DỰ ÁN LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI): TIẾP TỤC THAM VẤN Ý KIẾN ĐỂ HOÀN THIỆN, BẢO ĐẢM TINH THẦN “LẤY NGƯỜI BỆNH LÀM TRUNG TÂM”

21/12/2022

Quốc hội đã quyết định không thông qua Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV để có thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho Dự án Luật này. Ngay sau Kỳ họp, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã tích cực tham vấn ý kiến để hoàn thiện, bảo đảm tinh thần “lấy người bệnh làm trung tâm”.

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI: THẢO LUẬN, TIẾP THU ĐẦY ĐỦ Ý KIẾN CỦA ĐBQH TẠI KỲ HỌP THỨ 4 VỀ DỰ ÁN LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) - Dự án Luật trọng tâm của ngành y tế

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận lần đầu về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội cũng đã tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này tại hội trường vào sáng 24/10.

Tại các phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến sâu sắc, chi tiết, xác đáng về hầu hết các điều khoản của dự thảo Luật. Trong đó, một số nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau như: về giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; trách nhiệm quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức xã hội – nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh; các hành vi bị nghiêm cấm; Hội đồng Y khoa Quốc gia; hình thức tổ chức khám bệnh, chữa bệnh; quyền và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh; trực khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa, bắt buộc chữa bệnh; về cấp chuyên môn kỹ thuật.

Các đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho ý kiến về nguồn tài chính cho khám bệnh, chữa bệnh; xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; chi phí khám bệnh, chữa bệnh và giá khám bệnh, chữa bệnh; hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và thiết bị y tế; huy động, điều động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A …

Đặc biệt, một số đại biểu nhấn mạnh, nên quy định cơ chế xác định giá dịch vụ y tế đối với cơ sở khám, chữa bệnh tự chủ có sự khác biệt so với các đơn vị chưa tự chủ, trên nguyên tắc giá dịch vụ y tế khám, chữa bệnh phải đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật. Cơ chế tính đúng, tính đủ đối với các cơ sở khám, chữa bệnh chưa tự chủ phải dựa vào định mức kinh tế kỹ thuật và nằm trong khung giá dịch vụ y tế do Nhà nước ban hành. Đối với bệnh viện tự chủ phải được tự quyết định giá dịch vụ y tế trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật do đơn vị tự xây dựng và công khai cho tất cả khách hàng cũng như người lao động trong bệnh viện cùng tham gia giám sát. Định mức kinh tế kỹ thuật khám, chữa bệnh của từng bệnh viện phải đảm bảo mọi bệnh nhân đều được tiếp cận bình đẳng như nhau trong tiếp cận phác đồ điều trị cũng như đội ngũ y, bác sĩ. Mức giá dịch vụ khám chữa bệnh chỉ khác nhau dành cho các đối tượng có sự lựa chọn khác nhau về điều kiện phục vụ đi kèm cũng như khác nhau về việc lựa chọn các thuốc, thiết bị y tế có nguồn gốc xuất xứ khác nhau.

Lùi thời gian thông qua, đảm bảo chất lượng và tính ổn định, dài hạn của Luật

Theo Chương trình được thông qua từ đầu Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào chiều ngày 14/11. Tuy nhiên, trên cơ sở phát biểu của đại biểu Quốc hội trên hội trường về dự thảo Luật cũng như báo cáo của Chính phủ, của Thường trực Ủy ban Xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và đề nghị Quốc hội cho phép chưa thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 4 để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Cụ thể, ngày 05/11, trên cơ sở kết quả biểu quyết của đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã nhất trí rút nội dung thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Được đánh giá là một dự luật quan trọng, định hướng hoạt động quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị cân nhắc xem xét thông qua Dự án luật trong 3 kỳ họp sẽ thuận lợi hơn cho cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, vì còn nhiều vấn đề trong dự thảo luật chưa được làm rõ, nhất là liên quan đến mặt chính sách.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Tại phiên thảo luận ở Kỳ họp thứ 4, nhiều đai biểu Quốc hội có chia sẻ, tinh thần của cơ quan thẩm tra không ngại khó, ngại khổ, đã làm việc ngày đêm về dự án luật này, nhưng nhiều vấn đề lại phụ thuộc vào phía cơ quan cơ quan soạn thảo. Trong suốt quá trình thảo luận dự án Luật này và ngay tại Kỳ họp này vẫn còn có ý kiến khác nhau về những nội dung lớn. Đặc biệt, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn việc dự thảo Luật chưa xử lý thỏa đáng mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cũng như cơ chế tự chủ tài chính của bệnh viện công…

