ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÌNH THUẬN LÀM VIỆC VỚI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VÀ CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

11/12/2021

Ngày 10/12, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đã có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Bình Thuận cùng các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Dự buổi làm việc có ông Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận; ông Phan Văn Đăng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận.

 

Toàn cảnh buổi làm việc

Trong năm 2021, trước những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Bình Thuận cùng các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ về tín dụng, giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay. Công tác thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, thanh toán chuyển tiền điện tử tiếp tục được đẩy mạnh, việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu được quan tâm.

Đối với các ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận tại các buổi tiếp xúc cử tri cũng đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Bình Thuận chuyển đến các đơn vị liên quan, xem xét, giải quyết và đã có văn bản trả lời cho cử tri được biết.

Về các khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận và các tổ chức tín dụng trên địa bàn cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh năm 2021 tăng trưởng chậm chỉ đạt 6,23%, thấp hơn cùng kỳ năm trước 9,74 % và thấp hơn mặt bằng chung của cả nước, một số đơn vị có mức tăng trưởng âm. Nợ xấu có xu hướng gia tăng (tăng 35% so với đầu năm), việcthu hồi nợ cho vay theo nghị định 67 chưa đảm bảo.

Đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh đóng góp ý kiến về hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong năm 2021

Việc kết nạp thành viên phải thông qua Đại hội, thành viên chưa có sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Hợp tác xã 2012 (tại khoản 7 điều 36 quy định việc kết nạp thành viên thuộc quyền hạn và nhiệm vụ của Hội đồng quản trị) và Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (Tại khoản 2 điều 80 thì việc kết nạp thành viên của Quỹ tín dụng Nhân dân thuộc quyền hạn và nhiệm vụ của Đại hội), do đó ảnh hưởng việc thu hút thành viên mới và gây khó khăn trong hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng Nhân dân.

Dư nợ cho vay đối với đối tượng thuộc khu vực kinh tế tập thể đạt rất thấp chỉ chiếm 0,1% tổng số dư nợ cho vay toàn địa bàn trong khi đó nhu cầu vay vốn của các Hợp tác xã là rất lớn. Nguyên nhân của việc này là do các đối tượng kinh tế tập thể không có phương án sử dụng nguồn vốn khả thi hoặc không chứng minh được khà năng tài chính để trả nợ, hiện nay tỉnh Bình Thuận chưa thành lập được quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã nên các HTX chưa tiếp cận được nguồn vay.

Về kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Bình Thuận kiến nghị Quốc hội xem xét cho phép các Quỹ tín dụng Nhân dân khi kết nạp thành viên mới được thực hiện theo khoản 7, Điều 36 Luật Hợp tác xã 2012 đồng thời sớm ban hành Nghị quyết và cơ chế mới thông thoáng hơn giúp các Hợp tác xã vay vón phát triển kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Về chính sách tín dụng phát triển thủy sản theo Nghị định số 67: đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành liên quan sớm giải quyết các kiến nghị liên quan đến rà soát hoàn thiện cơ chế chính sách, có chỉ đạo hỗ trợ để hỗ trợ ngân hàng trong quản lý dòng tiền, thu hồi nợ vay, quản lý, thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo, bồi hoàn bảo hiểm khi có rủi ro xảy ra.

Ông Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận ghi nhận những kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Bình Thuận  và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh để gửi Quốc hội, Chính phủ xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Bình Thuận tiếp tục bám sát chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết 31 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 12/11/2021 nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Bình Thuận theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước, quyết liệt chỉ đạo các tổ chức tín dụng cam kết giảm lãi suất vay, tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chế biến, lưu thông hàng hóa; Quan tâm hỗ trợ cho  khách hàng là người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Chi nhánh ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Thuận cũng cần đẩy nhanh triển khai Chính sách cho vay theo Nghị quyết 68./.

Lê Trang