CƠ BẢN TÁN THÀNH VỚI CÁC NHÓM CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ ĐỐI VỚI TP. HẢI PHÒNG

27/10/2021

Sáng 27/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận toàn thể trực tuyến về Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.

 

Toàn cảnh Phiên thảo luận toàn thể trực tuyến

Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể, đa số ý kiến đại biểu đều tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đối với các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo động lực và nguồn lực cho các địa phương có thêm dư địa phát triển.

Riêng đối với Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đối với Tp. Hải Phòng, các đại biểu cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách trong một số lĩnh vực khác so với một số quy định tại luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với Tp. Hải Phòng là cần thiết để thành phố có thêm cơ hội huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, có sức lan tỏa lớn hơn trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước như mục tiêu tại Nghị quyết số 45-NQ/TW đã đặt ra.

Tại điểm cầu Bến Tre, Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng, Tp. Hải Phòng có lợi thế là cửa ngõ chính ra biển của cả khu vực phía Bắc, có vị trí chiến lược đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong tam giác phát triển phía Bắc gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Đặc biệt Hải Phòng là địa bàn có mối quan hệ chiến lược với các cực tăng trưởng lớn trong vùng Đông Á và Đông Nam Á, là địa phương tự chủ về tài chính. Do vậy, cần tăng thêm quyền lực tự chủ để Hải Phòng phát huy thế mạnh về kinh tế biển trở thành địa phương đi đầu về phát triển dịch vụ logistics của khu vực phía Bắc và cả nước cũng như khu vực Đông Nam Á.

Tán thành nhiều nội dung trong các nhóm cơ chế chính sách đặc thù cho Tp. Hải Phòng

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, đa số ý kiến đại biểu tán thành với các nhóm cơ chế chính sách đặc thù được nêu tại dự thảo.

Tại điểm cầu Trà Vinh, đại biểu Thạch Phước Bình bày tỏ quan điểm đồng tình với 7 nhòm chính sách đặc thù được nêu trong dự thảo Nghị quyết. Góp ý vào các nội dung cụ thể, đại biểu đề nghị, cần cân nhắc  các chính sách đề xuất về tài chính ngân sách tiền lương, phải có sự tính toán thêm để phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng lớn đến khả năng cân đối và vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương theo quy định của Hiến pháp, không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định.

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Ngoài ra, đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề xuất cần rà soát để chỉ quy định những chính sách thí điểm không quy định lại những chính sách đã áp dụng cho phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 sửa đổi bổ sung năm 2021.

Tại điểm cầu Yên Bái, đại biểu Nguyễn Quốc Luận bày tỏ quan điểm thống nhất cao với sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết cũng như những nội dung cơ bản tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hải Phòng. 

Về nội dung, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn các tỉnh, thành phố, đối với thành phố Hải Phòng, hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương với ngân sách Thành phố và một số khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu. Đại biểu Nguyễn Quốc Luận cho rằng, quy định như dự thảo là phù hợp, chính sách này tương tự như chính sách Tp. Hải Phòng đã và đang được hưởng theo Nghị định số 89/2017/NĐ-CP của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Tp. Hải Phòng. Tuy nhiên, đề nghị cần quy định bổ sung phần mục tiêu từ ngân sách trung ương cho Tp. Hải Phòng cũng chỉ dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để đảm bảo tính hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái

Về nội dung thí điểm thực hiện chính sách phí lệ phí, đại biểu thống nhất cao việc trao quyền chủ động cho Hội đồng nhân dân Tp. Hải phòng được quyền quy định bổ sung thêm các loại phí ngoài Danh mục quy định tại Luật phí, lệ phí cũng như điều chỉnh các mức phí, lệ phí khác so với quy định của Luật. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị cần cân nhắc lộ trình thực hiện chính sách này cho phù hợp nhất là trong năm 2022 khi chúng ta tập trung phục hồi và phát triển kinh tế sau thời gian chịu ảnh hưởng rất nặng nề của dịch COVID-19, trong bối cảnh người dân và các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vận tải, xuất nhập khẩu đang hết sức khó khăn với các khoản đóng thuế, phí và lệ phí.

Đồng tình cao với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, tại điểm cầu Hải Phòng, đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng, việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng là phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. “Các cơ chế chính sách được đề xuất trên cơ sở quan điểm Hải Phòng phát triển không chỉ cho riêng mình mà cao hơn là vì sự phát triển chung của cả nước, tạo động lực phát triển của vùng Bắc Bộ,…”, đại biểu Lã Thanh Tân nhấn mạnh.

Thành lập khu thương mại tự do- cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng

Đối với vấn đề thành lập khu thương mại tự do, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, đây là mô hình mới hoàn toàn của Việt Nam trong khi Luật về đơn vị hành chính kinh tế hành chính đặc biệt vẫn chưa được ban hành. Với quy mô tính chất hoạt động của khu thương mại tự do không chỉ là chính sách kinh tế đặc thù riêng mà dự kiến thiết kế chính sách pháp luật mới liên quan đến mọi mặt từ tổ chức chính quyền, dân sinh, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng;... Vì vậy, cần chuẩn bị, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để Bộ Chính trị xem xét chấp thuận về chủ trương làm cơ sở đề xuất thí điểm.

Về vấn đề này, từ điểm cầu Nhà Quốc hội, đại biểu Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh, đây là mô hình mới chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Do đó, cần có sự nghiên cứu hết sức tổng thể về mô hình quản lý cơ chế chính sách đặc thù áp dụng cho khu thương mại tự do không chỉ riêng cho thành phố Hải Phòng mà còn có thể nghiên cứu áp dụng ở các địa phương khác trên cơ sở báo cáo Bộ Chính trị xem xét theo thẩm quyền.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Tại điểm cầu Hải Phòng, đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng, việc Tp. Hải Phòng đề xuất phát triển khu thương mại tự do là đề xuất đột phá, chưa từng có tiền lệ thể hiện tinh thần quyết tâm của Chính phủ và Tp. Hải Phòng. Theo đại biểu, hiện nay khái niệm khu thương mại tự do chưa được đề cập đến trong các văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, để thực hiện trước hết cần xác định khái niệm khu thương mại tự do? Cơ quan có thẩm quyền thành lập? phạm vi , ranh giới; nguyên tắc xây dựng cơ chế áp dụng cho khu thương mại tự do;… làm cơ sở cho Tp Hải phòng và các cơ quan liên quan, tổ chức khác nghiên cứu đề xuất cụ thể báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là một vấn đề mới, mới dừng ở mức ý tưởng, chưa có đề án, chưa có chủ trương. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ phối hợp với Tp. Hải Phòng để nghiên cứu Đề án báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về chủ trương rồi sau đó sẽ trình cho Quốc hội vào thời điểm thích hợp./.

Lê Anh - Minh Thành

Các bài viết khác