YÊU CẦU CÁC ĐƠN VỊ ĐƯỢC KIỂM TOÁN ĐÃ CHỈ RA CÁC SAI PHẠM VỀ XỬ LÝ TÀI CHÍNH PHẢI CÓ GIẢI TRÌNH

15/04/2021

Đóng góp ý kiến vào Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán Nhà nước, nhiều đại biểu Quốc hội nêu quan điểm là các đơn vị được kiểm toán đã bị chỉ ra các sai phạm về xử lý tài chính phải có sự giải trình rõ ràng và phải thực hiện nghiêm các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.

Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán Nhà nước. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội là cơ quan kiểm toán phải yêu cầu các đơn vị được kiểm toán đã bị chỉ ra các sai phạm về xử lý tài chính phải có sự giải trình rõ ràng và phải thực hiện nghiêm các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.


Đại biểu Hoàng Văn Cường- Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội bày tỏ quan điểm.

Đại biểu Hoàng Văn Cường- Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội, chỉ ra rằng, có một tình trạng hiện nay là nhiều khi cơ quan kiểm toán rất khó khăn trong việc tiếp cận tài liệu của đơn vị bị kiểm toán. Nhiều cơ quan bị kiểm toán cố tình kéo dài thời gian kiểm toán khiến cơ quan kiểm toán chưa có đủ tài liệu, chứng cứ để xem xét sai phạm.

Nhằm hạn chế bất cập trên, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm: Nếu các cơ quan kiểm toán áp dụng dữ liệu điện tử thì việc cố tình kéo dài thời gian kiểm toán của các cơ quan, đơn vị sẽ không còn xảy ra nữa. Việc áp dụng dữ liệu điện tử sẽ tạo ra được các thông tin thực sự khách quan, không phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của người cung cấp, cũng như cá nhân cán bộ kiểm toán. Để thực hiện việc này, Kiểm toán nhà nước phải đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số quốc gia. Ngoài ra, phải tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong kiểm toán. Trong Luật Kiểm toán cũng đã cho phép kiểm toán được quyền truy cập, khai thác các dữ liệu điện tử. Do vậy, cơ quan kiểm toán cần phải tích cực triển khai việc làm này, nhằm giảm tốn kém về chi phí, đồng thời tiết kiệm thời gian khi thực hiện nhiệm vụ.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Nông, đề nghị các đơn vị được kiểm toán đã bị chỉ ra các sai phạm về xử lý tài chính mà không thực hiện cũng phải có giải trình rõ ràng về việc tại sao không thực hiện các kiến nghị kiểm toán và phải thực hiện nghiêm các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước. Đây là quy định bắt buộc đã được đưa vào trong luật để ban hành nhưng có đơn vị không thực hiện thì có nghĩa là kỷ cương chấp hành của các cơ quan có vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng trong nhiệm kỳ tới, báo cáo hằng năm của kiểm toán cần phải nêu rõ hơn về những ý kiến nghị đối với từng đơn vị cụ thể để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo với Quốc hội, để có các giải pháp để thực hiện đúng quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.


Đại biểu Quách Thế Tản – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đóng góp ý kiến.

Còn đại biểu Quách Thế Tản – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan của địa phương thực hiện nghiêm các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước. Đồng thời xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân sai phạm trong vấn đề quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; tức là nhằm siết chặt kỷ cương, sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước.

Bên cạnh việc thực hiện kế hoạch kiểm toán hằng năm đã được phê duyệt thì theo phân công, theo yêu cầu của Quốc hội, cũng như theo đề nghị của Chính phủ và các Bộ, ngành cũng như các địa phương thì Kiểm toán nhà nước cũng đã thực hiện một số kiểm toán chuyên đề. Ví dụ như các chuyên đề, các dự án BT, BOT, hay hiệu quả sử dụng vốn của các dự án ODA, vấn đề quản lý, sử dụng đất đai sau cổ phần hóa các doanh nghiệp...

Đại biểu Quách Thế Tản mon muốn trong thời gian tới, Kiểm toán nhà nước tiếp tục quản lý tốt hơn vấn đề sử dụng, quản lý đất đai. Đây là một tài nguyên rất lớn của đất nước nhưng vẫn còn có nhiều thiếu sót, vi phạm. Vì vậy, đề nghị Kiểm toán nhà nước phát huy thành tích đã đạt được trong việc quản lý, sử dụng đất đai; đồng thời đưa ra các giải pháp hữu hiệu hơn trong thời gian tới.


Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu kết luận tại phiên thảo luận.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, về cơ bản các đại biểu Quốc hội thống nhất với nhiều nội dung các báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2021; nhất trí những tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ qua cũng như phương hướng trong nhiệm kỳ tới của Kiểm toán Nhà nước. Những kết quả đạt được của Kiểm toán Nhà nước đã góp phần quản lý tài chính, tài sản công một cách hiệu quả cũng như đóng góp tích cực vào công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, cùng với những kết quả đạt được, Kiểm toán Nhà nước cũng cần phải khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua đã được nêu trong các báo cáo và ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu, cùng với đó là cần xây dựng các giải pháp nhằm tiếp tục phát triển Kiểm toán Nhà nước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới./.

Bích Lan