việt Nam lần thứ III và Tuyên ngôn của Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và công nhân vừa họp ở Mátxcơva về thời đại cách mạng và con đường khác nhau của các nước thuộc địa giành độc lập dân tộc, về mặt thực tiễn, nó hoàn toàn phù hợp với tình hình cụ thể ở miền Nam và đã được nhiều năm kiểm nghiệm và chứng minh.

Đó là một phòng trào hòa bình vì nó thủ tiêu lò lửa chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, triệt hạ căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ ở miền Nam. Nó đồng thời là một phong trào dân tộc, vì nó bảo đảm quyền lợi của các dân tộc và đang đấu tranh cho giải phóng dân tộc, thủ tiêu thuộc địa của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Nó còn là một phong trào dân chủ, vì nó đấu tranh cho mọi quyền tự do dân chủ của nhân dân miền Nam chống độc tài phát xít. Đó là phong trào của những người kiên quyết bảo vệ hòa bình, bảo vệ Hiệp định Giơnevơ ở miền Nam Việt Nam. Cho nên những ai lo lắng cho hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á, những ai có trách nhiệm bảo vệ và kiểm soát việc thi hành Hiệp định Giơnevơ, cần thấy ở phong trào ấy một nguồn cổ vũ tích cực và không ngần ngại đồng tình. Khi mà chỉ trong 15 năm sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đã có gần 40 quốc gia được giải phóng, khi mà hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc liên tiếp bị sụp đổ dưới ngọn đòn đả kích của phong trào giải phóng dân tộc, khi mà Liên hợp quốc vừa qua đã quyết nghị về vấn đề thủ tiêu chế độ thực dân dưới mọi hình thức, thì cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân miền Nam đến toàn thắng, không có gì đáng phải ngạc nhiên và không có gì là đột xuất.

2. Chúng ta kiên quyết đấu tranh giành hòa bình thống nhất nước nhà

Vấn đề thống nhất nước nhà bằng phương pháp hòa bình không những dính liền với "những khả năng thực tế để giải quyết những vấn đề quan trọng nhất của thời đại chúng ta theo lối mới, vì lợi ích của hòa bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội" như bản Tuyên bố của Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và Công nhân đã nêu, mà còn được thực tiễn của tình hình ở Đông Dương và thực tiễn của Việt Nam trong mấy năm qua làm cho sáng tỏ.

Thời gian càng đi tới thì càng ủng hộ đường lối thống nhất nước nhà bằng phương pháp hòa bình của chúng ta.

Đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm mấy năm nay đã tốn công vô ích để phá hoại Hiệp định Giơnevơ, Chúng tưởng một cách đơn giản rằng chỉ cần tuyên bố là chúng "không ký vào hiệp định Giơnevơ nên không bị Hiệp định Giơnevơ ràng buộc" là chúng có thể xé bỏ được Hiệp định Giơnevơ. Chúng tưởng chỉ cần tuyên bố rằng khối SEATO ngày càng ủng hộ và bảo vệ chúng, chúng tưởng cứ ra sức tăng cường quân lực, dốc mọi khả năng để khủng bố, tàn sát nhân dân miền Nam hơn nữa thì chúng có thể thắng được nhân dân miền Nam, chia cắt được lâu dài nước Việt Nam. Nhưng sự thực đã chứng minh rằng, đã từ lâu đế quốc Mỹ không muốn cách mạng ở Liên Xô, Trung Quốc hoặc cách mạng Việt Nam thắng lợi, nhưng đến nay, chủ nghĩa xã hội đã trở thành một hệ thống thế giới và đang trở thành một nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội loài người. Chúng dùng khối liên minh quân sự Bátđa để xâm lược và thống trị cả nhân dân cận Đông, nhưng không ngờ nước Irắc đã đập nát một khâu quan trọng của sợi xích của chúng để được tự do. Chúng muốn đời đời thống trị châu Mỹ latinh, nhưng cách mạng Cuba đã thắng lợi và đang nêu cao ngọn cờ chống đế quốc Mỹ ở toàn châu Mỹ. Chúng đã chia cắt và bán đất một cách tưởng tượng trên mặt trăng cho nhau, nhưng không ngờ ngày nay quốc huy Liên Xô đã nằm trên mặt trăng, và người đầu tiên bay vào vũ trụ lại là một người công dân Xôviết chứ không phải là những ông tướng tư bản lũng đoạn và hiếu chiến Mỹ.

Ở bên cạnh Việt Nam, chúng không muốn có nước nào hòa bình trung lập, nên đã lật đổ chính phủ trung lập và hợp pháp ở Lào trước đây đã tuyên bố Hiệp định Giơnevơ hết tác dụng ở Lào và đã không cho Uỷ ban quốc tế hoạt động trở lại. Chúng đã dùng đến biện pháp chiến tranh và đã vũ trang can thiệp vào Lào bằng nhiều hình thức. Nhưng cuối cùng ngày nay chúng đã phải nói đến vấn đề trung lập hóa nước Lào, phải nhận để cho Uỷ ban quốc tế hoạt động trở lại ở Lào và phải nhận triệu tập một hội nghị quốc tế để giải quyết hòa bình vấn đề Lào.

Ở miền Nam Việt Nam, chúng đã tốn hàng ngàn đôla hàng vạn tấn vũ khí để giúp tên tay sai Ngô Đình Diệm tiêu diệt những người yêu nước ở miền Nam, trường kỳ chia cắt nước Việt Nam và chuẩn bị xâm lược miền Bắc. Nhưng kết quả là phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam đã bùng lên như phong ba bão táp làm cho chế độ Mỹ - Diệm ngày càng nghiêng ngửa, cho đến cả binh lính của chúng cũng muốn lật đổ nó đi. Trong khi đó miền Bắc Việt Nam vẫn ngày càng vững mạnh, đương mau chóng tiến lên xã hội chủ nghĩa và trở thành cột trụ cho cuộc đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà.

