CẦN KHẨN TRƯƠNG HOÀN THIỆN, BAN HÀNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA

16/05/2022

Đóng góp ý kiến với Đoàn Giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, đại diện Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cùng một số chuyên gia cho rằng cần khẩn trương hoàn thiện, ban hành quy hoạch tổng thể quốc gia để làm căn cứ để phê duyệt quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

Đoàn Giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” làm việc với các bộ, ngành

Đoàn Giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” là chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, được Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, thường xuyên theo dõi, chỉ đạo.

Đoàn giám sát đã tiến hành làm việc với một số Bộ, ngành, thành phố trực thuộc Trung ương và một số tỉnh có tính đại diện cho các vùng miền của cả nước, triển khai làm việc với Chính phủ, tổng hợp báo cáo. Qua các cuộc làm việc, Đoàn giám sát đã cơ bản đánh giá được thực trạng việc chấp hành chính sách, pháp luật về lĩnh vực quy hoạch, nắm bắt, tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, giải pháp để hoàn thành việc lập các quy hoạch bảo đảm tiến độ và chất lượng, qua đó hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới.

Trong quá trình giám sát, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã có những góp ý, đề xuất thiết thực, sâu sắc về khung pháp lý cũng như công tác tổ chức thực hiện liên quan đến việc quy hoạch. Đặc biệt, nhiều chuyên gia cho rằng cần khẩn trương hoàn thiện, ban hành quy hoạch tổng thể quốc gia để làm căn cứ để phê duyệt quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

Tham gia ý kiến về việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, KTS.Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cùng một số chuyên gia cho rằng, theo quy định của Luật Quy hoạch, việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khớp nối hệ thống quy hoạch trong cả nước. Đó là sự khớp nối đồng bộ giữa quy hoạch tổng thể quốc gia – quy hoạch ngành- quy hoạch không gian biển quốc gia, để làm căn cứ lập quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

KTS.Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

KTS.Trần Ngọc Chính cùng một số chuyên gia cho biết, theo Điều 6 Luật Quy hoạch thì khi lập các “hợp phần quy hoạch” phải phù hợp với các quy hoạch cấp trên như quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng… Việc quy hoạch tổng thể quốc gia hiện chưa được ban hành sẽ thiếu các căn cứ để phê duyệt quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Đây chính là nút thắt dẫn đến tình trạng chỉ có quy hoạch chuyên ngành, một quy hoạch vùng và một quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Do vậy, các chuyên gia kiến nghị cần sớm ban hành quy hoạch tổng thể quốc gia để tháo gỡ vướng mắc này.

Bên cạnh đó, Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 01/01/2019 cũng đồng nghĩa với việc các Luật Quy hoạch chuyên ngành trước đây sẽ hết hiệu lực, trong khi các quy hoạch thực hiện theo Luật Quy hoạch mới lại chưa có, đã gây rất nhiều khó khăn cho các dự án. Nhiều quy hoạch đã lập xong nhưng không thể điều chỉnh bổ sung và phê duyệt theo quy định của pháp luật chuyên ngành, mà phải trình thủ tục mới theo Luật Quy hoạch. Do đó đã gây ách tắc ảnh hưởng đến đầu tư phát triển.

Theo KTS.Trần Ngọc Chính cùng các chuyên gia, việc phải chờ quy hoạch tổng thể quốc gia được phê duyệt rồi mới lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, sẽ không đảm bảo được yêu cầu tiến độ lập cho giai đoạn 2021-2030. Muốn đáp ứng yêu cầu này, quy hoạch tỉnh của 63 tỉnh thành và quy hoạch tổng thể quốc gia phải được thực hiện song song, đồng thời. Tuy nhiên, việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia bằng cách tích hợp các quy hoạch ngành và quy hoạch xây dựng, đòi hỏi mất nhiều thời gian và nguồn lực. Thêm vào đó, việc điều chỉnh sẽ rất khó, nếu có sự thay đổi mục tiêu chiến lược, trước những tác động như biến đổi khí hậu, dịch bệnh (như đại dịch COVID-19), sự phát triển của khoa học công nghệ,… hay những biến động chính trị trên thế giới. Như vậy quá trình điều chỉnh chắc chắn sẽ tốn nhiều thời gian và chi phí.

Mặt khác, loại Quy hoạch mới này ít phù hợp với thông lệ quốc tế, dẫn đến sự chồng chéo giữa các loại quy hoạch. Quy hoạch xây dựng (được quy định trong Luật Xây dựng 2014) là loại quy hoạch vật thể, là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên một vùng lãnh thổ được xác định, nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước và phục vụ mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ lập quy hoạch.

Các chuyên gia cho biết, quy hoạch tổng thể quốc gia thực chất nội hàm là quy hoạch phi vật thể, thông qua hiện trạng và dự báo phát triển về chỉ số phát triển của vùng, của đất nước, chỉ số về dân số, lao động và các số liệu cho các ngành nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ… tích hợp với quy hoạch vật thể như các loại quy hoạch xây dựng.

Vì vậy, đại diện Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cùng các chuyên gia kiến nghị, thay vì lập quy hoạch tổng thể quốc gia chỉ nên lập Chiến lược phát triển tổng thể quốc gia, trên cơ sở chiến lược của các Bộ ngành, ví dụ như chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam, chiến lược quốc gia về phát triển nhà ở, chiến lược quốc gia về cấp nước sạch… Như vậy sẽ linh hoạt trong quá trình chỉ đạo và có thể thực hiện được ngay. Giống như trước đây, chúng ta thường xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội cho từng giai đoạn vừa dễ chỉ đạo thực hiện, vừa dễ điều chỉnh. Việc điều chỉnh một Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được phê duyệt sẽ là một việc rất mất thời gian và phức tạp, trong khi khả năng phải điều chỉnh Quy hoạch tổng thể quốc gia rất có khả năng xảy ra trước những biến động như đã phân tích ở trên. Vì vậy, việc nên chọn xây dựng một chiến lược thay thế cho quy hoạch sẽ chủ động hơn trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề nghị, khi xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia cần có “nhạc trưởng”, người đứng đầu của từng ngành chịu trách nhiệm làm đầu mối khớp nối, phối hợp và chỉ đạo cách làm, trình tự tiến hành để tạo ra phản ứng dây chuyền theo hướng tích cực, phát huy tiềm năng và thế mạnh của các ngành trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, phát triển không gian vùng lãnh thổ và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển./.

Minh Hùng