TĂNG CƯỜNG RÀ SOÁT, HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

31/01/2023

Bàn về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đại biểu Trần Công Phàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương mong muốn các cơ quan tư pháp tiếp tục đúc rút ra những nguyên nhân dẫn đến tham nhũng và nhận diện những thủ đoạn tội phạm, những kẽ hở pháp luật ở đâu, từ đó kiến nghị những giải pháp sửa đổi hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này.

 

Theo dõi việc kỷ luật, truy tố, xét xử nhiều cán bộ và lãnh đạo cấp cao của nhiều tỉnh thành, bộ ngành và doanh nghiệp thời gian qua, đại biểu Trần Công Phàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, đa số đều vi phạm ở lĩnh vực liên quan đến đấu giá, đấu thầu, quy hoạch, đất đai, tài sản công, tài chính công, ngân hàng, tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp... Điều này cho thấy một thực tế là hệ thống pháp luật của chúng ta vẫn còn tồn tại nhiều khoảng trống, nhiều lỗ hổng. Điển hình nhất là những lỗ hổng, bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực: đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch; nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường… Những lỗ hổng pháp luật này vô tình tạo điều kiện cho nhiều đối tượng vẫn có thể và dám tham nhũng.

Đại biểu bày tỏ mong muốn các cơ quan tư pháp, đặc biệt là cơ quan điều tra, kiểm sát, toà án… trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đúc rút ra những nguyên nhân dẫn đến tham nhũng và nhận diện những thủ đoạn tội phạm, những kẽ hở pháp luật ở đâu, sơ hở ở vấn đề quản lý chỗ nào?... từ đó kiến nghị những giải pháp sửa đổi hoàn thiện hệ thống pháp luật, bịt kín những lỗ hổng pháp luật.

Đại biểu Trần Công Phàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Tuy nhiên, bên cạnh việc sửa đổi hoàn thiện pháp luật, quan trọng vẫn phải là công tác cán bộ, vẫn là yếu tố con người. Có thể có những sơ hở pháp luật, có thể pháp luật vẫn còn khuyết thiếu, nhưng người cán bộ có phẩm chất tốt, có đạo đức… khi phát hiện ra những vấn đề đó, sẽ đề xuất, kiến nghị sửa đổi, ngược lại người cán bộ mà phẩm chất, đạo đức kém sẽ lợi dụng những thiếu sót, sơ hở pháp luật để trục lợi... Cho nên, cuối cùng thì quan trọng vẫn là công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực quan chức.

Đại biểu Trần Công Phàn cho rằng, xem xét hệ thống các văn bản pháp luật, đặc biệt pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh vẫn còn nhiều điều khiến chúng ta phải suy nghĩ về chất lượng xây dựng pháp luật. Bởi thực tế hệ thống pháp luật đâu đó vẫn còn tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật; tính ổn định của pháp luật thấp, thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung; nhiều quy định pháp luật chưa phù hợp thực tiễn, tính khả thi thấp…

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế này, đó là hạn chế ngay chính trong cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật; chưa hoàn toàn bóc tách giữa công đoạn xây dựng và phân tích chính sách với công đoạn soạn thảo văn bản pháp luật. Việc xây dựng chính sách, pháp luật của chúng ta vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp. Năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ về xây dựng chính sách và soạn thảo văn bản pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức còn hạn chế…

Ngoài ra, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, của người đứng đầu, của các bộ phận tham mưu, trách nhiệm giải trình, tuy đã được quy định nhưng còn chung chung. Đặc biệt là còn thiếu các chế tài xử lý vi phạm trong xây dựng pháp luật, chế tài đối với việc ban hành các văn bản pháp luật sai trái.

Theo đại biểu Trần Công Phàn, ở mức độ nhất định, có thể nói vẫn còn biểu hiện lợi ích nhóm trong xây dựng nội dung các văn bản pháp luật, kể cả tư duy bao cấp, tư duy né tránh trách nhiệm… vẫn ít nhiều còn hiện hữu. Đây là những hạn chế mà thời gian gần đây đã được các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ và các doanh nghiệp đề cập.

Nhấn mạnh đến vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể… đồng hành cùng Chính phủ và chính quyền các cấp thực hiện tốt các hoạt động giám sát, đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, TS. Trần Công Phàn, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương nêu rõ, Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp quy tụ sự tham gia của hơn 74.000 Hội viên là các Luật gia đã và đang làm công tác pháp luật tác tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật, Mặt trận, các đoàn thể, tổ chức kinh tế và các trường đại học, viện nghiên cứu... Đó cũng là thế mạnh của Hội Luật gia.

Thời gian qua, công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của các cấp Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, chất lượng được nâng cao, nội dung các hoạt động thiết thực, bám sát yêu cầu thực tế và đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật. Mỗi năm, Hội Luật gia các cấp tham gia góp ý phản biện xây dựng hàng trăm văn bản chính sách pháp luật của Trung ương (chưa tính các địa phương). Hội luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và sự tin tưởng của Đảng và Nhà nước, nhất là ngày 1/7/2022 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới. Trong đó, giao cho Hội Luật gia nhiều nhiệm vụ quan trọng trong việc tham gia xây dựng chính sách pháp luật.

Để đáp lại sự tin tưởng của Đảng và Nhà nước, đòi hỏi mỗi Hội viên, mỗi cấp hội càng phải có trách nhiệm cao hơn, phát huy trí tuệ của tập thể Hội viên trong việc tham gia góp ý, phản biện, xây dựng chính sách, pháp luật; chủ động tham gia công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… Về phía TW Hội cần không ngừng đổi mới hoạt động để huy động, tập hợp được nhiều ý kiến của các chuyên gia, các cán bộ nghiên cứu, những người làm thực tiễn… đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng chính sách pháp luật. Về phía Hội Luật gia các cấp phải chủ động tổng hợp, nghiên cứu, phân tích và có đề xuất ý kiến với các cơ quan có trách nhiệm trong việc xây dựng chính sách pháp luật, nhất là các ý kiến về mặt pháp lý, về kỹ thuật lập pháp, về tính khả thi của chính sách pháp luật.

Minh Hùng

Các bài viết khác