THẢO LUẬN TỔ 16: CẦN ĐÁNH GIÁ KỸ LƯỠNG TÁC ĐỘNG VỀ MÔI TRƯỜNG TRƯỚC KHI TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN

06/06/2022

Sáng 06/06, sau khi làm việc tại hội trường, Quốc hội thảo luận tại Tổ về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1)...

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 16

Thảo luận tại Tổ 16, gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng, Bạc Liêu, Quảng Nam, Bình Phước. Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết đầu tư các dự án đồng thời đề nghị cần đánh giá tác động về môi trường đầy đủ; làm rõ hơn về cơ sở đầu tư, quy mô, tiến độ hoàn thành dự án,…

Theo Tờ trình của Chính phủ, các dự án đường Vành Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội (Dự án Vành đai 4) và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh (Dự án Vành đai 3), có vai trò liên kết Vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội cũng đã được dự kiến đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2011 -2020. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là sự hạn chế về nguồn lực nên chưa có điều kiện để triển khai trong giai đoạn này.

Đến nay, các điều kiện về cơ sở pháp lý, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, nhu cầu thực tiễn và nguồn lực cơ bản đáp ứng yêu cầu, do vậy, việc triển khai thực hiện Dự án trong giai đoạn 2021 – 2025 là hợp lý và cần thiết. Cụ thể là, việc đầu tư hoàn thành  dự án này sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong Vùng, phù hợp với Quy hoạch giao thông quốc gia; giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị; giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu,…

Cho ý kiến về Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội (Dự án Vành đai 4) và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh (Dự án Vành đai 3), các đại biểu nhất trí với sự cần thiết đầu tư 2 Dự án nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua và phù hợp với Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó yêu cầu “khẩn trương chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và cơ bản hoàn thành các dự án đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh”.

Bên cạnh đó, ý kiến đại biểu cũng cho rằng, các Dự án được lập cơ bản phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua; Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, phù hợp với quy hoạch của các ngành, các địa phương có liên quan và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (2 Dự án được triển khai đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025). 

Đại biểu Lê Văn Dũng, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 16

Về phạm vi đầu tư và cơ chế bảo đảm, chia sẻ phần giảm doanh thu của Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, một số ý kiến cho rằng việc thực hiện thu hồi, bồi thường, tái định cư dự trữ quỹ đất cho tuyến đường sắt trong khi tuyến đường sắt này không thuộc phạm vi đầu tư của Dự án và chưa rõ thời điểm đầu tư tuyến đường sắt là chưa hợp lý.

Liên quan đến phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đề nghị Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện để bảo đảm được tiến độ hoàn thành 2 Dự án và ban hành chính sách hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với người dân chịu ảnh hưởng của các Dự án.

Ngoài ra, các đại biểu cũng lưu ý,  việc triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc cùng một thời gian, trong đó tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2022 - 2025 sẽ cần một nguồn lực rất lớn, do đó sẽ khó bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2025. Đại biểu đề nghị đánh giá bổ sung đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu... để có giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho 2 Dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai. Chính phủ và các địa phương cần cam kết trách nhiệm tổ chức thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng cho 2 Dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai;…

Tại phiên thảo luận Tổ, các đại biểu cũng nhấn mạnh và đề nghị cần phải có đánh giá đầy đủ, toàn diện tác động về môi trường trước khi triển khai, nhằm đảm bảo tính hiệu quả, khả thi, hạn chế tối đa những tác động/ảnh hưởng đến môi trường có thể xảy ra,…

Một số ý kiến đề nghị làm rõ việc tính toán về sơ bộ tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần cũng như toàn bộ Dự án, bổ sung, làm rõ hơn về cơ cấu chi phí và suất đầu tư đối với các đoạn của Dự án và so sánh với các dự án tương tự. Trong bước nghiên cứu khả thi, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, chuẩn xác tổng mức đầu tư của các Dự án để bảo đảm tính đúng, tính đủ các chi phí theo quy định.

Đối với chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1), các đại biểu cho rằng, việc sớm đầu tư 03 dự án là hết sức cấp thiết nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết, Thông báo của Bộ Chính trị và đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế của vùng Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với đó, việc xây dựng 03 dự án còn giúp cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung, các vùng Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long nói riêng; tạo tiền đề, động lực và không gian mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo; phát triển phương thức vận tải bền vững hiện đại, góp phần giảm tai nạn giao thông. Việc triển khai đầu tư Dự án phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Quy hoạch mạng lưới đường bộ, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025, quy hoạch các ngành, các địa phương.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ tính cấp thiết, khả năng bố trí nguồn lực, đánh giá tác động của việc sử dụng vốn đầu tư công triển khai cùng lúc nhiều dự án hạ tầng đối với lạm phát, khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu. Đồng thời, một số ý kiến lưu ý, làm rõ cơ chế hoàn trả đối với tỷ lệ vốn góp của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; khẩn trương rà soát, sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật về thu phí để bảo đảm thực hiện thành công việc nhượng quyền thu phí...../.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội giới thiệu một số hình ảnh tại phiên thảo luận Tổ 16:

Tổ 16 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng, Bạc Liêu, Quảng Nam, Bình Phước. Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết đầu tư các dự án đồng thời đề nghị cần đánh giá tác động về môi trường đầy đủ; làm rõ hơn về cơ sở đầu tư, quy mô, tiến độ hoàn thành dự án,…

Các vị đại biểu Quốc hội  thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu tham dự phiên thảo luận Tổ 16 

Đại biểu Trần Hồng Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu tán thành h sự cần thiết đầu tư các dự án đồng thời đề nghị cần làm rõ hơn về cơ sở đầu tư, quy mô, tiến độ hoàn thành dự án,…

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đề nghị phải có đánh giá đầy đủ, toàn diện tác động về môi trường trước khi triển khai, nhằm đảm bảo tính hiệu quả, khả thi, hạn chế tối đa những tác động/ảnh hưởng đến môi trường có thể xảy ra,…

Các vị đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng tham dự phiên thảo luận tại Tổ 16

Các vị đại biểu Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Đại biểu Huỳnh Thành Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước nhấn mạnh các dự án đường Vành Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội (Dự án Vành đai 4) và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh (Dự án Vành đai 3), có vai trò liên kết Vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội cũng đã được dự kiến đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2011 -2020.

Tán thành với chủ trương đầu tư các dự án, đại biểu Lê Văn Dũng, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị thận trọng trong triển khai, có đánh giá tác động môi trường thận trọng, có phương án xử lý đường dân sinh phù hợp, thuận lợi cho người dân,...

Liên quan đến phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đề nghị Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện để bảo đảm được tiến độ hoàn thành 2 Dự án và ban hành chính sách hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với người dân chịu ảnh hưởng của các Dự án./.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Các bài viết khác