KHÔNG ĐÁNH TRỐNG BỎ DÙI

18/03/2022

Để công tác dân nguyện tham gia sâu sắc và trên diện rộng trong hoạt động của Quốc hội và tiếp nối mạnh mẽ trong cơ quan dân cử ở địa phương, Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng cần nâng cấp để ban trở thành một cơ quan của Quốc hội, thay vì cơ quan tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội như hiện tại...

 

Để công tác dân nguyện tham gia sâu sắc và trên diện rộng trong hoạt động của Quốc hội và tiếp nối mạnh mẽ trong cơ quan dân cử ở địa phương, Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng cần nâng cấp để ban trở thành một cơ quan của Quốc hội, thay vì cơ quan tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội như hiện tại. Có như vậy, công tác dân nguyện mới thật sự phát huy được vai trò và tiếp nối công tác dân vận của Đảng, đưa hệ thống chính trị lại gần nhân dân, gần cử tri hơn nữa .

- Được biết công tác dân nguyện của Quốc hội Khóa XV tiếp tục có những bước đổi mới, từ việc hàng tháng Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo dân nguyện đến việc định hướng giải quyết các vụ việc nóng và phức tạp. Vậy ông đánh giá và nhìn nhận các bước đổi mới này như thế nào, thưa ông ?

Thứ nhất, nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đã có sự đổi mới công tác dân nguyện theo hướng đổi mới thực chất. Sau buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội với Ban Dân nguyện, đã xác định dân nguyện không phải chỉ là một cơ quan tham mưu cho Ủy ban thường vụ Quốc hội mà dân nguyện được coi là công tác của Quốc hội, thậm chí được coi là công tác quan trọng, công tác trọng yếu của Quốc hội.

Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng - Ảnh: ITN

Xét ở khía cạnh lý luận cũng như thực tiễn, dân nguyện là một vấn đề mà trong tất cả các hoạt động của Quốc hội cũng phải được đề cập. Quốc hội là nơi đại diện cho cử tri và nhân dân, đại biểu Quốc hội đại diện cho cử tri và nhân dân. Quốc hội cũng là cơ quan đại biểu cao nhất và là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân. Vậy thì các chính sách pháp luật được Quốc hội xây dựng, bàn thảo và quyết định phải dựa trên ý nguyện và lòng dân. Cho nên không thể nói rằng dân nguyện chỉ là một bộ phận đơn lẻ, bộ phận nhỏ trong các hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, tôi cho rằng đây là một sự đổi mới lớn về mặt nhận thức về vai trò vị trí cũng như địa vị  pháp lý.

Thứ hai, ở đây cũng có sự đổi mới về phương pháp làm việc. Đầu tiên là Chủ tịch Quốc hội giao cho Ban Dân nguyện phối hợp với tất cả các cơ quan có liên quan để xây dựng đề án đổi mới về công tác nguyện. Đây chính là nền tảng tư tưởng chính trị rất quan trọng và ngay từ khi bắt tay xây dựng đề án này đã phải có sự thay đổi. Chúng ta phải đánh giá về nhiệm vụ, vị trí, vai trò, chức năng của công tác dân nguyện. Tiếp theo là phải xem xét lại các phương pháp hoạt động dân nguyện từ trước đến nay. Sau đó là phải bố trí lại các hoạt động trong nội bộ cũng như là phải xem xét về công tác dân nguyện trong phạm vi toàn quốc. Dân nguyện không chỉ riêng của Quốc hội mà dân nguyện còn là công việc của cả hệ thống cơ quan dân cử.

Thứ ba, là đổi mới về công tác lãnh đạo. Chúng ta thấy rằng, hiện nay theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hàng tháng Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe báo cáo về công tác dân nguyện. Từ khi mà chúng ta thực hiện phương pháp có báo cáo dân nguyện hàng tháng, Quốc hội đã xem xét một cách hết sức nghiêm túc, đánh giá một cách hết sức khách quan, toàn diện. Đồng thời báo cáo dân nguyện không chỉ được xem xét ở trong các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà đã được nhân dân, cử chi rất chờ đón.

