CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC MỘT SỐ KẾT QUẢ NHẤT ĐỊNH

12/03/2021

Báo cáo tới Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 vừa qua về công tác thi hành án năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, công tác thi hành án dân sự đã đạt được một số kết quả nhất định.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo một số nội dung

Thừa Ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án được Quốc hội giao, với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), thi hành án hình sự (THAHS), quản lý nhà nước về theo dõi thi hành án hành chính (THAHC), các chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội; công tác thi hành án tiếp tục có những chuyển biến tích cực, qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về công tác thi hành án dân sự, đối với việc hoàn thiện thể chế, nhận thức rõ vai trò quan trọng của thể chế, trong năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quan trọng liên quan đến THADS. Trong đó, Chính phủ đã ban hành 01 Nghị định; Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng đã ban hành 06 Thông tư. Hiện nay, Chính phủ cũng đang khẩn trương chỉ đạo các bộ, ngành tập trung rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập từ thực tiễn của công tác thi hành án nói chung và việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế nói riêng để trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về đăng ký tài sản, THADS, đất đai, tín dụng ngân hàng... Đặc biệt, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế ; các bộ, ngành có liên quan đang tập trung xây dựng, ban hành các văn bản theo thẩm quyền nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, ổn định cho công tác THADS, THAHC.

Đối với công tác chỉ đạo, điều hành, để kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND), Tòa án nhân dân (TAND), công tác thi hành án (Nghị quyết số 96/2019/QH14), ngày 01/01/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, trong đó đặt ra yêu cầu: “Phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thi hành án, tập trung vào các vụ việc trọng điểm. Thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng ngừa và xử lý các vướng mắc, khiếu nại của nhà đầu tư. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nghiêm trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu. Tiếp nhận, giải quyết kịp thời và công khai kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, không để phát sinh “điểm nóng” gây mất trật tự, an toàn xã hội”. Cùng ngày, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 và định hướng đến năm 2021.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo: “… Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức THADS, THAHC, tạo chuyển biến cơ bản, bền vững về mọi mặt trong tổ chức hoạt động, cần tập trung chỉ đạo ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật 100% đối với các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực pháp luật”. Trong năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao đối với công tác THADS, chủ trì nhiều phiên họp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nhằm bàn biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành một số vụ việc về kinh tế, tham nhũng, một số vụ việc có giá trị lớn, có tính chất phức tạp hoặc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng…

Để cụ thể hóa các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, ngay từ đầu năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch triển khai thực hiện , trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác THADS, theo dõi THAHC như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến THADS, theo dõi THAHC. Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thi hành án được giao. Tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng để áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, nhất là trong các vụ án kinh tế, tham nhũng để bảo đảm thi hành án. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 96/2019/QH14 và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và THAHC. Tiếp đó, Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Chương trình công tác trọng tâm THADS năm 2020, trong đó giao 09 nhóm chỉ tiêu cơ bản  cho các cơ quan THADS địa phương để kịp thời triển khai trong toàn hệ thống.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng thực hiện nhiều biện pháp linh hoạt để vừa phòng, chống dịch, vừa cố gắng thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020. Theo đó, Bộ Tư pháp đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành như tổ chức các cuộc họp, hội nghị trực tuyến, tăng cường lưu hành văn bản trên môi trường mạng (trục liên thông văn bản quốc gia), đồng thời chỉ đạo các cơ quan THADS thực hiện phương án làm việc, tổ chức thi hành án linh hoạt, phù hợp với điều kiện tại từng địa phương, vừa đảm bảo việc giãn cách xã hội vừa đảm bảo trình tự, thủ tục luật định nhằm hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Kết quả thi hành án năm 2020 đã vượt chỉ tiêu về việc và về tiền, tỷ lệ thi hành án xong cao hơn năm 2019. Bên cạnh đó, cũng có lý do việc thi hành án thụ lý mới về việc và tiền đều giảm so với năm 2019./.

Hồ Hương