Tại Phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. và dự kiến tại Kỳ họp thứ 3 tới, Quốc hội sẽ thông qua dự án Luật.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ với những kỳ vọng, dự án Luật sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ khi Việt Nam gia nhập sâu rộng với các nước trên thế giới.
Theo Luật sư Phạm Nghiêm Xuân Bắc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam và một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung nhằm nội luật hóa các cam kết của Việt Nam trong các FTA, đặc biệt là trong CPTPP và EVFTA. Với việc sửa đổi, bổ sung này, doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ một hệ thống pháp lý rõ ràng, minh bạch hơn trong xác lập quyền sở hữu trí tuệ và mạnh mẽ hơn trong thực thi quyền. Một hệ thống pháp luật mạnh và minh bạch hơn như vậy chắc chắn sẽ thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam, góp phần tạo ra nhiều tài sản sở hữu trí tuệ có giá trị cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
Phóng viên: Tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục xem xét và có thể thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong dự án Luật này, ông quan tâm đến những vấn đề nào và vì sao?
Luật sư Phạm Nghiêm Xuân Bắc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam: Trong dự án Luật này, tôi quan tâm nhất tới 2 vấn đề. Thứ nhất là khắc phục những điểm còn tồn tại trong hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện hành. Thứ hai là đáp ứng các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định quốc tế mà Việt Nam vừa ký kết, đặc biệt là hai hiệp định thương mại thế hệ mới là EVFTA và CPTPP.
Luật sư Phạm Nghiêm Xuân Bắc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Về việc khắc phục nhưng điểm còn tồn tại, có thể kể ra ở đây một số điểm như: Một số nội dung quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu, chương trình máy tính; quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng vẫn còn chưa cụ thể, gây khó khăn trong quá trình thực hiện; Một số nội dung quy định về việc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan với tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng hưởng thụ trong các trường hợp giới hạn và ngoại lệ chưa đáp ứng yêu cầu thúc đẩy khai thác sử dụng, làm nền tảng phát triển các ngành công nghiệp văn hoá dựa trên quyền tác giả, quyền liên quan; Một số quy định pháp luật liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp chưa thực sự rõ ràng và hợp lý như quy định về tiếp nhận và xử lý ý kiến của người thứ ba đối với đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, yêu cầu đối với hồ sơ đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, phạm vi kiểm soát an ninh đối với sáng chế…; Còn thiếu một số quy định cần thiết cho các vấn đề đặc thù như trì hoãn công bố đơn kiểu dáng công nghiệp, giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; Một số quy định pháp luật liên quan đến điều kiện và mức độ bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp chưa bảo đảm sự thỏa đáng và cân bằng giữa quyền của chủ sở hữu và quyền lợi của công chúng như: phạm vi tình trạng kỹ thuật để đánh giá tính mới của sáng chế; thiếu một số căn cứ hủy bỏ hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế/Bằng độc quyền giải pháp hữu ích; Chưa có quy định về trường hợp chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc để xuất khẩu; Quy định giải quyết xung đột quyền giữa nhãn hiệu với một số đối tượng khác; Phạm vi xem xét, đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng chưa rõ ràng; Thiếu quy định xử lý trường hợp nhãn hiệu đăng ký không trung thực/với dụng ý xấu và xử lý đối với nhãn hiệu mất chức năng phân biệt (trở thành tên gọi chung của hàng hóa, dịch vụ tương ứng); Quy định về phạm vi của hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền, về bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm chưa rõ ràng…
Mặt khác, cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết nhiều FTA như FTA Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA, hiệu lực từ 20/12/2015); FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA, hiệu lực từ 05/10/2016), các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP, có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/01/2019), FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA, có hiệu lực từ ngày 01/8/2020), FTA giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA, có hiệu lực từ ngày 01/5/2021).
Một số nghĩa vụ của Việt Nam theo các hiệp ước này phải thực hiện ngay từ khi hiệp ước có hiệu lực, một số nghĩa vụ có thời gian chuyển tiếp là 03 hoặc 05 năm, tức là sẽ phải được thực hiện sớm trong thời gian sắp tới. Ví dụ như việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, bảo đảm thông tin và thời gian cho chủ bằng sáng chế thực thi quyền trước khi sản phẩm được phép đưa ra thị trường, thẩm quyền chủ động tiến hành các thủ tục kiểm soát biên giới của cơ quan hải quan theo CPTPP, hay việc làm rõ nguyên tắc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm là bộ phận của sản phẩm hoàn chỉnh; cơ chế đền bù cho việc giảm thời hạn bảo hộ hữu hiệu của bằng sáng chế do sự chậm trễ bất hợp lý trong việc cấp phép lưu hành thị trường theo EVFTA. Tất cả các nghĩa vụ này dẫn đến với việc phải sửa đổi, bổ sung tương ứng Luật Sở hữu trí tuệ.
Phóng viên: Việc phát huy vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khai thác quyền sở hữu trí tuệ và đặc biệt là nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực đối với các nhà khoa học, doanh nghiệp và các tổ chức. Quan điểm của ông như thế nào đối với vấn đề này?
