CÔNG TÁC LẬP PHÁP CỦA ỦY BAN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG KHÓA XIV: TẠO NỀN TẢNG ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC

12/03/2021

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã hoàn thành xuất sắc tất cả các nhiệm vụ được giao trong đó có công tác lập pháp góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo lập nền tảng đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển đất nước, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội được thành lập với chức năng, nhiệm vụ là thẩm tra các dự án luật, giám sát, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực khoa học, công nghệ (KH&CN), tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến nay, Ủy ban đã không ngừng kế thừa, hoàn thiện và phát huy tốt vai trò của mình trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đưa khoa học và công nghệ (KH&CN) trở thành động lực phát triển đất nước, kinh tế - xã hội ổn định, bền vững và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.

Các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tại phiên họp toàn thể lần thứ nhất

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh quốc tế và tình hình đất nước tiếp tục có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Sự phát triển của KH&CN, đổi mới, sáng tạo; chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, tác động sâu rộng, đa chiều đến tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu là mối quan tâm hàng đầu; mô hình phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm đã và đang là mục tiêu của nhiều quốc gia trên thế giới. Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới tất cả các hoạt động xã hội và đời sống, sinh hoạt của người dân. Trong bối cảnh đó, với tinh thần, ý thức trách nhiệm cao, sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể đại biểu Quốc hội là thành viên Ủy ban, của lãnh đạo và chuyên viên của Vụ phục vụ hoạt động Ủy ban (Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường), sự phối hợp trong công tác của các cơ quan liên quan và sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã hoàn thành xuất sắc tất cả các nhiệm vụ được giao.

Trong công tác lập pháp, Ủy ban đã chủ trì thẩm tra hoặc phối hợp thẩm tra các dự án luật công khai, minh bạch, theo đúng quy định và tiến độ đề ra. Các dự án luật đều được nghiên cứu kỹ lưỡng, tham mưu tiếp thu những chính sách phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân, chuyển tải ý kiến của nhân dân, của cử tri tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Các dự án Luật do Ủy ban chủ trì thẩm tra đều được Quốc hội thông qua với tỷ lệ phiếu tán thành cao. Ủy ban cũng rất chú trọng việc giám sát thực thi pháp luật và xây dựng các văn bản hướng dẫn, đảm bảo các nội dung của luật được chuyển tải dễ hiểu, minh bạch và dễ tổ chức thực hiện, tháo gỡ khó khăn cho các bộ ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nhân dân; thực hiện tốt việc xử lý đơn thư, kiến nghị của cử tri trong lĩnh vực KH&CN, bảo vệ môi trường. Nhiều dự án luật, nhất là các luật ban hành gần đây đã có tác động lớn tới kinh tế - xã hội, thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, tạo nền tảng đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.

Trong nhiệm kỳ, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường được giao chủ trì thẩm tra, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội thông qua 12 dự án luật và phối hợp thẩm tra nhiều dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết do các Ủy ban khác của Quốc hội chủ trì.

Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thẩm tra dự án Luật Chuyển giao công nghệ tại phiên họp toàn thể lần thứ 3

Một trong những hoạt động lập pháp nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua, đó là Ủy ban đã chủ trì thẩm tra dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi 2017). Trong bối cảnh KH&CN thế giới đã và đang phát triển như vũ bão, Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cũng đã ký kết, gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Luật Chuyển giao công nghệ được ban hành và đưa vào cuộc sống đã kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN; coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới và sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo bảo vệ môi trường; hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN trong nước; kiểm soát, ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu vào Việt Nam; tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến, công nghệ cao của thế giới; đồng thời từng bước chuyển giao công nghệ ra nước ngoài phù hợp với điều kiện Việt Nam và đáp ứng yêu cầu về hội nhập quốc tế. Các quy định của Luật đã đảm bảo tính phù hợp và thống nhất với quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho hoạt động chuyển giao công nghệ ở Việt Nam đáp ứng cao hơn với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường: Ủy ban đã chủ trì thẩm tra các luật thuộc lĩnh vực này như: Luật Đo đạc bản đồ (2018), Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi 2020)…Trong đó, dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi 2020) có tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt là trong bối cảnh môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp; chất lượng môi trường tại một số nơi xuống cấp, nhiều chỉ số đã vượt ngưỡng cho phép; đã xuất hiện những sự cố môi trường lớn, đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản lý, kiểm soát về môi trường đối với các dự án đầu tư lớn, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, sự bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đang là những cảnh báo về vấn đề bảo vệ môi trường. Dự án Luật Bảo vệ môi trường (2020) góp phần cải cách thể chế môi trường của Việt Nam tiệm cận hài hòa với pháp luật về bảo vệ môi trường trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 10 với 91,91% đại biểu tán thành

