PHÁT BIỂU ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Trình Quốc hội dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, sau hơn 10 năm thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012, bên cạnh kết quả đạt được, luật đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Một số quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 còn có sự giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực cần phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất.
Bên cạnh đó, việc chưa tách bạch rõ trách nhiệm trong quản lý nguồn nước với trách nhiệm quản lý công trình khai thác, sử dụng nước cũng như các hoạt động liên quan đến nước cũng là hạn chế của Luật, cùng với một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Tài nguyên nước. Điều này dẫn đến việc trên thực tế còn chồng chéo về nhiệm vụ và bất cập trong phối hợp triển khai giữa các Bộ, ngành, địa phương. Thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước trong bối cảnh tài nguyên nước của nước ta đang phải chịu nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh
Cùng với đó, hiện nay chưa có cơ chế, chính sách minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi, hấp dẫn khuyến khích các nguồn lực xã hội của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia thực hiện các hoạt động thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương như hoạt động quan trắc tài nguyên nước; phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm;...cũng như đầu tư vào ngành nước nhằm nâng cao hiệu quả trong khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển nguồn nước.
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước là cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, nâng cao hiệu lực quản lý tài nguyên quan trọng này đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội đất nước.
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí với các nội dung về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra như dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị thể hiện rõ ràng hơn các nguyên tắc quản lý cho từng hoạt động cụ thể (từ quản lý tài nguyên; quản lý hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; hoạt động bảo vệ tài nguyên nước; hoạt động hạn chế tác hại do nước gây ra...) và tối ưu hóa trong khai thác, sử dụng nước. Đồng thời, đề nghị bổ sung các nguồn nước mưa, nước biển tại khoản 1 để thể hiện tính toàn diện, tổng hợp trong quản lý tài nguyên nước; bổ sung nội dung “gắn với khả năng nguồn nước, năng lực công trình khai thác, điều tiết nước” tại khoản 5 về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; bổ sung một khoản quy định nguyên tắc trong hoạt động tích trữ, điều hòa, phân phối nước để thể hiện rõ hơn tính chủ động trong thể chế hóa chính sách về bảo đảm an ninh nguồn nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
Ngoài ra, Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, dự thảo Luật xác định nguyên tắc quản lý tài nguyên nước xuyên suốt là quản lý theo lưu vực sông và có quy định về Tổ chức lưu vực sông (khoản 2 Điều 22, điểm a khoản 7 Điều 44, khoản 3 Điều 74, và điểm a khoản 2 Điều 78) trên cơ sở kế thừa Luật Tài nguyên nước năm 2012 (Điều 6, 21, 24, 58, 70, và 72), nhưng vẫn chưa cụ thể. Theo kinh nghiệm của một số quốc gia quản lý hiệu quả tài nguyên nước như: Úc, Pháp, Hàn Quốc… thì Tổ chức lưu vực sông đóng vai trò quan trọng, là tổ chức chuyên ngành theo dõi quản lý toàn diện diễn biến tự nhiên của lưu vực sông; thực hiện các hoạt động về điều tra, lập quy hoạch tài nguyên nước; quản trị nguồn nước; điều phối lợi ích chung giữa khai thác, sử dụng nước và bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái; kiến nghị các vấn đề về khai thác, sử dụng nước, bảo vệ môi trường trên toàn bộ lưu vực sông.
Quan tâm đến dự án luật này, PGS.TS Trần Thị Việt Nga, Trưởng Khoa Kỹ thuật Môi trường, Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng trước mắt là cần bảo vệ tài nguyên nước, nguồn nước, đặc biệt các nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt để đảm bảo an ninh nguồn nước
Theo PGS.TS Trần Thị Việt Nga, công tác bảo vệ tài nguyên nước bao gồm: Xác định yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước đối với các hoạt động khai thác, sử dụng nước và các hệ sinh thái thủy sinh; Xác định các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt; đánh giá diễn biến chất lượng nước, phân vùng chất lượng nước; Xác định các công trình, biện pháp phi công trình bảo vệ nguồn nước, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm hoặc bị suy thoái, cạn kiệt để bảo đảm chức năng của nguồn nước; và xây dựng hệ thống giám sát chất lượng nước, giám sát xả nước thải vào nguồn nước.