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đánh giá, Dự án Luật đang giao quá nhiều vấn đề lớn nhưng chưa rõ ràng cho Chính phủ quy định chi tiết như: hệ thống cơ sở y tế; xã hội hóa; chi phí giá khám bệnh, chữa bệnh; cơ chế tài chính y tế; Hội đồng Y khoa Quốc gia; công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh; thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu cũng đề nghị xem xét kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng và tính ổn định, dài hạn của Luật này khi được Quốc hội thông qua; không chạy theo tiến độ mà quyết định lùi thời gian thông qua Luật để đảm bảo chất lượng, không để khi luật được thông qua lại phát sinh bất cập.

Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tích cực tham vấn ý kiến hoàn thiện Luật

Ngay sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã khẩn trương phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc tiếp thu nhiều ý kiến góp ý; tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến đối với nhiều vấn đề chính sách và chuyên môn, đảm bảo hoàn thiện Luật với chất lương cao nhất.

Chỉ đạo sát sao nội dung này, ngày 09/12, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự và phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc của Thường trực Ủy ban Xã hội với Bộ Y tế về tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng và đã thống nhất với Chính phủ quyết định chưa xem xét, thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để có thêm thời gian hoàn thiện, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thiết thực cả trước mắt và lâu dài của ngành y tế, nhưng vẫn bảo đảm thời gian có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Thường trực Ủy ban Xã hội và Bộ Y tế thảo luận, thống nhất việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đối với những vấn đề phù hợp mà đại biểu Quốc hội đã nêu.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị tham vấn ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được tổ chức tại Phú Thọ ngày 6/12, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3 và Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 4. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, còn nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau cần được tiếp tục hoàn thiện. Tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội quyết định chưa thông qua để có thêm thời gian hoàn thiện dự án Luật một cách kỹ lưỡng và toàn diện hơn. Dự kiến, dự án Luật sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 vào tháng 1/2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, đây là dự thảo Luật tương đối khó, phức tạp, có nhiều vấn đề lớn, quan trọng, có chuyên môn sâu của ngành y tế, nhưng lại có liên quan đến các ngành khác nhau. Đặc biệt, những nội dung thay đổi trong dự án Luật sẽ có tác động trực tiếp đến hàng trăm nghìn cán bộ y tế, trên chục nghìn cơ sở khám chữa bệnh và đến hàng triệu người dân khi khám chữa bệnh.

Chủ nhiệm Uỷ ban Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, ngay sau Kỳ họp thứ 4, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Xã hội đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu và đang trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Cũng vừa mới đây, ngày 30/11, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) khu vực phía Nam. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, thông qua hội thảo góp ý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh này, cơ quan soạn thảo sẽ hoàn thiện được dự thảo Luật với đầy đủ nhất các nội dung quan trọng, với phương châm tăng cường quản lý để lĩnh vực khám chữa bệnh ngày càng phát triển đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.
Tại hội nghị, đại diện Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ, các bệnh viện thuộc Sở, các bệnh viện tư nhân đã đóng góp ý kiến về các nội dung liên quan đến quyền của người bệnh gắn với nghĩa vụ của người hành nghề và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Quyền của người hành nghề gắn với nghĩa vụ của người bệnh, thân nhân người bệnh và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Quyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gắn với nghĩa vụ của người hành nghề, người bệnh và thân nhân của người bệnh; Trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm các quyền, nghĩa vụ và của người bệnh, người hành nghề; quyền và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Hồ Hương

Các bài viết khác