- Ông có thể cho biết việc khiếu nại, tố cáo gửi tới Ban Dân nguyện thường tập trung vào lĩnh vực nào? Tại sao như vậy? Ban Dân nguyện có phải chỉ là nơi tiếp nhận, giải thích và chuyển đơn như “trạm chung chuyển” không?

Điều này thì nhiều người đã hiểu lầm và cho rằng Ban Dân nguyện đơn giản chỉ là một trạm trung chuyển đơn thư, thích thì làm, không thích thì không làm. Trong suốt thời gian qua, chúng tôi đã nhận được số lượng đơn, thư vô cùng lớn. Lượng đơn thư mà theo báo cáo hàng tháng có thống kê thì chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hành chính và chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đất đai như khiếu kiện đất đai, tố cáo liên quan đến đất đai, chỉ có khoảng 20-30% liên quan đến các vấn đề về tư pháp và các chính sách.

Nhiệm vụ chính của chúng tôi là phải phân loại đơn thư. Trong đó phân loại những đơn thư trùng, những đơn thư đã được giải quyết, những đơn thư không có đủ điều kiện để xem xét... Số còn lại chúng tôi sẽ tùy từng trường hợp xem xét xử lý. Việc chúng tôi làm như vậy không đơn giản chỉ là chuyển đơn mà còn là giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để giám sát các vụ việc này. Quá trình này đã giúp cho người dân giải quyết được rất nhiều các vấn đề vướng mắc.

- Theo ông, tồn tại của công tác dân nguyện chỗ nào? Làm thế nào để nâng cao hiệu quả công tác dân nguyện, thưa ông?

Nói về hạn chế của công tác dân nguyện thì trước hết phải nói là việc xác định đúng vị trí, vai trò công tác dân nguyện như thế nào ?

Thứ nhất, công tác dân nguyện phải được coi là hoạt động của hệ thống có sự liên thông với toàn bộ các hoạt động của các cơ quan của Quốc hội. Có trách nhiệm không chỉ với tư cách là một cơ quan của Quốc hội mà còn là trách nhiệm của các cơ cấu khác và đặc biệt là cả đối với đại biểu Quốc hội và kể cả Hội đồng nhân dân các cấp cũng cần vào cuộc.

Thứ hai, chúng ta cần phải hết sức lưu ý rằng dân nguyện là một trong những biện pháp để tiếp nối thực hiện công tác dân vận của Đảng. Như vậy phải có sự liên thông về tổ chức, hoạt động và chế độ báo cáo cũng như phải đánh giá để nâng cấp công tác dân nguyện.

Thứ ba, nếu muốn làm tốt công tác dân nguyện thì phải khắc phục được tính manh mún của dân nguyện. Nếu chúng ta chỉ giải quyết dân nguyện ở Ban Dân nguyện thì không đủ. Chúng ta phải có sự tiếp nối công tác dân nguyện trong cơ quan dân cử từ cấp xã, phường đến tỉnh, thành phố cũng tham gia, thì sẽ tạo ra chuyển biến từ gốc rễ. Hiện nay, điều hạn chế lớn nhất là chúng ta mới chỉ giải quyết phần ngọn và vẫn chưa đào sâu  khắc phục được phần gốc.

Muốn nâng cao được năng lực, hiệu lực và hiệu quả của công tác dân nguyện nói chung, ngoài những vấn đề trên thì còn phải lưu ý một số điểm sau.

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội cần phải có một nghị quyết riêng về công tác giám sát và công tác dân nguyện. Nếu chúng ta có một nghị quyết riêng về vấn đề giám sát, nghị quyết riêng về công tác dân nguyện, thì có thể lấy đó làm cơ sở chính trị để thể chế được các quy định.

Thứ hai, chúng ta phải nâng cấp Ban Dân nguyện thành một cơ quan của Quốc hội. Và muốn là cơ quan của Quốc hội thì phải sửa đổi các quy định của pháp luật, đặc biệt là đối với Luật tổ chức Quốc hội.

Thứ ba, phải nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dân nguyện. Phải chỉ rõ được phạm vi hoạt động của dân nguyện để chúng ta xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan làm công tác dân nguyện và những cơ quan liên quan khác, tránh tình trạng chồng chéo lên nhau hoặc hoạt động làm không hiệu quả.

- Xin cảm ơn ông!

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)

Các bài viết khác