ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH QUẢNG NINH

08/05/2023

Chiều 08/5, tại Quảng Ninh, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó Trưởng đoàn Đoàn giám sát.

GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TẠI THÁI BÌNH: GỠ VƯỚNG MẮC NGAY TỪ CƠ SỞ

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó Trưởng đoàn Đoàn giám sát phát biểu tại cuộc làm việc

Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký; các thành viên Đoàn giám sát và bộ, ngành liên quan.

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện cho biết, trên cơ sở chủ trương, định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức triển khai các chính sách về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh thông qua việc ban hành các Nghị quyết, Chương trình, kế hoạch thực hiện và quản lý chặt chẽ các hoạt động trong ngành năng lượng trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện phát biểu

Cụ thể, Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 20/8/2020 thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 7/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh, trong đó xác định mục tiêu hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ. Ban hành Quyết định số 708/KH-UBND ngày 15/3/2016 phê duyệt Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch số 172/KH-UBND ngày 1/10/2020 thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2030…

Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai còn một số hạn chế, vướng mắc như: việc ban hành các văn bản giải quyết một số vướng mắc, khó khăn cho các đơn vị ngành than còn chậm và thiếu đồng bộ; việc ban hành cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy đầu tư năng lượng tái tạo, đi kèm việc giới thiệu các đề án, chương trình hỗ trợ trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng còn hạn chế; chưa ban hành được các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng sạch, thân thiện môi trường; một số quy định của pháp luật trong lĩnh vực năng lượng còn chung chung, chưa cụ thể, một số quy định chưa bám sát thực tế, tính khả thi chưa cao, hiệu lực còn hạn chế…

Tổ trưởng Tổ Công tác của Đoàn giám sát Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu tại cuộc làm việc

Tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển năng lượng và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong thời gian tới; rà soát, sửa đổi các luật chuyên ngành liên quan nhằm bảo đảm nội dung thống nhất đồng bộ với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; xem xét ban hành Luật về biến đổi khí hậu nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý nâng cao hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu trong bối cảnh mới…

Đoàn giám sát ghi nhận UBND tỉnh Quảng Ninh đã có những cố gắng nhất định trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng; các văn bản được tỉnh ban hành kịp thời, bám sát định hướng, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực phát triển năng lượng. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị, địa phương cần làm rõ hơn nguyên nhân chủ quan và khách quan trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này, trong đó chú trọng việc phân loại để có kiến nghị phù hợp.

Quang cảnh cuộc làm việc

Về tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, Đoàn giám sát đề nghị, cần bổ sung thêm đánh giá, làm rõ hiệu suất của nhà máy điện hiện nay như thế nào, dây chuyền công nghệ có bảo đảm yêu cầu về tiết kiệm và bảo vệ môi trường theo cam kết của Chính phủ tại COP26 không? Đánh giá rõ hơn kết quả thực hiện các chỉ tiêu và làm rõ giải pháp khả thi để đạt mức tiết kiệm tối thiểu 6,7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn tỉnh giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025 theo đúng Kế hoạch số 172/KH-UBND của tỉnh. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị, về công tác quản lý nhà nước, Quảng Ninh cần làm rõ hơn các đánh giá về chất lượng đội ngũ và năng lực nội tại đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về năng lượng trên địa bàn; vai trò, trách nhiệm của các cấp, cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương, giữa các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực năng lượng…; báo cáo bổ sung về kết quả thanh, kiểm tra trong lĩnh vực sản xuất than. 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao những kết quả toàn diện mà tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. Nhấn mạnh, phát triển năng lượng được Quốc hội và cử tri đặc biệt quan tâm, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ, qua giám sát là dịp để nhìn nhận, đánh giá toàn diện việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tại địa phương và tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này phù hợp với giai đoạn mới. 

Là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc đề nghị, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch để bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu về phát triển năng lượng, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, chồng chéo hiện nay; tích cực, khẩn trương ban hành các quy định theo thẩm quyền, nhất là các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho phát triển năng lượng, chống đầu cơ, trục lợi, lợi ích nhóm trong lĩnh vực năng lượng…

Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của tỉnh Quảng Ninh, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc cho biết, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp vào Báo cáo chung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn, đưa năng lượng phát triển thực sự nhanh và bền vững.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác