THỐNG NHẤT VỀ PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP TRONG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

13/09/2018

Ngày 12/9, tại phiên thảo luận Phiên họp thứ 27 về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học của UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ cho biết, dự thảo Luật lần này đã quy định thống nhất về phân công và phân cấp trong GDĐH.

Toàn cảnh phiên họp

Về quản lý nhà nước về GDĐH, Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, để tăng cường trách nhiệm của Nhà nước trong đầu tư phát triển GDĐH, dự thảo Luật đã được điều chỉnh theo hướng đổi mới phương thức đầu tư, phân bổ ngân sách nhà nước cho GDĐH thông qua các hình thức đấu thầu, đặt hàng, tín dụng sinh viên; ưu tiên đầu tư ngân sách để phát triển một số cơ sở GDĐH, ngành đào tạo mang tầm khu vực và quốc tế cũng như có cơ chế phù hợp để phát triển một số ngành, vùng đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Đối với các trường đại học công lập tự chủ toàn phần chi phí, vẫn đảm bảo trách nhiệm nhà nước trong đầu tư phát triển theo nhiệm vụ cụ thể; đồng thời Luật quy định thúc đẩy xã hội hóa GDĐH thông qua các chính sách khuyến khích, ưu đãi các tổ chức, cá nhân đầu tư cho GDĐH như miễn thuế đối với tài sản hiến tặng và các nguồn lực hỗ trợ cho GDĐH hoặc cấp học bổng cho người học.

Dự thảo Luật cũng đã quy định theo hướng quản lý nhà nước chỉ tập trung vào việc hoạch định chiến lược, quy hoạch; quy định các chuẩn chất lượng, hướng dẫn thực hiện, kiểm định chất lượng, minh bạch thông tin, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm... và quy định thống nhất về phân công và phân cấp trong GDĐH; bổ sung quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về GDĐH để phục vụ công tác xây dựng chính sách phát triển GDĐH, công tác dự báo, xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, kiểm định, đánh giá, quản lý, giám sát và đáp ứng nhu cầu thông tin cho cá nhân, tổ chức có liên quan. Trên cơ sở quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời với việc tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH thì dần dần cơ chế cơ quan chủ quản của trường đại học sẽ được thay đổi.

Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu

Quan tâm đến việc Bộ Giáo dục và Đào tạo thay mặt Chính phủ quản lý thống nhất về giáo dục đại học, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, hiện tại hệ thống các học viện, các trường đại học đều có bộ chủ quản. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn chứng, Bộ Tư pháp quản lý Đại học Luật Hà Nội, quản lý Học viện Tư pháp, trong đó quyết định đầu tư, quyết định về cán bộ, quyết định về rất nhiều việc. Vậy nếu quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo thay mặt Chính phủ quản lý thống nhất về giáo dục đại học thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quyết định cái gì, mối quan hệ này cần xử lý như thế nào.

Bên cạnh đó, về vấn đề phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, hiện nay, Đại học Quốc gia là do Chính phủ quyết định thành lập, nhưng trường đại học lại do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Ngoài ra, còn có một số trường lại do Bộ chủ quản quyết định thành lập. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, những mối quan hệ về quản lý nhà nước, phân cấp, phân quyền như vậy, chưa nói các tỉnh, thành phố, thực tế mỗi tỉnh, mỗi thành phố có thể có một hoặc nhiều trường đại học, đặc biệt khi Luật này ra đời tự nhiên có thể có những trường phải giải thể, có những trường phá sản nhưng có những nơi sẽ thành lập mới. Do vậy, cần phải quy định nội dung về phân cấp, phân quyền rõ ràng hơn.

Ngoài ra, liên quan đến nội dung về phát triển hệ thống đại học tư thục, một số ý kiến đại biểu đề nghị quy định rõ chính sách xã hội hóa GDĐH để phát triển các trường tư thục; không đồng nhất giữa nhà trường với doanh nghiệp; không thương mại hóa giáo dục; làm rõ khái niệm cơ sở GDĐH tư thục không vì lợi nhuận và chính sách ưu tiên cho mô hình này.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ các khái niệm về trường tư thục, trường tư thục không vì lợi nhuận. Nhằm tạo hành lang pháp lý cho phát triển các trường tư thục không vì lợi nhuận, dự thảo Luật quy định cơ sở GDĐH tư thục không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục mà nhà đầu tư cam kết và thực hiện cam kết: không rút vốn, không hưởng lợi tức, phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường. Nhà nước có chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển các cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Dự thảo Luật cũng hướng đến việc quy định rõ mô hình và cơ chế tài chính của cơ sở GDĐH tư thục vận dụng theo mô hình doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo tính đặc thù của GDĐH và không thương mại hoá. Theo đó, yêu cầu  tách bạch việc quản lý, sử dụng vốn với hoạt động của nhà trường với yêu cầu nhà đầu tư phải thành lập tổ chức kinh tế trước khi thành lập trường; quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của nhà đầu tư thành lập trường tư thục và mối liên quan với Hội đồng trường tư thục; yêu cầu các trường tư thục phải trích tối thiểu 25% chênh lệch thu chi để tái đầu tư cho hoạt động giáo dục.

Đối với các trường tư thục đã thành lập trước khi Luật này có hiệu lực, không bắt buộc áp dụng quy định phải thành lập tổ chức kinh tế.

Thu Phương