VIỆT NAM MONG SẼ CÓ CÁC KINH NGHIỆM TỐT ĐƯỢC CHIA SẺ VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19

23/09/2021

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 8 Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam về Khu vực Tam giác phát triển, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà mong rằng, Hội nghị sẽ có các bài học hay, kinh nghiệm tốt về công tác phòng, chống dịch bệnh gắn với bảo đảm sản xuất, kinh doanh của mỗi địa phương, của mỗi ngành ở cả ba nước được chia sẻ.

 

Thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại của Quốc hội năm 2021, được sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội, ngày 23/9, Đoàn Đại biểu Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam do Đồng chí Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị lần thứ 8 Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) về Khu vực Tam giác phát triển. Hội nghị do Quốc hội Campuchia đăng cai tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà nhấn mạnh: Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực năm 2021 chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, Việt Nam đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nước chủ nhà Campuchia tổ chức Hội nghị này theo hình thức trực tuyến lần đầu tiên sau 7 lần Hội nghị tổ chức trực tiếp. Đoàn Việt Nam nhất trí với chủ đề của Hội nghị CLV 8 lần này: “Tăng cường quan hệ đối tác nghị viện vì phát triển bền vững và ứng phó với khủng hoảng COVID-19 ở Khu vực Tam giác phát triển CLV”. Nội hàm của chủ đề vừa đòi hỏi sự nỗ lực của các nước trong tổ chức triển khai thực hiện các cam kết nhằm phát triển toàn diện kinh tế - xã hội trong Khu vực Tam giác phát triển một cách bền vững, đồng thời đề ra các giải pháp ứng phó có hiệu quả với tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay; góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đoàn kết giữa ba nước ngày càng phát triển.


Toàn cảnh Hội nghị lần thứ 8 Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Campuchia - Lào - Việt Nam về khu vực Tam giác phát triển. 

Từ sáng kiến thành lập Khu vực Tam giác phát triển CLV năm 1999, sau hơn hai mươi năm, các cơ chế hợp tác cùng các văn kiện đã ký kết đã đem lại lợi ích kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, từng bước nâng cao đời sống nhân dân tại 13 tỉnh của ba nước trong khu vực. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, việc triển khai các hợp tác trong Khu vực Tam giác phát triển CLV còn chưa đạt được như kỳ vọng, cần có bước đột phá, có điểm nhấn để đáp ứng yêu cầu chuyển biến căn bản về mọi mặt của các địa phương trong Khu vực Tam giác phát triển CLV trong giai đoạn mới. Do vậy, tại Hội nghị lần này, ba nước cần đánh giá toàn diện kết quả hợp tác của Chính phủ 3 nước trong thực hiện các Thỏa thuận hợp tác, ghi nhận những thành quả đạt được để phát huy và nhận diện những hạn chế để có giải pháp khắc phục phù hợp, khả thi.

Trong bối cảnh các thách thức an ninh phi truyền thống như: hạn hạn, thiếu hụt nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, đặc biệt đại dịch COVID-19 với biến chủng mới đang diễn ra nghiêm trọng, thì những nỗ lực của ba nước lại lớn hơn bao giờ hết, thực hiện mục tiêu kép: một mặt, giữ vững thành quả, phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được, duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, mặt khác thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng cho mỗi người dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà mong rằng, Hội nghị sẽ có các bài học hay, kinh nghiệm tốt về công tác phòng, chống dịch bệnh gắn với bảo đảm sản xuất, kinh doanh của mỗi địa phương, của mỗi ngành ở cả ba nước được chia sẻ, là tham khảo tốt cho mỗi nước; đồng thời là gợi ý cho hành động chung của cả ba nước cho Khu vực Tam giác phát triển trong thời gian tới.

Thông tin một số nét về tình hình Việt Nam gần đây, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết, Việt Nam đã tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thành công rất tốt đẹp với việc bầu được 499 đại biểu Quốc hội. Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (tháng 7/2021) đã kiện toàn nhân sự lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, trong đó có Quốc hội, Chính phủ và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong 5 năm tới. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 5,64%. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 7,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt trên 9,2 tỷ USD, tăng 6,8%. Thương mại điện tử phát triển mạnh, trở thành kênh phân phối quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh.


Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà phát biểu tại Hội nghị.

Hiện nay, Việt Nam đang phải ứng phó trước đợt dịch lần thứ tư với biến chủng Delta bùng phát mạnh, lây lan nhanh, diễn biến khó lường ở nhiều tỉnh, thành phố, nhất là khu vực phía Nam. Thực hiện chiến lược vắc-xin, Việt Nam đang tìm kiếm, mở rộng nguồn cung vắc-xin, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Tính đến nay, Việt Nam đã tiêm được khoảng 35 triệu liều vắc-xin và đang tích cực trao đổi với các đối tác về chuyển nhượng, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin; đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm và đưa vào sản xuất, sử dụng vắc-xin do Việt Nam tự nghiên cứu.

Đồng hành cùng Chính phủ, Quốc hội Việt Nam đã ban hành quyết sách quy định các biện pháp đặc thù, đặc cách và đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành để thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch Covid-19, đặt tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Bước đầu trong triển khai nhiệm vụ này, Chính phủ Việt Nam đang có những giải pháp phù hợp bảo đảm sức khỏe người dân, ngăn chặn dịch bùng phát ở một số địa phương, dần nới giãn cách để một số hoạt động phục vụ sản xuất đi vào hoạt động.

Trước diễn biến phức tạp hiện nay của đại dịch COVID-19, Việt Nam kêu gọi tinh thần đoàn kết, trách nhiệm chung của Khu vực Tam giác phát triển CLV trong hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là việc ứng dụng khoa học, công nghệ để kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19 qua biên giới; đề nghị tăng cường hợp tác giữa ba nước và với các đối tác trong nghiên cứu, phát triển và chia sẻ công bằng vắc-xin, thuốc và trang thiết bị phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, Quốc hội mỗi nước trao quyền nhiều hơn cho Chính phủ mình để chủ động, linh hoạt ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, giảm thiểu các thiệt hại và mau chóng phục hồi kinh tế, xã hội sau đại dịch COVID-19 (như Quốc hội Việt Nam, khóa XV, đã thực hiện trong kỳ họp đầu tiên vào tháng 7 vừa qua).      


Đoàn Đại biểu Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam do Đồng chí Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho rằng, đến nay đã qua 7 kỳ tổ chức, Hội nghị Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước CLV với sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, thành viên Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, đại diện các Bộ, ngành và địa phương ba nước Khu vực Tam giác phát triển CLV đã không ngừng phát triển, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa ba nước. Những thành tựu của Hội nghị qua các kỳ tổ chức đã hỗ trợ hiệu quả cơ chế hợp tác và các thỏa thuận hợp tác đã ký kết giữa ba nước trong Khu vực Tam giác phát triển CLV, đặc biệt là Hội nghị cấp cao Khu vực Tam giác phát triển CLV.

Ca dao Việt Nam chúng tôi có câu: “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, Lào và Campuchia cũng có ca dao hàm ý tương tự “Đoàn kết bền chặt Lào-Việt Nam-Campuchia bền vững như kiềng ba chân”, hy vọng với quyết tâm đoàn kết, xây dựng, ba nước sẽ làm hết sức mình để xây dựng tình cảm truyền thống giữa ba dân tộc.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cũng bày tỏ tin tưởng, với sự chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo của ba Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ba Ủy ban Điều phối chung của ba nước và sự hiện diện đầy đủ của các quý vị đại biểu, chắc chắn Hội nghị sẽ thành công tốt đẹp./.

Bích Lan

Các bài viết khác