HỒ SƠ DỰ ÁN HỒ CHỨA NƯỚC SÔNG THAN ĐÃ ĐÁP ỨNG CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

05/11/2020

Báo cáo thẩm tra về đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Sông Than, tỉnh Ninh Thuận tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, cơ quan thẩm tra nêu rõ, Hồ sơ Dự án đã đáp ứng đúng các quy định của pháp luật.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng báo cáo thẩm tra

Báo cáo thẩm tra về đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, Dự án Hồ chứa nước Sông Than, tỉnh Ninh Thuận là dự án nhóm B về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, được xây dựng trên địa bàn 02 huyện Ninh Sơn và Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận là khu vực thường xuyên bị khô hạn, điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhằm các mục tiêu: Tạo nguồn nước ổn định, đáp ứng nhu cầu nước tưới cho 4.500 ha đất canh tác; cấp nước sinh hoạt cho khoảng 20.000 dân vùng hạ lưu; cấp 24 triệu m3/năm cho các ngành kinh tế khác; Cấp nước bổ sung cho các hồ chứa nước Lanh Ra, Tà Ranh và Bầu Zôn; Cắt giảm lũ cho khu vực hạ du và tình trạng ngập úng trong mùa mưa do lượng mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn; Góp phần cải tạo môi trường sinh thái trong vùng; Tạo cơ sở hạ tầng cho phát triển sản xuất, nhằm xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của nhân dân trong vùng Dự án. Vì vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với sự cần thiết và tính cấp bách đầu tư xây dựng Dự án nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước cho các nhu cầu thiết yếu của sản xuất và đời sống, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.  

Đối với hồ sơ Dự án trình Quốc hội, về tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư công, Dự án hồ chứa nước Sông Than đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2010 và triển khai thực hiện từ ngày 07/7/2018 đến nay. Vì vậy, khi phát sinh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia trong thực hiện dự án thì việc điều chỉnh thực hiện dự án được thực hiện trong các trường hợp quy định tại Điều 43 Luật Đầu tư công và giao Chính phủ quy định cụ thể. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành nghị định hướng dẫn Điều 43 Luật Đầu tư công đối với dự án quan trọng quốc gia gồm: Nghị định số Nghị định 131/2015 ngày 25/12/2015 và Nghị định số 02/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2015 ngày 25/12/2015. Theo khoản 7 Điều 1 Nghị định 02/2020/NĐ-CP thì Dự án hồ chứa nước sông Than thuộc Dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi mà nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí quan trọng quốc gia theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư công nên được thực hiện tiếp tục và báo cáo Quốc hội tình hình triển khai thực hiện dự án vào kỳ họp Quốc hội cuối năm, trong đó có vấn đề phát sinh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Việc Chính phủ đã có báo cáo số 455/BC-CP, ngày 05/10/2020 trình Quốc hội tại kỳ họp 10 về tình hình thực hiện Dự án là tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật về đầu tư công.

Về việc chuyển mục đích sử dụng rừng của Dự án, theo Báo cáo số 455/BC-CP của Chính phủ diện tích rừng đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án là 431,76 ha có 100,63 ha rừng phòng hộ đầu nguồn thì việc quyết định chủ trương chuyển đổi thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Lâm nghiệp.

Nghiên cứu hồ sơ Dự án, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, cơ quan trình Dự án đã thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về hồ sơ, trình tự thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng được thực hiện theo quy định của Luật Lâm nghiệp, Nghị định 83/2020/NĐ-CP, gồm: Văn bản đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng của tổ chức, cá nhân đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng; Quyết định đầu tư; Tài liệu về đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư, đầu tư công (Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt (văn bản số 4303/TCMT-TĐ của Tổng cục Môi trường; Quyết định số 3391/QĐ-BTNMT ngày 7/11/2018); Báo cáo thuyết minh, bản đồ hiện trạng rừng; Kết quả điều tra rừng khu vực đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng (diện tích rừng, trữ lượng rừng).

Đối với diện tích rừng tự nhiên phải chuyển đổi là 333,98 ha, theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận và ý kiến của Hội đồng thẩm định thì các diện tích rừng này thuộc loại rừng nghèo, nghèo kiệt căn cứ theo tiêu chí quy định tại Thông tư 33/2018/TT-BNNPTNT quy định về điều tra, kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng; việc chuyển đổi diện tích này đáp ứng điều kiện về chuyển đổi rừng tự nhiên cho phục vụ các dự án cấp thiết về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật quy định tại Nghị định 83/2020/NĐ-CP. Vị trí rừng tự nhiên phải chuyển đổi của Dự án được các cơ quan chuyên môn xác định là vị trí bắt buộc phải chuyển đổi để bảo đảm hiệu quả công trình (do ở khu vực này mới có loại đất thích hợp để sử dụng xây dựng đập).

Về trồng rừng thay thế, trong quá trình triển khai Dự án khi phát sinh tiêu chí quan trọng quốc gia về chuyển đổi mục đích rừng phòng hộ, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chủ động phê duyệt phương án trồng rừng thay thế (Quyết định số 2244/QĐ-UBND ngày 27/12/2018), chỉ đạo trồng rừng thay thế. Theo báo cáo số 308/BC-UBND ngày 07/10/2020 của UBND tỉnh Ninh Thuận, sau khi Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng, UBND tỉnh sẽ phê duyệt kinh phí trồng rừng thay thế với tổng kinh phí dự kiến là 129,9 tỷ đồng để trồng bù 1.495ha rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng lên 0,44%. Hiện chủ dự án đã nộp 60 tỷ đồng trồng rừng thay thế vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Ninh Thuận. Trong 2 năm 2019, 2020 trên toàn tỉnh đã trồng được 595 ha rừng thay thế; đồng thời, tỉnh cũng đã xác định vị trí đất cụ thể cho 900 ha rừng còn lại.

Như vậy, đối chiếu với các quy định của pháp luật đầu tư, đầu tư công, pháp luật về lâm nghiệp, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, Hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích sử dụng khác của Chính phủ đã tuân thủ nghiêm túc, đáp ứng các quy định của pháp luật về Hồ sơ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị định 83/2020/NĐ-CP./.

Hồ Hương