Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Đại Hàn Dân Quốc Park Byeong Seug, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đang có chuyến thăm chính thức Đại Hàn Dân Quốc từ ngày 12 - 15/12. Chuyến thăm là cơ hội để hai bên thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, giao lưu nhân dân. Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và đạt nhiều thành tựu nổi bật trong thời gian tới.
Chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên của một vị lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau khi Việt Nam hoàn thiện bộ máy lãnh đạo nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm hai nước đang hướng tới nâng cấp mối quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2022.
Chiều 13/12, tại Nhà Quốc hội Hàn Quốc, Thủ đô Seoul, Lễ đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã diễn ra trọng thể với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong Seug
Quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc với nhiều thành tựu nổi bật
Nước CHXHCN Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22/12/1992. Trải qua gần 30 năm, quan hệ hai nước đã phát triển nhanh chóng với hai lần nâng cấp từ quan hệ “Đối tác toàn diện trong thế kỷ 21” (năm 2002) lên quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược” (năm 2009). Thời gian qua, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đã có những bước phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực như chính trị, đầu tư, thương mại và du lịch. Việt Nam coi Hàn Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu trên nhiều lĩnh vực, trong khi Hàn Quốc cũng đặt Việt Nam là đối tác trọng điểm trong chính sách Hướng Nam mới của mình. Việc trao đổi thường xuyên đoàn các cấp, đặc biệt là các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, đã cho thấy sự tin cậy chính trị giữa hai bên ngày càng được củng cố.
Về chính trị, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng phát huy hiệu quả, thực chất; tin cậy chính trị không ngừng được củng cố thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc thường xuyên giữa Lãnh đạo cấp cao và các cấp giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước bằng nhiều hình thức. Kể cả trong thời kỳ dịch COVID-19, hai nước duy trì thường xuyên hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc song phương ở tất cả các cấp. Riêng trong các tháng đầu năm 2020, các hoạt động tiếp xúc song phương vẫn được đảm bảo qua hình thức trực tuyến, điện đàm. Sau khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tại Việt Nam, Việt Nam đã đón Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha (9/2020); Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong Seug (11/2020); Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lee Tae-ho thăm Việt Nam và đồng chủ trì Diễn đàn kinh doanh Mekong-Hàn Quốc lần thứ 8 (12/2020).
Sang năm 2021, các hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc song phương tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh nhằm tăng cường hiểu biết và tin cậy chính trị giữa hai nước. Trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (15/7); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Nội các Hàn Quốc Kim Boo Kyum (22/7); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điện đàm với Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong Seug (23/6).
Về kinh tế, đây là một trụ cột chính trong tổng thể quan hệ song phương Việt Nam-Hàn Quốc. Hàn Quốc luôn dẫn đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, với sự góp mặt của hầu hết các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, đứng thứ hai về hỗ trợ phát triển chính thức, thứ ba về hợp tác thương mại, du lịch với Việt Nam. Việt Nam cũng là đối tác thương mại thứ tư của Hàn Quốc. Trong 8 tháng của năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt 48,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2020. Hai nước cũng đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và hướng đến mục tiêu 150 tỷ USD vào năm 2030.
Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam với hơn 9.100 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 72,3 tỷ USD, là đối tác lớn thứ hai về thương mại với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 65 tỷ USD; là nhà cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) song phương lớn thứ hai của Việt Nam.
Hai nước cũng đang tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hàn Quốc cũng đang xem xét gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam đã tham gia.
Về hợp tác lao động, Hàn Quốc là thị trường tiếp nhận lao động lớn thứ hai của Việt Nam và Việt Nam là nước phái cử lao động lớn thứ hai. Hiện nước ta có khoảng 48.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc. Tháng 1/2021, hai bên đã ký lại Biên bản ghi nhớ thông thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS). Việt Nam đang cho phép các địa phương thí điểm mô hình phái cử lao động thời vụ sang Hàn Quốc làm việc 3-6 tháng.
Trong hợp tác phòng chống dịch COVID – 19, Hàn Quốc là một trong những nước đầu tiên hỗ trợ Việt Nam nhiều trang thiết bị y tế và vaccine. Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hàng chục nghìn lượt chuyên gia, nhà quản lý Hàn Quốc nhập cảnh, bảo đảm duy trì hoạt động kinh tế tại Việt Nam, tránh bị đứt gãy chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam.
