CẦN TỔNG KẾT, ĐÁNH GIÁ ĐẦY ĐỦ, THỰC CHẤT VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA NHÂN DÂN

29/03/2022

Cho ý kiến về Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu tán thành việc chuyển các quy định về Thanh tra nhân dân từ Luật Thanh tra sang quy định trong Luật này. Đề nghị Chính phủ đánh giá, tổng kết đầy đủ việc thực hiện chế định Thanh tra nhân dân theo Luật Thanh tra hiện hành

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình

Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hiện nay hoạt động của các thành viên Ban Thanh tra nhân dân chưa thực sự hiệu quả, các thành viên trong Ban Thanh tra nhân dân đều hoạt động kiêm nhiệm nên khó giữ được tính độc lập, khách quan trong việc giám sát, kiểm tra hoạt động điều hành, quản lý của cơ quan, đơn vị; kinh phí hỗ trợ và điều kiện hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định Thanh tra nhân dân là một thiết chế bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền kiểm tra, giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của chính quyền, cơ quan, đơn vị; đồng thời thiết chế này có những điểm khác biệt căn bản về cách thức thành lập, nguyên tắc tổ chức hoạt động và thẩm quyền so với cơ quan Thanh tra nhà nước. Do vậy, Chính phủ đề nghị bổ sung chế định Thanh tra nhân dân (hiện đang điều chỉnh tại Luật Thanh tra) sang quy định tại dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tại dự thảo Luật, quy định theo hướng khái quát về chức năng, nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân và giao Chính phủ phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động của cơ quan này.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành việc quy định về Thanh tra nhân dân trong dự thảo Luật như đề nghị của Chính phủ nhưng đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá một cách đầy đủ, thực chất về việc thực hiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của Thanh tra nhân dân theo Luật Thanh tra trong thời gian qua để làm cơ sở xem xét kế thừa những quy định còn phù hợp, sửa đổi, bổ sung những nội dung cần thiết nhằm khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế (nếu có); đặc biệt là cần quan tâm chú trọng đổi mới phương thức hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập để nâng cao tính thực chất và hiệu quả hoạt động của thiết chế này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ lý giải thêm về việc Luật Thanh tra hiện hành đang có 01 chương với 03 mục và 12 điều quy định về Thanh tra nhân dân nhưng dự thảo Luật này chỉ quy định khái quát về Thanh tra nhân dân trong 04 điều và giao Chính phủ phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Như vậy, sẽ làm giảm tính chi tiết và giá trị pháp lý của các quy định về Thanh tra nhân dân so với pháp luật hiện hành (đang từ quy định của luật lại chuyển xuống quy định tại nghị định).

Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung vào Luật này quy định về một số hình thức tổ chức khác có tính chất tự quản tương tự của Nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ của người dân ở cơ sở đã được các luật khác quy định hoặc đã thực hiện có hiệu quả trên thực tế như các Ban giám sát cộng đồng, tổ hòa giải, tổ tự quản, các tổ, đội tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cộng đồng dân cư… để góp phần hỗ trợ cho chính quyền thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn.

Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Tham gia thảo luận tại Phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh thanh tra nhân dân là hình thức cụ thể, thiết chế cụ thể thực hành dân chủ ở cơ sở, đề nghị Dự thảo Luật quy định kỹ hơn về vai trò cũng như hoạt động của thanh tra nhân dân ở cơ sở, nhất là ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, để đảm bảo tính pháp lý trong phạm vi thực hành dân chủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới cho rằng nên cơ cấu thành một chương rõ nét về nội dung thanh tra nhân dân. Theo đó, luật này cần được bố cục theo ngành xẻ dọc, không bố cục theo phạm vi điều chỉnh, để đảm bảo bám sát nội dung mục đích cốt lõi là dân biết, dân bàn, dân giám sát, dân kiểm tra và dân thụ hưởng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tán thành với ý kiến bổ sung chế định Thanh tra nhân dân (hiện đang điều chỉnh tại Luật Thanh tra) sang quy định tại dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đồng thời cần bổ sung phần giải thích từ ngữ thanh tra nhân dân để đảm bảo nhất quán. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, việc tổ chức Ban thanh tra nhân dân tại mỗi loại hình cơ sở có những đặc thù khác nhau. Đối với xã, phường, thị trấn, Ban thanh tra nhân dân do Mặt trận Tổ quốc cấp xã hướng dẫn, nhưng tại cơ quan doanh nghiệp thì tổ chức này thuộc công đoàn. Công đoàn thường được Đại hội là bầu thanh tra nhân dân, nên cần phải quy định cụ thể, cần xem xét vai trò của công đoàn trong việc hướng dẫn tổ chức hoạt động của Ban thanh tra nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc chuyển các quy định về Thanh tra nhân dân từ Luật Thanh tra sang quy định trong Luật này. Đề nghị Chính phủ đánh giá, tổng kết đầy đủ việc thực hiện chế định Thanh tra nhân dân theo Luật Thanh tra hiện hành, trên cơ sở đó tiếp tục kế thừa những quy định còn phù hợp, chỉ rõ những bất cập, hạn chế để sửa đổi, bổ sung và quy định trong dự thảo Luật này. Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các luật có liên quan quy định về các hình thức kiểm tra, giám sát có tính chất tự quản tương tự của Nhân dân (như Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, Tổ hòa giải, Tổ tự quản,...) để có quy định phù hợp trong dự thảo Luật và dẫn chiếu đến các luật có liên quan./.

Hồ Hương