Luật sư Phạm Nghiêm Xuân Bắc- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam: Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến trên. Theo con số không chính thức từ một số báo cáo của các tổ chức quốc tế, đóng góp vào GDP của các ngành công nghiệp dựa trên sở hữu trí tuệ 42,3% tại Cộng đồng Châu Âu, 38,2% tại Hoa Kỳ, 32,1% tại Trung Quốc và 43,1% tại Hàn Quốc. Tại Việt Nam, Chiến lược phát triển sở hữu trí tuệ tới năm 2030 của Chính phủ đã nêu rõ mục tiêu đưa Việt Nam thành quốc gia hàng đầu trong khu vực ASEAN về phát triển và bảo hộ sở hữu trí tuệ, nỗ lực đưa mức đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên quyền tác giả và quyền liên quan đạt con số 7% GDP.
Trong bối cảnh như vậy, cộng thêm với tác động của nền kinh tế 4.0 cùng các khuynh hướng mới trên thế giới như sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tôi cho rằng, việc thúc đẩy hoạt động sáng tạo và khai thác quyền sở hữu trí tuệ sẽ mang lại cho các doanh nghiệp, tổ chức một lợi thế lớn trong môi trường cạnh tranh, nâng cao giá trị doanh nghiệp khi sở hữu những tài sản trí tuệ có giá trị cao, đồng thời tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài và bền bỉ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động sáng tạo và khai thác quyền sở hữu trí tuệ chỉ thực sự có ý nghĩa khi những tài sản sở hữu trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ được tạo ra được bảo vệ đúng mức, hạn chế các hành vi xâm phạm, tức là việc thực thi quyền phải có hiệu quả. Đây chính là điểm mà pháp luật và thực tiễn của Việt Nam còn chưa hoàn thiện và chúng ta sẽ phải khắc phục trong thời gian tới.
Phóng viên: Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ có đề cập phạm vi áp dụng của biện pháp hành chính trong xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Với vai trò là đại diện sở hữu trí tuệ phần quyền sở hữu công nghiệp, ông có ý kiến như thế nào về nội dung này cũng như giải pháp đưa ra để tạo động lực mạnh mẽ cho việc đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo sản phẩm công nghiệp?
Luật sư Phạm Nghiêm Xuân Bắc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam: Như đã nói ở trên, việc thực thi quyền hiệu quả là hết sức quan trọng và cần thiết cho việc phát triển mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, trên cơ sở đó tạo ra các tài sản sở hữu trí tuệ. Ở góc độ này, biện pháp hành chính trong xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ là một biện pháp đã được áp dụng tại Việt Nam trong nhiều năm gần đây và hiện vẫn đang phát huy tác dụng trong bối cảnh tòa án Việt Nam chưa thực sự đủ nguồn lực để giải quyết các vụ án có liên quan tới sở hữu trí tuệ đang phát sinh ngày một nhiều. Chính vì vậy, mặc dù có một số ý kiến cho rằng, cần phải hạn chế phạm vi của biện pháp hành chính trong xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ, tôi cho rằng nên duy trì biện pháp này như là một lựa chọn cho chủ thể quyền; đồng thời đảm bảo quyền bình đẳng của chủ thể các quyền sở hữu trí tuệ khác nhau trong việc tiếp cận các biện pháp xử lý xâm phạm, sao cho trong mỗi vụ việc, chủ thể quyền có thể chọn cho mình một biện pháp phù hợp nhất với nội dung của vụ việc, yêu cầu của chủ thể, cũng như cân nhắc các yếu tố chi phí và thời gian phát sinh. Việc duy trì biện pháp hành chính hoàn toàn không trái với các quy định tại các hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia gần đây.
Theo như tôi được biết, Ban soạn thảo của dự án Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi đã tiếp thu ý kiến góp ý và bản dự thảo lần gần đây nhất đã bỏ ý kiến về việc thu hẹp phạm vi của biện pháp hành chính trong xử lý xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Phóng viên: Thưa ông, việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhất là với những nước phát triển, đem lại điều gì cho Việt Nam trong việc phát huy các lợi ích từ thực thi quyền sở hữu trí tuệ? Ông có kỳ vọng gì khi việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ được đưa vào trong dự án Luật và được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống?
Luật sư Phạm Nghiêm Xuân Bắc- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam: Về cơ bản, việc tham gia ký kết các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới có tác dụng tích cực đối với hệ thống pháp lý về sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam và một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung nhằm nội luật hóa các cam kết của Việt Nam trong các FTA, đặc biệt là trong CPTPP và EVFTA. Với việc sửa đổi, bổ sung này, doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ một hệ thống pháp lý rõ ràng, minh bạch hơn trong xác lập quyền sở hữu trí tuệ và mạnh mẽ hơn trong thực thi quyền. Một hệ thống pháp luật mạnh và minh bạch hơn như vậy chắc chắn sẽ thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam, góp phần tạo ra nhiều tài sản sở hữu trí tuệ có giá trị cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để hệ thống pháp luật như vậy thực sự phát huy hiệu quả, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nâng cao ý thức pháp luật nói chung và ý thức pháp luật về sở hữu trí tuệ nói riêng để đáp ứng những yêu cầu cao hơn về bảo hộ sở hữu trí tuệ theo các FTA này.
Kết quả của việc thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ có nhiều khởi sắc, số lượng đơn được nộp, văn bằng được duy trì ở mức độ khá, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Điều này cũng phần nào cho thấy tác động tích cực của FTA, bên cạnh ý thức và nhu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ tăng lên của doanh nghiệp và công chúng nói chung. Hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ với đặc điểm riêng của mình gặp một số khó khăn do dịch bệnh. Yêu cầu cao hơn về hiệu quả của việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo CPTPP và EVFTA là một thách thức cho Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống pháp lý về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, cũng như nâng cao năng lực của hệ thống Tòa án theo một lộ trình thích hợp.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!