QUY HOẠCH KHAI THÁC, CHẾ BIẾN VÀ SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG CÒN CHẬM SO VỚI YÊU CẦU ĐỀ RA

18/03/2022

Tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, quy hoạch khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng vẫn còn chậm so với yêu cầu đề ra do còn một số vướng mắc, hạn chế.

 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo tại buổi làm việc

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đã có điều chỉnh quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Việc điều chỉnh quy hoạch này căn cứ theo quy định pháp luật về khoáng sản và quy hoạch. Điều chỉnh các khu vực khoáng sản nằm trong quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu chế biến, sử dụng khoáng sản cho các ngành kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên khoáng sản, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Ngoài ra việc khoanh định các khu vực khoáng sản mới để bổ sung vào quy hoạch để quản lý cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định nhằm hạn chế việc khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, hạn chế việc chồng lấn với các quy hoạch khác, giảm thiểu tác động đến môi trường và cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa và đảm bảo an ninh quốc phòng, phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Về đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình điều chỉnh quy hoạch, quá trình điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng căn cứ theo đề nghị của UBND các địa phương và được Bộ Xây dựng lấy ý kiến của các Bộ ngành liên quan theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về ưu điểm, nhược điểm của phương pháp lập quy hoạch khoáng sản hiện nay, Bộ nêu rõ, theo Luật Quy hoạch hiện nay, thì các quy hoạch liên quan đến khoáng sản làm vật liệu xây dựng sẽ được tích hợp vào một quy hoạch chung là quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Khi thực hiện theo phương pháp mới sẽ bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, bảo đảm tính tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Phương pháp lập này sẽ góp phần giảm thiểu xung đột giữa các ngành khác, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước, bảo đảm tính khoa học, kết nối, liên thông, dự báo, khả thi; bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch.

Tuy nhiên nhược điểm là khi các Quy hoạch vật liệu xây dựng bị bãi bỏ theo Luật Quy hoạch sẽ thiếu căn cứ để tính toán nhu cầu khoáng sản làm vật liệu xây dựng cần thăm dò, khai thác và chế biến để làm căn cứ lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo quy định của Luật Quy hoạch. Ngoài ra, Quy hoạch khoáng sản là quy hoạch ngành quốc gia và được lập đồng thời với các quy hoạch khác (Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tỉnh đang thực hiện,....) dẫn đến khó đảm bảo tính đồng bộ, liên kết trong quá trình lập, đồng thời, phương pháp tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực sẽ dẫn đến khối lượng nghiên cứu quy hoạch lớn, trong khi thời gian thực hiện ngắn, việc thực hiện theo Luật quy hoạch lần đầu.... có thể dẫn đến việc không đảm bảo chất lượng và tiến độ quy hoạch.

 Đoàn giám sát của Quốc hội về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành làm việc với Bộ Xây dựng

Về phương án bảo vệ môi trường được đánh giá khi điều chỉnh quy hoạch, ngoài việc đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) trong quá trình lập quy hoạch thì theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phương án bảo vệ môi trường sơ bộ sẽ được thực hiện trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khai thác khoáng sản (theo Luật đầu tư 2020) và Báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo phục hồi môi trường được thực hiện trong quá trình cấp phép hoạt động khoáng sản (theo Luật Khoáng sản và Luật Bảo vệ môi trường) và thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý về môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương).

Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với những bất cập trong việc quản lý khai thác khoáng sản hiện nay đã được quy định rõ trong Luật Khoáng sản và pháp luật có liên quan. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý cấp phép hoạt động khoáng sản đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý của trung ương, UBND các địa phương là cơ quan cấp phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Về giải pháp khắc phục những hạn chế của quy hoạch thời kỳ trước khi triển khai lập quy hoạch thời kỳ mới, sự phối hợp của Bộ tài nguyên và Môi trường trong quá trình lập quy hoạch, Bộ Xây dựng chỉ ra rằng, những hạn chế bất cập của quy hoạch thời kỳ trước sẽ được rút kinh nghiệm để có những giải pháp điều chỉnh phù hợp trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đang thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng nêu rõ, hiện nay, Bộ Xây dựng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc thu thập các tài liệu, thông tin điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản, cấp phép thăm dò, khai thác; phê duyệt trữ lượng khoáng sản; khoanh định khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản,.. để làm cơ sở cho việc lập quy hoạch./.

Hồ Hương

Các bài viết khác