Đặc biệt, giao lưu nhân dân Việt Nam-Hàn Quốc là trụ cột nổi bật trong quan hệ song phương. Vào thời điểm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao gần 30 năm trước, khó có thể hình dung được mức độ gắn bó, gần gũi giữa nhân dân hai nước như hiện nay với khoảng 4 triệu lượt người qua lại trong một năm và trên 1.000 chuyến bay hàng tháng giữa hai nước. Khoảng 200.000 công dân mỗi nước đang sinh sống, học tập và làm việc trên lãnh thổ của nhau, bao gồm cả khoảng 65.000 gia đình đa văn hóa Việt - Hàn. Thành công của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Huấn luyện viên trưởng Park Hang Seo đã truyền cảm hứng rất lớn đến người dân hai nước, góp phần vun đắp cho mối quan hệ bền chặt Việt Nam - Hàn Quốc. Trong các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo hai nước thời gian gần đây, hai bên đều khẳng định mối quan hệ Việt-Hàn đang ở mức rất tốt và như "anh em trong một nhà".
Những năm gần đây, Hàn Quốc nổi lên là một trong những thị trường cung cấp khách du lịch trọng điểm của Việt Nam (lớn thứ hai). Năm 2018, trên 3,4 triệu lượt khách du lịch Hàn Quốc tới Việt Nam, tăng 44,3% và khách Việt Nam đến Hàn Quốc đạt khoảng 427 nghìn lượt người, tăng trên 42% so với năm 2017. Năm 2019, khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam đạt 4,2 triệu, tăng 23,1% và khách Việt Nam đến Hàn Quốc đạt 550 nghìn lượt người, tăng 21,9% so với năm 2018. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, trong năm 2020, lượng khách Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 840.000 người (giảm trên 83%); trong 8 tháng năm 2021, lượng khách Hàn Quốc vào Việt Nam chủ yếu với mục đích làm việc, học tập, giảm trên 97% so với cùng kỳ năm 2020...
Trong lĩnh vực văn hóa-giáo dục, hai nước đã ký các hiệp định, bản ghi nhớ hợp tác văn hóa nghệ thuật, thể thao, giao lưu thanh niên, giáo dục. Trong đó, năm 2006, Hàn Quốc thành lập Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội; năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cùng Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam ký Thỏa thuận dạy thí điểm tiếng Hàn ở cấp trung học; đến tháng 2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam ban hành chương trình giáo dục phổ thông tiếng Hàn –ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm. “Làn sóng Hàn Quốc” với các chương trình văn hóa, nghệ thuật, phim ảnh, ẩm thực... ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam và văn hóa, ẩm thực Việt Nam ngày càng được biết đến và ưa thích tại Hàn Quốc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong Seug
Sau gần 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc đã có những bước phát triển nhanh hiếm thấy nếu so sánh với quan hệ song phương giữa các nước trên thế giới, nhất là kể từ sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc” năm 2009. Hàn Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên hầu hết các lĩnh vực, Việt Nam là đối tác trọng tâm của Hàn Quốc trong Chính sách hướng Nam mới tăng cường.
Mối quan hệ hướng tới tương lai
Trên tinh thần hướng tới tương lai và tôn trọng lẫn nhau vì sự phát triển vững chắc của quan hệ song phương, mở rộng và làm sâu sắc, hiệu quả hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam -Hàn Quốc trên các lĩnh vực, là nhiệm vụ đặt ra cho cả hai quốc gia.
Hàn Quốc hiện là nước phát triển với năng lực mạnh mẽ về vốn, khoa học công nghệ, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đang cần một thị trường trẻ, rộng lớn để tiếp tục đà phát triển. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia đang cải cách, năng động, chủ động hội nhập quốc tế. Việt Nam là một điểm đến thích hợp với cơ cấu dân số vàng, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 2.800 USD; được các tổ chức đánh giá tín dụng uy tín của quốc tế đánh giá tích cực. Việt Nam hiện cũng là thành viên của nhiều khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, bao gồm cả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những cam kết sâu rộng, toàn diện hơn. Đây là những lợi thế để hai nước mở rộng hợp tác đầu tư. Hợp tác của doanh nghiệp và giao lưu nhân dân chính là cầu nối vững chắc cho quan hệ hai nước tiếp tục phát triển.
Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang ở thời điểm tốt đẹp nhất từ trước đến nay trước thềm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2022. Việt Nam là quốc gia chủ chốt trong Chính sách Hướng Nam mới của Hàn Quốc.
