CẦN CÓ SỰ CHUYỂN BIẾN TRONG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VÀ NGHỀ NGHIỆP

05/11/2020

Trong phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước; dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương diễn ra ngày 05/11 tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần có sự chuyển biến trong giáo dục đại học và nghề nghiệp.

Thực hiện Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV, ngày 05/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước; dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương. Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp để nhân dân và cử tri cả nước quan tâm theo dõi. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thảo luận.

Một trong những nội dung khiến nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất là cần đưa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học có chuyển biến tích cực theo hướng phát triển con người đổi mới, sáng tạo; đóng góp có hiệu quả vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở mọi lĩnh vực.


Đại biểu Phạm Tất Thắng – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long đóng góp ý kiến tại Hội trường.

Đại biểu Phạm Tất Thắng – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, nêu quan điểm: Nguồn lực con người - nguồn lực quý nhất, là một trong 3 đột phá chiến lược của chúng ta chưa được chăm chút đúng mức và phát huy hết vai trò để thực hiện được các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước. Vì vậy, trong các giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2021 và giai đoạn tới, cần chú trọng để phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội. Cần phải khẩn trương nghiên cứu, xác định một hệ tiêu chí chuẩn xác xây dựng chuẩn mực văn hóa, con người Việt Nam trong thời gian tới. Triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống việc chuyển giáo dục sang tiếp cận năng lực nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực. Củng cố niềm tin của xã hội, của cử tri vào đổi mới giáo dục. Giáo dục phải góp phần quan trọng khắc phục tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định, đó là đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân, trong đó nhiều thanh thiếu niên có biểu hiện sa sút, lệch lạc.

Theo đại biểu Phạm Tất Thắng, đây là giai đoạn cần tập trung xây dựng nền tảng về thể chế, về cơ cấu hệ thống, về đổi mới quản lý và về đội ngũ để giáo dục Việt Nam đón được các yêu cầu mới về phát triển con người và đào tạo nhân lực trong bước chuyển đột phá của đất nước dựa trên khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, giai đoạn này cần xác định mục tiêu của giáo dục đào tạo là: Khắc phục cơ bản những hạn chế trong giáo dục, phấn đấu đến năm 2025 chất lượng giáo dục trong toàn hệ thống, đặc biệt ở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học có chuyển biến tích cực theo hướng phát triển con người đổi mới, sáng tạo; đóng góp có hiệu quả vào việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao ở mọi lĩnh vực, để phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước theo các mục tiêu phát triển bền vững và trên nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số; tạo tiền đề để Việt Nam cơ bản trở thành quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, sáng tạo và dân chủ vào năm 2030.

Đại biểu Phạm Tất Thắng cũng đề xuất, cần tổ chức thực hiện có hiệu lực, hiệu quả Luật Giáo dục sửa đổi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật giáo dục và đào tạo, tập trung vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, nhà giáo. Đẩy mạnh dân chủ trong các trường phổ thông và phát huy tự chủ đại học. Nâng cao chất lượng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đáp ứng các yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục, phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo. Xây dựng hệ giá trị cá nhân và văn hóa học đường. Xây dựng chính sách giáo dục mở đi đôi với việc hoàn thiện và đưa vào tổ chức thực hiện khung trình độ quốc gia. Triển khai cơ chế tài chính mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XII) về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Phát triển thị trường giáo dục trên nguyên tắc đảm bảo định hướng Xã hội chủ nghĩa, đối xử bình đẳng giữa trường công lập và ngoài công lập trong cung ứng dịch vụ giáo dục. Chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài. Tiếp tục đổi mới công tác đánh giá và thi, bảo đảm khách quan, trung thực, công bằng và không gây ra áp lực với xã hội.

Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Luật Giáo dục sửa đổi đã có hiệu lực từ 01/7/2020; Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn để luật thực sự đi vào cuộc sống. Đối với giáo dục phổ thông cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Việc tiếp tục chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội là việc hệ trọng, đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt, quan tâm đầu tư đúng mức của Chính phủ, sự triển khai đồng bộ của các bộ, địa phương trong thời gian tới. Với giáo dục đại học cần tiếp tục triển khai tinh thần, yêu cầu của tự chủ đại học. Bộ Giáo dục-Đào tạo cần chủ động rà soát, đề nghị với Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ để chủ trương tự chủ được triển khai hiệu quả trong thực tiễn, cả về sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ, …. Chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học để đào tạo đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao, tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới và khởi nghiệp sáng tạo.

Đưa ra quan điểm về nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, cho rằng cần phải ưu tiên vào nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Chỉ có đổi mới sáng tạo mới có khả năng đặt chân vào các khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị để tăng năng suất lao động để tạo ra được mức tăng trưởng đột phá. Các trường đại học chính là nôi của nguồn nhân lực chất lượng cao để đổi mới và sáng tạo.


Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội nêu quan điểm.

Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, hiện mức đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay còn đang rất thấp, chỉ chiếm 0,33% GDP. Trong khi đó, các nước OECD có số lượng sinh viên ít hơn và quy mô GDP thì lớn hơn, mức đầu tư giáo dục đại học cũng đã chiếm đến 1,1% GDP. Chính vì vậy, mức chi cho giáo dục của một sinh viên ở trường đại học top đầu Việt Nam hiện nay cũng chỉ chiếm bằng 1/10 đến 1/15 của sinh viên các nước phát triển. Tuy vậy, sản phẩm đào tạo trong nước của trường đại học top đầu vẫn được các nhà tuyển dụng đánh giá không có sự khác biệt rõ ràng về năng lực chuyên môn so với người tốt nghiệp ở nước ngoài ngoại trừ trình độ ngoại ngữ.

