THẢO LUẬN VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN THỪA THIÊN HUẾ: NHIỀU Ý KIẾN ĐỀ XUẤT THÀNH LẬP QUỸ BẢO TỒN DI SẢN HUẾ

27/10/2021

Thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế vào sáng 27/10, một trong những nội dung đáng chú ý được các đại biểu quan tâm là đề xuất chính sách thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế đối với tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Toàn cảnh Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế

Tại phiên họp toàn thể trực tuyến về nội dung này, đa số các đại biểu tán thành cao Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Các đại biểu nhấn mạnh, nếu Nghị quyết được thông qua sẽ tạo điều kiện để các địa phương phát huy được tiềm năng, thế mạnh cũng như có tác động thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng, khu vực. Đồng thời đề cao tính tự lực, tự cường và phát huy được tinh thần năng động, sáng tạo của từng địa phương trong việc triển khai thực hiện và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là thời cơ mới, vận hội mới để các địa phương phát triển nhanh, bền vững hơn, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển chung của đất nước.

Nhiều đại biểu cũng nhất trí ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế để cụ thể hóa Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị (Nghị quyết 54) nhằm huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa. Đồng thời khẳng định, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế là đúng thẩm quyền.

Việc đề xuất thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Đa số ý kiến cơ bản nhất trí với đề xuất thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế và đề nghị quy định rõ trong Nghị quyết nguyên tắc quản lý, sử dụng Quỹ này.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

Từ điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh, đóng góp ý kiến về Dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thừa Thiên Huế sở hữu 5 danh hiệu UNESCO, là một quần thể di tích, cố đô Huế tiêu biểu là kinh đô của Thăng Long với những công trình đặc sắc của kiến trúc kinh thành Huế - kinh thành Việt Nam một thời. Đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề nghị Thừa Thiên Huế cần có cơ chế đặc thù, tạo nguồn lực để tỉnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và bản sắc văn hóa Huế, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống là khâu đột phá để phát triển du lịch và từng bước hoàn thiện bản sắc văn hóa Huế, đặc trưng văn hóa Huế. Qua đó xây dựng Huế trở thành trung tâm văn hóa đặc sắc của Việt Nam, xem đây là lợi thế so sánh lâu dài để phát triển Huế, làm cho Huế ngày càng đặc sắc, thúc đẩy các ngành du lịch và dịch vụ phát triển.

Cho ý kiến về nội dung này tại điểm cầu Cao Bằng, đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh, các Nghị quyết được trình tại Kỳ họp lần này tập trung chủ yếu vào các nhóm chính sách liên quan đến cơ chế, chính sách về tài chính, đất đai, quy hoạch, trong đó cho phép nâng tổng mức nợ vay của tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghệ An không quá 40% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp. Trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Nghệ An không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa so với dự toán Chính phủ giao.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An cũng cho biết, Thừa Thiên Huế được sử dụng toàn bộ phí tham quan di tích để phục vụ trùng tu di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Những quy định này góp phần tạo điều kiện cho Thừa Thiên Huế có thể huy động tối đa nguồn lực, thúc đẩy đột phá trong phát triển.

Đối với việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế, đại biểu Đoàn Thị Lê An nhất trí với việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế và cho rằng, Thừa Thiên Huế là thủ phủ 9 đời Chúa Nguyễn đàng trong, là kinh đô của triều đại Tây Sơn, sau đó là đến kinh đô của nước Việt Nam thống nhất với 13 triều vua Nguyễn. Từng là một trong ba trung tâm chính trị, văn hóa lớn của cả nước, với vị trí chiến lược quan trọng, nằm ở trung lộ của đất nước trên các trục hành lang kinh tế Đông Tây với nhiều tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh để phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng trong liên kết vùng và tạo động lực phát triển cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng

Trải qua các thời kỳ xây dựng và phát triển, đô thị Huế được định hướng là đô thị di sản văn hóa, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và thông minh. Hiện nay Huế sở hữu 7 di sản thế giới được UNESCO công nhận, nổi bật là quần thể di tích cố đô và nhã nhạc cung đình Huế. Năm 1996, tỉnh Thừa Thiên Huế được Quốc hội công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Đại biểu Đoàn Thị Lê An chia sẻ thêm, sau 10 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng Thừa Thiên Huế vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu. Điểm nghẽn lớn nhất của tỉnh là vẫn chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Việc bảo tồn di sản, gìn giữ văn hóa đặc sắc, gắn với bảo tồn sinh thái đã tạo ra nhiều khó khăn trong việc kêu gọi thu hút đầu tư. Nguồn lực cho công tác bảo tồn, trùng tu và phát huy các giá trị di tích, di sản chưa đáp ứng được yêu cầu.

