Đánh giá cao thành tích ấn tượng đã đạt được của Chính phủ trong nhiệm kỳ 2016 - 2021
Thông báo của Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm và những kết quả tích cực, thành tích ấn tượng đã đạt được của Chính phủ trong nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trong bối cảnh cả thế giới, khu vực và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, sự đồng hành, phối hợp, giám sát chặt chẽ của Quốc hội, Chính phủ đã không ngừng đổi mới, linh hoạt, sáng tạo, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt, đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, góp phần quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021
Báo cáo của Chính phủ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh giá cơ bản toàn diện, sâu sắc về các mặt công tác trong cả nhiệm kỳ của Chính phủ. Tuy nhiên, Báo cáo cần hoàn thiện thêm về bố cục để bảo đảm sự cân xứng, hợp lý hơn, nhất là giữa nội dung về kết quả đạt được với tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, Báo cáo cũng cần đánh giá kỹ hơn một số kết quả trong công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh; kết quả thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội; việc đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước gắn với xây dựng Chính phủ điện tử; việc khắc phục các dự án thua lỗ của ngành công thương, tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh, các dự án, công trình chậm tiến độ…; đánh giá sâu hơn về bài học kinh nghiệm trong đề xuất, xây dựng nội dung các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành để bảo đảm cơ sở pháp lý điều hành kinh tế - xã hội, kịp thời xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra, về tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm của các thành viên Chính phủ, công tác phối hợp giữa các cơ quan tham mưu, giúp việc của Chính phủ với Quốc hội.
Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp và ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện Báo cáo để gửi đến Quốc hội. Giao Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra chính thức để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 11.
Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV sẽ tập trung cho công tác tổng kết nhiệm kỳ và kiện toàn một số chức danh trong bộ máy nhà nước
Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo và dự kiến chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV do Tổng Thư ký Quốc hội trình bày.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị lưu ý các nội dung:
Một là, bổ sung các nội dung trình Quốc hội: Xem xét, quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026; Báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia từ khi thành lập đến tháng 3/2021.
Hai là, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV tập trung cho công tác tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021 và kiện toàn một số chức danh trong bộ máy nhà nước. Do vậy, đề nghị tại kỳ họp thứ 11 chưa trình Quốc hội khóa XIV xem xét dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón; phương án xử lý liên quan đến Dự án liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn để chuyển sang trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.
Ba là, bố trí trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) trước khi Quốc hội xem xét, kiện toàn một số chức danh trong bộ máy nhà nước.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội tùy tình hình thực tế của từng địa phương phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tiếp xúc cử tri theo quy định của pháp luật. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phát huy trách nhiệm, triển khai các nhiệm vụ được giao nhằm bảo đảm sự tiếp nối liên tục trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ nay đến khi kết thúc nhiệm kỳ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện dự kiến chương trình kỳ họp, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp thứ 53 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Ngoài ra, cho ý kiến về việc quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đề nghị Chính phủ, căn cứ vào ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của cơ quan thẩm tra, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ gửi đến các vị đại biểu Quốc hội theo đúng quy định. Giao Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra chính thức để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 11.
Tại phiên họp thứ 53, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 02 Nghị quyết:
- Điều chỉnh lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.
- Về việc ban hành Quy chế Quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện nghị quyết, kết luận của phiên họp./.