PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ VÀ PHÁT BIỂU CHỈ ĐẠO TẠI PHIÊN HỌP THẨM TRA DỰ ÁN XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC BẮC - NAM PHÍA ĐÔNG GIAI ĐOẠN 2021-2025

03/12/2021

Trong khuôn khổ phiên họp thường trực Ủy ban mở rộng, chiều 03/12, Ủy ban Kinh tế tiến hành thẩm tra nội dung Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

 

Toàn cảnh phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm; đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng một số Bộ, ngành hữu quan…

Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đảm bảo tiêu chí hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải tối ưu nhất

Thừa Ủy quyền của Chính phủ báo cáo về Dự án, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, thực hiện kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại Thông báo số 530/TB TTKQH15 ngày 27/11/2021, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải tiếp thu, giải trình và hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án. Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thường trực Ủy ban Kinh tế nội dung chủ yếu như sau:

Về quy mô đầu tư, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô cơ bản 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn quy mô 8 - 10 làn xe, đoạn Cần Thơ - Cà Mau quy mô 4 làn xe. Trong quá trình hoàn chỉnh chủ trương đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu kỹ lưỡng các phương án về quy mô mặt cắt ngang như: đầu tư hoàn thiện ngay theo quy mô quy hoạch, phân kỳ với quy mô 4 làn xe, quy mô 2 làn xe... Trên cơ sở phân tích, đánh giá ưu, nhược điểm của từng phương án, để bảo đảm phù hợp với nhu cầu vận tải, hiệu quả đầu tư và khả năng cân đối nguồn vốn, kiến nghị phân kỳ đầu tư theo quy mô 4 làn xe (bề rộng nền đường Biên 17 m), giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch được duyệt (tương tự quy mô giai đoạn phân kỳ các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020). Theo tính toán sơ bộ, quy mô giai đoạn phân kỳ đáp ứng các tiêu chí hiện đại, đồng bộ và có thể đáp ứng nhu cầu vận tải đến khoảng năm 2045.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể báo cáo một số nội dung Dự án

Về tiến độ và thời gian thực hiện, thực tiễn triển khai cho thấy, các dự án đường bộ cao tốc có quy mô, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, tổng mức đầu tư lớn, thời gian chuẩn bị và hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật để khởi công dự án (phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng...) cần khoảng 3 năm, thời gian thì công hoàn thành công trình từ 2 - 3 năm. Chính vì vậy, phần lớn các dự án đường bộ cao tốc khó có thể hoàn thành trong một kỳ trung hạn. Rút kinh nghiệm từ thực tế triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, với tinh thần khẩn trương, Chính phủ dự kiến tiến độ triển khai như sau: chuẩn bị dự án năm 2021 - 2022; giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022 - 2023; khởi công giữa năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.

Về tổ chức thực hiện, Bộ Giao thông vận tải là đầu mối tổ chức thực hiện đầu tư Dự án. Thời gian qua ngành giao thông vận tải đã rất nỗ lực trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong năm 2021, Bộ dự kiến giải ngân đạt khoảng 96% mức vốn được giao; tuy nhiên trong 4 năm tới, bình quân mỗi năm phải giải ngân tương đối lớn. Đây là một thách thức rất lớn trong việc bảo đảm tiến độ hoàn thành các dự án và giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.

Vừa đẩy nhanh tiến độ, vừa đảm bảo tính bền vững của chất lượng công trình

Đưa ra ý kiến thẩm tra tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Kinh tế và các đại biểu cũng tán thành với quan điểm nguyên tắc đầu tư toàn bộ các dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 theo hình thức đầu tư công. Bộ Giao thông vận tải là đầu mối duy nhất tổ chức thực hiện đầu tư dự án. Đồng thời, Chính phủ cần có giải pháp chỉ đạo, điều hành linh hoạt, điều hòa nguồn vốn đầu tư công… bảo đảm nguồn vốn để triển khai các dự án thành phần trong dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Thường trực Ủy ban và các đại biểu, việc xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 phải đảm bảo mục tiêu hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ tuyến cao tốc này với năng lực lớn, an toàn giao thông, tốc độ cao; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các vùng kinh tế trọng điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế xã hội đã được Đại hội Đảng XIII thông qua.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho rằng tuyến đường cao tốc này là trục xương sống, nhu cầu rất lớn cho sự phát triển của đất nước. Do đó, việc Chính phủ hoàn thiện hồ sơ và trình ra Quốc hội tạo cơ sở pháp lý cho dự án này. Tuy nhiên cần phải tính toán toàn diện Dự án đề vừa phù hợp với khả năng, đảm bảo liên kết vùng, thúc đẩy, khơi dậy sự phát triển kinh tế; rà soát kỹ vấn đề nguyên vật liệu, cơ chế thu dịch vụ sử dụng đường cao tốc, nhu cầu sử dụng đất của dự án, giải phóng mặt bằng…

Đối với ý kiến của Bộ Giao thông vận tải về việc giao UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì các dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025, một số đại biểu cho rằng, đây là dự án lớn, đóng vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển đất nước trong giai đoạn sắp tới. Việc giao cho các địa phương sẽ không phù hợp với quy định của Luật giao thông đường bộ, Luật ngân sách nhà nước, Luật xây dựng, Luật đầu tư công, Luật quản lý tài sản công, không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu chỉ ra rằng, đây là công trình cấp đặc biệt với tiêu chuẩn cao, đòi hỏi năng lực quản lý và triển khai dự án ở trình độ chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm và đáp ứng yêu cầu dự án quan trọng quốc gia với hệ thống tiêu chuẩn thống nhất, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông có yêu cầu cao trong việc khai thác đồng bộ toàn tuyến.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo

Cần đảm bảo các yêu cầu cấp cao của công trình giao thông quan trọng

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định đây là một dự án quan trọng mang tính chiến lược cấp quốc gia, đáp ứng mục tiêu kết nối giao thông, kinh tế các vùng, thực hiện đồng thời nhiều mục đích. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nêu cao tinh thần khẩn trương, đẩy nhanh việc trình Quốc hội để đáp ứng tính cấp bách, tính khẩn thiết của dự án gắn với việc phục hồi phát triển nền kinh tế.

Về việc giao địa phương triển khai dự án, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các địa phương chưa thể đảm bảo được chất lượng công trình; đồng thời, với công trình giao thông cấp quốc gia cần phải đảm bảo tính liên thông các vùng, quản lý thống nhất ở mức độ cao. Do đó, Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng đồng đều ở các địa phương tham gia dự án; đề nghị Chính phủ chỉ đạo sát sao, gắn trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc triển khai dự án này, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng đề ra.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng, tính toán cụ thể về công tác giải phóng mặt bằng, vì vấn đề này ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần đảm bảo các yêu cầu cấp cao của công trình giao thông quan trọng, tránh việc chất lượng công trình không đạt yêu cầu, gây khó khăn trong khai thác sử dụng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu kết luận phiên họp

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và ý kiến của các đại biểu tham dự. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, Ủy ban tán thành tính cấp thiết, cấp bách của việc đầu tư Dự án, đề nghị Chính phủ tiếp tục giải trình, làm rõ một số nội dung về phạm vi, quy mô, phương án thiết kế, hướng tuyến, giải phóng mặt bằng, nguồn vốn... để đảm bảo tính thuyết phục cao. Đồng thời, đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ Dự án; Ủy ban Kinh tế sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 12 và trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường cuối năm 2021./.

Hồ Hương - Minh Hùng

Các bài viết khác