Do đó, đại biểu Đoàn Thị Lê An nhấn mạnh, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế tại Dự thảo Nghị quyết lần này là hợp lý. Vì đây là một trong những nguồn kinh phí quan trọng để bảo tồn, trùng tu di tích cố đô Huế. Hiện nay nhu cầu vốn cho công tác trùng tu hàng năm là rất lớn, có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng/năm. Hầu hết các di tích của Huế có niên đại hàng trăm năm ngày càng xuống cấp. Mỗi di tích sau 50 năm, 70 năm phải bắt đầu trùng tu vì vật liệu chủ yếu là gỗ, vôi vữa. Nếu không được bảo dưỡng, trùng tu kịp thời thì sẽ trở thành phế tích, việc bảo tồn càng khó khăn hơn nhiều. Trong khi đó ngân sách của địa phương còn hạn chế. Đại biểu nêu rõ, việc hỗ trợ của các địa phương, tổ chức, cá nhân thông qua Quỹ này sẽ thuận lợi hơn, quy trình sẽ rút gọn hơn, minh bạch hơn, đảm bảo kịp thời nguồn vốn cho công tác bảo tồn, trùng tu các di tích lịch sử, văn hóa Huế.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: Quỹ bảo tồn di sản Huế là quỹ quốc gia, được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý. Quỹ này được tiếp nhận từ nguồn ngân sách Nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác. Đại biểu Đoàn Thị Lê An cho rằng, nguồn thu của Quỹ để đầu tư chỉ để thực hiện công tác trùng tu, bảo tồn, phát triển các giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình chưa được ngân sách Nhà nước đầu tư, hoặc đầu tư chưa đủ chứ không không sử dụng vào các mục đích khác.

Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế cần quan tâm quy hoạch đất để trồng một số loại cây lấy gỗ phục vụ cho công tác bảo tồn sau này. “Trong tương lai gỗ để phục vụ cho công tác trùng tu sẽ rất khó khăn do các quốc gia sẽ đóng cửa rừng. Nếu chúng ta không chủ động nguồn vật liệu này sẽ khó khăn cho công tác trùng tu, nhất là giá nguyên vật liệu sẽ tăng cao”, đại biểu Đoàn Thị Lên An nêu rõ.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Phát biểu tại điểm cầu Hải Dương, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, Điều 4 trong Dự thảo Nghị quyết có quy định về Quỹ bảo tồn di sản Huế, cho phép thành lập quỹ để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Nguồn quỹ được tiếp nhận từ ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hỗ trợ và nguồn tài trợ các tổ chức, cá nhân khác trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác. Và mục đích của quỹ là để đầu tư thực hiện công tác trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế, đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, chính nội dung Điều 4 này của Nghị quyết gây ra nhiều băn khoăn cho các đại biểu Quốc hội và được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến. Theo đại biểu, quy định về Quỹ bảo tồn di sản Huế như trong Dự thảo Nghị quyết là hợp lý, bởi 3 lý do sau.

