Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác.
Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ: Ngày 19/5/2020, Ủy ban Pháp luật đã có Báo cáo số 3200/BC-UBPL14 (gồm 12 trang) thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng theo Tờ trình số 195/TTr-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ gửi các vị đại biểu Quốc hội.
Quốc hội thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác.
Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Một số ý kiến cho rằng, hiện nay một số thành phố trực thuộc trung ương khác cũng đã được cơ quan có thẩm quyền đồng ý về chủ trương thí điểm xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù và thí điểm tổ chức chính quyền đô thị. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, đặt trong tổng thể yêu cầu phát triển và đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị nói chung và ở các thành phố trực thuộc trung ương nói riêng, cân nhắc thời gian thực hiện thí điểm, tổng kết, đánh giá đồng bộ để đề xuất mô hình tổ chức chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho từng địa phương, bảo đảm tính tương quan, tương đồng giữa các thành phố trong cả nước, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho việc thực hiện và giám sát.
Một trong những nội dung được đưa vào Nghị quyết là giao Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức phí, lệ phí (khoản 3 Điều 12). Ủy ban Pháp luật tán thành với việc giao Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí chưa có trong Danh mục ban hành kèm theo Luật Phí, lệ phí và tăng mức thu hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đối với một số loại phí, lệ phí có tính đặc thù phục vụ mục tiêu phát triển của thành phố tương tự như quy định trong Nghị quyết số 54/2017/QH14. Tuy nhiên, đề nghị rà soát để quy định cụ thể hơn trong dự thảo Nghị quyết nhóm những loại phí, lệ phí có thể cho phép Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết định mức thu hoặc tỷ lệ thu, ví dụ đối với lệ phí, án phí Tòa án thì không nên giao cho địa phương tự điều chỉnh.
Đóng góp ý kiến vào vấn đề phí, lệ phí tại Điều 12 của dự thảo Nghị quyết cho Đà Nẵng được “tăng mức hoặc tỷ lệ thu các loại phí, lệ phí trong danh mục phí, lệ phí theo Luật Phí, lệ phí do các cấp có thẩm quyền quyết định”, đại biểu Trần Quang Chiểu – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định nêu quan điểm: Nếu chỉ quy định như trên thì các khoản thu tăng thêm này sẽ được phân chia theo Luật Ngân sách nhà nước ở trung ương và địa phương. Trong khi đó, đây là nỗ lực của Đà Nẵng và Quốc hội cho cơ chế riêng.
Tại Nghị quyết số 54 về thí điểm cho thành phố Hồ Chí Minh thì Quốc hội đã cho ngân sách thành phố Hồ Chí Minh được hưởng 100% các khoản tăng thu về phí, lệ phí mà thành phố Hồ Chí Minh tăng thêm. Quốc hội cho thành phố Hồ Chí Minh được hưởng ngay 100% các khoản này để ngân sách thành phố Hồ Chí Minh thực hiện các nhiệm vụ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc nhiệm vụ của thành phố và khoản này không được tính vào tỷ lệ phân chia phần trăm giữa ngân sách trung ương và địa phương. Vì vậy, đề nghị bổ sung nội dung này cho thành phố Đà Nẵng được hưởng 100% các khoản tăng thêm mà Quốc hội cho để thực hiện nhiệm vụ đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng của thành phố và cũng không kể tỷ lệ phân chia.
Đại biểu Trần Quang Chiểu – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu ý kiến.
Đại biểu Trần Văn Mão – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An hoàn toàn nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Theo đó, tán thành với việc giao Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí chưa có trong Danh mục ban hành kèm theo Luật Phí, lệ phí và tăng mức thu hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đối với một số loại phí, lệ phí có tính đặc thù phục vụ mục tiêu phát triển của thành phố tương tự như quy định trong Nghị quyết số 54/2017/QH14. Tuy nhiên, đề nghị rà soát để quy định cụ thể hơn trong dự thảo Nghị quyết nhóm những loại phí, lệ phí có thể cho phép Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết định mức thu hoặc tỷ lệ thu, ví dụ đối với lệ phí, án phí Tòa án thì không nên giao cho địa phương tự điều chỉnh.
Đại biểu Đinh Duy Vượt – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đồng ý giao cho Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức phí, lệ phí là phù hợp nhằm đảm bảo tính linh hoạt, chủ động trong việc điều chỉnh chính sách về phí, lệ phí, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước trên địa bàn, phục vụ mục tiêu phát triển của thành phố như Quốc hội đã quy định trong Nghị quyết số 54 đối với thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đại biểu Đinh Duy Vượt đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm với những cơ chế, chế chính sách đặc thù quy định trong nghị quyết này cùng với cơ chế, chính sách tại Nghị định số 144 của Chính phủ đã thực sự tạo điều kiện đột phá cho Đà Nẵng đúng như tinh thần Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị hay chưa?
Việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội thảo luận qua nhiều phiên họp cho Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nghị quyết đã đi vào cuộc sống và lần này là thành phố Đà Nẵng xem như được tích hợp, mở rộng từ 2 mô hình đã thí điểm. Như vậy sẽ tạo ra các mô hình tiêu biểu tại 3 thành phố lớn trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam cũng chính là tiền đề lan tỏa, mở rộng đến các đô thị khác. Đại biểu Đinh Duy Vượt kỳ vọng khi Quốc hội ban hành Nghị quyết này sẽ thúc đẩy Đà Nẵng tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng hơn nữa là đầu tàu vùng kinh tế trọng điểm, động lực dẫn dắt phát triển kinh tế miền Trung - Tây Nguyên có sức thu hút, lan tỏa, đóng góp lớn hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách của cả nước.
Đà Nẵng cũng cần những cú huých từ ngân sách trung ương đầu tư vào
Bên cạnh việc đồng ý giao cho Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức phí, lệ phí, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội lại bày tỏ bày tỏ sự băn khoăn về việc này.
Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, dự thảo Nghị quyết giao cho Đà Nẵng có thẩm quyền ban hành mới các loại phí, lệ phí và điều chỉnh tăng thêm mức phí, lệ phí là hoàn toàn phù hợp nếu như áp dụng tại một thời điểm khác. Bởi lẽ, trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta chưa đi qua những tháng ngày dịch bệnh Covid-19 và tới đây người dân thành phố sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để khắc phục hậu quả dịch bệnh thì việc áp dụng chính sách này thực sự rất nhạy cảm và khó khả thi. Trong khi đó, thời hạn có hiệu lực của Nghị quyết áp dụng thí điểm chỉ có 3 năm thì e rằng đến khi hết thời hạn có hiệu lực chưa chắc chúng ta đã áp dụng được quy định này. Vì vậy, cũng cần cân nhắc để xem có đưa vào Nghị quyết hay không.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nêu quan điểm.
Còn Đại biểu Vũ Trọng Kim - Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Dương nêu ý kiến: Đà Nẵng nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây, liên quan đến nhiều nước chứ không phải chỉ ở các tỉnh trong nước ta. Vấn đề đặt ra vai trò của Đà Nẵng trong phát triển kinh tế - xã hội trong một mô hình mới. Chính vì thế, trong mô hình mới này vấn đề xây dựng có tầm cỡ chiến lược, kể cả quy hoạch đô thị, phát triển kinh tế - xã hội đều đặt trong một tầm ngắm lâu dài để không có chuyện thay đi đổi lại, chắp vá vì chuyện đó rất ảnh hưởng đến vấn đề nguồn lực và vấn đề đầu tư của chúng ta.
Đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng, Đà Nẵng cũng cần những cú huých từ ngân sách trung ương đầu tư vào. Ví dụ, Đà Nẵng đang cần thiết đầu tư vào cảng biển hay đầu tư vào Trung tâm công nghệ cao. Trước khi nói đến sự chủ động của địa phương thì vấn đề đầu tư để thể hiện được một thành phố động lực thì có trách nhiệm của cơ quan Trung ương, chứ không phải chỉ có vấn đề là cho cơ chế làm sao thì làm, mà vấn đề là cơ quan Trung ương và địa phương cùng nhau xây dựng thành phố này. Chính vì thế những cơ chế đặc thù chính là cơ chế nổi trội, một cơ chế riêng có để cho thành phố phát triển thì điều đó liên quan đến phí, lệ phí, chủ động nguồn khai thác ngân sách tại địa phương như thế nào là điều hết sức quan trọng.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận về vấn đề trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định: Đà Nẵng là một thành phố rất năng động, có nhiều tiềm năng để phát triển, là một thành phố động lực và trung tâm của duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, cho nên Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 43 để thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị và thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực cho Đà Nẵng phát triển. Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã phát biểu ý kiến và tán thành với báo cáo thẩm tra về sự cần thiết ban hành nghị quyết thí điểm này. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều tán thành mô hình, phạm vi, thời hạn thực hiện thí điểm và một số cơ chế, chính sách được nêu trong dự thảo Nghị quyết.
Về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, đa số đại biểu Quốc hội tán thành việc cho sử dụng nguồn cải cách tiền lương, nếu dư ra thì để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng xã hội của thành phố Đà Nẵng. Việc giao cho Hội đồng nhân dân thành phố quyết định bổ sung khoản phí, lệ phí và tăng mức phí, lệ phí nhận được sự đồng thuận của nhiều đại biểu Quốc hội với Tờ trình của Chính phủ. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu Chính phủ và cơ quan thẩm tra tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Quốc hội xem xét, thông qua./.