Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo một số nội dung tại Kỳ họp thứ 10
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước vẫn còn những tồn tại hạn chế là do một số nguyên nhân sau:
Nguyên nhân khách quan: nguồn lực nhìn chung chưa tương xứng với tầm quan trọng, tính chất khó khăn, phức tạp của hoạt động xây dựng pháp luật, vì vậy một số trường hợp chưa thực thi được đầy đủ yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là khảo sát, đánh giá tác động của văn bản trong một số trường hợp chưa sát thực tiễn. Các điều kiện đảm bảo thi hành pháp luật còn chưa đầy đủ, nhất là về tổ chức, bộ máy, biên chế và kinh phí; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các cơ quan, tổ chức liên quan về tổ chức thi hành pháp luật còn chưa đồng bộ, hiệu quả. Hoạt động đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ xây dựng pháp luật chưa thực sự sát với yêu cầu thực tiễn; cơ chế đãi ngộ chưa thu hút được nguồn cán bộ có chuyên môn cao. Một số vấn đề lý thuyết căn bản về pháp luật đã được nghiên cứu, đúc rút trong khoa học pháp lý (luật công, luật tư, luật chung, luật riêng, ủy quyền lập pháp, giải thích pháp luật, án lệ…), nhưng chưa được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn xây dựng và áp dụng pháp luật. Thời gian qua, nhiều vấn đề kinh tế, xã hội mới, phức tạp nảy sinh, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã dẫn tới những bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành.
Nguyên nhân chủ quan: do nhận thức của lãnh đạo một số cơ quan còn chưa thật sự đầy đủ về nội dung, yêu cầu của công tác xây dựng pháp luật. Vẫn còn trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo chưa tuân thủ đầy đủ quy trình xây dựng văn bản; việc lấy ý kiến về dự thảo văn bản, nhất là ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản còn hình thức, chưa hiệu quả; việc tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp chưa triệt để; một số dự thảo văn bản được xây dựng thiếu gắn kết với kết quả điều tra, khảo sát thực tiễn, cũng như chưa bảo đảm tính dự báo. Những đổi mới về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua, nhất là về đánh giá tác động của chính sách, tác động của văn bản, thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học chưa được phát huy đầy đủ trong thực tiễn. Hoạt động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập còn chưa thực sự hiệu quả, thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập còn chưa phát huy hết trách nhiệm. Việc chậm văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành vẫn còn, gây ra khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì tiếp thu, chỉnh lý với các cơ quan liên quan trong xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật còn chưa chặt chẽ. Cơ chế giải trình, bảo vệ quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo về nội dung chính sách trong dự án luật còn chưa hiệu quả. Một số cơ quan soạn thảo văn bản chưa quan tâm đúng mức đến việc rà soát đầy đủ, kỹ lưỡng văn bản quy phạm pháp luật liên quan khi ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định. Năng lực, trình độ, kinh nghiệm của một bộ phận công chức làm công tác xây dựng pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là về tính chuyên nghiệp, kỹ năng phân tích, dự báo, xây dựng chính sách, áp dụng pháp luật.
Trên cơ sở chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, Bộ trưởng Lê Thành Long đưa ra những giải pháp để khắc phục vấn đề này, theo đó:
Khẩn trương thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật theo các phương án đã được để xử lý kịp thời các quy định pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp thực tiễn. Tiếp tục thực hiện nghiêm quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chặt chẽ, khoa học, chuyên nghiệp. Có giải pháp cụ thể để hạn chế tối đa việc ban hành văn bản có quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp thực tiễn. Chú trọng việc rà soát kỹ lưỡng các quy định pháp luật hiện hành liên quan trước khi ban hành quy định mới; tăng cường huy động trí tuệ xã hội trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật. Thực hiện các giải pháp ứng dụng hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học pháp lý vào xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật. Tiếp tục nâng cao chất lượng các công tác thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản.
Mặt khác, các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần quan tâm, nhận thức đầy đủ về nội dung, yêu cầu của công tác xây dựng pháp luật; cần nhận thức rõ văn bản quy phạm pháp luật là bộ phận cốt lõi của thể chế, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ; tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, gắn kết chặt chẽ các công tác này với xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật. Tiếp tục tổ chức rà soát văn bản theo các chuyên đề, lĩnh vực khác ngoài những nội dung đã được đề cập.
Bên cạnh đó, tăng cường nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật, có giải pháp đổi mới cơ chế phân bổ kinh phí, đảm bảo tài chính để thực hiện hiệu quả quy trình xây dựng pháp luật, nhất là khảo sát thực tiễn, đánh giá tác động của chính sách; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là chuyên môn và đạo đức công vụ. Triển khai các giải pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận pháp luật, qua đó nâng cao năng lực hiểu và thực thi pháp luật. Tiếp tục triển khai có hiệu quả, thực chất công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Thực hiện các giải pháp bảo đảm chất lượng các dịch vụ pháp lý, bổ trợ tư pháp, có chính sách cụ thể để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực này. Hoàn thành Bộ pháp điển điện tử đảm bảo chất lượng, tiến độ, sớm đưa vào khai thác, sử dụng. Có giải pháp tăng cường hơn nữa chất lượng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Công báo điển tử về văn bản quy phạm pháp luật và Bộ pháp điển.
Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị cần thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Chú trọng việc xem xét, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích pháp luật trong trường hợp có quy định trong luật, pháp lệnh chưa rõ ràng. Tăng cường việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, chú trọng đối thoại với doanh nghiệp về vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật./.