Thứ nhất, Việt Nam hiện có 8 di sản vật thể được UNESCO vinh danh, gồm 3 loại hình, là di sản thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa thế giới và di sản hỗn hợp văn hóa, thiên nhiên. Trong đó, quần thể Cố đô Huế là thuộc về di sản văn hóa thế giới và cũng là di sản được vinh danh đầu tiên ở Việt Nam năm 1993. Di sản này là một quần thể kiến trúc với nhiều công trình và cụm công trình nằm ở cả trong và ngoài kinh thành Huế, với quy mô lớn, nhiều hạng mục và vật liệu xây dựng thì chủ yếu là vôi, vữa, gạch, ngói và tre, gỗ. Trải qua hàng trăm năm từ khi bắt đầu xây dựng cho đến nay lại chịu sự ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh và thiên tai, cho nên nhiều hạng mục đã xuống cấp trầm trọng và ngân sách hàng năm, cộng với kinh phí thu được từ bán vé dành cho việc trùng tu, tôn tạo thực sự chỉ như muối bỏ bể.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đã chỉ rõ, nhiều công trình quan trọng có ý nghĩa lớn đã xuống cấp nhưng lại chưa được trùng tu, tôn tạo kịp thời do hạn hẹp về kinh phí. Vấn đề cấp bách đặt ra là cần huy động nhiều nguồn lực để tiếp tục đẩy mạnh công tác trùng tu, tôn tạo. Với các di tích là các công trình kiến trúc, nhất là công trình có ý nghĩa đặc biệt như là di tích Huế thì việc trùng tu, tôn tạo càng sớm lại càng thuận lợi và có điều kiện bảo tồn di sản tốt hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc sớm khai thác có hiệu quả những giá trị từ di tích này.

Thứ hai, khi nguồn ngân sách phân bổ cho Thừa Thiên Huế để trùng tu, tôn tạo còn hạn chế thì việc huy động quỹ từ ngân sách các tỉnh, thành phố khác và các nguồn khác cho quỹ là hợp lý. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, di sản thế giới này không chỉ là tài sản riêng của Thừa Thiên Huế mà là tài sản vô giá chung của đất nước và của nhân loại, bởi vậy các tỉnh, thành phố khác cùng chung tay trong việc đóng góp tự nguyện một phần kinh phí vào Quỹ bảo tồn di sản Huế là điều rất đáng khích lệ.

Thứ ba, theo đánh giá của UNESCO, mỗi di sản sau khi được vinh danh đã có một giá trị gốc ước tính 500 triệu USD. Giá trị này sẽ tăng theo thời gian như một thương hiệu, nếu biết khai thác đúng. Các di sản được UNESCO vinh danh sẽ là nguồn tài nguyên vô giá để phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế của địa phương có di sản nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu rõ, trong 5 năm trở lại đây, Việt Nam luôn được các tổ chức uy tín về du lịch của thế giới đánh giá là điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử, ẩm thực hàng đầu châu Á và quần thể di tích Cố đô Huế đáp ứng đầy đủ những tiêu chí để phát triển ngành công nghiệp không khói này. Trên thực tế, đây cũng là điểm đến hàng đầu của các khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam. Như vậy, đại biểu nhận thấy, Quỹ bảo tồn di sản Huế khi ra đời sẽ là cú hích rất quan trọng để trùng tu, tôn tạo di tích này, tạo nguồn lực lớn để phát triển du lịch, đặc biệt là trong thời gian hậu COVID sắp tới.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng đề nghị Chính phủ cần có những quy định thực sự chi tiết, rõ ràng và khả thi về việc thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ, tránh trường hợp Quỹ được thành lập rồi nhưng không thể hoạt động do không huy động được kinh phí và những vướng mắc khác về quy chế hoạt động như nhiều quỹ khác.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp 

Từ điểm cầu Đồng Tháp, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đóng góp ý kiến về lập Quỹ bảo tồn di sản Huế. Đại biểu đề nghị cân nhắc cho phép các tỉnh, thành phố được sử dụng ngân sách của mình để hỗ trợ cho Thừa Thiên Huế trùng tu, bảo tồn di sản cố đô. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng nội dung này là hợp lý, nhưng đối với các tỉnh thành khó khăn thì vấn đề này cũng làm khó cho các tỉnh. “Nếu Thừa Thiên Huế kêu gọi ủng hộ, tỉnh có, tỉnh không, nên cũng có thể ngại không quan tâm. Nếu ủng hộ thì các di tích địa phương của mình sẽ ra sao?”, đại biểu Phạm Văn Hòa băn khoăn. Ngoài ra, theo Tờ trình, ngoài việc trùng tu các công trình di sản thuộc sở hữu quản lý của Nhà nước, còn được phép trùng tu di sản của tư nhân quản lý. Do đó, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cân nhắc việc dùng ngân sách Nhà nước để cải tạo, nâng cấp công trình tư nhân có thể dẫn đến tiêu cực./.

Bích Ngọc - Minh Thành

Các bài viết khác