Trong chuyến thăm Hàn Quốc lần này của Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo hai nước thảo luận việc nâng cấp quan hệ song phương từ Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược hiện nay lên Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Đồng thời trao đổi về việc tháo gỡ các vướng mắc đang cản trở thông thương hàng hóa và hoạt động đi lại giữa hai nước; bàn về những tiến triển trong hợp tác, trao đổi giữa hai nghị viện, các vấn đề kinh tế, giao lưu nhân dân, các lĩnh vực sẽ cùng hợp tác trong khu vực châu Á cũng như phối hợp các diễn đàn quốc tế.
Việc nâng cấp quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc lên Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện là nội dung nằm trong tổng thể kế hoạch hợp tác của hai nước. Trong chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ khẳng định quan điểm của Việt Nam ủng hộ việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện. Đây là mức cao nhất trong các mối quan hệ của Việt Nam đối với các nước.
Các hoạt động của Chủ tịch Quốc hội tại Hàn Quốc
Chiều 13/12, tại Nhà Quốc hội Hàn Quốc, Thủ đô Seoul, Lễ đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã diễn ra trọng thể với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong Seug.
Sau lễ đón, Chủ tịch Quốc hội hai nước tiến hành hội đàm. Hai Chủ tịch Quốc hội đã có cuộc hội đàm kéo dài, trao đổi cởi mở với sự tin cậy cao; ủng hộ việc nâng cấp quan hệ song phương lên “Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Hàn Quốc” dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc; nhất trí Quốc hội hai nước cùng Chính phủ, chính đảng và Nhân dân hai nước triển khai các hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao và các cấp bằng nhiều hình thức linh hoạt phù hợp với bối cảnh tình hình mới.
Hai bên nhất trí phấn đấu đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng cán cân thương mại, trong đó có tạo điều kiện cho hàng nông, thủy, hải sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Theo đó, khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam, nhất là vào các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, phát triển đô thị thông minh và các ngành công nghiệp tương lai, nông nghiệp và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19; tăng cường hợp tác nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 và trang thiết bị y tế phục vụ trực tiếp công tác phòng chống dịch.
Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc cũng chia sẻ kinh nghiệm và nhất trí hỗ trợ Việt Nam thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030” với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Hàn Quốc cũng sẽ hỗ trợ triển khai các dự án cơ sở hạ tầng giao thông trọng điểm; tiếp tục tài trợ và hỗ trợ triển khai một số dự án cơ sở hạ tầng giao thông trọng điểm trong giai đoạn 2021-2025; tiếp tục phối hợp chặt chẽ, từng bước khôi phục khai thác đường bay thẳng giữa hai nước sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Hai Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí tạo điều kiện để giới thiệu nhiều hơn về văn hóa, đất nước con người Việt Nam tại Hàn Quốc; tổ chức nhiều hoạt động hai chiều quảng bá văn hóa, nghệ thuật hai nước; hợp tác xúc tiến các hoạt động phục hồi ngành du lịch sau đại dịch, quảng bá về du lịch an toàn, tạo điều kiện thuận lợi về đi lại cho khách du lịch hai nước.
Tại cuộc hội kiến giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Thủ tướng Nội các Hàn Quốc Kim Boo Kyum, lãnh đạo hai nước khẳng định nỗ lực đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng cán cân thương mại; khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam.
Thúc đẩy trụ cột hợp tác kinh tế trong quan hệ song phương Việt Nam – Hàn Quốc
Nổi bật trong chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là các hoạt động nhằm thúc đẩy tăng cường kết nối, phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID-19. Hoạt động đầu tiên ngay khi đến Hàn Quốc và hoạt động cuối cùng trước khi lên máy bay của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đều là nội dung tiếp xúc doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác kinh tế, trao đổi biện pháp thúc đẩy hơn nữa hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực: kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, giáo dục, môi trường, y tế, hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ vaccine, thuốc điều trị, hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế, đóng góp thiết thực vào việc chống đại dịch và phục hồi nền kinh tế trong và sau đại dịch COVID -19.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc
Theo đó, trong khuôn khổ chuyển thăm, Chủ tịch Quốc hội hai nước cùng dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, chứng kiến việc ký và trao 27 giấy chứng nhận, các thỏa thuận đầu tư giữa các doanh nghiệp, địa phương hai nước với giá trị gần 10 tỷ USD, hứa hẹn sẽ mang lại luồng sinh khí mới cho hoạt động đầu tư, giao thương giữa hai nước trong bối cảnh mới.
