Khối thi đua các Bộ, ngành tổng hợp vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của khối thi đua. Tham dự Hội nghị có Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng đại diện Khối trưởng Khối thi đua các Bộ, ngành tổng hợp. Cùng tham dự Hội nghị còn có Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đại diện Khối phó Khối thi đua; đại diện Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Dân tộc và đại diện các Vụ, đơn vị thuộc 10 Bộ, ngành tổng hợp trong Khối thi đua.
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Khối thi đua các Bộ, ngành tổng hợp.
Chia sẻ về công tác thi đua của ngành Nội vụ, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, năm 2021 diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước như: Tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021–2026; kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bắt đầu một nhiệm kỳ mới. Năm 2021 cũng là năm đất nước ta chịu ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch Covid-19, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập thể Lãnh đạo Bộ và đội ngũ công chức, viên chức và người lao động toàn ngành Nội vụ đã đoàn kết, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của ngành.
Ngay từ đầu năm 2021, Bộ Nội vụ đã tập trung rà soát, đánh giá để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhiều chính sách, pháp luật nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chiến lược phát triển của Ngành. Đến nay, Bộ đã đề xuất sửa đổi, bổ sung 02 Luật, ban hành mới 01 Luật và 08 Nghị định, 03 Nghị quyết của Chính phủ; 06 Quyết định và 03 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền 05 Thông tư và 04 Văn bản hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật. Việc xây dựng thể chế, chính sách được bảo đảm đồng bộ, thống nhất và liên thông với các quy định của Đảng, khắc phục được nhiều bất cập, qua đó từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh khẳng định: Một trong những kết quả nổi bật của ngành Nội vụ năm qua là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song với trách nhiệm là cơ quan Thường trực của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương và các địa phương, tham mưu và tổ chức thành công cuộc Bầu cử Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, với tỷ lệ cử tri đi bầu cao nhất so với tất cả các kỳ bầu cử trước đây; kịp thời tập huấn nghiệp vụ cho đại biểu HĐND các cấp ngay sau khi có kết quả bầu cử.
Quyết liệt thực hiện tinh giản biên chế, giảm người lương từ ngân sách Nhà nước
Đổi mới, sắp xếp bộ máy hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập là nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra trong nhiệm kỳ 2021 - 2025. Vì vậy, ngay sau Đại hội XIII của Đảng, Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội thông qua Đề án Cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 bảo đảm mục tiêu tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực theo phương châm phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót nhiệm vụ. Tập trung tham mưu rà soát, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bên trong của cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập ở các cấp theo chỉ đạo Trung ương, Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội; đồng thời quyết liệt thực hiện tinh giản biên chế, giảm người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Kết quả là so với năm 2015, biên chế công chức đã giảm 10,01%; biên chế đơn vị sự nghiệp giảm 11,79%. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm túc Nghị định 107, 108 về việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Theo đó, đã giảm được 07 Sở, 1.440 phòng thuộc Sở, 208 Chi cục thuộc Sở, 451 Phòng thuộc UBND cấp Huyện. Những địa phương đi đầu trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong ở cấp tỉnh, cấp huyện là: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bình Phước, Ninh Thuận, Cà Mau, Lạng Sơn, Long An, Kiên Giang, An Giang, Gia Lai.
Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, công tác quản lý biên chế đã có nhiều đổi mới theo hướng xác định rõ vị trí việc làm và chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Công tác tham mưu cho Chính phủ về giao biên chế công chức và thẩm định biên chế viên chức được thực hiện một cách khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và các Nghị định của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã kịp thời hướng dẫn triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Tp Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh và Tp Đà Nẵng. Đồng thời khẩn trương thẩm định, tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn chức danh Chủ tịch, phó chủ tịch UBND 63 tỉnh, thành phố sau khi bầu cử HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo luật định, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, điều hành chính quyền địa phương trong giai đoạn mới.
Bộ Nội vụ đã tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 1211 và Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2022-2026; đồng thời tập trung chỉ đạo tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021. Kết quả đến nay đã giảm được 8 huyện và 561 xã. Đi đầu trong việc thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là các tỉnh: Cao Bằng, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Trị, Hải Dương, Bắc Giang. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ thẩm định để tham mưu cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề án nâng cấp một số đô thị đáp ứng tiêu chí theo quy định của pháp luật và phù hợp với quy hoạch.
Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh.
Theo Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh, năm 2021, Bộ Nội vụ đã tích cực phối hợp Ban Tổ chức Trung ương và các Bộ, ngành Trung ương hoàn thành hệ thống Danh mục vị trí việc làm, xác định khung năng lực vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức khối Chính phủ quản lý; đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng công chức, viên chức. Phân cấp triệt để trong công tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý cán bộ, công chức, viên chức tại các bộ, ngành, địa phương; kiên quyết và kịp thời xử lý kỷ luật đối với những người phạm quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước. Đặc biệt, Bộ Nội vụ chủ động rà soát, cắt giảm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với công chức, viên chức. Đây là một động thái mạnh trong việc “giảm thủ tục hành chính” với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, vốn đè nặng lâu nay lại gây lãng phí thời gian và chi phí, được dư luận đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.
Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính
Công tác cải cách hành chính được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát xao nên Bộ kịp thời tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính đến năm 2030 và Chỉ thị, Kế hoạch thực hiện. Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu nền tảng, cốt lõi của Chính phủ điện tử; đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu; tăng cường sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số, xử lý công việc trên môi trường mạng và họp trực tuyến. Qua đó đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; đưa dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 đạt 98%; nâng cao chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.