Đặc biệt, nguồn nước mặt dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt được quy định là phân vùng bảo vệ môi trường nghiêm ngặt (theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020). Vì vậy, hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, khoảng cách an toàn về môi trường đối với nguồn nước sinh hoạt cần được quy định đảm bảo việc bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định này. Trong thực tế, rất nhiều đối tượng cần có khoảng cách an toàn về môi trường đối với nguồn nước sinh hoạt liên quan đến việc có thể phát thải các chất phóng xạ, chất độc hại đối với người, sinh vật, truyền nhiễm dịch bệnh hoặc gây ô nhiễm nguồn nước: Cở sở sản xuất, kho chứa hóa chất; kho chứa, đường ống xăng dầu; nghĩa trang, trang trại chăn nuôi, bãi rác thải, chất thải, bệnh viện, v.v. Hơn nữa, PGS.TS Trần Thị Việt Nga cho rằng cần bổ sung thêm trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức thực hiện quản lý về khoảng cách an toàn về môi trường đối với nguồn nước sinh hoạt.
PGS.TS Trần Thị Việt Nga, Trưởng Khoa Kỹ thuật Môi trường, Đại học Xây dựng Hà Nội
Về đầu tư hạ tầng kỹ thuật phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, PGS.TS Trần Thị Việt Nga cho rằng cần tập trung đầu tư xử lý nước thải và chính sách giảm thiểu ô nhiễm đóng vai trò then chốt cho việc quản lý chất lượng nguồn nước. Sự tăng trưởng dân số và phát triển kinh tế đô thị làm tăng mạnh nhu cầu nước sử dụng, nguồn nước sạch vì vậy trở nên một hàng hóa có giá trị. Sự dụng hiệu quả nước thải sau xử lý sẽ hỗ trợ công tác cấp nước bền vững ở các đô thị. Đặc biệt ở những khu vực khan hiếm nguồn nước và phải sử dụng nguồn cách xa đô thị, dẫn đến chi phí xây dựng hệ thống và chi phí bơm tăng cao. Do đó, nếu áp dụng các công nghệ nước phù hợp có thể xử lý nước đủ sạch để có thể sử dụng cho một số mục đích nào đó sẽ có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế và bảo vệ môi trường.
Tái sử dụng nước thải sau xử lý là một khái niệm còn khá mới tại Việt Nam, dù với nhiều nước khác thì việc tái sử dụng này đã được áp dụng phổ biến cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau: bao gồm Nông nghiệp, Công nghiệp, Đô thị, Tái sử dụng nước thải sau xử lý để bổ sung nguồn nước ngầm, và Tái sử dụng nước thải sau xử lý cho mục đích tạo cảnh quan, tái tạo hệ sinh thái tự nhiên. PGS.TS Trần Thị Việt Nga nêu rõ, nghiên cứu của WB đã xác định xử lý và tái sử dụng nước thải là một lĩnh vực ưu tiên đầu, và lĩnh vực này có thể hấp dẫn nếu như tạo ra nguồn thu. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc tái sử dụng nước thải đô thị có khả năng làm giảm áp lực về tài nguyên nước của TP. HCM về mức “căng thẳng thấp” vào năm 2030. Đây là việc có giá trị, nhưng vấn đề đặt ra làm thế nào để hiện thực hóa và cần sửa đổi quy định như thế nào. PGS.TS Trần Thị Việt Nga cho rằng trong xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), cần rà soát, nghiên cứu kỹ để bảo vệ tài nguyên nước nguồn nước, đặc biệt các nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt để đảm bảo an ninh nguồn nước, đầu tư hạ tầng kỹ thuật phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.