ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÌNH ĐỊNH: NHIỀU GÓP Ý VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT MỘT SỐ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ

27/10/2021

Trong phiên thảo luận sáng 27/10, các đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định nhất trí về việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị, góp phần thúc đẩy phát triển các địa phương.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định tham gia phiên thảo luận trực tuyến sáng 27/10

Đại biểu Lê Kim Toàn, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định nhận định, về vấn đề thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi đất trồng lúa từ 500 ha trở lên và đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ từ 50 ha trở lên, theo quy định của pháp luật hiện hành là thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Tuy nhiên, để đảm bảo tính kịp thời trong thực hiện Nghị quyết thí điểm đối với 4 địa phương trên, đại biểu Lê Kim Toàn đề xuất nên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Đồng thời, đại biểu đề nghị cần cân nhắc lại thời gian thực hiện Nghị quyết này bắt đầu từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2025 (thuộc nhiệm kỳ quốc hội khóa XV). Trên cơ sở đó, Quốc hội tiến hành đánh giá lại kết quả thực hiện chính sách để điều chỉnh; từ đó để Quốc hội nhiệm kỳ mới có quyết sách hợp lý hơn.

Đại biểu Lê Kim Toàn, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phát biểu thảo luận

Đại biểu Lý Tiết Hạnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cũng bày tỏ nhất trí sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm số cơ chế, chính sách đặc thù đối với 4 địa phương, nhận thấy có đầy đủ các cơ sở pháp lý, phù hợp với Hiến pháp và các quy định hiện hành.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phát biểu thảo luận

Đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia, đại biểu cho biết hiện các ngành chức năng đang xây dựng quy hoạch về bảo tồn sinh học, bảo vệ rừng, phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường bền vững, là một vấn đề rất lớn không chỉ trong giai đoạn hiện nay đối với nước ta mà còn trong tương lai và là vấn đề toàn cầu. Bốn địa phương Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế đều những khu vực có đặc điểm địa lý, địa chính trị hết sức đặc biệt, vì vậy cũng từ ý kiến thẩm định, thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách, đại biểu đề nghị Chính phủ và các cơ quan soạn thảo giải trình rõ hơn nội dung về thẩm định, đánh giá tác động đối với quy hoạch tổng thể quốc gia khi xây dựng cơ chế đặc thù cho bốn địa phương trên.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, đề nghị trong thẩm quyền chung và đối với ba loại hình đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ biên giới và đất rừng phòng hộ đầu nguồn, cần quy định của pháp luật hiện hành, chỉ có đối với đất rừng phòng hộ khác, tùy theo điều kiện phát triển của địa phương trong Nghị quyết này có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, có một số thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh liên quan tới rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, đất trồng lúa, đại biểu cho rằng đối với đất trồng lúa thì địa phương có thể tự quyết định. Nhưng đối với rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng nên theo pháp luật hiện hành vì nói nó nằm trên địa bàn nhưng rừng này ảnh hướng tới cái chung, ảnh hưởng tới dân sinh, đa dạng sinh học./.

Nguyễn Hùng