Năm 2021, dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song Bộ Nội vụ đã tập trung rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế về hệ thống văn bản, tài liệu điện tử, lưu trữ tài liệu điện tử, lưu trữ số và phát huy có hiệu quả giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia được các chuyên gia, các nhà khoa học và học giả trong nước, quốc tế đánh giá cao. Đặc biệt, Đề án chuyển đổi số của Bộ Nội vụ vừa được phê duyệt có khả năng kết nối, tích hợp, chia sẽ dữ liệu của ngành Nội vụ trong đó có cơ sở dữ liệu quốc gia về Cán bộ, công chức, viên chức với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước nói chung.
Công tác thi đua khen thưởng tiếp tục được đổi mới về nội dung, hình thức tổ chức các phong trào thi đua. Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025). Hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt phong trào thi đua và công tác khen thưởng, nhất là khen thưởng về bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 với thủ tục rút ngọn tối đa theo tinh thần cải cách hành chính.
Trong năm qua, công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên cả nước cơ bản được ổn định. Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162 của Chính phủ để kịp thời tham mưu Chính phủ điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; chủ động tuyên truyền, vận động các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; công tác đối ngoại tôn giáo và đấu tranh nhân quyền tiếp tục được được duy trì, phát huy; kịp thời chấn chỉnh các hoạt động mê tín, dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo vi phạm pháp luật...
Trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, Bộ Nội vụ đã ban hành 20 văn bản hướng dẫn các tổ chức tôn giáo trong phòng chống dịch Covid-19 và ủng hộ công tác phòng chống dịch của các địa phương; đồng thời thành lập Tổ công tác trực tiếp vào tại Tp Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để tăng cường cho công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Qua đó, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân được bảo đảm tốt hơn; phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và tạo được sự đồng thuận của các chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo yên tâm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gắn bó đồng hành cùng dân tộc.
Công tác thanh tra, pháp chế, quản lý nhà nước về Hội, quỹ và tổ chức phi chính phủ đã có nhiều tiến bộ, bảo đảm kỷ cương, pháp luật; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất được nhiều cơ chế, chính sách phát triển thanh niên Việt Nam. Đặc biệt công tác nghiên cứu khoa học, công tác đối ngoại ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả có đóng góp thiết thực vào việc nâng cao chất lượng hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ.
Tuy nhiên, theo Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác của Bộ, ngành Nội vụ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tiến độ xây dựng, ban hành một số văn bản, đề án và tổ chức thực hiện còn chậm. Một số Bộ, ngành chưa quyết liệt trong việc ban hành thông tư hướng dẫn địa phương thực hiện Nghị định 62, 106, 107 và 108. Việc chuyển đổi cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn chậm. Việc tinh giản biên chế chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trật tự, kỷ luật, kỷ cương hành chính ở một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm; công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn tình trạng cào bằng.
Công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành và các địa phương có việc chưa chặt chẽ, chưa hết trách nhiệm khi giải quyết công việc có tính chất liên ngành hoặc thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị. Điều này đòi hỏi toàn ngành cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá và kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc để đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục kịp thời trong giai đoạn mới.
8 nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong năm 2022
Tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được trong năm qua và quyết tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, trong năm 2022, Bộ và toàn ngành Nội vụ phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ chính trị của ngành. Trong đó, tập trung vào 8 nhiệm vụ trong tâm:
Một là, Bộ Nội vụ tập trung rà soát, nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hệ thống thể chế, chính sách phù hợp yêu cầu kiến tạo, phát triển và quản trị của nền hành chính nhà nước các cấp.
Hai là, đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đồng bộ, thống nhất và xây dựng cơ chế liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh; tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài cho nền công vụ; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ.
Ba là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; quan tâm, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của mô hình chính quyền đô thị tại 3 thành phố lớn; đồng thời tiến hành xây dựng Đề án “Mô hình tổ chức chính quyền đô thị trực thuộc cấp tỉnh”.
Bốn là, hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Tham mưu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về quản lý nhà nước gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu và tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát quyền lực. Đổi mới, sắp xếp có hiệu quả đơn vị sự nghiệp công, đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp và xã hội hóa dịch vụ công theo tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương.
Năm là, thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính theo Nghị quyết 76 của Chính phủ. Quyết liệt hơn trong cải cách thủ tục hành chính; đẩy nhanh việc xây dựng Chính phủ số gắn với phát triển mạnh kinh tế số, xã hội số, góp phần quan trọng xây dựng nền hành chính nhà nước chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân được tốt hơn.
Sáu là, sớm cụ thể hóa Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua nhằm đổi mới mạnh mẽ công tác thi đua khen thưởng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về công tác tín ngưỡng, tôn giáo. Khẩn trương xây dựng và hoàn thiện quy định của pháp luật về văn thư – lưu trữ, đặc biệt là lưu trữ tài liệu điện tử làm cơ sở để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực lưu trữ nhằm phát huy tốt giá trị của tài liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thanh niên, về hội, quỹ và tổ chức phi chính phủ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ và toàn ngành, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh.
Bảy là, tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học để có đóng góp thiết thực vào hoạt động quản lý nhà nước của ngành Nội vụ; coi trọng và tích cực triển khai hoạt động đối ngoại, mở rộng hợp tác quốc tế lĩnh vực ngành, nâng cao vị thế và chất lượng, hiệu quả hoạt động của Bộ, ngành Nội vụ.
Tám là, đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động để chuyển đổi số thực sự có đóng góp thiết thực, hiệu quả cho hoạt động quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của ngành Nội vụ.
Năm 2021 là một năm có nhiều khó khăn, thử thách nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, toàn ngành Nội vụ đã quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị nặng nề nhưng rất vinh quang mà Đảng, Nhà Nước và nhân dân giao phó. Qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Với tinh thần quyết tâm cao, toàn ngành sẽ tiếp tục đoàn kết, ra sức phấn đấu, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong năm 2022 và những năm tiếp theo./.