ĐOÀN ĐBQH TỈNH TUYÊN QUANG: NHIỀU Ý KIẾN ĐÓNG GÓP XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT ĐIỆN ẢNH( SỬA ĐỔI)

24/10/2021

Trong ngày làm việc thứ 4, (23/10), Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi),

Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang thảo luận tại tổ ngày 23/10

Tham gia thảo luận về Dự án luật Điện ảnh (sửa đổi), các đại biểu tỉnh Tuyên Quang cho rằng, Luật sửa đổi đã kế thừa các quy định hiện hành và sửa đổi bổ sung nhiều quy đinh mới cơ bản phù hợp với 4 chính sách đề xuất trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua gồm: tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam, quảng bá điện ảnh trong nước và ngoài nước; đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triểm của cách mạng khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bày tỏ quan điểm, cần có phương án cụ thể về quản lý hình thức phổ biến phim trên không gian mạng từ hậu kiểm, tiền kiểm, tránh để lộ lọt phim vi phạm pháp luật, không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Luật điện ảnh (sửa đổi) cần phải tạo ra hành lang pháp lý và chính sách đột phá, có tầm nhìn dài hạn để phát triển điện ảnh Việt Nam với tư cách vừa là ngành văn hóa nghệ thuật, vừa là ngành dịch vụ văn hóa, nghành kinh tế trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Đồng chí Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm đề nghị, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần có quy định cụ thể về hệ thống tổ chức bộ máy, sắp xếp hệ thống tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; trong tổ chức và sử dụng ngân sách Nhà nước cho chiếu phim: Đề nghị có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy tư nhân tham gia đấu thầu, sản xuất phim phản ánh về  truyền thống, lịch sử cách mạng; phản ánh công cuộc Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa của Việt Nam.

Về Quỹ hỗ trợ điện ảnh, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Ma Thị Thúy đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm đối tượng được giảm giá vé xem phim trong hệ thống rạp chiếu phim, vì trẻ em là đối tượng được ưu tiên theo quy định của Luật Trẻ em, tuy nhiên tại Điểm c và điểm d khoản 2 Điều 20 dự thảo luật quy định tỷ lệ được giảm giá vé xem phim trong rạp chiếu phim lại không quy định đây là đối tượng được ưu tiên giảm giá vé; đồng thời, đề nghị mở rộng việc huy động vốn vào Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tại khoản 1 Điều 43. Đồng thời, đề nghị có nguyên tắc hoạt động của Quỹ này…

Về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách Nhà nước (Điều 15), Đại biểu Nguyễn Việt Hà đề nghị lựa chọn phương án 1, phương án không có yếu tố đấu thầu, vì đây là thực hiện nhiệm vụ chính trị; đồng thời đề nghị bổ sung việc hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức khác ngoài nguồn ngân sách nhà nước...

Các đại biểu cũng tích cực tham gia đóng góp ý kiến, tập trung  phân tích những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị Luật cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Nhiều đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đề nghị như: Chính phủ có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện để thực hiện đối với các danh hiệu thi đua “xã tiêu biểu”, “Phường tiêu biểu”, để việc thực hiện được thống nhất, đảm bảo; rà soát, có quy định về việc nhận các danh hiệu thi đua đối với các tổ chức quốc tế và các quốc gia khác trao tặng; tiêu chí xét tặng danh hiệu thi đua, việc công nhận danh hiệu thi đua; một số quy định về tiêu chuẩn khen thưởng, quy định thủ tục, hồ sơ khen thưởng đối với cá nhân, tổ chức. Một số ý kiến đại biểu cho rằng,  cần làm rõ mối quan hệ giữa thi đua, khen thường nhằm tạo động lựa phát triển phong trào thi đua và làm rõ thêm yếu tố tiêu chuẩn để nhận danh hiệu thi đua xã tiêu biểu, phường, thị trấn tiêu biểu; thôn, làng, bản, ấp tiêu biểu./.

Bích Hạnh