Đề nghị hoàn thiện quy định trong dự thảo bảo đảm mục tiêu chính sách tăng cường xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý

10/11/2016

Sáng 10/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận về dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Thảo luận tại hội trường, dành sự quan tâm cho nội dung xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, đa số ý kiến các đại biểu đều cho rằng xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý là cần thiết, phù hợp với chiến lược cải cách tư pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội, sự tham gia của tổ chức, cá nhân chia sẻ trách nhiệm với nhà nước trong công tác trợ giúp pháp lý tăng thêm cơ hội, khả năng tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý của người dân.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại Hội trường                                               Ảnh: Đình Nam

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà- tỉnh Bắc Giang cho biết, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng có 51% vụ việc trợ giúp pháp lý do Mặt trận Tổ quốc và các trung tâm mời luật sư tham gia bào chữa. Trong đó có đến 41% người tham gia không nhận thù lao. Hiện nay, ngoài 595 trợ giúp viên pháp lý ở 63 Trung tâm pháp lý thuộc Sở Tư pháp còn có 177 trung tâm tư vấn pháp luật trực tiếp thuộc các tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp, các cơ sở nghiên cứu, các cơ sở đào tạo với khoảng hơn 3.000 người thực hiện tư vấn pháp luật. Các trung tâm này đã góp phần tích cực bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Thực tế, hầu hết trụ sở của các cơ sở trợ giúp pháp lý đều ở vị trí trung tâm thì rất khó cho các đối tượng vùng sâu, vùng xa tiếp cận trợ giúp pháp lý. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, việc phát triển mạng lưới các trung tâm để người dân tiếp cận gần hơn với trợ giúp pháp lý là việc làm cần thiết và cần coi đây là một chính sách Nhà nước bên cạnh các chính sách an sinh xã hội khác.

Ngoài ra, trợ giúp pháp lý không chỉ gồm đại diện cho đương sự tại tòa án mà còn có các hình thức tư vấn pháp luật như dự thảo quy định ở Điều 26. Trên thực tế tư vấn pháp luật đang chiếm đến 93% số vụ việc trợ giúp pháp lý. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, đối với những trường hợp vụ việc không quá phức tạp, hoàn toàn có thể huy động sự tham gia của cộng tác viên hoặc những người có kinh nghiệm tư vấn pháp luật ở cộng đồng. Như vậy, khi nguồn lực nhà nước có hạn, dự thảo cần mở rộng nói rõ hơn yêu cầu xã hội hóa để không bỏ phí một nguồn lực lớn tham gia thực hiện công tác trợ giúp pháp lý, thực tế nhà nước không thể gánh tất cả các chi phí xã hội mà xã hội có thể tham gia.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh- tỉnh Hoà Bình cho rằng quan điểm được nêu trong tờ trình của Chính phủ rất rõ về mục đích yêu cầu cần phải đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, tuy nhiên, thiết kế trong điều luật hoàn toàn không có điều đó. Đại biểu chỉ rõ, tại các Điều 11, 12, 13, 14 hoàn toàn chỉ có hai trường hợp được đẩy mạnh xã hội hóa, đó là tổ chức hành nghề luật sư và trung tâm tư vấn pháp luật còn lại các đối tượng khác không được phép. Đại biểu bày tỏ quan điểm, nếu xã hội hóa thì phải mở rộng các đối tượng được tham gia, kể cả các hoạt động thiện nguyện hay bảo vệ lợi ích của các đoàn viên, hội viên của mình. Tuy nhiên, theo phạm vi điều chỉnh nếu liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý đều phải quy định trong luật này, điều này chưa được thể hiện rõ. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần phải nghiên cứu thêm để quy định sao cho bảo đảm mục tiêu chính sách đề ra.

Bên cạnh đó, cũng có đại biểu cho rằng dự thảo luật chưa quan tâm đúng mức đến mục tiêu xã hội hóa trong hoạt động trợ giúp pháp lý và chưa coi trọng việc phát huy vai trò của các tổ chức, các cá nhân có khả năng tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý và chưa tạo điều kiện để các tổ chức chuyên ngành được tham gia trợ giúp pháp lý. Dự thảo luật chưa đáp ứng và chưa tương thích với mục tiêu nêu ra trong tờ trình của Chính phủ nhằm giải quyết những bất cập, những hạn chế của hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian vừa qua, trong đó có nhận định về công tác xã hội hóa để huy động nguồn nhân lực, vật lực trong xã hội tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý.

Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh- tỉnh Quảng Ninh nêu rõ dự thảo luật có một số quy định còn chưa sát với thực tiễn. Đại biểu dẫn chứng, việc quy định các điều kiện để các tổ chức chuyên ngành tham gia trợ giúp pháp lý phải có luật sư là chưa phù hợp bởi, thực tiễn hầu hết các trung tâm trợ giúp pháp lý hiện nay chỉ có tư vấn viên pháp luật và họ đang rất tích cực để tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng, trong khi đó theo tờ trình của Chính phủ có tới 93% vụ việc trợ giúp pháp lý là tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng.

Theo đại biểu Ngô Thị Minh, dự thảo luật chưa có các quy định phù hợp về cơ chế hỗ trợ và huy động sự tham gia của các tổ chức chuyên ngành và hoạt động trợ giúp pháp lý cho nhóm yếu thế. Thực tế nhiều tổ chức chuyên ngành như Hội bảo vệ quyền trẻ em, Hội người khuyết tật, Hội người cao tuổi, v.v... được thành lập hợp pháp ở Việt Nam đã và đang cùng với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia rất trách nhiệm vào các vụ việc trợ giúp pháp lý cụ thể cho các nhóm yếu thế như trẻ em, người khuyết tật.v.v...

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, kế thừa chính sách trợ giúp pháp lý đã quy định tại Điều 6 của luật năm 2006 và bổ sung thêm một số chính sách hỗ trợ cho các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, trong đó có các tổ chức chuyên ngành. Đồng thời, bổ sung chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, như khuyến khích phụ nữ, người dân tộc thiểu số, các tổ chức, cá nhân có kiến thức, có kỹ năng và kinh nghiệm trợ giúp cho trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật, nếu đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật được tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý.

Bảo Yến