Ngân hàng Thế giới đánh giá rất cao về đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam đang được coi là khâu đầu tư có hiệu quả cao nhất. Vì vậy cần phải tập trung đầu tư cho cơ sở giáo dục đại học để các trường top đầu trở thành các trường đẳng cấp quốc tế thì sẽ nhanh và hiệu quả hơn nhiều lần so việc chúng ta đang dành tiền để đầu tư cho các trường mới để những trường này trở thành trường đẳng cấp quốc tế.

Đóng góp ý kiến vào sự chuyển biến trong giáo dục đại học và nghề nghiệp, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ – Đoàn Đại biểu tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng cần quy hoạch nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng nhu cầu xã hội. Từ ví dụ điển hình về nhân lực giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông, tính đến tháng 10/2019 cả nước thiếu hơn 45.000 giáo viên mầm non, hơn 18.000 giáo viên tiểu học, hơn 11.000 giáo viên trung học cơ sở và hơn 10.000 giáo viên trung học phổ thông. Cùng với sự ra đời hàng loạt trường tư, hiện rất nhiều trường công không đủ giáo viên phục vụ nhu cầu giảng dạy. Số liệu về nhu cầu giáo viên đã được các địa phương tổng hợp hằng năm qua các báo cáo, thống kê về vị trí việc làm hay các báo cáo gửi các bộ chuyên ngành. Tuy nhiên, các cấp chính quyền lại chưa chủ động cân đối xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực đào tạo đáp ứng nhu cầu thiếu hụt cho địa phương mà chỉ chờ vào số lượng sinh viên rất ít ỏi của ngành sư phạm tốt nghiệp ra trường gửi đơn đến tham gia dự tuyển.

Cho dù mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116 về mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng đối với sinh viên ngành sư phạm. Nhưng chính sách mới này liệu có giải quyết tận gốc vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thiếu hụt hay cũng chỉ mới thu hút được một số lượng không nhiều sinh viên vào sư phạm, ở đây xin chưa phân tích đến chất lượng của sinh viên ngành sư phạm trong những năm gần đây. Tương tự đối với các ngành và lĩnh vực khác, các báo cáo của Chính phủ đề ra định hướng thời gian tới là chúng ta cần phải hình thành hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo theo chuẩn mực quốc tế để chuyển giao và áp dụng công nghệ 4.0, thúc đẩy quá trình phát triển, chuyển đổi số, thực hiện kinh tế số… Điều đó có nghĩa là toàn bộ nền kinh tế đang rất cần một lượng lớn những người được đào tạo về các lĩnh vực như công nghệ thông tin, điện tử, các kỹ sư nông nghiệp có chất lượng.


Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh.

Theo đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, giải pháp cho các nhu cầu đó là cần phải quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao được đề ra trong hầu hết các báo cáo của Chính phủ cũng như các cấp chính quyền địa phương hằng năm. Tuy nhiên, kế hoạch cân đối, chuẩn bị nguồn nhân lực cho các ngành, lĩnh vực thiếu hụt trên lại không được thực hiện một cách quyết liệt ở các cấp mà chủ yếu lại phụ thuộc vào số lượng nhân lực tốt nghiệp ở các ngành nộp đơn thi xét tuyển, đến khi không đủ số lượng và chất lượng theo yêu cầu, các báo cáo lại tiếp tục đánh giá hạn chế, tồn tại là do nguyên nhân nguồn nhân lực chưa đủ và chưa đáp ứng yêu cầu công việc và tiếp tục đề xuất các giải pháp về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng. Trong khi đó, sinh viên đăng ký các ngành học chủ yếu là tự phát dựa trên năng lực, sở thích, tiềm lực kinh tế gia đình hay từ dự đoán thị trường hiện tại về ngành, lĩnh vực, chưa được dựa trên dự báo cân đối sắp xếp của các cơ quan quản lý nhà nước. Điều này làm cho diễn biến sinh viên đăng ký vào các ngành học trong từng thời kỳ, các trường đại học liên tục diễn ra theo đồ thị hình sin, gây ra sự thừa, thiếu cục bộ về nhân lực trong toàn bộ nền kinh tế.

Nhân lực là yếu tố nền tảng cho sự phát triển của một quốc gia trong công tác quy hoạch cơ cấu lại vùng kinh tế giai đoạn 2021-2026. Để quy hoạch cơ cấu lại vùng kinh tế đạt được mục tiêu đề ra, cần thiết phải quan tâm đến vấn đề quy hoạch nguồn nhân lực. Thực hiện theo phương châm Chính phủ hành động, các địa phương bên cạnh thực hiện phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế cần chủ động tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, theo đó có chính sách, lộ trình đào tạo, bố trí, sắp xếp, thu hút nguồn nhân lực trong các cơ quan quản lý nhà nước đơn vị sự nghiệp một cách có hiệu quả và đúng hướng. Đồng thời, cần có sự tính toán, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực đến các ngành, lĩnh vực để qua đó người học đăng ký vào các ngành, thị trường cần đáp ứng nhu cầu xã hội nhằm đạt được các mục tiêu đề ra./.

Bích Lan