Trong các Hiệp định được ký kết có Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc về bảo hiểm xã hội do Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Y tế phúc lợi xã hội Hàn Quốc Kwon Deok Cheol đại diện. Hiệp định được ký kết sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Hàn Quốc, nhất là trong bối cảnh số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc và số lao động Hàn Quốc đến Việt Nam ngày càng tăng.
Chủ tịch Quốc hội cũng chủ trì Toạ đàm bàn tròn với các Tập đoàn lớn của Hàn Quốc, trong đó có sự tham gia của cả 5 Tập đoàn tài chính tư nhân lớn nhất Hàn Quốc, gồm KD, Shinhan, Hana, Woori và Nonghyup và các Tập đoàn công nghiệp hàng đầu như LG, Hyundai, Seoul Semiconductor, Hanwha, Posco, CJ, KSEO, Doosan. Tại đây, đại diện các doanh nghiệp Hàn Quốc đề xuất đẩy mạnh xuất khẩu gạo giúp Việt Nam; muốn tìm hiểu về Chiến lược của Việt Nam đối với phát triển ôtô điện; đề xuất Việt Nam triển khai và được tham gia vào lĩnh vực mobile money, ngân hàng số; xem xét giảm thuế trước bạ; có chính sách tín dụng thu hút vào địa bàn nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn, hợp tác xã… Về lĩnh vực dự án năng lượng tái tạo, mặt trời, điện gió, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Chủ tịch Quốc hội và các Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ đã trực tiếp trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp Hàn Quốc về các định hướng phát triển chiến lược của Việt Nam trong thời gian tới, các ưu tiên của Quốc hội Việt Nam trong việc hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung các luật nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mới và hoàn thiện thể chế cho các lĩnh vực mới của nền kinh tế số.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyosung Cho Huyn Sang, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn GS Engineering & Construction Lim Byeong Yong, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn KyoboPyun Jung Bum, Chủ tịch Tập đoàn Amorepacific Suh Kyung-bae và Phó Chủ tịch Tập đoàn Dongwon Park In Ku, tiếp đại diện 2 tập đoàn lớn của Hàn Quốc là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Amkor Technology Ji Jong-rip và Chủ tịch Tập đoàn tài chính Hana Kim Jung-tai.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp ông Hong Jang Pyo - Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI). KDI là Viện nghiên cứu hàng đầu của Hàn Quốc với bề dày lịch sử hơn 50 năm, uy tín cao, có nhiều đóng góp cho việc cải cách hệ thống, xây dựng và tư vấn chính sách thông qua các nghiên cứu chuyên sâu về toàn bộ các lĩnh vực kinh tế - xã hội. KDI mong muốn tìm kiếm đối tác Việt Nam phù hợp để trao đổi chia sẻ nghiên cứu.
Bên lề các hoạt động chính thức của Chủ tịch Quốc hội, hoạt động xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành và địa phương cũng diễn ra hết sức sôi nổi và thực chất. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Y tế làm việc với Công ty SK Bioscience về hợp tác trong lĩnh vực vaccine, sinh dược; Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc (VINK) và một số quỹ đầu tư Hàn Quốc; Tỉnh Hải Dương làm việc với công ty Daewoo E&C; Tỉnh Thái Bình tổ chức Diễn đầu Xúc tiến đầu tư, thương mại theo hình thức trực tuyến và trực tiếp và làm việc với một số đối tác như LG, Jinro; Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh làm việc với công ty bán dẫn Amkor Technology; Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang làm việc với công ty bán dẫn Hanamicron và công ty Seojin Systems...