Hiệp định Giơnevơ không phải là một mảnh giấy để cho chúng xé bỏ, mà nó thể hiện sự so sánh lực lượng ở khu vực Đông Dương và ở Việt Nam. Trước đây đế quốc Pháp sau 9 năm kéo dài chiến tranh ở Đông Dương và được đế quốc Mỹ ra sức viện trợ, nhưng cuối cùng Pháp đã thất bại và đã phải ký Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương. Nếu chính quyền Ngô Đình Diệm theo lệnh của đế quốc Mỹ, muốn xé bỏ Hiệp định Giơnevơ, thì trước hết chính cái gọi là "nước Cộng hòa Việt Nam" bị xé bỏ, vì nếu chúng sẽ tiếp tục mở rộng chiến tranh ở miền Nam Việt Nam và rước quân của Mỹ trong khối SEATO can thiệp vào miền Nam, thì không những cái nhãn hiệu "độc lập" giả mạo mà đế quốc Mỹ đương dán trên ngực chúng sẽ bị dư luận trên thế giới lập tức gỡ đi, mà toàn dân Việt Nam từ Bắc chí Nam còn kiên quyết hơn nữa để đánh bại chúng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Vì sự nghiệp hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á, vì độc lập, dân chủ và thống nhất Tổ quốc, chúng ta kiên quyết bảo vệ pháp lý của Hiệp định Giơnevơ và đòi cho mọi điều khoản của Hiệp định Giơnevơ được thi hành nghiêm chỉnh.

Chúng ta cực lực phản đối và chống lại mọi sự can thiệp của đế quốc Mỹ và của khối SEATO vào miền Nam Việt Nam. Chúng ta đòi rút tất cả nhân viên quân sự và vũ khí của Mỹ cũng như vũ khí của Mã Lai8 khỏi miền Nam Việt Nam. Chúng ta đấu tranh và đòi triệt hạ tất cả căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Đế quốc và tay sai Ngô Đình Diệm phải lập tức đình chỉ khủng bố chém giết đồng bào miền Nam, phải thả tất cả tù chính trị, phải bảo đảm mọi quyền lợi tự do dân chủ ở miền Nam Việt Nam.

Vấn đề hòa bình thống nhất nước Việt Nam là một vấn đề thời sự nóng hổi có quan hệ tới việc gìn giữ hòa bình ở Việt Nam và ở Đông Nam Á. Chúng ta đòi chính quyền miền Nam Việt Nam phải lập tức bàn bạc với miền Bắc để tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả nước nhằm hòa bình thống nhất nước nhà.

Chúng ta chủ trương thực hiện thống nhất nước nhà từng bước theo tinh thần của cương lĩnh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Để lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền, chúng ta đòi chính quyền miền Nam phải lập lại quan hệ đầy đủ về các mặt thư tín, về kinh tế, văn hóa. Chúng ta đòi để cho nhân dân hai miền Bắc và Nam được tự do đi lại, trước hết là để cho những người không phải là quân nhân trước đây đã vì đình chiến mà phải tập kết khỏi vùng mình nay được tự do về quê cũ.

Để cho Hiệp định Giơnevơ được thi hành đúng đắn không bị đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm cũng như những tay sai khác của Mỹ phá hoại, lợi dụng và xuyên tạc như đã xảy ra, chúng ta yêu cầu Uỷ ban quốc tế làm nghiêm chỉnh và công bằng nhiệm vụ của mình.

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Thời đại ngày nay là thời đại thắng lợi của lực lượng hòa bình độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, thời đại thất bại của chủ nghĩa đế quốc kèm theo sự tan rã toàn bộ của chủ nghĩa thực dân. Hàng nghìn triệu nhân dân trên thế giới đang đấu tranh cho sự thắng lợi ấy.

Cách mạng Việt Nam chúng ta trong giai đoạn này là cách mạng xã hội chủ nghĩa, cách mạng giải phóng dân tộc và thống nhất nước nhà. Gần 30 triệu nhân dân chúng ta ở cả hai miền đang phấn đấu kiên cường và tin tưởng cho sự thắng lợi của cuộc cách mạng vĩ đại, phức tạp và vinh quang ấy.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng ta và Tuyên ngôn của Hội nghị 81 Đảng Cộng sản vừa họp ở Mátxcơva soi đường, cuộc đấu tranh để giải phóng miền Nam, hòa bình thống nhất nước nhà của nhân dân ta đang được toàn dân tin tưởng thực hiện, được lực lượng hòa bình dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới ủng hộ, cuộc đấu tranh ấy đương thắng lợi và có đầy đủ yếu tố để hoàn toàn thắng lợi.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.


 

1. Malaixia (BT).

2. Từ cũ để chỉ Campuchia (BT).

3. Campuchia (BT).

4. SEATO: Tên viết tắt tiếng Anh của Tổ chức quân sự do Mỹ thành lập ở châu á những năm giữa thế kỷ XX, hiện nay không còn tồn tại (BT).

5. Tên gọi cũ chỉ dân tộc Khơme (BT).

6. Chúng tôi chưa rõ "lục a cha" là chức sắc gì của tôn giáo nào (BT).

7. Campuchia (BT).

8. Malaixia (BT).