Trong lĩnh vực giao thông, Ủy ban chủ trì thẩm tra Luật Đường sắt (sửa đổi 2017) đã góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho đầu tư của Nhà nước, của các thành phần kinh tế cho phát triển mạng lưới đường sắt; tổ chức quản lý, khai thác và phát triển giao thông đường sắt theo hướng hiện đại, góp phần đưa ngành đường sắt Việt Nam phát triển xứng tầm.

Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), Ủy ban được giao chủ trì thẩm tra 06 luật, bao gồm: Luật Thủy lợi (2017), Luật Thủy sản (sửa đổi 2017), Luật Lâm nghiệp (2017), Luật Chăn nuôi (2018), Luật Trồng trọt (2018), Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều (2020).

Trong lĩnh vực xây dựng: Ủy ban được giao chủ trì thẩm tra 02 dự án Luật thuộc lĩnh vực này, đó là Luật Kiến trúc (2019) và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (2020).

Các dự án Luật do Ủy ban chủ trì thực hiện sau khi được ban hành đã có tác động rất lớn tới các ngành, các cấp và toàn dân, tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực.

Ngoài ra, Ủy ban đã thực hiện tốt việc tham gia, phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trong thẩm tra Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội hằng năm, cũng như tích cực tham gia phối hợp thẩm tra các dự án luật.

Các thành viên Ủy ban đã tích cực nghiên cứu, đề xuất sáng kiến pháp luật tại các kỳ họp Quốc hội, được lãnh đạo Quốc hội, đại biểu Quốc hội đánh giá cao về vấn đề này. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ, một thành viên Ủy ban đã có 01 dự án Luật trình Quốc hội, tuy chưa được Quốc hội thông qua nhưng đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong hoạt động lập pháp của Quốc hội.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã ghi dấu ấn trong lịch sử Quốc hội khi lần đầu tiên một nữ đại biểu Quốc hội theo đuổi sáng kiến lập pháp suốt hai nhiệm kỳ và đã trình dự án Luật ra trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội với dự án Luật Hành chính công

Có được những kết quả nổi bật như trên trong công tác lập pháp là nhờ Ủy ban đã chủ động triển khai, phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nâng cao hiệu quả công tác lập pháp. Phát huy trách nhiệm của các thành viên Thường trực Ủy ban, thành viên Ủy ban, của cán bộ, chuyên viên Vụ chuyên môn trong việc nghiên cứu thẩm tra từng dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được phân công. Khuyến khích, ủng hộ thành viên Ủy ban nghiên cứu, đề xuất trình sáng kiến pháp luật trước Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. 

Ủy ban đã thực hiện đúng quy trình xây dựng luật, pháp lệnh theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tập trung vào những nội dung quan trọng của dự án; bảo đảm tiến độ trình dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được phân công chủ trì thẩm tra. Trong quá trình thẩm tra, phối hợp thẩm tra, nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi với hình thức phù hợp nhằm huy động sự đóng góp của các cơ quan, tổ chức có liên quan, các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, đại diện các cấp, các ngành, các đối tượng có liên quan đến dự án. Tăng cường nghiên cứu pháp luật quốc tế, kinh nghiệm xây dựng pháp luật một số nước trên thế giới, bảo đảm các quy định của luật phù hợp với pháp luật quốc tế, đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước.

Với yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại của đất nước, Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021 - 2026) sẽ tiếp tục được đổi mới cả về tổ chức và phương thức hoạt động thì việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có hệ thống pháp luật về KH&CN, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp thiết./.

Bảo Yến