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã hội đàm với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki. Hai bên đã nhất trí một số biện pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, bao gồm: (i) hợp tác chặt chẽ triển khai các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc thông qua việc xây dựng danh mục các dự án hợp tác cụ thể, trong đó có việc nâng cấp quan hệ hai nước lên một giai đoạn mới; (ii) đưa ra các biện pháp thực hiện thành công mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng cán cân thương mại, trong đó tạo điều kiện cho các mặt hàng nông, thủy, hải sản Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Hàn Quốc; (iii) thúc đẩy các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư đa dạng hơn vào thị trường Việt Nam, trước mắt là các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị thông minh, phát triển nhà ở xã hội, chuyển giao công nghệ, nhất là công nghiệp phụ trợ góp phần nội địa hóa sản phẩm; (iv) tiếp tục mở rộng quy mô hỗ trợ ODA và giảm thiểu các điều kiện ràng buộc trong việc tiếp cận nguồn vốn; (v) tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, trong đó tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính, ngân hàng Hàn Quốc mở rộng đầu tư tại Việt Nam, góp phần cho sự phát triển kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Thúc đẩy hợp tác văn hóa
Tiếp Chủ tịch Hội hữu nghị Hàn – Việt và Chủ tịch Hội người Hàn gốc Việt Lý Huân, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2022, Chủ tịch Quốc hội đề xuất Hội xem xét tổ chức Ngày hội Việt Nam tại Hàn Quốc và Ngày hội văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam. Việt Nam sẽ thành lập Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc
Tiếp Chủ tịch Hiệp hội giao lưu kinh tế - văn hoá Hàn Quốc-Việt Nam Kill Soo, Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ Việt Nam 1,4 triệu liều vaccine, mong muốn Hội hỗ trợ trong việc xây dựng trung tâm văn hoá Việt Nam tại Hàn Quốc, góp phần giúp bà con kiều bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc quê hương. Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện tiếng Hàn đã được đưa vào giảng dạy tại một số trường học ở Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc Hwang Hee. Hai bên đã ký kết Chương trình Trao đổi văn hóa giữa hai bộ về các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc vào năm 2022. Bộ trưởng Hwang Hee cũng nêu sáng kiến hai bên phối hợp thực hiện các bộ phim Hàn Quốc tại các địa danh nổi tiếng của Việt Nam, thông qua điện ảnh để xúc tiến, quảng bá du lịch.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Hùng làm việc với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc Hwang Hee
Hai Bộ trưởng thống nhất phương hướng lớn để tổ chức các hoạt động văn hóa vào năm 2022 và những năm tiếp theo, đồng thời đề nghị hai bên phát huy hơn nữa công tác truyền thông để nhân dân hai nước hiểu rõ hơn nữa văn hóa, đất nước con người của nhau. Theo nội dung được ký kết, trong năm 2022, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc, hai bên thống nhất kế hoạch triển khai nhiều chương trình, hoạt động giao lưu văn hóa, đặc biệt, hai bên dành quan tâm chuẩn bị và tổ chức “Lễ hội Văn hóa - Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc,” “Lễ hội đèn lồng Hàn Quốc-Việt Nam” và các sự kiện văn hóa khác của Hàn Quốc tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Chương trình Trao đổi văn hóa giữa hai nước còn hướng đến việc thúc đẩy hợp tác, trao đổi văn hóa thông qua phối hợp tổ chức các triển lãm nghệ thuật, trao đổi các đoàn văn hóa, nghệ thuật dân gian, biểu diễn nghệ thuật; tham gia các hội thảo quốc tế về văn hóa nghệ thuật và Liên hoan phim tổ chức tại mỗi nước; hợp tác làm phim, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc bảo vệ và ngăn chặn tệ nạn buôn bán trái phép di sản văn hóa; hợp tác, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Han Jeoung Ae về hợp tác chung, hướng tới mục tiêu trung hòa cácbon vào năm 2050. Hai Bộ trưởng đã ký kết Kế hoạch hợp tác chung về biến đổi khí hậu hướng tới trung hòa cácbon vào năm 2050 (Kế hoạch hợp tác chung) làm cơ sở để triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có các buổi làm việc và ký các Bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Khoa học và ICT Hàn Quốc và Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc. Trên cơ sở Bản ghi nhớ (MoU) hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Khoa học và ICT Hàn Quốc, hai bên sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực bưu chính, bao gồm trao đổi về xây dựng chính sách chiến lược phát triển bưu chính, hỗ trợ doanh nghiệp bưu chính hai nước hợp tác khai thác và cung cấp các dịch vụ mới, tổ chức các chương trình trao đổi nghiệm vụ, đào tạo và nâng cao năng lực. Tại buổi làm việc song phương, hai bên đã nhất trí mở rộng các hoạt động hợp tác về phát triển hạ tầng viễn thông, chuyển đổi số, an toàn an ninh thông tin và tổ chức các chương trình kết nối doanh nghiệp công nghệ số hai nước.
Có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp với biến chủng mới Omicron, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vẫn quyết tâm thăm chính thức Hàn Quốc và trong 3 ngày thăm chính thức Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc hội Park Byeong Seug và Quốc hội Hàn Quốc đã dành cho Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sự đón tiếp hết sức trọng thị, chân tình với các nghi thức lễ tân cao nhất.
Chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong tổng thể các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta nhằm triển khai chiến lược đối ngoại, chính sách đối ngoại đề ra tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, từ đó góp phần tạo thế và lực mới để chúng ta phát triển kinh tế, xã hội, phục hồi và phát triển sau đại dịch./.