PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI, THƯỢNG TƯỚNG TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỦ TRÌ CUỘC LÀM VIỆC CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT VỚI TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO VỀ CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

07/04/2022

Ngày 07/4, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn đã làm việc với Tòa án nhân dân tối cao về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”.

 

Toàn cảnh cuộc làm việc

Dự cuộc làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm; Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình – Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát; các thành viên Đoàn giám sát; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện một số Đoàn ĐBQH, các chuyên gia cùng đại diện một số bộ, ban, ngành hữu quan.

Phát biểu khai mạc cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, thực hiện Nghị quyết và Kế hoạch giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021" của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn triển khai giám sát trực tiếp với Tòa án nhân dân tối cao để có bức tranh tổng thể về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, nên chuyên đề giám sát này nhận được sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong triển khai thực hiện các nội dung giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương 

Nhấn mạnh Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, cơ quan bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ Xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn cuộc làm việc sẽ giúp Đoàn giám sát hiểu sâu hơn về tình hình khiếu nại, tố cáo nói chung, tình hình khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp nói riêng, làm rõ những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các luật liên quan. Qua đó, Đoàn giám sát sẽ có được cái nhìn tổng quan, nhận định chính xác kết quả Tòa án nhân dân tối cao đã làm được, rút ra những cách làm hay, sáng tạo, tìm hiểu những hạn chế, vướng mắc, những nguyên nhân khách quan, chủ quan, làm cơ sở để hoàn thiện hệ thống pháp luật, đôn đốc việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ việc triển khai, quán triệt, cụ thể hóa các văn bản của Đảng, Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong lĩnh vực ngành; làm rõ công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao trong thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật khiếu nại, Luật Tố cáo. Đồng thời, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao đánh giá, nêu rõ những tồn tại, hạn chế, bất cập, nguyên nhân khách quan, chủ quan ở tầm vĩ mô quản lý nhà nước; phân tích rõ những tồn tại hạn chế trong giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, những vướng mắc về pháp luật trong tổ chức, thực hiện, đưa ra những đề xuất, giải pháp cụ thể trong vấn đề này;  thống kê đầy đủ, rõ ràng chi tiết về những kiến nghị liên quan đến việc hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.

Trình bày Báo cáo kết quả đánh giá bước đầu đối với báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, Tòa án nhân dân tối cao đã tích cực triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền các văn bản của Đảng, quy định của Nhà nước về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; ban hành một số văn bản hướng dẫn trong toàn hệ thống Tòa án nhân dân khi thực hiện công tác này cũng như phối hợp tốt với các cơ quan có liên quan, bảo đảm hoạt động tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong hoạt động này và tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà, Tổ trưởng Tổ công tác trình bày báo cáo

Báo cáo cũng đã chỉ rõ tồn tại, hạn chế của công tác này, đó là việc ban hành một số văn bản chưa kịp thời, nhất là các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, tuy nhiên, Tòa án nhân dân tối cao cần đánh giá thêm nguyên nhân chủ quan dẫn đến những tồn tại, hạn chế nêu trên để báo cáo đầy đủ, tính toàn diện hơn.

Về công tác tiếp công dân, các Trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tỉnh thường xuyên đăng tải các thông tin về lịch tiếp công dân định kỳ, lịch tiếp công dân của lãnh đạo nhằm giúp công dân dễ dàng biết và thực hiện các quyền của mình. Tuy nhiên, trong Báo cáo chưa nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật Tiếp công dân; chưa có số liệu cụ thể lịch tiếp và số lần tiếp công dân của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với vai trò là người đứng đầu tổ chức đảng.

Về giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức do các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội chuyển đến đã được Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân cấp cao tích cực giải quyết. Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết đơn tố cáo chưa cao. Tổ công tác cho rằng Tòa án nhân dân tối cao cần nghiên cứu, đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Về phân tích nguyên nhân những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, báo cáo chưa chỉ rõ và cụ thể chính sách pháp luật nào (về luật nội dung hay luật tố tụng) gây khó khăn trong việc đánh giá và đề xuất, kiến nghị. Đồng thời, báo cáo cần tập trung làm rõ những nguyên nhân chủ quan xuất phát từ các Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án nhân dân các cấp để đề xuất những giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Thảo luận tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, các nội dung báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao đã bám sát đề cương, phụ lục, bảng biểu theo yêu cầu của Đoàn giám sát, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, kiến nghị, đề xuất các giải pháp cụ thể về hoàn thiện pháp luật, tổ chức bộ máy.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại cuộc làm việc

Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao bổ sung làm rõ giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn làm phát sinh khiếu nại, tố cáo; giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật tạo thuận lợi cho người dân khởi kiện ra tòa.

Tán thành cao với những đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao trong việc sửa đổi pháp luật liên quan đến việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Nguyên Phó trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương cùng một số đại biểu đề nghị Tòa án nhân dân tối cao đưa ra kiến nghị cụ thể hơn nữa về điều, khoản sửa đổi, hướng sửa đổi luật để tạo điều kiện nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Cùng với đó, đại biểu Bùi Văn Xuyền và một số đại biểu cho rằng Tòa án nhân dân tối cao cần làm rõ các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với công tác tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng Tòa án nhân dân tối cao cần làm rõ giải pháp cụ thể để bảo vệ người tố cáo theo Luật Tố cáo và giải pháp khắc phục tình trạng tỷ lệ giải quyết đơn tố cáo chưa cao, đồng thời cần có giải pháp khắc phục những nguyên nhân chủ quan trong việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng trướng Trần Quang Phương phát biểu kết luận

Kết luận nội dung cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng trướng Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận tinh thần làm việc tích cực, có trách nhiệm của Tổ công tác, đánh giá cao những ý kiến tâm huyết và thẳng thắn của các đại biểu tại cuộc làm việc. Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao đã được chuẩn bị tương đối đầy đủ, công phu, bám sát đề cương, phản ánh toàn diện, có trọng tâm trọng điểm, đồng thời đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu tại cuộc làm việc, tiếp tục hoàn thiện báo cáo theo hướng đánh giá kỹ hơn về hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp nhận xử lý đơn thư, đối thoại với công dân, bổ sung giải pháp cụ thể để tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế trong giám đốc thẩm, tái thẩm, giải quyết dứt điểm những vấn đề phức tạp, tồn đọng, kéo dài được dư luận quan tâm.

Cho rằng cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, các yếu tố phát sinh khiếu nại, tố cáo ngày càng lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo gắn liền với nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua các ý kiến tại cuộc làm việc, Đoàn giám sát đã có thêm luận cứ để đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ, chính xác về việc thực hiện pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, từ đó hoàn thiện báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo kết quả chuyên đề giám sát này với Quốc hội vào Kỳ họp thứ 4.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền đề nghị Tòa án nhân dân tối cao làm rõ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật

Nguyên Phó trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương đề nghị Tòa án nhân dân tối cao đưa ra kiến nghị cụ thể hơn về việc sửa đổi các quy định của pháp luật

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng Tòa án cần có bộ phận chuyên trách giải quyết khiếu nại tố cáo để đảm bảo hoàn thành công việc đúng thời hạn quy định

Các đại biểu cũng cho rằng Tòa án nhân dân tối cao cần làm rõ giải pháp cụ thể để bảo vệ người tố cáo theo Luật Tố cáo

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình làm rõ một số nội dung các đại biểu quan tâm./.

Minh Hùng - Phạm Thắng