LÀM RÕ KẾT QUẢ QUẢN LÝ KHAI THÁC TOÀN TUYẾN VÀ CÁC ĐOẠN TUYẾN SAU KHI HOÀN THÀNH CỦA DỰ ÁN ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH

18/03/2022

Phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 triển khai dự án đường Hồ Chí Minh, Thường trực Ủy ban Đối ngoại đề nghị cần làm rõ kết quả quản lý khai thác toàn tuyến và các đoạn tuyến sau khi hoàn thành dự án.

 

Phiên họp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về triển khai dự án đường Hồ Chí Minh và kế hoạch trong giai đoạn tiếp theo

Đánh giá tổng thể kết quả thực hiện Dự án đường Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết số 66/2013/QH13, Thường trực Uỷ ban Đối ngoại nhất trí với nhận định trong Báo cáo của Chính phủ về kết quả quan trọng nhất đã đạt được. Theo đó, tuyến đường Hồ Chí Minh đã tạo nên trục dọc đường bộ xuyên Việt thứ hai ở khu vực phía Tây, cùng với Quốc lộ 1 ở phía Đông tăng cường kết nối Bắc - Trung - Nam, đảm bảo giao thông thông suốt, giảm chi phí vận tải thông qua việc rút ngắn thời gian lưu thông; hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng để khai thác và phát triển các khu vực phía Tây; góp phần điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế, phân bổ lại dân cư và lực lượng lao động trong phạm vi cả nước; góp phần tích cực vào chương trình xóa đói giảm nghèo; kết nối các khu vực du lịch và các di tích lịch sử, liên kết các vùng trọng điểm kinh tế, các cửa khẩu, các cảng biển trên toàn quốc và các nước trong khu vực, đáp ứng xu thế hội nhập của nền kinh tế đất nước.

Đánh giá các kết quả cụ thể, Thường trực Uỷ ban Đối ngoại nêu rõ:

Về tiến độ thực hiện các giai đoạn phân kỳ đầu tư, theo Báo cáo số 529/BC-CP ngày 23/11/2021 của Chính phủ, đến nay việc thực hiện các Dự án thành phần quy định tại Nghị quyết số 66/2013/QH13 đã triển khai thi công hoàn thành khoảng 2.362/2.744 km (không tính các đoạn trùng với các dự án khác), đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh, đang triển khai đầu tư 211 km, còn 171 km cần tiếp tục cân đối, bố trí vốn để thực hiện.

Thường trực Ủy ban Đối ngoại nhận thấy sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương nơi có đường Hồ Chí Minh đi qua trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể dường Hồ Chí Minh (năm 2007 và 2012), quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, qua đó, quy hoạch đường Hồ Chí Minh được tích hợp đồng bộ vào quy hoạch mạng lưới đường bộ đáp ứng nhu cầu vận tải, kết nối vùng, miền, quốc tế. Các dự án thành phần đã kịp thời hoàn thành công tác nghiệm thu, thanh quyết toán. Việc cắm mốc giới theo quy hoạch cũng được khẩn trương hoàn thành để bàn giao cho các địa phương quản lý trước năm 2015. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành một số cơ chế, chính sách và thực hiện các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, quản lý và khai thác hiệu quả công trình.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Đối ngoại nhận thấy tiến độ triển khai Dự án trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay khá chậm. Theo Báo cáo của Chính phủ, đến năm 2015, Dự án đã hoàn thành 2.061/2.744 km (75,1%), như vậy, từ năm 2016 đến nay, Dự án chỉ triển khai được khoảng 11% tổng khối lượng. Đến nay, Dự án vẫn chưa hoàn thành việc thông toàn tuyến theo yêu cầu tại Nghị quyết số 66/2013/QH13, đã chậm so với mốc tiến độ yêu cầu và chưa rõ thời điểm khả năng hoàn thành.

Về việc hoàn thành cắm mốc giới theo quy hoạch để bàn giao cho các địa phương quản lý, Báo cáo của Chính phủ cho biết hoạt động này được hoàn thành vào năm 2017, chậm hơn 02 năm so với yêu cầu trong Nghị quyết 66/2013/QH13. Đây là một trong những cấu phần khó triển khai nhất trong các dự án làm đường do liên quan đến công tác quy hoạch, đền bù, giải phóng mặt bằng, vì vậy tiến độ thường bị chậm. Tuy vậy, Báo cáo của Chính phủ cũng cần làm rõ thêm nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục phù hợp để rút kinh nghiệm cho các giai đoạn tiếp theo và các dự án khác.

Về yêu cầu xây dựng cơ chế, chính sách và thực hiện các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, quản lý và khai thác hiệu quả công trình. Thường trực Uỷ ban Đối ngoại thấy rằng Báo cáo của Chính phủ chưa đề cập đến kết quả quản lý khai thác toàn tuyến và các đoạn tuyến sau khi hoàn thành. Thực tế cho thấy một trong những điểm yếu trong công tác xây dựng, quản lý đường bộ và đường sắt của chúng ta không nằm trong giai đoạn mở đường, mà là trong thời gian đưa vào khai thác sử dụng. Sự hạn chế về cơ chế quản lý và trong công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng và địa phương liên quan thường dẫn đến tỉnh trạng ồ ạt đô thị hoá và xâm lấn hành lang đường bộ sau khi xây dựng, giảm hiệu quả khai thác, gây tai nạn giao thông, làm phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng nhằm mở rộng các tuyến đường theo nhu cầu phát triển về sau. Do đó, đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến nội dung này.

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Đối ngoại cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết 66/2013/QH13 đến năm 2020 - 2021 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, để hoàn thiện Báo cáo của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Đối ngoại kiến nghị bổ sung đánh giá mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với tiến độ triển khai Dự án thời gian qua và và dự báo trong giai đoạn kế tiếp, đặc biệt là ảnh hưởng đối với khả năng bố trí vốn ngân sách nhà nước cho dự án.

Đồng thời, Thường trực Ủy ban Đối ngoại nhất trí với các kiến nghị của Chính phủ về việc Quốc hội ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để thực hiện nối thông 2 làn xe theo yêu cầu của Nghị quyết số 66/2013/QH13; cho phép cập nhật điều chỉnh các điểm khống chế chủ yếu theo quy hoạch mạng lưới được duyệt theo quy hoạch, chuyển đổi sang hình thức đầu tư công cho các dự án đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến để phù hợp với tình hình thực tiễn; giao Chính phủ tổ chức triển khai Dự án tùy khả năng cân đối nguồn lực./.

Hồ Hương

Các bài viết khác