Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo tại buổi làm việc
Báo cáo về công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021 với Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về giáo dục là một trong những yêu cầu quan trọng trong nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Xác định việc xây dựng thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên hàng đầu, trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặc biệt trú trọng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Luật, Pháp lệnh của nhà nước về giáo dục đào tạo nói chung và chính sách phát triển giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng.
Báo cáo cụ thể về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, trong giai đoạn từ 01/01/2016 đến hết tháng 11/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và trực tiếp ban hành tổng số 234 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung, trình Chính phủ ban hành 12 Nghị định về các chính sách phát triển giáo dục đào tạo có liên quan đến công tác dân tộc.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành 06 Thông tư, 01 Quyết định theo thẩm quyền, hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm củng cố, phát triển hệ thống, quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, dự bị đại học góp phần nâng cao chất lượng nguồn đào tạo nhân lực chất lượng cao cho vùng dân tộc thiểu số. Cùng với đó đang xây dựng Thông tư Quy định về tuyển sinh, bồi dưỡng dự bị đại học; phân bổ vào học trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đối với học sinh dự bị đại học. Thông tư này quy định vùng tuyển sinh để tạo cơ hội cho học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường đại học dự bị; đồng thời quy định ngưỡng điểm phân bổ vào các ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Bên cạnh đó, từ năm 2016-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành và phối hợp với các bộ, ngành ban hành 25 Thông tư và Thông tư liên tịch có liên quan đến công tác dân tộc. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc do Bộ ban hành đã kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, có tác động tích cực đến tình hình kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước đối với công tác giáo dục và đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nội dung các văn bản quy phạm pháp luật đã có tác động tích cực đến sự ổn định phát triển của ngành giáo dục, tạo sự công bằng trong giáo dục nói chung, đáp ứng nguyện vọng của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng.
Toàn cảnh cuộc làm việc c
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành phù hợp với Hiến pháp, Luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và phù hợp với thẩm quyền của cơ quan ban hành, tuân thủ các quy định của pháp luật, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, có tác động tích cực đến tình hình kinh tế - xã hội đối với công tác giáo dục và đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Cùng với đó, chất lượng và số lượng các văn ban quy phạm pháp luật về giáo dục dân tộc của Bộ ngày càng được nâng cao, góp phần tác động tích cực đến sự ổn định phát triển của ngành giáo dục; số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã đi vào cuộc sống, giải quyết bước đầu một số bức xúc của xã hội, được nhân dân ủng hộ, đồng tình.
Tuy nhiên, việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn như: số lượng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giáo dục dân tộc cần phải sửa đổi, bổ sung còn nhiều; một số văn bản có nội dung phức tạp, đối tượng chịu tác động nhiều, cần có thời gian khảo sát, nghiên cứu và tổ chức lấy ý kiến; một số văn bản thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần phải thống nhất với cơ quan có thẩm quyền về hình thức và nội dung; một số văn bản phải chờ văn bản cấp trên ban hành để làm căn cứ pháp lý; mức hỗ trợ tại các văn bản hiện hành còn thấp, chưa phù hợp với thực tế hiện nay.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, khó khăn trên là do việc tham mưu ban hành các chính sách cho người dạy, người học ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi ,vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn có bất cập về đối tượng, định mức, thời gian hưởng, phương thức hỗ trợ; ngân sách phục vụ công tác soạn thảo, ban hành văn bản chưa tương xứng làm hạn chế khả năng nghiên cứu, phân tích chính sách và thu hút sự tham gia rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học; kinh phí cho việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định còn thấp.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội tăng cường công tác giám sát việc ban hành, thực hiện chính sách pháp luật, trong đó đặc biệt quan tâm giám sát thực hiện chính sách phát triển giáo dục, đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Đồng thời đề nghị Hội đồng Dân tộc của Quốc hội quan tâm chỉ đạo, giám sát bố trí đủ nguồn lực để các hoạt động của Dự án V (Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực) trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030./.